Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017

Phức tạp “con cháu" của Luật

Cập nhật lúc 09:16

Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật nước ta có lẽ khác so với các nước tiên tiến trên thế giới, đó là ngoài Hiến pháp và các Luật ra còn có các tầng nấc khác như Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư, Hướng dẫn… để cụ thể hóa từng bộ luật.
Lẽ thường, mỗi luật được ban hành cần cụ thể, rõ ràng, dễ hiểu, thuận tiện khi triển khai và thực hiện được ngay. Tuy nhiên, thực tiễn hầu hết các luật sau khi ban hành đều phải chờ thêm việc cụ thể hóa bằng nghị định, thông tư. Vì vậy đã xảy ra chuyện có khi Thông tư "to" hơn Nghị định, Nghị định "to" hơn luật… Ví dụ việc một số bộ, ngành ban hành quy chế bổ nhiệm hàm, chức danh không có trong luật nào và thế là nhiều vụ trưởng, vụ phó "không vụ" được "sinh ra", Nhà nước phải “chạy theo” bảo đảm chế độ, chính sách cho những chức danh mới...
Việc Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 33/2017 quy định chi tiết một số điều Nghị định 01/2017/NĐ-CP của Chính phủ trong đó sửa đổi, bổ sung quy định ghi họ tên, năm sinh, tên và số giấy tờ nhân thân của chủ hộ gia đình có chung quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất… đã gây nhiều ý kiến trái chiều. Theo cơ quan ban hành, mục đích của việc này nhằm bảo đảm quyền lợi cho các thành viên có chung quyền sở hữu, hạn chế tranh chấp…


Theo Khoản 2, Điều 98 của Luật Đất đai năm 2013 Thửa đất có nhiều người chung quyền sử dụng đất, nhiều người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất thì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất phải ghi đầy đủ tên của những người có chung quyền sử dụng đất, người sở hữu chung nhà ở, tài sản khác gắn liền với đất và cấp cho mỗi người 01 Giấy chứng nhận; trường hợp các chủ sử dụng, chủ sở hữu có yêu cầu thì cấp chung một Giấy chứng nhận và trao cho người đại diện. Như vậy điều luật đã khá rõ ràng, không cần thiết ban hành thông tư trên rồi tuyền truyền không đến nơi đến chốn gây sự hiểu lầm trong dư luận.
Mới đây, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 45/2017/TT-BGTVT đã đưa một số giấy tờ không có giá trị là giấy tờ tuỳ thân khi đi máy bay gồm Thẻ đảng viên, Thẻ nhà báo, Giấy phép lái xe khiến dư luận phán ứng gay gắt. Sai sót được nhận thức ngay nhưng “trái bóng trách nhiệm” cũng bị chuyền qua lại giữa một số cơ quan giúp việc và cuối cùng chốt lại do “đánh máy”! Cũng tại Bộ này, việc Cảng hàng không quốc tế Nội Bài quy định xe taxi hoạt động khai thác tại sân bay này phải có niên hạn không quá 6 năm khiến nhiều doanh nghiệp giật mình! Phải chăng nay một doanh nghiệp cũng có quyền ban hành văn bản quy định điều kiện kinh doanh của doanh nghiệp khác?
Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần rà soát lại quy trình và quyền hạn ban hành các văn bản dưới luật của cơ quan tham mưu để bảo đảm chất lượng, hạn chế sai sót. Đừng để sinh ra những “con cháu” dư thừa và khuyết tật của luật.
(Theo dongquanho.blogspot.com) Đinh Hoàng
Bài bình luận đăng Báo Người cao tuổi ngày 6 tháng 12 năm 2017

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét