Thứ Năm, 7 tháng 12, 2017

Sếp 9x cầm trịch đầu tư BOT: Chọn người đóng thế

Cập nhật lúc 15:23

"Giống như trong vở kịch, cùng một nhân vật nhưng có thể có nhiều người đóng thế, miễn sao làm tròn được vai diễn"

Vai diễn lớn
Thời gian gần đây, nhiều nhà đầu tư BOT đã thay thế các vị trí lãnh đạo bằng những người trẻ tuổi. Có người năm nay mới chỉ 25 tuổi đã lên làm Chủ tịch HĐQT của một công ty có vốn điều lệ lên tới 900 tỷ đồng.
Trao đổi với Đất Việt chiều 6/12, PGS.TS Lê Cao Đoàn, nguyên cán bộ Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, việc các nhà đầu tư chọn người trẻ tuổi làm lãnh đạo nhằm phục phụ những nhu cầu khác nhau. Theo ông, có thể nhìn nhận sự việc trên dưới hai góc nhìn.
Thứ nhất, chủ đầu tư BOT chọn lãnh đạo theo năng lực chuyên môn. Lãnh đạo trẻ tuổi hay có tuổi không phải là tiêu chí để đánh giá, chưa biết được năng lực của ai hơn ai.
Có thể họ trẻ tuổi nhưng họ có năng lực, được đào tạo bài bản, có học vấn tương ứng, đáp ứng được yêu cầu của công ty. Hoặc họ còn trẻ nhưng hoạt động trong một công ty có nền tảng tốt, hoạt động của công ty phù hợp với sự phát triển thì cũng không có vấn đề gì.
Những người trẻ tuổi có thể chưa có nhiều kinh nghiệm trong việc điều hành công ty, thế nhưng hình thức đầu tư BOT ở Việt Nam còn khá mới mẻ nên chưa thể khẳng định được điều gì.

 Sep 9x cam trich dau tu BOT: Chon nguoi dong the
BOT đang lộ “gương mặt xấu xí”   

Thứ hai, có thể các công ty đầu tư BOT đưa người trẻ tuổi lên làm lãnh đạo chỉ là để đối phó với những phản ứng bên ngoài. Nó là biểu hiện của sự lúng túng khi đối mặt với những tác động tiêu cực.
Giống như trong vở kịch, cùng một nhân vật nhưng có thể có nhiều người đóng thế, miễn sao làm tròn được vai diễn. Diễn như thế nào thì đã có đạo diễn ở đằng sau chỉ đạo, điều khiển, uốn nắn để vở diễn thành công.
Trở lại câu chuyện BOT, mục đích cuối cùng rõ ràng là câu chuyện của cuộc cạnh tranh và lợi ích trong lĩnh vực này. Nên nhớ rằng câu chuyện này vẫn đang tiếp diễn và chưa có hồi kết.
Theo TS. Đoàn, mặc dù chưa có những cuộc điều tra về xã hội học để có những bằng chứng xác đáng để nói cụ thể về việc người trẻ lên làm lãnh đạo, nhưng rõ ràng ở Việt Nam lại nói lên rất nhiều điều.
"Phải có một cuộc điều tra cụ thể, phải có lý lịch, thông tin, năng lực thực sự và hiệu quả hoạt động của những người này", ông nhấn mạnh.
Vấn đề mấu chốt
Nhìn nhận một cách khách quan, vị chuyên gia kinh tế cho rằng, việc ai làm lãnh đạo không quan trọng bằng việc công ty đó hoạt động theo mục đích nào? Có đáp ứng được yêu cầu của hoạt động giao thông vận tải hay không?.
"Tôi không quan tâm nhiều đến việc ai làm lãnh đạo trong các công ty đầu tư BOT. Hiện nay, BOT ở Việt nam loạn quá, các nơi đều có tiếng nói và phản ứng rất mạnh mẽ.
BOT chỉ đơn giản là một hình thức kinh tế nhằm thực hiện việc đầu tư và quản lý đầu tư với việc sử dụng các công trình giao thông, nhằm đảm bảo năng lực cho hoạt động giao thông với giá rẻ và chất lượng.
Thế nhưng đến khi thực hiện, nó lại trở thành một mớ bòng bong trong nền kinh tế, khiến hình ảnh giao thông nước ta trở nên xấu xí. BOT đang thu lợi trên lưng của những người hoạt động trong lĩnh vực giao thông", ông Đoàn nhấn mạnh.
Vị chuyên gia kinh tế tỏ ra đau lòng trước câu chuyện GTVT ở Việt Nam. Theo ông, GTVT là cơ sở hạ tầng vô vùng quan trọng trong việc lưu thông kinh tế và lưu thông xã hội, thế nhưng lĩnh vực này lại rất kém trong khâu đầu tư và quản lý, từ đường bộ, đường sắt, đường biển đến hàng không.
"Đường sắt thì sập sệ, lạc hậu; hàng hải thì vướng vào những lùm xùm tại Vinashin, Vinalines; hàng không thì sân golf nằm trong sân bay; đường bộ thì chưa có tuyến cao tốc nào đáng mặt là đường cao tốc.
Có một khâu quan trọng giúp gắn kết các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội với nhau thì nó lại diễn ra một cách tệ hại đến vậy.
BOT nhằm vào mục tiêu kết hợp các hình thức huy động vốn, tăng hiệu quả trong việc xây dựng hạ tầng giao thông. Nhưng khi có bàn tay của các đạo diễn nhúng vào thì mọi chuyện trở nên rối rắm, không như chúng ta mong muốn. Khái niệm BOT vốn rất đơn giản lại trở nên trừu tượng", TS. Đoàn bức xúc.
Nhìn nhận một cách tổng quát, PGS.TS Lê Cao Đoàn cho rằng, không chỉ riêng hệ thống giao thông, hệ thống tài chính ngân hàng, hệ thống giáo dục, hệ thống y tế, bảo hiểm... đều có vấn đề. BOT chỉ là một mắt xích nhỏ nhưng rất nổi bật trong số những vấn đề mà chúng ta đang phải đối mặt.
(Theo Đất Việt) Hoàng Hải

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét