Lộ bằng chứng BOT Cai Lậy 'tay không bắt giặc'
Cập nhật lúc 10:11
Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.398 tỉ đồng, trong đó 15% là vốn
chủ sở hữu của chủ đầu tư (210 tỉ đồng).
Bất hợp lý
Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy, theo thông tin từ cổng
thông tin Ban quản lý đầu tư các dự án đối tác công - tư thuộc Bộ Giao thông
vận tải, chủ đầu tư BOT Cai Lậy là Công ty Cổ phần Tư vấn Đầu tư Xây dựng Bắc
Ái và Công ty cổ phần Đầu tư Thương mại và Xây dựng giao thông 1 (Trico).
Tổng mức đầu tư của dự án này là 1.398 tỉ đồng, trong đó
15% là vốn chủ sở hữu của chủ đầu tư (210 tỉ đồng).
Công ty Bắc Ái góp 65%, tương đương 136,5 tỉ đồng và Trico
góp 35% (73,5 tỉ đồng). Phần còn lại hoàn toàn là vốn huy động từ các tổ chức
tín dụng.
Từng đưa ra nhận định với Đất Việt, chuyên gia kinh tế Ngô
Trí Long thừa nhận, khảo sát thực tế cho thấy, vốn tự có của nhà đầu tư BOT
chỉ chiếm một phần rất nhỏ - mang tính tượng trưng là chính.
Thậm chí có dự án nhà đầu tư tham gia theo kiểu ''tay
không bắt giặc'' khi số vốn tự có chiếm 10% đến 15% trên tổng mức đầu tư hàng
nghìn tỷ đồng.
Việc nhà đầu tư phải đi vay vốn để làm dự án đã khiến suất
đầu tư cho một km đường tăng cao, kèm theo đó là thời gian thu phí kéo dài.
Báo cáo của Chính phủ trước đó cũng thừa nhận, phần lớn
nguồn đầu tư thực hiện dự án BOT là từ ngân hàng, nhà đầu tư chỉ góp 10 - 15%.
4 ngân hàng cho vay BOT lớn nhất được xác định là BIDV,
Vietcombank, VietinBank và SHB, chiếm 91% dư nợ, trong đó VietinBank và
Vietcombank đang có tốc độ tăng trưởng tín dụng vào các dự án BOT, BT giao
thông ở mức rất cao.
Cùng đưa ra quan điểm về vấn đề này, ông Trần
Quang Chiểu, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách Quốc hội cho
rằng, quy định khi lựa chọn nhà thầu thực hiện BOT, năng lực nhà thầu chỉ
10-15% vốn chủ sở hữu là bất hợp lý.
''Hiện có tình trạng chủ đầu tư vẽ ra vốn chủ sở hữu bằng
cách vay tiền ở đâu đó rồi gửi vào ngân hàng. Đến lúc vào làm dự án mới phát
hiện chủ đầu tư tay không bắt giặc'', ông Chiểu nói.
Ngân hàng Nhà nước thừa nhận
Trong văn bản trả lời chất vấn vừa gửi đại biểu, Thống đốc
Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng cho biết, đến cuối tháng 9, dư nợ đối với các
dự án BOT, BT giao thông đã lên 90.311 tỉ đồng, tăng 3,53% so với cuối năm
trước, chiếm 1,46% tổng dư nợ trong nền kinh tế.
Tuy nhiên, theo ông Hưng, việc cấp tín dụng đối với lĩnh
vực đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, đặc biệt là các dự án BOT giao thông,
tồn tại một số khó khăn và nhiều rủi ro.
Theo đánh giá, khó khăn lớn nhất chính là năng lực tài
chính của nhà đầu tư dự án BOT còn hạn chế, ít khả năng hỗ trợ dự án khi có
biến động, như tổng mức đầu tư tăng, giảm phí… Trong khi đó, nhà đầu tư cũng
không đảm bảo vốn chủ sở hữu khi tham gia vào dự án.
Hiện nay, tỷ lệ vốn chủ sở hữu trên tổng mức đầu tư dự án
BOT chỉ cần 10 -15% và phụ thuộc rất nhiều vào nguồn vốn đi vay từ các tổ
chức tín dụng.
Phía Ngân hàng nhà nước cũng cho rằng, Chính phủ và các cơ
quan liên quan cần thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cụ thể, như sớm hoàn
thiện cơ chế về đầu tư theo hình thức đối tác công tư; xây dựng lộ trình
triển khai các trạm thu phí không dừng trên tất cả các dự án BOT; tăng vốn
chủ sở hữu tham gia vào dự án…
(Theo
Đất Việt) Bảo Ngọc
BOT được cái
danh “xã hội hóa”, tức là tranh thủ nguồn vốn nhàn rỗi trong khu vực tư nhân
để xây dựng các công trình của Nhà nước. Chính vì quan niệm vốn tư nhân nên
việc dự toán chi phí đầu tư được buông lỏng, từ đó các chủ đầu tư làm 1, nói
10, nếu không có kiểm toán vào cuộc thì họ ung dung hưởng lợi. Thực chất các
dự án BOT chủ yếu do doanh nghiệp vay ngân hàng (ngầm hiểu là khoản vay sẽ
được Chính phủ bảo lãnh). Chính vì vậy vừa qua Bộ GTVT mới dọa nếu di dời
trạm Cai Lậy, doanh nghiệp sẽ bị “nợ xấu ngân hàng”! Một câu hỏi đặt ra: Đi
vay ngân hàng làm đường giao thông, tại sao Nhà nước không đứng ra vay để các
doanh nghiệp Nhà nước làm? Cớ sao phải giao tư nhân, trong khi nợ thì vẫn do
Chính phủ bảo lãnh? Trong các cuộc trả lời cử tri, chưa ai đưa ra câu hỏi và
giải đáp chuyện này.
Thương Giang
|
Thứ Tư, 6 tháng 12, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét