Vé xem bóng đá: Tiền vào túi ai?
Cập nhật lúc 10:07
Đối với việc phân phối vé, VFF nên tổ chức một cách
chuyên nghiệp và gắn với cơ chế thị trường để giữ được phần lớn thặng dư cho
cái chung thay vì để chảy vào túi số ít cá nhân.
Tiến sĩ Huỳnh Thế Du là giảng viên Trường
Chính sách công và Quản lý thuộc Đại học Fulbright Việt Nam. Ông thường xuyên
tham gia các thảo luận chính sách ở Việt Nam. Ông có các bài báo được đăng
trên các tạp chí danh tiếng quốc tế. Ông Du đã học các ngành xây dựng dân
dụng, quản trị kinh doanh, kinh tế học ứng dụng và chính sách công, kinh tế
phát triển, và quản lý công ở bậc đại học và cao học. Ông nhận bằng thạc sĩ
quản lý công tại Trường Harvard Kennedy năm 2010 và bằng tiến sĩ tại Trường
Kiến Trúc Harvard năm 2013.
Chỉ 15 phút sau thời điểm VFF mở bán lô 2.500 vé đầu tiên của
trận chung kết lượt về AFF Cup 2018 giữa Việt Nam và Malaysia, đã có vé được
rao trên chợ đen, giá gấp 10 lần. Theo quy luật cung - cầu, mức giá này có
khả năng cao sẽ còn tăng vọt, nhất là khi đội tuyển Việt Nam có kết quả không
quá bất lợi sau trận lượt đi.
Với 40.000
vé cho sân vận động Mỹ Đình có giá từ 200-600.000 đồng, ước tính bình quân
khoảng 300.000 đồng/vé. Tôi cứ cho là 20% tổng số này là vé mời và quota, tỷ
lệ này là tương đối cao so với thông thường. Trừ đi khoản vé mời này thì
doanh thu chính thức được hạch toán cho Liên đoàn Bóng đá Việt Nam (VFF) sẽ
là 9,6 tỷ đồng.
Chín tỷ sáu
trăm triệu đồng - bằng đúng số tiền mà ông Đoàn Nguyên Đức (Chủ tịch HĐQT
Hoàng Anh Gia Lai) dùng để trả thù lao cho huấn luyện viên Park Hang-seo
trong một năm.
Giả sử giá
vé trên thị trường tự do cao hơn 10 lần cho số có thể trao đổi thì số tiền mà
người hâm mộ sẵn sàng chấp nhận trả để xem trận chung kết lượt về ở Việt Nam
là 96 tỷ đồng, bằng số tiền có thể thuê ông Park 10 năm. Nói cách khác, nếu
làm tốt việc bán vé thì đã có ngân sách thuê huấn luyện viên trong nhiều năm.
Đáng buồn
thay, khả năng cao ngân quỹ cho VFF sẽ được rất ít vì số thu về chỉ là tiền
bán vé theo mệnh giá chính thức, lượng vé mời và quota khả năng cao cũng vượt
con số 20% giả định rất nhiều. Đó là chưa kể các chi phí tổ chức trận đấu với
đủ mọi thứ chi phí khác.
Ai hưởng lợi?
Như lệ
thường, vé được chia làm ba loại gồm: vé mời, vé phân phối theo các tiêu
chuẩn hoặc quota, và vé bán ra đại chúng. Do mức giá thị trường chênh lệch
rất lớn nên những người được mời, những người được phân phối và thường dân
may mắn mua được vé sẽ có lợi, trong khi ngân sách của VFF thì khó kiếm được
người đoái hoài đến.
Trên thực
tế, công chúng khó có thể biết được chính xác tỷ lệ của các loại vé trên là
bao nhiêu và đương nhiên, những người có quyền quyết định sẽ muốn giảm tối đa
phần bán tự do ra đại chúng.
Hơn thế,
ngay cả nếu có số vé bán ra công chúng thì cũng rất khó mà biết được bao
nhiêu là phân phối theo cơ chế (ngẫu nhiên) ai đặt trước được trước và bao
nhiêu là có sự dàn xếp.
Điều này rất
dễ hiểu vì giá thị trường của 2 cặp vé loại giá thấp nhất đã là 8 triệu đồng,
trừ đi giá gốc cũng hơn số tiền một người chạy Grab ròng rã cả tháng trời. Do
vậy, người có quyền phân phối hay ảnh hưởng sẽ muốn giữ được càng nhiều cho
mình hoặc nhóm của mình càng tốt.
Lợi ích chỉ
riêng một trận bóng đá đã là rất lớn. Đương nhiên, phần lớn sẽ thuộc những
người có quyền quyết định. Hơn thế, còn rất nhiều cái lợi khác cho những vai
vế trong VFF.
Tư lợi miếng "thơm", xã hội hoá gánh nặng
Miếng “thơm”
thì ít người giành nhau hưởng, nhưng xã hội lại mất rất nhiều. Thiếu công
bằng và không minh bạch là điều ai cũng thấy. Cái mất đầu tiên với cơ chế
phân bổ vé hiện tại và cung cách làm việc của VFF là niềm tin của xã hội, thứ
vốn dĩ đã rất ít trong hiện tại.
Cái mất tiếp
theo là ảnh hưởng đến hình ảnh của những người lính. Việc một số thương binh
(cũng có người giả dạng) đạp đổ cổng của VFF đòi quyền mua vé là rất đau
lòng. Nguyên nhân chính của vấn đề này là do hệ thống đặc quyền đặc lợi,
nhưng không được phân bổ và thực hiện một cách công bằng.
Những vấn đề
nêu trên xảy ra là do cách vận hành của VFF. Nó đã trở thành chỗ chia phần
của một số ít người, trong khi gánh nặng hay các tác động tiêu cực thì toàn
xã hội phải gánh chịu. Chỗ tạo niềm vui và gắn kết xã hội nhưng lại như vậy thì
sao có thể chấp nhận được.
Đâu là giải pháp?
Đối với việc
bán và phân phối vé, VFF nên tổ chức một cách chuyên nghiệp và gắn với cơ chế
thị trường để có thể giữ lại phần lớn thặng dư cho cái chung thay vì để chảy
vào túi của một số ít với nhiều bất công và sự phản cảm.
Vé bóng đá tại chợ đen
Cụ thể, việc
xác định các khối giá ở các khu vực khác nhau và cơ chế đấu giá (ai trả cao
hơn thì được) cần được tính toán một cách khoa học, minh bạch, tách rời những
đối tượng có dính dáng đến lợi ích để tránh xung đột. Việc này sẽ giúp VFF
bán được vé ở mức người mua sẵn lòng chi trả cao nhất để đưa vào ngân sách
chung.
Điều quan
trọng hơn cả là cần cải tổ lại cách thức hoạt động của VFF theo hướng một tổ
chức chuyên nghiệp mà ở đó những người làm bóng đá đích thực, nhất là các câu
lạc bộ có tiếng nói và có trách nhiệm. VFF cần trở thành một tổ chức chuyên
nghiệp, tạo dựng niềm cảm hứng cho toàn xã hội với một cách thức làm việc
minh bạch và chính trực hơn.
Cuối cùng,
Việt Nam cần giảm thiểu các chính sách hay cách hành xử đặc quyền đặc lợi hay
bình đẳng theo cách tất cả những người bình đẳng như nhau, nhưng có một số ít
người được bình đẳng hơn.
Các nguyên
tắc thị trường và phân bổ công bằng nên được áp dụng để giảm dần tư tưởng
miễn phí hoặc được chia phần một cách chủ quan đang rất phổ biến hiện nay.
(Theo Zing.vn)
TS Huỳnh Thế Du
Đại học Fulbright Việt Nam
|
Thứ Năm, 13 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét