Lộ
nhiều bất thường trong trợ giá xe buýt ở TP HCM
Cập nhật lúc 10:48
Dù chưa quyết toán cụ thể nhưng trợ giá xe buýt tại TP HCM đang được tính
trung bình mỗi năm khoảng 1.000 tỉ đồng và việc sử dụng nguồn tiền từ ngân
sách này đã, đang bộc lộ nhiều bất thường
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, qua 2 lần
Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP HCM đề nghị bổ sung kinh phí trợ giá xe buýt
năm 2018 (lần đầu là 330 tỉ đồng và lần 2 là 168 tỉ đồng) thì lần nào cũng bị
Sở Tài chính "tuýt còi" vì có không ít nội dung chưa được chứng
minh rõ ràng.
Tính toán lệch đến hơn 200 tỉ đồng
Cụ thể, năm 2018, theo quy trình thực hiện và bổ sung dự
toán trợ giá xe buýt, Sở GTVT TP khi lập dự toán sẽ dựa trên cơ sở mức tăng
trưởng khối lượng vận chuyển với tỉ lệ tăng kỳ vọng sản lượng hành khách là
20% (tương ứng số hành khách tăng 347 triệu lượt) so với dự toán đề xuất năm
2017 là 280 triệu lượt. Từ đó, Sở GTVT ban đầu đề xuất dự toán trợ giá xe
buýt năm 2018 là 1.720 tỉ đồng. Tuy nhiên, theo Sở Tài chính, từ tình hình thực
hiện, ước 8 tháng năm 2017 và thực tế các năm trước, sở này đã yêu cầu điều
chỉnh số lượt hành khách năm 2018 là 280 triệu lượt và dự toán kinh phí trợ
giá xe buýt trong năm là 1.000 tỉ đồng (trong đó, kinh phí dự phòng do thay
đổi nhiên liệu và mở thêm tuyến là 101,37 tỉ đồng). Căn cứ vào mức này, Trung
tâm Quản lý giao thông công cộng (viết tắt là Trung tâm, thuộc Sở GTVT TP
HCM) sẽ ký hợp đồng đặt hàng với các HTX xe buýt để phân bổ lại tiền trợ giá,
duy trì hoạt động của xe buýt có trợ giá trong năm.
Đến
thời điểm hiện tại, báo cáo quyết toán năm 2011 và giai đoạn 2012-2016 vẫn
chưa được Trung tâm Quản lý giao thông công cộng TP thực hiện xong. Ảnh: GIA
MINH
Trong khi đó, cho rằng mức trợ giá 1.000 tỉ đồng năm 2018
không đủ hoạt động, Sở GTVT trước đó đã đề xuất bổ sung 330 tỉ đồng, tuy
nhiên, Sở Tài chính sau khi thẩm định đã yêu cầu phải làm rõ một số nội dung.
Sở GTVT sau đó rà soát và giải trình lại thì đề nghị giảm còn 168 tỉ đồng
nhưng qua rà soát, Sở Tài chính chỉ thống nhất bổ sung 123 tỉ đồng trợ giá
năm 2018 và đã trình UBND TP xem xét.
Như vậy, so với mức đề xuất lần đầu của Sở GTVT với mức
tính toán của Sở Tài chính thì số tiền lệch lên đến hơn 200 tỉ đồng (?!).
Theo Luật Ngân sách, Sở GTVT phải phê duyệt dự toán kinh
phí đặt hàng vào ngày đầu năm. Thế nhưng năm 2018, phải đến ngày 15-8, Sở
GTVT mới ban hành quyết định về phê duyệt dự toán kinh phí đặt hàng cung ứng
dịch vụ vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt trên địa bàn TP để làm cơ
sở ký hợp đồng thương thảo đặt hàng. Việc chậm phê duyệt dự toán kinh phí trợ
giá cho các đơn vị vận tải theo đó cũng bị chậm giải ngân, kéo theo những bức
xúc dai dẳng của xã viên và sự trì trệ của nhiều tuyến xe do bị chậm tiền trợ
giá.
Đặc biệt, sau cuộc thương thảo đặt hàng lần 1 giữa Sở GTVT
và các HTX xe buýt ngày 23-8 bất thành, sở tiếp tục thương thảo đặt hàng lần
2 ngày 27-9. Thế nhưng, thời điểm này chỉ có 9/13 đơn vị ký hợp đồng đặt
hàng. Trong khi một số HTX cho rằng cách tính và phân bổ tiền trợ giá không
thống nhất, đặc biệt là có sự chênh lệch so với lần 1, khi mức khoán doanh
thu quá cao, không đúng thực tế dẫn đến trợ giá giảm. Kinh phí trợ giá xe
buýt được tính bằng tổng chi phí chuyến xe trừ doanh thu bán vé, vì vậy khi
doanh thu tăng, đồng nghĩa mức trợ giá sẽ giảm và ngược lại. Trong khi các
HTX cho rằng lượng khách trên các chuyến xe hiện đang giảm thì việc khoán
doanh thu ở mức cao hơn từ 20%-30% so với năm 2017 là không đúng thực tế,
khiến các đơn vị khó có khả năng duy trì. Sau nhiều lần tổ chức làm việc giữa
các bên, phải đến khoảng đầu tháng 11, tất cả các đơn vị mới ký hợp đồng đặt
hàng năm 2018.
Sở đổ cho Trung tâm chậm quyết toán
Một vấn đề khác là theo tìm hiểu, từ năm 2012 đến 2016,
tình hình trợ giá tạiTP HCM bị chậm quyết toán và bộc lộ nhiều vấn đề.
Theo quy trình quyết toán xe buýt, hằng tháng, doanh
nghiệp vận tải tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán gửi về Trung tâm. Cuối ngày
31-3 hằng năm, Trung tâm tổng hợp hồ sơ, báo cáo quyết toán năm trước liền kề
để tiến hành kiểm toán theo quy định. Trong thời gian 60 ngày, từ khi Trung
tâm nhận báo cáo kết quả kiểm toán thì phải gửi toàn bộ hồ sơ, báo cáo quyết toán
đã được kiểm toán về Sở GTVT xét duyệt. Tiếp tục, trong thời hạn 90 ngày, từ
khi Sở GTVT nhận đủ hồ sơ từ Trung tâm thì phải có báo cáo kiểm toán đính
kèm, được phòng tài chính kiểm tra, xét duyệt báo cáo quyết toán năm về tình
hình quản lý, sử dụng kinh phí trợ giá của Trung tâm. Từ đó sẽ thông báo số
liệu xét duyệt quyết toán, đồng thời tổng hợp gửi Sở Tài chính thẩm tra.
Tuy nhiên, theo Sở GTVT, dù đã nhiều lần đôn đốc, nhắc nhở
Trung tâm nộp hồ sơ, báo cáo quyết toán về tình hình sử dụng kinh phí ngân
sách trợ giá xe buýt các năm, tuy nhiên, vào tháng 11-2018, Sở GTVT chưa nhận
được hồ sơ, báo cáo quyết toán kinh phí trợ giá của Trung tâm từ năm 2012 đến
2016. Riêng năm 2011, hồ sơ đề nghị quyết toán của Trung tâm dù đã được gửi
nhưng Sở GTVT yêu cầu bổ sung hồ sơ, thuyết minh giải trình một số nội dung.
Do chậm trễ báo cáo quyết toán nên từ năm 2011 đến 2017, Sở GTVT chưa lập
được báo cáo quyết toán.
Do tiếp thanh tra và nhiều lần thay đổi giám đốc (?!)
Về việc Sở GTVT nói đã nhiều lần nhắc nhở, đôn đốc thực
hiện báo cáo quyết toán nhưng Trung tâm vẫn chưa làm xong, theo nguồn tin của
Báo Người Lao Động, phía Trung tâm đang làm giải trình nhiều nội dung liên
quan của từng năm.
Cụ thể, với tình hình trợ giá năm 2011, Trung tâm đã gửi
hồ sơ quyết toán và Sở GTVT sau khi kiểm tra số liệu tiếp tục yêu cầu làm rõ
một số vấn đề về dự toán điều chỉnh. Còn đối với giai đoạn 2012-2016, phía
Trung tâm chưa gửi hồ sơ quyết toán và đang thuê kiểm toán. Gần đây nhất, năm
2017, Trung tâm đã gửi hồ sơ quyết toán và Sở GTVT tiến hành thẩm định. Tuy
nhiên, cũng tương tự năm 2011, nhiều nội dung Sở GTVT đang yêu cầu Trung tâm
làm rõ. Trong khi đó, nguồn tin cho biết việc chậm gửi hồ sơ quyết toán các
năm nêu trên, phía Trung tâm giải trình là do phải… tiếp các đoàn thanh tra
và do giám đốc của Trung tâm thay đổi nhiều lần, làm ảnh hưởng đến tiến độ
quyết toán.
Các chuyên gia giao thông cho
rằng việc chậm quyết toán kéo dài suốt nhiều năm khiến các đơn vị thẩm định
chưa thể xác định tiền ngân sách được sử dụng như thế nào là điều hết sức
quan ngại.
Nhiều xã viên phản ứng cách
chuyển tiền của Trung tâm
Tại HTX Vận tải và Du lịch Đông
Nam (gọi tắt là HTX Đông Nam) hiện có nhiều xe buýt mới được đầu tư hơn chục
tỉ đồng nhưng "trùm mền" vì hoạt động không hiệu quả, thu không đủ
bù chi. Vốn đầu tư những xe này hầu hết vay ngân hàng và do HTX đứng tên cho
xã viên. Dù được hưởng lãi suất ưu đãi từ TP nhưng do hoạt động thua lỗ nên
nhiều xã viên bỏ xe, để lại khoản nợ ngân hàng lớn cho HTX "gánh".
Lý do là theo hợp đồng tín dụng,
tiền trợ giá mỗi tháng từ Trung tâm chuyển về HTX sẽ vào thẳng tài khoản của
ngân hàng, từ đó ngân hàng tự động khấu trừ nợ, còn dư mới đến tay các xã
viên. Do đó, khoản nợ từ đầu tư những xe ngưng hoạt động, các xã viên dù
không liên quan vẫn bị cấn trừ vào tiền trợ giá.
Theo đại diện HTX Đông Nam, vào
khoảng tháng 10, sau khi đơn vị này kiến nghị, Trung tâm mới tách tài khoản
ngân hàng để chuyển tiền trợ giá đến đúng đối tượng. Tuy nhiên, những tháng
trước cho tới đầu năm 2018, tiền trợ giá của nhiều xã viên vẫn chưa được nhận
đủ. "Cầm cự" để hoạt động nên tại HTX này, hàng loạt chủ xe như ở
tuyến 88 đang đề xuất xin chuyển qua hoạt động tại HTX Vận tải và Du lịch
Thanh Sơn.
Giải thích cho việc trên, ông
Trần Chí Trung, Giám đốc Trung tâm, lại cho rằng các "lùm xùm" tại
HTX Đông Nam chủ yếu là về tài chính và năng lực điều hành. Phía Trung tâm
hiện đã yêu cầu đơn vị này nêu rõ phương án tái cấu trúc về quản lý, điều
hành, đồng thời làm việc với UBND quận 2 chấn chỉnh các đoàn phương tiện.
Trường hợp không đưa ra được phương án, Sở GTVT sẽ thu hồi các tuyến xe buýt
mà HTX này đảm nhận, giao cho đơn vị khác có năng lực hơn quản lý.
(Theo Người Lao Động) GIA MINH - XUÂN
GIANG
|
Thứ Năm, 20 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét