Siêu
dự án "khu du lịch tâm linh" của đại gia Xuân trường tại Chùa Hương
bị phản ứng
Cập nhật lúc 09:40
Như Dân trí đã đưa tin, Doanh nghiệp xây dựng Xuân Trường (Ninh Bình)
do ông Nguyễn Văn Trường làm Giám đốc vừa có đề xuất xin làm dự án "khu
du lịch tâm linh" với qui mô vốn đầu tư lên tới 15.000 tỷ đồng. Tuy
nhiên, dự án này đã gặp một số ý kiến không thuận chiều từ cơ quan quản lý và
cả người dân.
"Đại
gia" Xuân Trường có tên tuổi gắn liền với các "đại dự án" khu
du lịch tâm linh (Ảnh minh họa)
Cụ thể, theo báo cáo của Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT)
Hà Nội (số 212/CV-DNXT), từ cuối tháng 7/2018, Doanh nghiệp tư nhân Xuân
Trường đã đề xuất xây dựng khu du lịch tâm linh Hương Sơn tại xã Hương Sơn,
huyện Mỹ Đức với quy mô khoảng 1000 ha (phía Bắc giáp khu bến đò Suối Yến, phía
Nam giáp khu du lịch Tam Chúc, phía tây là dãy núi giáp với tỉnh Hòa Bình,
phía Đông giáp sông Đáy tỉnh Hà Nam) với tổng vốn đầu tư khoảng 15.000 tỷ
đồng.
"Dự án gồm các hạng mục như: Nạo vét các dòng chảy để
tạo đường thủy khoảng 20km (giống như Tràng An); khôi phục, tôn tạo đền chùa
miếu mạo trong khu vực; xây dựng một tháp mang tầm cỡ quốc gia, quốc tế cao
100m để thờ Xá Phật Lợi (tâm điểm là tháp đá đỏ granit); xây dựng hệ thống dịch
vụ, khách sạn, nhà hàng", báo cáo của Sở KH&ĐT Hà Nội cho biết.
Ngay tại văn bản này, mặc dù cho rằng, đề xuất của Doanh
nghiệp Xuân Trường phù hợp với quy hoạch phát triển du lịch của thành phố Hà
Nội nhưng Sở KH&ĐT Hà Nội cũng nêu trong 350 ha đất du lịch trong khu vực
dự kiến làm dự án đã có 175 ha thuộc Khu du lịch sinh thái nghỉ dưỡng Hương
Sơn do Công ty Cổ phần Tập đoàn Thái Binh Dương nghiên cứu lập quy hoạch làm
dự án theo một số văn bản chỉ đạo của UBND thành phố Hà Nội.
Phần đất còn lại dự kiến xây dựng Trung tâm lễ hội Hương
Sơn và Festival Hoa Sen nhưng thành phố Hà Nội chưa giao cho đơn vị nào làm
dự án.
Sở KH&ĐT Hà Nội cũng lưu ý, nếu được UBND Thành phố Hà
Nội đồng ý cho nghiên cứu làm dự án, "đại gia" Xuân Trường cũng
phải làm việc với các Sở, ngành của thành phố, UBND huyện Mỹ Đức để triển
khai các công việc sao cho phù hợp với các quy hoạch được duyệt và nhất là
"tránh trùng lặp với các dự án đã được thành phố cho phép nghiên cứu lập
quy hoạch".
Một
khu vực công trường còn ngổn ngang thi công của dự án khu du lịch tâm linh hồ
Núi Cốc (Ảnh: Báo Thái Nguyên)
Mặc dù đề xuất của DN Xuân Trường chưa được lãnh đạo Thành
phố Hà Nội phê duyệt dù chỉ là nghiên cứu dự án, nhưng thông tin việc DN này
dự kiến đầu tư tại khu vực Chùa Hương một dự án có qui mô rất lớn như vậy đã
khiến nhiều người dân tại khu vực này lo lắng.
Ông Trịnh Xuân Hinh, Cơ sở Xóm 11, Đục Khuê, Hương Sơn, Mỹ
Đức, Hà Nội nói: “Vẽ ra dự án lớn quá rồi lại thu hồi tới 1000 ha đất thì sẽ
ảnh hưởng rất nhiều tới hàng vạn nông dân. Nếu đào con kênh, suối Yến chảy về
Hà Nam thì dòng chảy truyền thống lễ hội hàng nghìn năm có còn. Chúng tôi lại
phải chia bớt công ăn việc làm, như thế quyền lợi của người dân không được
bảo đảm. Nếu lại thêm các trạm thu phí và chốt chặn thì quả thực là thảm họa”.
Được biết, DN Xuân Trường đã và vẫn đang thực hiện nhiều
"đại dự án" khu du lịch tâm linh như quần thể Bái Đính- Tràng An
(Ninh Bình); Khu Du lịch Tam Chúc – Ba Sao (Hà Nam), khu tâm linh tổng hợp
đảo Cái Tráp (Hải Phòng), Khu du lịch tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên)…với
qui mô mỗi dự án khoảng 10.000-15.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, không phải dự án nào cũng được triển khai thuận
lợi. Như dự án Khu tâm linh Hồ Núi Cốc (Thái Nguyên) có tổng mức đầu tư dự
kiến ban đầu khoảng 15.000 tỷ đồng bằng ngân sách Nhà nước vốn của Nhà đầu tư
và các nguồn vốn hợp pháp khác được thực hiện từ năm 2016. Sau 2 năm kể từ
khi dự án Hồ Núi Cốc được triển khai đã có khoảng gần 2.000 tỷ đồng từ nguồn
vốn ngân sách đã được chi cho giải phóng mặt bằng và hiện nay cũng đang gặp
nhiều khó khăn về bố trí vốn nên việc triển khai dự án này trong tình trạng
chậm chạp, dở dang, gây khó khăn cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người
dân trong khu vực.
(Theo Dân Trí) Hà Nguyễn
|
Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét