Bộ
Chính trị thống nhất giới thiệu hơn 200 nhân sự để Trung ương cho ý kiến
Cập nhật lúc 14:24
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước thông tin cho biết, qua rà
soát, lựa chọn, Bộ Chính trị đã thống nhất giới thiệu để Trung ương cho ý
kiến đối với hơn 200 đồng chí.
Sáng 25/12, Hội nghị lần thứ 9 Ban Chấp hành Trung ương khoá XII
khai mạc trọng thể tại Thủ đô Hà Nội. Hội nghị lần này sẽ thảo luận cho ý
kiến về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương Đảng nhiệm kỳ 2021 - 2026;
tiến hành lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các Uỷ viên
Bộ Chính trị, Ban Bí thư; và một số vấn đề quan trọng khác.
Phát biểu khai mạc Hội nghị, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn
Phú Trọng đã lưu ý các đồng chí Uỷ viên Ban Chấp hành Trung ương một số vấn
đề liên quan đến nội dung và nhiệm vụ của Hội nghị lần này.
Về việc quy hoạch Ban Chấp hành Trung
ương Đảng nhiệm kỳ 2021-2026, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho
biết, sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nhấn mạnh: "Cán bộ là cái
gốc của mọi công việc", "muôn việc thành công hoặc thất bại đều do
cán bộ tốt hoặc kém". Do đó, công tác cán bộ được coi là khâu then chốt
trong toàn bộ công tác xây dựng Đảng, là nguyên nhân của mọi nguyên nhân, là
nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Trong công tác cán bộ, việc
quy hoạch cán bộ là khâu mở đầu, có ý nghĩa rất quan trọng, bảo đảm cho công
tác cán bộ đi vào nền nếp, chủ động, có tầm nhìn xa, đáp ứng cả yêu cầu trước
mắt và lâu dài.
Nhấn mạnh, quy hoạch Ban Chấp hành Trung ương nhiệm kỳ 2021 -
2026 chưa phải là "làm nhân sự" cụ thể cho nhiệm kỳ tới, nhưng là
một bước chuẩn bị rất quan trọng, là cơ sở cho công tác nhân sự Ban Chấp hành
nhiệm kỳ XIII của Đảng, vì vậy, theo Tổng Bí thư, Chủ tịch nước, trong quá
trình thực hiện phải hết sức thận trọng, bảo đảm đúng nguyên tắc tập trung
dân chủ và các quy định của Đảng về công tác cán bộ, phải thật sự công tâm, khách
quan, tuyệt đối không được thiên vị, cá nhân, không để lọt vào quy hoạch
những người không đủ tiêu chuẩn, nhất là những người có biểu hiện suy thoái
về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, "tự diễn biến", "tự
chuyển hoá", có quan điểm lệch lạc, mất đoàn kết, tham nhũng, tiêu cực.
Tinh thần là phải làm từng bước, từng việc, chắc chắn, chặt chẽ; quy hoạch
xong Ban Chấp hành Trung ương, mới làm quy hoạch Bộ Chính trị, Ban Bí thư;
sau đó mới đến các chức danh chủ chốt.
Đồng thời, cần thường xuyên rà soát, kịp thời phát hiện những
trường hợp vi phạm hoặc không đủ tiêu chuẩn để đưa ra khỏi quy hoạch; bổ sung
những nhân tố mới đủ tiêu chuẩn, điều kiện vào quy hoạch. Phát huy đầy đủ
trách nhiệm, thẩm quyền của các cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo cơ
quan, đơn vị và người đứng đầu trong việc giới thiệu nhân sự quy hoạch cán bộ
cấp chiến lược.
Trên cơ sở danh sách gần 250 đồng chí được các địa phương, cơ
quan, đơn vị phát hiện, giới thiệu, Ban Chỉ đạo đã phối hợp với các ban đảng
Trung ương rà soát, lựa chọn báo cáo Bộ Chính trị và Bộ Chính trị đã thống nhất
giới thiệu để Trung ương cho ý kiến đối với hơn 200 đồng chí.
Sau Hội nghị Trung ương, căn cứ vào kết quả giới thiệu của Trung
ương, sự rà soát, thẩm định của Ban Chỉ đạo, của các ban đảng và các cơ quan
chức năng, Bộ Chính trị sẽ xem xét, quyết định một bước quy hoạch Ban Chấp hành
Trung ương nhiệm kỳ 2021 - 2026 theo đúng thẩm quyền và các quy định của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề nghị các đồng chí Uỷ viên Trung
ương phát huy tinh thần trách nhiệm, nghiên cứu thật kỹ Tờ trình của Bộ Chính
trị trước khi ghi phiếu giới thiệu.
Về việc lấy phiếu tín nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với
các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước cho
biết, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các thành viên lãnh đạo trong các cơ
quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội là
một chủ trương mới, đúng đắn mà Nghị quyết Trung ương 4 khoá XI về xây dựng
Đảng đã đề ra, được đông đảo cán bộ, đảng viên và nhân dân quan tâm, đồng
tình, ủng hộ.
Tại Hội nghị lần này, Bộ Chính trị tổ chức việc lấy phiếu tín
nhiệm của Ban Chấp hành Trung ương đối với các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị,
Ban Bí thư là nhằm thăm dò tín nhiệm, qua đó giúp các đồng chí được lấy phiếu
tự nhìn nhận lại mình, để điều chỉnh, tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, không
ngừng nâng cao trình độ, bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, đáp ứng yêu
cầu nhiệm vụ được giao. Đồng thời giúp Bộ Chính trị có thêm thông tin để đánh
giá, bố trí, sử dụng cán bộ, góp phần xây dựng đội ngũ cán bộ cấp cao của
Đảng và Nhà nước ngày càng vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ
quốc trong tình hình mới.
Tuy nhiên, việc lấy phiếu tín nhiệm đối với các Uỷ viên Bộ Chính
trị, Ban Bí thư - là những chức danh lãnh đạo cấp cao của Đảng và Nhà nước,
cho nên rất hệ trọng và nhạy cảm, liên quan đến uy tín và sự lãnh đạo chung của
Đảng. Bộ Chính trị đề nghị các đồng chí Trung ương phát huy cao độ tinh thần
trách nhiệm và xây dựng, nghiên cứu thật kỹ Quy định và Tờ trình của Bộ Chính
trị, các báo cáo công tác của từng đồng chí uỷ viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư
để thể hiện chính xác chính kiến của mình qua mỗi lá phiếu, góp phần làm cho
việc lấy phiếu lần này thật sự dân chủ, khách quan, công tâm, tăng cường sự
đoàn kết, thống nhất trong Đảng; không để các thế lực xấu, thù địch lợi dụng
xuyên tạc, chống phá.
Cũng tại Hội nghị này, Ban Chấp hành Trung ương sẽ cho ý kiến về
Báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo, chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư năm 2018
và xem xét, thi hành kỷ luật cán bộ theo quy định của Đảng.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, nội dung
và thời gian của Hội nghị Trung ương lần này không nhiều, nhưng những vấn đề
được bàn và quyết định là rất hệ trọng. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước đề
nghị các đồng chí Trung ương và các đồng chí tham dự Hội nghị phát huy cao độ
trí tuệ, tinh thần trách nhiệm trước Đảng, trước nhân dân và đất nước, tập
trung nghiên cứu, thảo luận kỹ lưỡng, cho ý kiến để xem xét, quyết định việc
ra Nghị quyết vào cuối kỳ họp./.
|
Thứ Ba, 25 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét