Vụ
Vinasun kiện Grab phải bồi thường thiệt hại:
Đề án 24 tách rời giữa
dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải là không thực tế
Cập nhật lúc 14:38
HĐXX
chấp nhận một phần khởi kiện của Vinasun, buộc Grab phải bồi thường cho
Vinasun gần 5 tỉ đồng.
Sau nhiều lần mở tòa rồi tạm dừng phiên
tòa, ngày 28/12, TAND TP.HCM đã tuyên án vụ kiện dân sự "tranh chấp bồi
thường thiệt hại ngoài hợp đồng" giữa nguyên đơn là Công ty CP Ánh Dương
VN (Vinasun) và bị đơn là Công ty TNHH Grab (Grab).
HĐXX nhận định, dựa vào các tài liệu
chứng cứ và tranh luận tại tòa, căn cứ vào đơn khởi kiện của Vinasun đòi Grab bồi thường
41,2 tỷ đồng, không yêu cầu giải quyết việc cạnh tranh không lành mạnh, cho
thấy việc Grab cho rằng việc giải quyết tranh chấp này của Bộ GTVT là không
có căn cứ.
Do Grab là doanh nghiệp Việt Nam có trụ sở tại TP.HCM nên
thẩm quyền thụ lý thuộc Tòa Kinh tế TAND TP.HCM. Việc triệu tập các cơ quan
như Bộ GTVT đến tòa, HĐXX cho rằng không cần thiết.
Xét hoạt động của Grab, Tòa cho rằng
Grab đã trực tiếp kinh doanh taxi, điều chỉnh giá bán, khuyến mãi, thưởng
điểm cho tài xế…
Với tài xế khi đăng ký làm cho Grab, họ
hoàn toàn làm việc với Grab chứ không có đơn vị vận tải nào. Điều này tòa
nhận định dựa vào biên bản lời khai của đơn vị vận tải và tài xế. HĐXX cho
rằng, nếu Grab là đơn vị cung ứng dịch vụ kết nối thì không có lý do gì Grab
đứng ra mua bảo hiểm cho lái xe. Khi khách hàng gọi xe, khách hàng đã chi trả
vào tài khoản của Grab, điều này cho thấy chi phí này thuộc về phần mềm dịch
vụ của Grab chứ không phải đơn vị kinh doanh vận tải.
Tại tòa, HĐXX có hỏi Grab về mức chiết
khấu về quãng đường khác nhau trong khi cùng một điều kiện nhưng Grab không
trả lời được. Điều này cho thấy Grab chủ động điều chỉnh mức chiết khấu. Giao
dịch của Grab không phải là hợp đồng điện tử như Grab nói, bởi vì không có
điều khoản cơ bản, quyền nghĩa vụ của hai bên, chữ ký của các chủ thể, phương
quyết giải quyết tranh chấp không có. Vì vậy, việc Grab cho rằng
công ty này chỉ hoạt động cung ứng phần mềm là không có cơ sở chấp nhận.
Việc Vinasun khởi kiện cho rằng thời
gian qua Grab kinh doanh vi phạm pháp luật, gây thiệt hại cho Vinasun là có
căn cứ. Tuy nhiên, cần xem xét mối quan hệ nhân quả giữa hành vi trái pháp
luật của Grab và hậu quả gây ra. Việc chọn công ty giám định thiệt hại của
tòa là hoàn toàn phù hợp quy định của pháp luật.
Xét tranh chấp Vinasun - Grab là tranh
chấp bồi thường ngoài hợp đồng, hành vi có lỗi của Grab đã được chứng minh.
Còn về thiệt hại, dựa vào kết quả giám định đều cho thấy có thiệt hại với
Vinasun, có nguyên nhân do Grab gây ra.
Về mối quan hệ nhân quả, dựa vào tài
liệu thu thập cho thấy từ đầu năm 2016, số lượng xe đăng ký phù hiệu xe hợp
đồng của Grab tăng đột biến, số lượng xe nằm bãi và kinh doanh của Vinasun
ngày càng giảm. Điều này cho thấy có mối quan hệ nhân quả giữa việc xuất hiện
của Grab với thiệt hại của Vinasun; có sự sụt giảm doanh thu của Vinasun do
Grab.
Tuy nhiên, đối với phần giảm giá trị
vốn hóa của Vinasun, tòa nhận thấy sự sụt giảm đó còn phụ thuộc vào nhiều yếu
tố, không thể tách biệt giữa phần nào do Grab gây ra, phần nào do yếu tố
khác. Do đó, HĐXX không có căn cứ chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của
Vinasun. Tòa chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, yêu cầu
Grab bồi thường hơn gần 5 tỉ đồng; bác bỏ yêu cầu đòi Grab bồi thường hơn 36
tỷ đồng.
Bên cạnh đó, Tòa cũng kiến nghị, trong
quá trình thực hiện triển khai kinh doanh, Grab đã ứng dụng phần mềm kết nối
trong hoạt động kinh doanh, đem lại nhiều tiện ích cho người dân, nhất là
những người sử dụng dịch vụ của Grab như chất lượng dịch vụ, minh bạch giá
cước. Do đó, cần khuyến khích duy trì mô hình kinh doanh công nghệ của
Grab.
Tuy nhiên, bên cạnh mặt tích cực thì
hoạt động của Grab vẫn còn lộ nhiều hạn chế, như việc cơ quan chức năng không
quản lý được, từng hoạt động theo mô hình kinh tế chia sẻ ở các nước nhưng
khi Grab vào hoạt động thì Bộ GTVT và các cơ quan chức năng không kịp thời có
chính sách quản lý phù hợp với mô hình hoạt động của Grab mà lại lại rập
khuôn mô hình kinh tế chia sẻ của các nước.
Việc tiếp tục duy trì Đề án 24, dẫn tới
sự bùng phát phương tiện giao thông gây ách tắc nghiêm trọng ở các thành phố
lớn. Với mô hình hoạt động taxi như Grab, trên thế giới chưa có quốc gia nào
tách rời được giữa dịch vụ công nghệ cao với kinh doanh vận tải. Trong khi
nội dung Đề án 24 lại tách rời giữa hai điều này. Do đó áp dụng với Grab là
không thực tế.
Vì vậy, Tòa kiến nghị Bộ GTVT cần xem
Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải để có chính sách quản lý phù hợp, sửa
đổi nội dung Đề án 24 nếu tiếp tục thực hiện đề án này. Từ chính sách bất
bình đẳng trong điều kiện kinh doanh vận tải, tăng giảm tùy tiện giá cước vận
tải mà Nhà nước không quản lý được. Đã là kinh doanh phải đóng thuế đúng, đủ
theo ngành nghề kinh doanh .
Do đó, Tòa kiến nghị Bộ Tài chính và
các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phải có biện pháp quản lý giá cước và thu thuế
đối với Grab theo đúng quy định về doanh nghiệp kinh doanh vận tải.
(Theo VietNamNet) Đoàn Nga
|
Thứ Sáu, 28 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét