Thứ Bảy, 22 tháng 12, 2018

Phanh phui chuyển đổi đất vàng: Lộ vụ lớn, lãnh đạo cao cấp bị điểm tên


Cập nhật lúc 20:41

Năm 2018, nhiều quan chức, cựu quan chức ở loạt tỉnh thành đã phải đối diện với pháp luật khi các sai phạm liên quan đến đất đai bị "sờ gáy". Thậm chí, các tướng lĩnh công an, quân đội cũng không tránh khỏi bị kỷ luật do buông lỏng quản lý đất đai liên quan an ninh, quốc phòng.

Vũ “nhôm” đưa loạt quan chức Đà Nẵng vào lao lý
Lợi dụng chính sách nhà nước, hàng loạt nhà, đất công sản cho các DNNN thuê, sử dụng lâu dài làm trụ sở, kho bãi, cửa hàng... rồi xin ưu tiên mua lại (không đấu giá). Các DN này cùng với Công ty Quản lý nhà công sản đã tiếp tay cho Phan Anh Vũ - Vũ "nhôm" - thâu tóm chứ không sử dụng. Ngay sau khi được chính quyền phê duyệt cho bán thì lập tức khối công sản này về tay Vũ "nhôm". Ông Vũ hoặc sang nhượng, kiếm lời ngay hoặc đầu tư, chia lô bán lời cao hơn.
Do đó, tại Đà Nẵng, từ tháng 4/2018 đến nay, Cơ quan CSĐT - Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với hơn 10 bị can nguyên là lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng và Bộ Công an.
 Phanh phui chuyển đổi đất vàng: Lá»™ vụ lá»›n, lãnh đạo cao cấp bị Ä‘iểm tên
Vũ nhôm (ở giữa) khiến loạt cựu quan chức Đà Nẵng nhúng chàm.
Trong đó có ông Trần Văn Minh, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng (giai đoạn 2006 - 2011), ông Văn Hữu Chiến, nguyên Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng; Nguyễn Điểu, nguyên Giám đốc Sở TN-MT TP. Đà Nẵng; ông Trần Văn Toán, nguyên Phó giám đốc Sở TN-MT TP. Đà Nẵng; Lê Cảnh Dương, Giám đốc Ban xúc tiến và hỗ trợ đầu tư TP. Đà Nẵng...
Những người này bị khởi tố vì có liên quan đến việc bán 31 nhà, đất công sản cho Vũ “nhôm”, tức Phan Văn Anh Vũ.
Bắt các cựu Phó chủ tịch TP.HCM liên quan đến xẻ thịt đất công
Ngày 19/11/2018, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố, bắt tạm giam cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Hữu Tín và Đào Anh Kiệt (cựu Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM), Trương Văn Út (Phó trưởng Phòng Quản lý đất, Sở TN&MT).
 Phanh phui chuyển đổi đất vàng: Lá»™ vụ lá»›n, lãnh đạo cao cấp bị Ä‘iểm tên
Ông Nguyễn Hữu Tín (ảnh trên) cùng các thuộc cấp bị khởi tố
Ông Tín và các thuộc cấp bị điều tra các sai phạm liên quan đến "xẻ thịt" khoảng 50 khu đất, nhà thuộc diện công sản trên địa bàn TP.HCM, gây thất thoát, lãng phí.
Những sai phạm của ông Nguyễn Hữu Tín – nguyên Phó Chủ tịch UBND TP.HCM được cho là có liên quan đến Vũ “nhôm”.
Trước đó, ngày 10/11, cơ quan CSĐT Bộ Công an cũng đã khởi tố 5 người nguyên là cán bộ tại TP.HCM trong vụ án liên quan khu đất số 2-4-6 Hai Bà Trưng, Quận 1, TP.HCM của Tổng công ty bia, rượu, nước giải khát Sài Gòn (Sabeco).
Những người này bị khởi tố bị can trong vụ án “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản Nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, được xác định là có liên quan đến Phan Văn Anh Vũ, tức Vũ “nhôm”.
Tiếp đó, đến ngày 8/12, Bộ Công an đã bắt tạm giam cựu Phó chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Tài tại nhà riêng ở quận 4 về hành vi "Vi phạm các quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí".
Đồng thời, 3 người khác cũng bị khởi tố là ông Nguyễn Hoài Nam, Bí thư quận 2; ông Đào Anh Kiệt, nguyên Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM và ông Trương Văn Út (nguyên Phó trưởng phòng Quản lý đất, Sở Tài nguyên và Môi trường.
Những người này được cho là có liên quan đến việc đất vàng 8-12 Lê Duẩn giao trái pháp luật cho công ty tư nhân. Mới đây, UBND TP.HCM đã có quyết định thu hồi đất vàng 8-12 Lê Duẩn này.
Ông Tất Thành Cang, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ TP.HCM “bị điểm tên”
Kết luận kỳ họp 31, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã kết luận một số dấu hiệu vi phạm đối với ông Tất Thành Cang, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ thành phố Hồ Chí Minh.
 Phanh phui chuyển đổi đất vàng: Lá»™ vụ lá»›n, lãnh đạo cao cấp bị Ä‘iểm tên
Ông Tất Thành Cang dính các sai phạm liên quan đến khu đô thị mới Thủ Thiêm
Ông Tất Thành Cang đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc, vi phạm thẩm quyền, nguyên tắc, quy trình xử lý công việc, vi phạm quy định của Thành ủy về quản lý, sử dụng tài sản tại các doanh nghiệp thuộc sở hữu Đảng bộ Thành phố và các quy định pháp luật trong việc quyết định chủ trương hợp tác kinh doanh, chuyển nhượng dự án, chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các doanh nghiệp thuộc Thành ủy, chấp thuận chủ trương để người đại diện phần vốn của Thành ủy biểu quyết phát hành cổ phần cho cổ đông chiến lược tại doanh nghiệp; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, thiếu kiểm tra, giám sát, để lĩnh vực được phân công phụ trách có nhiều vi phạm pháp luật, gây thiệt hại lớn cho ngân sách Đảng bộ Thành phố.
Trong thời gian giữ cương vị Thành ủy viên, Ủy viên UBND Thành phố, Giám đốc Sở Giao thông vận tải Thành phố Hồ Chí Minh, ông Cang đã vi phạm quy định pháp luật về đất đai và quản lý đầu tư xây dựng trong việc ký quyết định phê duyệt dự án và ký tắt hợp đồng dự án đầu tư xây dựng 4 tuyến đường chính trong Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Những vi phạm của ông Tất Thành Cang là rất nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, làm ảnh hưởng lớn đến uy tín của Thành ủy, đến mức phải xem xét, thi hành kỷ luật.
Vi phạm quản lý đất, nhiều tướng lĩnh công an bị kỷ luật
Tại kỳ họp thứ 29 (từ ngày 10/9 đến ngày 12/9), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xem xét, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật, Bộ Công an (Tổng cục IV) và cá nhân liên quan về các vi phạm đã được kết luận tại kỳ họp 28 của Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Ủy ban Kiểm tra Trung ương quyết định thi hành kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo đối với Trung tướng Bùi Xuân Sơn , nguyên Ủy viên Ban Thường vụ Đảng ủy, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục IV. Đề nghị Ban Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương thi hành kỷ luật theo thẩm quyền đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục IV nhiệm kỳ 2015-2020.
Trước đó, tại kỳ họp thứ 28, Ủy ban Kiểm tra Trung ương xác định, Ban Thường vụ Đảng ủy Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục IV) đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và Quy chế làm việc; thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo; thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm trong quản lý, sử dụng đất an ninh và quản lý tài sản công; bán chỉ định tài sản trên đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, liên kết kinh doanh, cho thuê đất an ninh không đúng quy định pháp luật.
Buông lỏng quản lý đất quốc phòng, nhiều tướng lĩnh bị kỷ luật
Tại kỳ họp thứ 27 (trong hai ngày 27 và 28/6/2018), Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thông báo kết luận kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm đối với Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân, Bộ Quốc phòng.
Theo đó, Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân đã vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ và quy chế làm việc; buông lỏng lãnh đạo, quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát, để xảy ra nhiều vi phạm, khuyết điểm trong quản lý, sử dụng đất quy hoạch cho mục đích quốc phòng chưa sử dụng ngay cho nhiệm vụ quốc phòng vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết và thực hiện các dự án nhà ở cho quân nhân.
Thượng tướng Phương Minh Hòa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị Quân đội nhân dân Việt Nam, trong thời gian giữ cương vị Bí thư Đảng ủy, Chính ủy và Phó Bí thư Đảng ủy, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; trực tiếp ký một số văn bản sử dụng đất vào mục đích kinh tế, liên doanh, liên kết không đúng quy định.
Trung tướng Nguyễn Văn Thanh, nguyên Bí thư Đảng ủy, nguyên Chính ủy Quân chủng Phòng không - Không quân chịu trách nhiệm người đứng đầu về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy nhiệm kỳ 2010-2015; chịu trách nhiệm trong việc xét duyệt danh sách hưởng chính sách nhà ở, đất ở của quân đội, trong đó có một số trường hợp không đúng đối tượng theo quy định.
Những vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nhiệm kỳ 2010-2015, Thượng tướng Phương Minh Hòa và ông Trung tướng Nguyễn Văn Thanh là nghiêm trọng, làm ảnh hưởng đến uy tín của tổ chức đảng và quân đội, đến mức phải xem xét, xử lý kỷ luật theo quy định của Đảng.
Ban Thường vụ Đảng ủy Quân chủng Phòng không - Không quân nhiệm kỳ 2010-2015 cùng chịu trách nhiệm về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy và chịu trách nhiệm trực tiếp về những vi phạm, khuyết điểm của cá nhân. UBKT Trung ương đề nghị Thường vụ Quân ủy Trung ương chỉ đạo kiểm điểm, xem xét trách nhiệm các cá nhân có liên quan.
Chỉ rõ sai phạm tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm
Năm 2018, sau hàng chục năm người dân khiếu kiện, Thanh tra Chính phủ đã chỉ rõ hàng loạt sai phạm lớn tại dự án khu đô thị mới Thủ Thiêm, Quận 2 (TP.HCM), đồng thời kiến nghị kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân liên quan.
Kết luận của Thanh tra Chính phủ cho thấy trong quá trình triển thực hiện đầu tư, xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm, UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan đã để xẩy ra những khuyết điểm, vi phạm, ảnh hưởng đến quyền lợi một số hộ dân sinh sống trên địa bàn, phát sinh khiếu nại gay gắt, kéo dài chưa được giải quyết dứt điểm.
Cụ thể về ranh giới quy hoạch, TTCP  kết luận, việc UBND TP phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/2000 tại Quyết định số 13585 gày 16/9/1998 đã điều chỉnh diện tích và ranh giới không đúng thẩm quyền. Cụ thể giảm 23,3 ha đất đã giao dự án cho 5 DN trước đó nhưng vẫn lập và trình Thủ tướng phê duyệt quy hoạch 1/5000.
Nhất là việc tăng 4,3 ha thuộc Khu phố 1, phường Bình An, Quận 2 không đúng quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt. Vị trí, giới hạn quy hoạch được phê duyệt không thống nhất về tên gọi so với bản đồ và thực địa.
Về Khu tái định cư 160 ha, TTCP kết luận, UBND TP đã vi phạm các quy định của pháp luật trong việc lập, trình, phê duyệt quy hoạch và thu hồi đất trong phạm vi khu tái định cư 160 ha thuộc 5 phường đã được Thủ tướng phê duyệt.
Nhà máy dời đi, đất vàng xây cao ốc ở Hà Nội: Lộ sai sót gần 4.000 tỷ
Năm 2018 Thanh tra Chính phủ đã ra kết luận về quá trình chuyển đổi mục đích sử dụng đất tại vị trí đắc địa của các cơ quan nhà nước, DNNN tại Hà Nội giai đoạn 2003-2016.
Theo Thanh tra Chính phủ, giai đoạn 2003-2016, UBND TP. Hà Nội và các sở ngành đã tích cực đưa các cơ sở sản xuất trong khu vực nội thành không còn phù hợp hoặc gây ô nhiễm ra ngoại thành. Các khu đất sau đó đều được chuyển mục đích sử dụng đất làm chung cư, khách sạn, trung tâm thương mại...
Thanh tra Chính phủ kết luận: Tổng số tiền sai phạm được phát hiện qua thanh tra 38 dự án chuyển mục đích sử dụng đất là gần 4.000 tỷ đồng.
Đoàn thanh tra tạm tính số tiền sử dụng đất phải thu thêm tại 30/38 dự án lên tới 1.480 tỷ đồng. Đặc biệt, riêng dự án trung tâm thương mại, văn phòng, căn hộ tại 302 Cầu Giấy, số tiền sử dụng đất phải thu thêm lên tới 403,3 tỷ đồng.
Do vậy, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị Thủ tướng giao Chủ tịch UBND TP Hà Nội xử lý nghiêm những tồn tại, thiếu sót, vi phạm trong công tác quản lý đầu tư xây dựng, và quản lý sử dụng đất trên địa bàn, và sớm có giải pháp chấn chỉnh, khắc phục.
Theo VietNamNet

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét