Giá đôla chợ đen chính thức vượt tỉ
giá chính thức
Cập nhật lúc 16:37
Theo sau mức
tăng của tỉ giá tại các ngân hàng thương mại, giá đôla Mỹ (USD) trên thị
trường tự do thậm chí còn có mức tăng mạnh hơn và vượt tỉ giá chính thức.
Xu hướng
tăng giá mua bán USD tiếp tục được các ngân hàng thương mại (NHTM) điều chỉnh
trong ngày 31.5 với mức tăng thêm 5-10 đồng mỗi USD ở cả hai chiều mua vào và
bán ra.
Với mức tăng nói trên, giá bán ra USD phổ biến tại các ngân hàng
hiện đang ở mức 23.470-23.480 VND/USD. Ở chiều mua vào, các ngân hàng hiện
niêm yết trong khoảng 23.317 – 23.370 VND/USD và duy trì khoảng chênh lệch an
toàn với giá bán ra. So với cuối tuần trước, giá mua bán USD tại các ngân
hàng có tiềm lực mạnh về ngoại tệ như Vietcombank lần lượt tăng tới 25 đồng.
Đáng chú ý trên thị trường tự do, khảo sát cho thấy dù chỉ tăng 5
đồng mỗi USD trong sáng nay (31.5), giá đô la Mỹ đang tiến gần sát tỉ giá tại
các NHTM khi được giao dịch ở mức giá 23.415 - 23.450 USD.
Như vậy so với giá mua vào tại các ngân hàng thương mại, giá đôla
được mua vào trên thị trường tự do hiện cao hơn tới 45 - 98 đồng mỗi USD. Đây
cũng là lần đầu tiên giá đôla tự do vượt qua giá chính thức sau một thời gian
rất dài giữa khoảng cách giá thấp hơn.
Diễn biến này thực tế đã được Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia
ghi nhận từ tuần trước đó. Cụ thể trong tuần đến ngày 24.5, theo Ủy ban Giám
sát tài chính Quốc gia, trong khi tỉ giá tại các ngân hàng chỉ tăng khoảng 94
- 96 đồng mỗi USD, giá đôla Mỹ trên thị trường tự do lại tăng tới 120
đồng ở chiều mua vào và 110 đồng ở chiều bán ra so với cuối tuần trước đó,
lần lượt lên mức 23.400 - 23.430 VND/USD.
Một tính toán cho thấy, tính từ đầu năm 2019 tới nay, VND có
mức giảm giá khoảng 0,7% so với USD.
Giải mã về xu hướng tăng của tỉ giá trong hai tuần gần đây, các
phân tích thị trường cho thấy bên cạnh những áp lực từ căng thẳng thương mại
Mỹ - Trung, nhập siêu của Việt Nam tăng mạnh lên 1,85 tỉ USD trong nửa đầu
tháng 5 cũng có thể là một trong các yếu tố khiến tỉ giá tăng tương đối mạnh
từ đầu tháng 5 cho tới nay.
Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trái ngược với tình
hình lạc quan của những tháng trước, cán cân thương mại trong 15 ngày đầu
tháng 5.2019 thâm hụt tới 1,85 tỉ USD và là mức nhập siêu cao nhất kể từ đầu
năm 2019 đến nay. Tính chung 5 tháng đầu năm, Việt Nam nhập siêu 548 triệu
USD trong khi cùng kỳ năm trước xuất siêu tới 2,6 tỉ USD.
Trước những biến động của tỉ giá trong tháng 5, người đứng
đầu Vụ Chính sách tiền tệ - Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), ông Phạm
Thành Hà từng khẳng định rằng, trong trường hợp cần thiết, NHNN sẵn sàng bán
ngoại tệ can thiệp với tỉ giá bán phù hợp để bình ổn thị trường, góp phần ổn
định kinh tế vĩ mô.
(Theo Lao Động) LAM DUY
|
Thứ Sáu, 31 tháng 5, 2019
Phó bí thư Sơn La: Không ai gắp điểm
bỏ tay con mình, gian lận thì nhận đi
Cập nhật lúc 15:43
Theo Phó bí thư Tỉnh ủy Sơn La, vụ nâng điểm thi là
mất mát quá lớn và sẽ xử lý đến cùng. "Đây là chúng tôi đang cứu vớt các
đồng chí, hãy tự giác nhận đi".
Trả lời báo chí bên lề QH sáng
nay, Phó bí thư thường trực Tỉnh ủy Sơn La Nguyễn Đắc Quỳnh khẳng định,
việc xử lý cán bộ trong vụ nâng điểm là không có vùng cấm, không có vùng
trống.
"Không có bất kỳ điều gì ở đây, chỉ có sự thật thôi! Và xử
lý nghiêm minh trên cơ sở căn cứ kết quả điều tra. Điều tra đến đâu xử lý đến
đó, rõ đến đâu làm đến đó. Đây là quan điểm của Ban Thường vụ Tỉnh ủy. Chúng
tôi rất quyết liệt việc này", ông Quỳnh nói.
Theo ông, TƯ có quy định là những vụ án phức tạp thì Thường vụ
cấp uỷ phải chỉ đạo.
Hiện Tỉnh ủy Sơn La đang ráo riết việc này, đang giao cho Ủy ban
Kiểm tra Tỉnh ủy, Ban Tổ chức Tỉnh ủy phối hợp cùng Cơ quan an ninh điều tra,
xác định rõ, xem trách nhiệm đến đâu sẽ xử lý đến đó.
Sẽ công khai nhưng không phải
tung hết cả lên
Các cán bộ liên quan đã có
bản tường trình, kiểm điểm liên quan đến vị gian lận điểm thi để gửi về Tỉnh
ủy. Họ giải trình thế nào, có ai nhận trách nhiệm không, thưa ông?
Hiện chúng tôi chưa nghe báo cáo. Ban Tổ chức Tỉnh ủy vẫn đang
làm, chúng tôi sẽ làm việc với các chi bộ có đảng viên liên quan đến vụ gian
lận. Một là kêu gọi họ, nếu có thì hãy nhận đi.
Tôi đã nói thẳng trong cuộc họp là không ai tự nhiên gắp điểm bỏ
tay con mình đâu. Nếu có thì phải nhận đi.
Việc công khai danh tính thí
sinh và phụ huynh trong vụ nâng điểm này đang có nhiều quan điểm trái chiều.
Quan điểm của ông?
Tôi đã chỉ đạo là sẽ công khai, nhưng phải có cách, chứ không
phải tung hết cả lên như thế này. Khi xét xử lý hình sự vụ việc thì cũng là
một hình thức công khai.
Nếu hành vi của họ ở mức xử lý hành chính, kỷ luật theo luật Cán
bộ công chức, viên chức thì cũng là một hình thức công khai. Đảng viên có
trách nhiệm nêu gương rất lớn, nên càng phải xử lý công khai, minh bạch.
Nếu chứng minh có việc nhận
tiền, dứt khoát xử tội đưa-nhận hối lộ
Thực hư về thông tin một suất
nâng điểm thi ở Sơn La có giá hàng tỉ đồng như thế nào?
Tôi có nghe Phó viện trưởng Viện KSND Sơn La báo cáo rằng thông
tin này mới là một phía, lời khai của đối tượng, chưa có căn cứ để khẳng
định. Vẫn cần phải kiểm chứng.
Chúng tôi đã yêu cầu phải khẩn trương chứng minh, nếu có việc lợi
dụng chức vụ quyền hạn để trục lợi cũng phải xử lý. Còn nếu chứng minh có
việc nhận tiền, thì dứt khoát phải xử lý về tội đưa-nhận hối lộ. Chúng tôi
kiên quyết không để yên đâu.
Cũng có thông tin các phụ
huynh, quan chức liên quan đều nói là đưa danh sách cho các bị can trong vụ
án gian lận điểm thi là chỉ nhờ xem điểm thôi, chứ không phải là nhờ nâng
điểm. Có phụ huynh, cán bộ, dù được bị can trả lại tiền nhờ nâng điểm trước
đó, nhưng kiên quyết không nhận. Dư luận cho rằng họ cố ý làm như vậy để trốn
tội đưa-nhận hối lộ. Ông nghĩ sao?
Tôi chưa bình luận gì về điều này. Đây là quyền của họ, có khai
thế nào là quyền của họ. Tôi chỉ muốn nhấn mạnh là dứt khoát phải tìm ra sự
thật, tìm ra chứng cứ.
Sơn La phân công ông Phạm Văn
Thủy - Phó chủ tịch UBND tỉnh tiếp tục làm Trưởng ban chỉ đạo kỳ thi năm
2019, trong thi kỳ thi 2018 do ông này làm trưởng ban chỉ đạo vẫn chưa xử lý
dứt điểm?
Ngay chiều 30/5, chúng tôi đã thay trưởng ban chỉ đạo rồi. Chúng
tôi tiếp thu ý kiến dư luận. Ông Thủy là Phó chủ tịch phụ trách Văn xã, cũng
quen việc rồi, khi có dư luận thì chúng tôi đã cử đồng chí Lê Hồng Minh - Phó
chủ tịch tỉnh làm trưởng ban chỉ đạo.
Tiến trình điều tra hiện nay
đến đâu, thưa ông?
Chúng tôi đã khai trừ khỏi Đảng 8 đồng chí là bị can trong vụ án
gian lận thi cử. Viện KSND tỉnh đang hoàn tất cáo trạng để gửi ra TAND Sơn La
xét xử.
Với cá nhân ông Hoàng Tiến
Đức - Giám đốc Sở GD-ĐT thì sao, có thông tin ông này đã đưa danh sách thí
sinh để nhờ Phó giám đốc Sở nâng điểm?
Hiện UB Kiểm tra Tỉnh ủy đang làm. Sáng nay sẽ họp để kiểm điểm
trách nhiệm của ông Đức và ông Thủy liên quan đến vụ việc.
Đi ăn cắp cơ hội của người khác cho con em mình là không được.
Thầy giáo như vậy là không được. Thầy giáo phải trung thực. Ở đây tôi không
nói chuyện tiền nong hay không mà chỉ cái việc anh làm việc đó là đã không
đáng làm thầy giáo rồi. Có chuyện tiền nong nữa thì càng không được.
Áp lực
Ông có thấy áp lực khi câu
chuyện nâng điểm ở Sơn La nổi lên ở khắp nơi?
Áp lực chứ. Tôi nhìn thấy trách nhiệm của người lãnh đạo, trách
nhiệm của chính mình trong việc chỉ đạo để làm quyết liệt vụ việc. Dù không
trực tiếp, không liên quan đến việc làm của họ, nhưng đây cũng là những đảng
viên của mình.
Thực sự mất mát quá lớn. Tôi thấy rất buồn. Chúng tôi sẽ xử lý
đến cùng, để minh bạch, làm trong sạch đội ngũ của mình.
Đây là chúng tôi đang cứu vớt các đồng chí, các đồng chí hãy tự
giác, hãy tự nhận đi. Sau này sẽ là tình tiết giảm nhẹ cho các đồng chí, còn
nếu ai không nhận, sau này tìm ra chứng cứ, thì đây sẽ là tình tiết tăng nặng.
Ông có chia sẻ gì với các đại
biểu QH khi cho rằng gian lận thi cử như vậy là cướp cơ hội của người khác?
Tôi rất chia sẻ. Hôm nọ tôi đã nói thẳng với anh em như vậy là ăn
cắp cơ hội của người khác. Thực ra còn đau khổ ở chỗ có em đủ điểm rồi, thừa
đỗ nhưng không hiểu vì lý do gì đó lại đi xin điểm.
Cuối cùng con đủ điểm học mà vẫn phải về. Chứng tỏ bố mẹ thương
con không đúng cách là tự giết con mình. Mà nhiều cháu rất tự trọng, không muốn
điều này đâu. Sau đó các con cũng lên án bố mẹ đấy. Tôi biết điều này. Chính
thầy giáo phải đến vỗ về các con.
(Theo VietNamNet) Thu Hằng -
Hồng Nhì
Sơn La thì nóng mà sao Hà Giang cứ lạnh ngắt mãi thế nhỉ? Hay tại ông Tài Vinh đã xử lí "kiểm điểm" xong rồi vì nghĩ rằng việc này "nhỏ như con thỏ vùng cao"?
Thương Giang
|
Tái xuất rác thải: đừng chần chừ!
Cập nhật lúc 09:45
Philippines và Malaysia quyết tuyên chiến với rác
thải nhựa khi yêu cầu các nước thu hồi rác thải mà họ đổ sang. Việt Nam đã đi
trước khi siết chặt nhập khẩu rác thải nhưng việc xử lý, kể cả tái xuất vẫn ở
giai đoạn hoàn thiện phương án.
Chi cục hải quan cửa khẩu
cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra các container hàng, phần lớn là rác thải công
nghiệp - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Đã có bao nhiêu container rác bị buộc tái xuất khỏi
Việt Nam? Tổng cục Hải quan cho biết hiện chưa có thống kê. Trong khi đó, thống
kê mới nhất cho thấy hiện có gần 9.000 container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày
chưa biết xử lý ra sao...
Phế liệu nhập về Việt Nam giảm
mạnh
Theo Cục
giám sát quản lý về hải quan - Tổng cục Hải quan, năm 2014 Việt Nam đứng thứ
tư thế giới về nhập khẩu phế liệu nhựa chỉ sau Trung Quốc đại lục, Hong Kong
và Malaysia.
Đến năm
2018, khi Trung Quốc cấm nhập khẩu 24 loại phế liệu thì lượng phế liệu nhựa
khổng lồ của thế giới đã đổ vào Việt Nam.
Trong 6
tháng đầu năm 2018 có tới 275.000 tấn phế liệu nhựa nhập về Việt Nam, tăng
200% so với cùng kỳ năm trước, đưa Việt Nam vọt lên đứng thứ nhì thế giới về
nhập khẩu phế liệu nhựa chỉ sau Malaysia.
Tuy
nhiên Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kịp thời chỉ đạo dựng hàng rào ngăn rác
từ xa nên 6 tháng cuối năm 2018 chỉ có hơn 100.000 tấn nhựa phế liệu cập cảng
Việt Nam và những tháng đầu năm 2019 tiếp tục giảm mạnh.
Theo Cục
Hải quan TP.HCM, trong tuần từ ngày 17 đến 23-5-2019 chỉ có 279 container phế
liệu các loại từ nước ngoài nhập về các cảng trên địa bàn TP. Trong đó nhiều
nhất là giấy phế liệu với 267 container, sắt thép 11 container. Riêng mặt
hàng nhựa phế liệu chỉ có 1 container.
Ngày 30-5,
Tổng cục Hải quan cho biết thời gian qua phế liệu nhập về Việt Nam giảm mạnh
so với hồi năm 2018 do Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo nhiều biện pháp siết chặt
kiểm soát mặt hàng này ngay từ nước xuất khẩu và khi tàu cập cảng.
Số liệu
mới nhất cho thấy tại các cảng biển trong cả nước có hơn 14.000 container phế
liệu các loại (giấy, sắt thép, nhựa), giảm gần 3.000 container so với tháng
trước. Trong số này có tới gần 9.000 container phế liệu lưu bãi hơn 90 ngày
không có người nhận (vô chủ) và hơn 600 container nằm tại cảng từ 30-90 ngày
chưa làm thủ tục thông quan.
Thời
gian qua hải quan cũng đã thực hiện khám xét khá nhiều container phế liệu
nhựa vô chủ. Kết quả: tất cả các container này đều chứa... rác!
Riêng
tại các cảng ở TP.HCM hiện có 2.500 container phế liệu vô chủ vì đã quá 90
ngày không có người nhận. Trong đó có tới 2.449 container nhựa phế liệu. Số
container này đã tồn đọng từ cuối năm 2018.
Ngày
17-9-2018, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành chỉ thị 27/CT-TTg về một số giải
pháp cấp bách tăng cường công tác quản lý đối với hoạt động nhập khẩu và sử
dụng phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Hiện nay
Tổng cục Hải quan đang phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh, TP xây
dựng quy chế phối hợp kiểm soát phế liệu nhập khẩu để báo cáo Thủ tướng Chính
phủ phê duyệt.
Quyết
định này sẽ là cơ sở pháp lý quan trọng trong việc cụ thể hóa, cá thể hóa
trách nhiệm của các bộ, ngành, góp phần nâng cao hiệu quả trong công tác quản
lý, kiểm soát phế liệu.
Với hàng
loạt biện pháp xử lý vi phạm trong nước rất mạnh tay và kiểm soát nghiêm ngặt
việc nhập khẩu phế liệu từ nước xuất khẩu, từ đầu năm đến nay lượng phế liệu
nhập về Việt Nam đã giảm mạnh. Cơ quan hải quan chưa phát hiện doanh nghiệp
nhập rác nhưng khai báo là phế liệu đạt chuẩn như hồi năm 2018.
Hàng rào
ngăn rác thế giới đổ về Việt Nam mà Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo dựng
lên ngày 17-9-2018 đến nay đã phát huy hiệu quả tích cực.
Rác thải nhựa trong
container phế liệu nhập từ nước ngoài về Hải Phòng - Ảnh: V.TR.
Lúng túng trong xử lý container vô chủ
Ông
Hoàng Văn Thức - phó tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường (Bộ TN-MT) - cho
biết Bộ Tài chính được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì, hoàn thiện kế hoạch
xử lý hàng tồn đọng ở các cảng biển là phế liệu. Tới đây bộ này sẽ chủ trì
thành lập tổ công tác liên ngành cùng với các bộ
TN-MT,
GTVT, Tư pháp, Công an và các tỉnh, TP để xử lý hàng hóa tồn đọng là phế liệu
tại các cảng biển.
Các bước
xử lý container tồn đọng tới đây gồm: thành lập hội đồng xử lý tại cục hải
quan các tỉnh, TP. Sau đó sẽ xác minh, thông báo tìm chủ hàng. Kiểm kê, phân
loại hàng hóa tồn đọng quá 90 ngày và xác định hình thức xử lý.
Căn cứ
Bộ luật hàng hải năm 2015 và Luật hải quan năm 2014, cơ quan hải quan sẽ có
thông báo yêu cầu hãng tàu có trách nhiệm vận chuyển lô hàng tồn đọng là chất
thải nguy hại hoặc gây ô nhiễm môi trường ra khỏi lãnh thổ Việt Nam trong
vòng 30 ngày.
Những
hãng tàu nào không chấp hành thì Bộ GTVT sẽ có biện pháp cưỡng chế, xử lý
hoặc dừng cấp phép ra vào cảng của Việt Nam.
Tuy
nhiên do hiện nay chưa xác định lô hàng nào gây ô nhiễm và do hãng tàu nào
vận chuyển đến Việt Nam nên chưa có thông báo buộc tái xuất.
Những lô
hàng không được vận chuyển ra khỏi lãnh thổ Việt Nam thì sẽ xử lý bằng biện
pháp tiêu hủy. Bộ TN-MT chịu trách nhiệm đánh giá năng lực của các doanh
nghiệp về khả năng tiêu hủy hàng hóa tồn đọng.
Đối với
những lô hàng thuộc danh mục được phép nhập khẩu và đạt quy chuẩn kỹ thuật
quốc gia về môi trường, hội đồng xử lý sẽ quyết định bán đấu giá cho các
doanh nghiệp đủ điều kiện được mua phế liệu làm nguyên liệu sản xuất.
Danh
sách các doanh nghiệp đủ điều kiện xử lý hàng hóa tồn đọng sẽ được Bộ TN-MT
thẩm định, cung cấp cho Tổng cục Hải quan để làm căn cứ tổ chức bán đấu giá.
"Từ
cuối năm 2018 đến nay có container nào bị buộc tái xuất khỏi Việt Nam
không?". Tổng cục Hải quan cho biết hiện chưa có thống kê về việc này.
Còn theo ông Hoàng Văn Thức, Thủ tướng đã giao Bộ Tài chính chủ trì đề xuất
phương án, thống nhất với các ngành rồi mới thành lập hội đồng xử lý.
Hiện nay
Bộ Tài chính đang trong giai đoạn lấy ý kiến hoàn thiện phương án xử lý. Do
đó, số phận của gần 9.000 container phế liệu tồn đọng trên 90 ngày hiện vẫn
chưa biết ra sao.
Một cán
bộ hải quan cho biết khả năng cao là phải tiêu hủy bởi vì nếu phế liệu đạt
chuẩn thì chủ hàng đã đến làm thủ tục thông quan từ lâu rồi. Hàng không đạt
chuẩn không bán đấu giá được, buộc hãng tàu tái xuất khó khả thi.
Nếu phải
tiêu hủy thì vấn đề mới phát sinh, đó là doanh nghiệp có tiêu hủy thật hay
luồn lách để đưa vào nhà máy tái chế?
Thực tế
trước khi Thủ tướng chưa ban hành chỉ thị 27 tháng 9-2018 thì bằng cách nào
đó những container phế liệu như thế này vẫn được thông quan đưa về nhà máy
tái chế.
Nếu làm
không chặt chẽ, nghiêm túc thì Nhà nước sẽ mất chi phí tiêu hủy nhưng rác vẫn
lọt vào nhà máy làm lợi cho doanh nghiệp, còn môi trường và sức khỏe người
dân bị xâm hại.
Một số
nguồn tin của Tuổi Trẻ cho biết mặc dù Bộ Tài chính chưa có phương án xử lý
tiêu hủy hay đấu giá số container phế liệu tồn đọng, nhưng đã có nhiều doanh
nghiệp môi trường nộp đơn xin tham gia đấu giá và tiêu hủy. Điều này cho thấy
phế liệu tồn đọng dù chỉ là rác thải nhưng lại được nhiều doanh nghiệp dành
sự "quan tâm" rất lớn như một món hàng béo bở.
Hàng ngàn container phế liệu tồn đọng tại cảng
Cát Lái, TP.HCM - Ảnh: NGỌC KHẢI - Đồ họa: N.KHANH
Rác thải nhựa vô chủ từ đâu
đến?
Hiện nay các cơ quan chức năng chưa kiểm
tra, phân loại nên chưa biết số lượng container phế liệu nhựa vô chủ là rác
thải và cũng chưa biết những container đó đến từ đâu.
Tuy nhiên, theo tài liệu Tuổi Trẻ nắm
được, trong năm 2018 doanh nghiệp Việt Nam chủ yếu nhập khẩu phế liệu nhựa từ
các quốc gia, vùng lãnh thổ sau đây: Nhật Bản 24,8%; Mỹ 14%; Hàn Quốc 12,6%;
châu Âu 15%; Thái Lan 9,3%; Hong Kong: 3,7%.
Ngoài ra, nguồn phế liệu nhựa còn đến từ Canada, Đài Loan, Trung Quốc
đại lục, Singapore...
Đã khởi tố nhiều vụ nhập phế
liệu trái phép
Đến nay Cục Điều tra chống buôn lậu và
Cục Hải quan TP Hải Phòng đã khởi tố nhiều vụ án liên quan đến các doanh
nghiệp do có hành vi nhập khẩu phế liệu trái phép và đã chuyển hồ sơ sang Bộ
Công an để điều tra theo thẩm quyền.
Cụ thể, 6 doanh nghiệp sau: Công ty TNHH DVTM XNK Đức Đạt (tỉnh Ninh
Bình), DNTN sản xuất bao bì Trường Thịnh (tỉnh Ninh Bình), Công ty TNHH sản
xuất kinh doanh dịch vụ xây dựng Hồng Việt (TP.HCM), Công ty TNHH MTV Hương
Quỳnh Cẩm Hưng (tỉnh Hải Dương), Công ty cổ phần DFG (tỉnh Hải Dương), Công
ty TNHH ĐTTM XNK Minh Tân (Hà Nội).
(Theo Tuổi Trẻ) VÂN TRƯỜNG
|
Chuyển
nhầm 4,5 tỉ cho doanh nghiệp, đi kiện lên bờ xuống ruộng không xong
Cập nhật lúc 09:26
Bà Trần Thị H., ngụ quận 7 (TP.HCM), khởi kiện Công ty TNHH C. (quận 3, TP.HCM) vì vào tháng 5-2018, bà H. đến ngân hàng BIDV chuyển nhầm hơn 4,5 tỉ đồng vào tài khoản của công ty C nhưng công ty này 'quyết' không trả lại.
Theo hồ sơ vụ việc, bà Trần Thị H., ngụ quận 7 (TP.HCM), khởi
kiện Công ty TNHH C. (trụ sở đặt tại quận 3, TP.HCM) vì vào tháng 5-2018,
bà H. trong một lần đến ngân hàng BIDV để giao dịch đã thực hiện ủy nhiệm
chi, chuyển số tiền hơn 4,5 tỉ đồng vào tài khoản của Công ty C. (có tài
khoản tại ngân hàng An Bình), trong khi bà đáng lẽ chuyển tiền này để góp
vốn với một công ty khác.
Do trước đó từng có giao dịch chuyển tiền
cho Công ty C., nên bà H. đã nhầm lẫn khi thực hiện lệnh chuyển tiền.
Doanh nghiệp không chịu trả
Sau khi phát hiện việc mình đã chuyển nhầm, hôm sau bà H. đã yêu cầu
ngân hàng BIDV giúp đỡ để thu hồi số tiền đã chuyển nhầm.
Giữa 2 ngân hàng BIDV và An Bình đã thực hiện việc hỗ trợ bà H. bằng
cách lập lại lệnh chuyển tiền cho bên chuyển nhầm. Tuy nhiên, sau đó Công ty
C. không đồng ý trả lại tiền cho bà H..
Trong đơn khiếu nại của đại diện Công ty C. có xác nhận đã nhận được
hơn 4,5 tỉ đồng chuyển vào tài khoản, nhưng công ty này cho rằng đây là giao
dịch bình thường chứ không có chuyện nhầm lẫn gì.
Việc ngân hàng phong tỏa số tiền trên trong tài khoản của Công ty C.
là âm mưu cố tình lấy lại số tiền đã chuyển, chứ không phải nhầm lẫn.
Theo trình bày của bà H., số tiền này đáng lẽ bà chuyển cho Công ty
N.L. để góp vốn nắm quyền quản lý công ty. Đây là lần chuyển tiền thứ 3 của
bà H. đến tài khoản công ty này.
Do bà nghe nhầm điện thoại của con trai nên mới thực hiện lệnh chuyển
tiền nhầm, vì trước đó con trai bà H. có giao dịch làm ăn với Công ty C. nên
bà đã 2 lần chuyển tiền cho Công ty C..
Các lần chuyển tiền đó đều đã xử lý xong, sau đó con trai bà H. không
còn giao dịch nào với Công ty C. nữa. Do đó, việc bà H. chuyển tiền cho Công
ty C. hoàn toàn là nhầm lẫn.
Con trai bà H. cũng xác nhận không có giao dịch nào với Công ty C.,
mọi giao dịch khác đã chấm dứt và việc bà H. chuyển tiền là do hiểu nhầm.
Không cấu thành tội chiếm giữ trái phép tài sản
Việc chuyển nhầm tiền từ tài khoản này sang tài khoản kia do lỗi của
người gửi hay lỗi của ngân hàng đã xảy ra khá phổ biến. Bộ luật hình sự 2015
đã quy định hành vi này vi phạm điều luật 176 tội "chiếm giữ trái phép
tài sản".
Theo quy định của điều luật này, nếu người nào cố tình không trả lại
cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có
trách nhiệm số tiền từ 10 triệu đồng đến dưới 200 triệu đồng, khi người quản
lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo
quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền hoặc phạt tù đến 3 năm.
Chiếm giữ tài sản từ 200 triệu đồng trở lên thì có thể bị phạt tù đến
5 năm.
Tuy nhiên, luật chỉ quy định cho cá nhân chiếm dụng mà không có bất kỳ
quy định nào cho pháp nhân vi phạm. Bởi vậy, sau khi thụ lý hồ sơ vụ khởi
kiện, TAND Q.3 đã có công văn trao đổi với Cơ quan CSĐT Công an quận này và
được trả lời: hành vi của Công ty C. không cấu thành tội "chiếm giữ tài
sản trái phép".
Do đó, hành trình yêu cầu trả lại số tiền bị chuyển nhầm của bà H. đối
với Công ty C. kéo dài từ tháng 5-2018 đến gần giữa năm 2019.
Theo đó, sau khi thụ lý, tòa đã tống đạt các văn bản liên quan đến
Công ty C. nhưng công ty không đến tòa, cũng không cung cấp lời khai. Sau
khi tòa mở phiên xét xử, đại diện Công ty C. cũng không đến.
Tòa yêu cầu Công ty C. chứng minh việc có giao dịch dân sự liên quan
đến khoản tiền này, nhưng Công ty C. không gửi bằng chứng nào để chứng minh.
Do đó, căn cứ vào lời khai của nguyên đơn là bà H., người có quyền và
nghĩa vụ liên quan, hội đồng xét xử đã tuyên chấp nhận đơn khởi kiện của bà
H., buộc Công ty C. phải hoàn trả số tiền hơn 4,5 tỉ đồng đã chuyển nhầm.
Sau khi nhận bản án của tòa, bà H. lại còn phải chờ cơ quan thi hành
án thực hiện việc thi hành án, đồng nghĩa với việc bà H. phải trả phí thi
hành án theo quy định của pháp luật. Và phải gần một năm sau, số tiền chuyển
nhầm của bà H. mới được trả về cho bà sau khi tốn rất nhiều thời gian và công
sức.
"Nếu luật quy định tội chiếm giữ trái phép tài sản cho pháp nhân
thì việc yêu cầu trả lại tiền của bà H. sẽ đơn giản hơn rất nhiều" - một
cán bộ tố tụng của Q.3 cho biết.
Cần phải quy định trách nhiệm cho pháp nhân
Trao đổi với Tuổi Trẻ, bà Vũ Thị Xuân Nhuệ - viện trưởng Viện KSND Q.3
(TP.HCM) - cho rằng việc luật chỉ quy định trách nhiệm hình sự đối với cá
nhân chiếm giữ tài sản trái phép mà không quy định trách nhiệm cho pháp nhân
là thiếu sót.
Bà Nhuệ cũng cho biết trường hợp như bà H. trước đây đã được nêu lên
nhiều lần trong các hội thảo liên quan đến Bộ luật hình sự, tuy nhiên không
có căn cứ nào để xử lý hình sự pháp nhân trong tội chiếm dụng trái phép tài
sản của người khác.
Đối với cá nhân thì chỉ cần chiếm giữ 10 triệu đồng đã cấu thành tội
phạm, mà pháp nhân giữ cả tỉ đồng lại chẳng phải chịu trách nhiệm gì thì
không công bằng trong xem xét đánh giá tội phạm.
Do đó, bà Nhuệ kiến nghị cần phải sửa đổi, bổ sung hành vi vi phạm của
pháp nhân đối với tội danh chiếm giữ trái phép tài sản trong Bộ luật hình sự
2015 để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật.
(Theo Tuổi Trẻ) HOÀNG ĐIỆP
Người lao công nghèo khó khi nhận
được cả đống tiền mà người ta còn nhanh chóng mang trả cho người đã mất. Tự
nhiên thấy có 4,5 tỷ trong túi mình rõ ràng là họ biết đó không phải tiền của
mình mà sao vẫn côs tham? Dù doanh nghiệp thì đứng đầu vẫn là một con người
bằng xương bằng thịt, có đủ cung bậc hỷ nộ ái ố. Lòng tham là thước đo nhân
phẩm của vị chủ nhân của Công ty C (tiếc rằng Báo không nói luôn tên vị giám
đốc công ty ra để dư luận nhắc nhở). Cuối cùng họ cũng có nuốt được trôi món
tiền đó đâu?
Thương Giang
|
Thứ Năm, 30 tháng 5, 2019
“Ngành điện cứ tăng giá
và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích”
Cập nhật lúc 15:12
Nhiều
ĐBQH bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời đề nghị kiểm toán nhà
nước đối với kinh doanh ngành điện.
Tại phiên thảo
luận tại Hội trường sáng nay (30/5) về tình hình kinh tế - xã hội, nhiều đại
biểu Quốc hội bày tỏ bức xúc về việc tăng giá điện, đồng thời lên tiếng đề
nghị phải công khai, minh bạch, công bằng, và cho rằng Kiểm toán Nhà nước
phải vào cuộc đối với kinh doanh ngành điện.
Cần công khai
kết luận của Thanh tra Chính phủ
Đại biểu Nguyễn
Quốc Hận (đoàn Cà Mau) nêu rõ: Chính phủ đã xem xét điều chỉnh giá điện theo
đúng quy định. Nhưng vấn đề ở đây không phải là đúng quy định hay không bởi
Chính phủ làm thì luôn đúng. Tuy nhiên, Chính phủ cần đánh giá cụ thể hơn về
tác động của việc tăng giá điện đối với đời sống của người dân và hoạt động
sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.
Giá điện tăng
sẽ dẫn tới tăng chi phí đầu vào của đơn vị sản xuất kinh doanh, tăng giá
thành sản phẩm khiến sức mua của người dân giảm và giảm sức cạnh tranh của
hàng hoá trong nước, ông Nguyễn Quốc Hận đánh giá.
Đại biểu đoàn
Cà Mau đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc để làm rõ hoạt động
kinh doanh của ngành điện.
Tránh tình
trạng tăng giá "té nước theo mưa"
Cũng bày tỏ sự
quan tâm đặc biệt tới việc giá điện tăng, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (đoàn Bình
Thuận) cho biết, vấn đề này đang được nhiều cử tri quan tâm.
Bà Phúc nhấn
mạnh: "Theo cử tri, việc tăng giá điện thời điểm này là không phù hợp.
Mặc dù việc điều chỉnh tăng giá điện lần này đã được tính toán nằm trong lộ
trình nhưng đề nghị Chính phủ sớm công bố kết luận thanh tra về tăng giá điện
vừa qua như thế nào, có đúng quy định hay không, nếu sai thì xử lý như thế
nào để cử tri và nhà nước biết".
Bên cạnh đó,
việc tăng giá điện sẽ kéo theo tăng giá các mặt hàng khác. Đề nghị Chính phủ
cần có giải pháp phòng ngừa, tránh tình trạng tăng giá "té nước theo
mưa", cần theo dõi sát biến động thị trường kết hợp với kiểm tra, giám
sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp, bà Phúc kiến nghị.
Khẳng định giá
điện cứ "tăng rồi, tăng nữa, tăng mãi", đại biểu Nguyễn Sỹ Cương
(đoàn Ninh Thuận) thẳng thắn chỉ rõ: Người dân muốn công khai minh bạch về
giá điện, và họ có lý do để nghi ngờ mức tăng 8,36% là không chuẩn xác khi số
tiền điện mà họ phải trả cho "nhà đèn" trong tháng đầu tiên tăng
lên nhiều, thậm chí gấp 2-3 lần so với tháng trước đó.
Ông Cương cho
rằng, cần phải lấy giá bán lẻ điện bình quân của Chính phủ làm gốc dù có phân
6 bậc hay bao nhiêu bậc đi nữa.
Đại biểu Nguyễn
Sỹ Cương cũng nêu ý kiến của cử tri cho rằng, lẽ ra khi kinh tế đất nước phát
triển, đời sống của nhân dân được nâng cao thì mức tiêu thụ điện cũng phải
tăng. Song thực tế, mức tiêu thụ điện của người dân hiện vẫn đang duy trì ở
mức thấp, chỉ phù hợp với gia đình nghèo ở vùng khó khăn.
"Ngành
điện thì cứ tăng giá và đổ cho thời tiết để đỡ phải giải thích nhiều",
ông Cương nói. Đại biểu này cũng đề nghị công bố công khai kết luận của Thanh
tra Chính phủ về hoạt động của ENV.
Cần xây
dựng lại bậc thang bảng giá điện
Trước đó, thảo
luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân
sách, đại biểu Nguyễn Hữu Cầu (đoàn Nghệ An) cũng nhấn mạnh cử tri rất quan
tâm vấn đề điều chỉnh giá điện dù Bộ Công Thương đã có giải trình về cơ chế
tính nhưng cần làm rõ hơn để người dân yên tâm.
“Cử tri không
biết cách tính giá nhưng biết tăng giá sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống và so sánh
với giá cả khác thì việc tăng giá mặt hàng này không hợp với cử tri” – ông
Nguyễn Hữu Cầu nói và đề nghị Kiểm toán Nhà nước vào cuộc kiểm toán lại giá
điện và giá xăng dầu xem có đúng như đề xuất của các cơ quan hay không.
Nếu kiểm toán
và trả lời thì dù tăng hay giảm, người dân cũng thấy minh bạch. Người dân nói
tăng giá dù có ảnh hưởng thu nhập, cuộc sống nhưng quan trọng nhất là lòng
tin và sự minh bạch trong điều hành giá cả. Kiểm toán nên vào cuộc cho cử tri
yên tâm, ông Nguyễn Hữu Cầu đề nghị.
Đại biểu Mai Sỹ
Diến – Phó trưởng Đoàn ĐBQH chuyên trách tỉnh Thanh Hóa cho biết, báo cáo vừa
qua khẳng định việc điều hành giá điện là đúng quy định của pháp luật. Tuy
nhiên một điều hành mà có bức xúc trong cử tri, nhân dân thì nên xem xét lại.
Và hiện nay Chính phủ đang giao thanh tra quá trình điều hành giá điện.
Theo ông Diến,
ngoài việc thanh tra kịp thời, báo cáo công khai dư luận vấn đề đúng hay chưa
đúng việc điều hành giá điện, đề nghị Quốc hội giao UBTVQH có giám sát chuyên
đề việc đầu tư, quản lý, xây dựng định mức giá bán điện, điều chỉnh giá điện,
bởi đây là vấn đề liên quan đến đời sống của người dân.
"Quan điểm
của ngành điện trong việc sử dụng giá điện từ bậc 3-4-5 để điều tiết hỗ trợ
cho bậc 1-2 tức là ngành điện đã thò túi của người này để bỏ vào túi của
người kia mà không được họ đồng tình. Vì vậy đã gây bức xúc cho người dân và
cử tri trong điều hành giá điện vừa qua", đại biểu Mai Sỹ Diến nêu quan
điểm và kiến nghị ngành điện phải xây dựng lại bậc thang bảng giá điện./.
Trần Ngọc-Thy Hạt/VOV.VN
|
Là Bí thư Tỉnh ủy, sao ông Triệu Tài
Vinh lại ăn nói thế?
Cập nhật lúc 10:03
Là một bí thư tỉnh ủy nhưng ông
Triệu Tài Vinh lại phát ngôn ra những câu khiến dư luận và nhân dân buồn lòng.
Bên hành lang Quốc hội,
trả lời phóng viên về việc xử lý những người liên quan trong vụ gian lận thi
cử ở Hà Giang, Bí thư Tỉnh ủy Triệu Tài Vinh có nói "Tôi thì dư luận
phán xét xong rồi".[1]
Cũng thời
gian cách đây gần 1 năm, ngày 19/7/2018, tờ Dân trí cũng đã dẫn lời ông Triệu
Tài Vinh khi nói về việc nâng điểm cho con gái mình:
“…Con gái
tôi nằm trong danh sách bị nâng 2 điểm thì tôi không biết thế nào. Có thể họ
lợi dụng việc đó để đưa con lãnh đạo vào tròng thì sao?”[2]
Là Bí thư
tỉnh ủy, là người đứng đầu Ban chấp hành Đảng bộ Tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy,
Thường trực Tỉnh ủy, câu trả lời của ông Triệu Tài Vinh khiến dư luận cảm
thấy không khỏi bức xúc.
Cũng đã có ý
kiến cho rằng Bí thư Vinh quá vô cảm trước sai phạm nghiêm trọng của nền giáo
dục nước nhà.[3]
Cần phải
nhắc lại rằng Hà Giang là nơi phát hiện ra sai phạm đầu tiên trong cả nước
sau đó là Sơn La, Hòa Bình, tuy nhiên, đến nay việc xử lý, kiểm điểm các cá
nhân, tổ chức sai phạm vẫn chưa được thực hiện đầy đủ.
Có lẽ
Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc trên địa bàn tỉnh Hà Giang cần nhiều hơn từ
Bí thư tỉnh ủy của tỉnh Hà Giang. (Ảnh: Đài phát thanh và Truyền hình Hà
Giang)
Nghiêm trọng
hơn, trong các cá nhân đã bị các cơ quan chức năng xử lý có cả một cán bộ của
Hội đồng nhân dân tỉnh Hà Giang, đồng thời cũng là Phó Giám đốc Sở Giáo dục
và Đào tạo tỉnh này là bà Triệu Thị Chính.
Một số cá
nhân có địa vị, chức vụ trong ngành giáo dục của tỉnh Hà Giang đang “góp
phần” phá hoại biết bao nỗ lực của Đảng bộ và Nhân dân tỉnh Hà Giang xây dựng
lên từ đói nghèo, thiếu thốn.
Hà Giang là
một vùng đất khó, cộng đồng 19 dân tộc tỉnh Hà Giang nhiều năm qua đã và đang
luôn nỗ lực làm tròn trách nhiệm của những người giữ phên dậu vững vàng cho
Tổ quốc.
Sự việc vừa
qua có thể coi là một trong những vết sẹo đau đớn cho ngành giáo dục cả nước
nói chung và ngành giáo dục ở Hà Giang nói riêng.
Với những
tình cảm dành cho vùng đất nơi địa đầu của Tổ quốc này, dư luận mong chờ vào
sự quyết tâm giải quyết vụ việc của người đứng đầu Đảng bộ và Chính quyền của
tỉnh này hơn là những lời nói gây bức xúc kia.
Giá như,
ngay sau khi sự việc xảy ra, nhân dân Hà Giang nhìn thấy sự quyết liệt chỉ
đạo của Bí thư tỉnh ủy đối với các cơ quan chức năng của tỉnh Hà Giang, đồng
thời sẽ phối hợp với cơ quan trung ương xác minh sự việc một cách khách quan,
chính xác, đảm bảo tính chuyên môn, nghiệp vụ cao, tiến hành kiểm tra, điều
tra, xác minh làm rõ những dấu hiệu bất thường.
Kịp thời
thông báo kết quả của từng giai đoạn và các vấn đề có liên quan, được dư luận
quan tâm, trên các phương tiện thông tin đại chúng của tỉnh và Trung ương, để
đông đảo người dân trong cả nước được biết.
Những việc
làm cụ thể sẽ thể hiện được tinh thần quyết tâm, kiên quyết xác minh các các
dấu hiệu bất thường, không có vùng cấm, bóc gỡ cái sai phạm để lấy lại niềm
tin cho nhân dân.
Thế nhưng,
thật tiếc việc giải quyết các sai phạm tại Hà Giang đến nay dường như đang
“đi trước, về sau” so với Sơn La, Hòa Bình.
Gần một năm
qua, vẫn chưa thấy Hà Giang công bố danh tính, làm rõ động cơ, mục đích của
những kẻ nâng điểm và tìm ra kẻ nào dám “nâng điểm để đưa con lãnh đạo vào
tròng”.
Cũng gần 1
năm qua, lời của ông Triệu Tài Vinh lại tiếp tục nêu lên cái quy trình khi
ông nói: “Cái gì cũng có quy trình của nó, khởi tố vụ án còn liên quan đến
người nào, trách nhiệm thế nào”.
Điều
gì đã khiến những người làm trong ngành giáo dục của Hà Giang gây ra sai phạm
phá hoại giáo dục, có việc nâng điểm để đưa con lãnh đạo vào trong không là
những điều dư luận và nhân dân Hà Giang và nhân dân cả nước quan tâm. (Ảnh
trái qua hàng trên: 2 phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Hà Giang ông
Phạm Văn Khuông và bà Triệu Thị Chính; hàng dưới là Nguyễn Trọng Hoài và Vũ
Trọng Lương)
Và sau gần 1
năm ngày xảy ra sai phạm ông Vinh đã chỉ đạo rất ngắn gọn…. “Tôi vừa gọi điện
về bảo khẩn trương làm cuộc kiểm điểm đi”.
Việc giải
quyết hậu quả vụ tiêu cực thi Trung học phổ thông quốc gia trở thành nội dung
“nóng” tại phiên thảo luận về tình hình kinh tế xã hội của Quốc hội sáng 22/5.
Có đại biểu
đề nghị hủy kết quả thi của thí sinh gian lận. Có đại biểu muốn xử lý phụ
huynh có con được nâng điểm nhưng do trong Quốc hội cũng có đại biểu thuộc
trường hợp này nên… không tiện nói.[4]
Một Bí thư
Tỉnh ủy mà có những lời phát biểu như vậy và đồng thời cách xử lý đang khiến
một số đại biểu quốc hội “không tiện nói” liệu rằng có làm cho gần tám mươi
vạn cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân của tỉnh Hà Giang cảm thấy
“chạnh lòng”?
Với những
hình ảnh nỗ lực ngày đêm của các thày cô, của Đảng bộ, chính quyền và nhân
dân Hà Giang đang ngày đêm gieo chữ trên non cao rõ ràng họ cần có những điều
tốt hơn thế.
Với những
thầy cô giáo đang ngày đêm vừa vận động học sinh đi học, vừa dạy học, vừa dạy
tiếng phổ thông cho đồng bào dân tộc thiếu số họ rõ ràng họ cần nhiều ở Bí
thư tỉnh ủy của họ hơn thế.
Những hình
ảnh lớp ghép trong cái co ro của giá lạnh, những ánh đèn leo lét giữa núi
rừng trong các lớp học ban đêm, rõ ràng người dân Hà Giang cần nhiều ở Bí thư
tỉnh ủy của họ hơn nữa.
Cái quy
trình dài dằng dặc đến cả năm như lời Bí thư Tỉnh ủy nói chẳng biết sẽ bao
giờ được thực hiện nhưng sự minh bạch và sự quyết tâm của những người đứng đầu
tỉnh Hà Giang trong việc giải quyết những kẻ có sai phạm có lẽ là điều mà
không chỉ người Hà Giang cần lúc này.
Tài liệu tham khảo:
1.
//tuoitre.vn/vu-gian-lan-thi-cu-ong-trieu-tai-vinh-toi-thi-du-luan-phan-xet-xong-roi-2019052307584509.htm
2.
//dantri.com.vn/xa-hoi/bi-thu-ha-giang-trieu-tai-vinh-noi-gi-ve-viec-con-gai-duoc-nang-diem-20180719102644601.htm
3.
//thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/la-nguoi-co-dia-vi-ong-trieu-tai-vinh-khong-nen-co-thai-do-nhu-vay_t57c68n149160
4. //dantri.com.vn/xa-hoi/trong-quoc-hoi-co-nguoi-co-con-duoc-nang-diem-dai-bieu-khong-tien-noi-20190522145753084.htm
(Theo GDVN) Trần
Phương
|
Đăng ký:
Bài đăng (Atom)