An ninh năng lượng sao cứ mãi 'ăn
đong'?
Cập nhật lúc 15:00
Theo
tính toán của EVN, tổng công suất thiếu hụt do các nhà máy nhiệt điện than
phải ngừng hoạt động lên tới 2.300 MW, tương đương với mức sử dụng điện trung
bình của 13 tỉnh miền Trung.
Giá điện đang chịu một số yếu tố đầu vào chưa
thực sự thị trường. Trong ảnh: nhân viên EVN lắp điện kế để chuẩn bị bán điện
cho dân - Ảnh: TRUNG HÀ
Năm 2017, Thủ tướng đã có văn bản chỉ đạo giao Bộ Công
thương rà soát, tính toán năng lực cung ứng than từ các đơn vị sản xuất để
xây dựng kế hoạch cụ thể, nhằm đảm bảo cung cấp than ổn định với giá cạnh
tranh cho các nhà máy nhiệt điện.
Như vậy, vai trò cầm trịch rõ ràng là của Bộ Công
thương, TKV là một trong những trụ cột chính để đảm bảo cung ứng than cho
điện và EVN sẽ thực hiện vai trò đảm bảo cung ứng đủ điện cho nền kinh tế.
Thế nhưng giải thích việc để xảy ra thiếu than cho các
nhà máy nhiệt điện, TKV cho rằng do đến nay mới chỉ ký được 9 hợp đồng dài
hạn với EVN về mua bán than, nên rất khó để tính toán sản lượng khai thác cho
phù hợp với thực tế, gây nguy cơ tồn kho cao.
Còn EVN lại cho rằng việc đảm bảo nguồn than cho điện
trách nhiệm chính là của TKV, chỉ khi thiếu nguồn mới nhập khẩu, trong khi
giá than đang được TKV kiến nghị điều chỉnh tăng khiến chi phí giá thành sản
xuất điện tăng lên.
Với thực tế trên, có thể thấy rõ dù đã có chỉ đạo của
Thủ tướng Chính phủ về việc phải đảm bảo cung ứng than cho điện, song những
phương án điều hành cụ thể, gắn với công tác dự báo và kế hoạch thực hiện
trong từng năm chưa thực hiện hiệu quả.
Nguy cơ thiếu điện đang chực chờ càng đặt ra trách
nhiệm của Bộ Công thương cùng các bên liên quan trong việc cần phải có phương
án cấp bách trong vận hành, đảm bảo tính bền vững trong toàn hệ thống điện.
Theo quy hoạch điện VII (điều chỉnh) đến năm 2020,
nhiệt điện than vẫn là nguồn cung ứng chính cho hệ thống điện khi chiếm tới
49,3% và dự kiến năm 2030 chiếm tới hơn 53,2%.
Tình trạng các nhà máy nhiệt điện than ở miền Bắc phải
dừng hoạt động một số tổ máy vì thiếu than do không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng
về nguồn vừa qua, cho thấy rõ ràng nhiệt điện than dù là nguồn cung ứng chính
nhưng cũng tiềm ẩn không ít rủi ro cho toàn hệ thống.
Đến nay, đã có gần 6.000MW từ các dự án điện mặt trời
đăng ký nối lưới vào hệ thống điện, vượt xa rất nhiều so với quy hoạch điện
(850MW). Đây sẽ là nguồn năng lượng cần thiết bổ sung trong bối cảnh hiện
nay, song cũng đặt ra yêu cầu cho Bộ Công thương cần phải đảm bảo phát triển
đồng bộ hệ thống hạ tầng nối lưới, truyền tải.
Đồng thời, Bộ Công thương cũng cần phải sớm ban hành cơ
chế tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ gia đình tổ chức lắp hệ thống điện mặt
trời trên mái nhà nhằm giảm áp lực nguồn cung điện trong thời gian tới.
Không thể để việc đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia
của một đất nước lại đi "ăn đong" từng hợp đồng mua bán than, mà
cần phải có chiến lược dài hạn, bền vững trong phát triển các nguồn điện.
|
Thứ Bảy, 1 tháng 12, 2018
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét