Thứ Hai, 3 tháng 12, 2018

'Điều tra' 23 học trò tát bạn: Học trò tiếp tục bị hành hạ tinh thần!

Cập nhật lúc 15:02

  

231 cái tát chưa nguôi nỗi đau giáo dục thì ngay sau đó, cũng tại nơi xảy ra nỗi đau này lại một chuyện nữa: phát phiếu điều tra thăm dò về cái tát trong học sinh. Như hai năm trước ở một trường khác...

Điều tra 23 học trò tát bạn: câu trả lời về cái tát? - Ảnh 1.
Cô Phạm Thị Lệ Anh, hiệu trưởng Trường, nói việc phát phiếu với hàng loạt câu hỏi chỉ để nắm thông tin khách quan từ phía học sinh - Ảnh: QUỐC NAM

 Tháng 12-2016, cô Hiệu trưởng Trường tiểu học Nam Trung Yên, Hà Nội Tạ Thị Bích Ngọc đã phát phiếu điều tra để 100% CBCNV nhà trường và HS xác nhận cô vô tội trong việc ngồi trên xe taxi chạy vào sân trường và cán gãy chân một HS lớp 2.

Bây giờ cô giáo Phạm Thị Lệ Anh, hiệu trưởng Trường THCS Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình cũng phát phiếu điều tra thăm dò về cái tát để thống kê có bao nhiêu bạn đã tát mạnh, tát vừa và tát nhẹ. Phiếu điều tra có phần ghi rõ họ tên và giới tính. Từ phiếu điều tra này, cô hiệu trưởng đã làm báo cáo gửi lên trên.
Cả hai vụ đều diễn ra khi sự kiện của trường mình bị báo chí, truyền thông xã hội lên tiếng.
Việc của họ đúng ra là nên nhìn nhận sự việc, xử lý thu gọn nó, hành xử sao cho đúng với cương vị, trọng trách được giao; phân định rõ cái đúng, cái sai, cái lỗi cố ý hay vô ý ... do chính mình hay do nhân viên cấp dưới để xảy ra.
Nhưng những nhà giáo làm quản lý này là ngay lập tức đối phó. Bà Bích Ngọc đưa ra hàng loạt ngụy biện về ngồi trên xe không biết; có thể lúc đó bà đã xuống xe; tài xế đụng bé Kiên có thể lúc đó tại bé Kiên không chịu vào lớp... 
Còn bà Lê Anh thì lập tức muốn chặn truyền thông báo chí rằng đừng có đăng, trường sắp nhận thành tích thi đua; nếu lộ, trường sẽ mất danh hiệu.
Rồi khi báo chí đã đăng, bà lập tức phát phiếu điều tra cho HS với 18 câu hỏi mà cả người lớn hoặc cha mẹ HS còn lúng túng chứ nói gì các em: Bạn N. có nói tục không? Cô Thủy kêu tát bạn N mạnh hay nhẹ? Cô Thủy đúng cùng chiều hay ngược chiều với bạn N.? Khi tát bạn N. cô Thủy ra lệnh hay tự ý? cô Thủy tát bạn N mấy cái?...
Nói vòng vo một hồi cũng hướng đến mục đích như cô Bích Ngọc cách đó hai năm: muốn mượn trẻ con và những người dưới quyền bảo vệ cho chính họ.
Từ bao giờ, công cụ điều tra xã hội học lại được sử dụng để bao biện cho hành vi sai phạm, thâm chí tội lỗi của những cá nhân? 
Từ bao giờ, có nhà trường trở thành một thành trì để những người quản lý ở nơi đó có thể dùng vài công cụ điều tra đơn giản rồi nhân danh tập thể để cứu lấy lỗi sai của chính mình? 
Từ bao giờ, người ta đã núp vào tập thể để có thể trơ trẽn đánh tráo những khái niệm về giáo dục và đạo đức cùng lương tâm như vậy? Những người thầy như thế này, sẽ đào tạo ra những con người như thế nào?
...Tôi cứ lặng người đi tưởng tượng những đứa học trò cấp 2 kia ngồi sẽ ngồi lì trước những bảng 18 câu hỏi khủng bố tinh thần ấy, các em có cảm giác gì? 
Khi cơn choáng kinh hoàng việc các em tát bạn chưa qua; khi sự kiện đã được cả triệu người biết đến, khi mẹ cha ngỡ ngàng chưa biết sao thì các em một thân một mình, đơn độc ngồi trước bàn học trong lớp và phải trả lời những câu hỏi chưa biết dẫn dắt mình về đâu? 
Bối cảnh giáo dục này quá kinh hoàng cho trẻ nhỏ, cho học trò.
Tuy nhiên, những câu hỏi chưa có câu trả lời lại có vẻ như rất có lời đáp khi trả lời phỏng vấn báo Tuổi Trẻ, trích nguyên: "Ông Đinh Quý Nhân - giám đốc Sở GD-ĐT Quảng Bình, cho biết ông chưa nghe báo cáo việc nhà trường lấy ý kiến học sinh sau vụ cô giáo phạt tát em Nhật 231 cái. Nhưng về quan điểm riêng, ông Nhân nói việc thu thập thông tin từ phía học sinh để đánh giá sự việc đa chiều cũng là việc hợp lý và cần làm". 
Nghĩa là người có vị trí quản lý cao nhất về giáo dục của tỉnh này cũng đồng ý với hình thức khủng bố mà ông ta gọi là "thu thập thông tin" ấy.
Câu trả lời cũng có vẻ như đã có lời đáp mấy ngày trước, sau một chuỗi im lặng rất lâu qua sự kiện thì ông bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã có lời phát biểu nhẹ tựa lông hồng rằng ông đã " cảm thấy rất buồn".
Có những thứ trong cuộc đời luôn luôn cần những lời cảm thán. Nhưng, với những người đang gánh vác sứ mệnh Giáo dục quốc gia, phải thấy ngay lập tức cách thức giải quyết những sự cố, khủng hoảng... trong lĩnh vực quản lý giáo dục của chính mình. Nghĩa là, khi anh phát biểu, anh phải có giải pháp gì đó trong đầu của mình.
Nhất là sau những ngày im lặng, để suy nghĩ...
Nội dung những câu hỏi trên phiếu lấy ý kiến học sinh:
1. Cô Thủy quy định phạt tát thời gian nào?
2. Bạn N. bị tát vào thời gian nào?
3. Khi tát bạn N., cô Thủy có mặt ở lớp không?
4. Em tát vào mặt bạn N. bao nhiêu cái?
5. Em tát vào bạn N. mạnh hay nhẹ?
6. Bạn N. có nói tục không?
7. Khi bị tát bạn N. có khóc không?
8. Sau khi bị tát má bạn N. có đỏ không?
9. Cô Thủy vào đã tát được mấy bạn?
10. Cô Thủy có bắt tát nhẹ phải tát mạnh không?
11. Cô Thủy tát bạn N. mấy cái?
12. Sau khi bị tát bạn N. có bị chảy máu không?
13. Sau khi tát bạn N., cả lớp có sợ hãi, bật khóc không?
14. Trước N. có bao nhiêu bạn bị tát?
15. Khi tát bạn N., cô Thủy ra lệnh hay tự ý?
16. Cô Thủy có phải là người cuối cùng tát bạn N. không?
17. Cô Thủy đứng cùng chiều hay ngược chiều bạn N.?
18. Sau khi tát bạn N. có ở lại học không?
Theo Tuổi Trẻ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét