Thứ Bảy, 2 tháng 12, 2017

Dân không có lựa chọn về đường đi: Bất công trong chính sách BOT

Cập nhật lúc 14:06  

 Phân tích rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng chung của các dự án BOT hiện nay, thứ trưởng Bộ GTVT nói: có bất công trong chính sách.

Hiện cả nước có 8 trạm như kiểu trạm BOT Cai Lậy - trạm đặt trên đường hiện có nhưng thu cho tuyến tránh. Trong ảnh: tài xế phản ứng với nhân viên thu phí khi qua trạm BOT Cai Lậy lúc 2h sáng 1-12. Sau 3 lần xả trạm, đến 23h30 tối 1-12, BOT Cai Lậy thu phí trở lại - Ảnh: HỮU THUẬN
Sự kiện trạm thu phí BOT Cai Lậy, Tuổi Trẻ đã có cuộc trao đổi riêng với Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật. 
* Thưa thứ trưởng, Bộ GTVT có phương án gì về trạm BOT Cai Lậy để đảm bảo lưu thông thông suốt, bảo đảm quyền lợi nhà đầu tư?
- Dự án BOT nâng cấp mặt đường quốc lộ 1 và xây dựng tuyến tránh thị trấn Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang đã được Bộ GTVT tổ chức thực hiện tuân thủ đúng quy định pháp luật, có ý kiến đồng thuận của địa phương và Thủ tướng về chủ trương đầu tư, quy mô, hướng tuyến và vị trí đặt trạm thu giá dịch vụ. 
Hình thức thu phí hở trên các tuyến quốc lộ hiện nay chỉ đảm bảo công bằng một cách tương đối (các trạm BOT được đặt trên các tuyến quốc lộ không thể áp dụng hình thức thu phí kín theo kilômet như các tuyến đường cao tốc, mà phải áp dụng hình thức thu phí theo độ đi dài ngắn. 
Tuy vậy, không thể đảm bảo công bằng tuyệt đối cho các chủ phương tiện - PV). Dự án này đã miễn giảm giá 30% cho tất cả phương tiện và 50-100% cho các phương tiện thuộc 4 xã lân cận.
Bộ GTVT đã làm việc với tỉnh Tiền Giang để tuyên truyền vận động người dân tuân thủ quy định pháp luật và chia sẻ khó khăn đối với đất nước trong điều kiện nguồn ngân sách không đủ để đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông, cần thiết phải kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư.
Bộ GTVT sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương, lực lượng công an để xử lý nghiêm các hành vi vi phạm pháp luật, đảm bảo quyền lợi hợp pháp các bên.
 Dân không có lựa chọn về đường đi: bất công trong chính  sách BOT - Ảnh 1.
"Để tránh ảnh hưởng đến chủ trương lớn của Đảng về kêu gọi nguồn lực xã hội hóa đầu tư, tránh ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, Bộ GTVT đang phối hợp với Bộ Công an, các địa phương, các cơ quan liên quan xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng để gây rối an ninh, trật tự tại trạm thu phí" - Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Nhật tại cuộc họp báo Chính phủ - Ảnh: V.DŨNG
* Hàng ngàn phương tiện giao thông bị ùn ứ do các tài xế qua trạm bằng tiền lẻ. Tình trạng giằng co này nếu kéo dài sẽ gây thiệt hại lớn. Bộ GTVT có đưa ra phương án gì?
- Bộ GTVT sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương và các cơ quan, đơn vị liên quan tích cực tuyên truyền đến người tham gia giao thông chấp hành quy định pháp luật khi đi qua trạm, không gây mất an ninh trật tự, gây ùn tắc giao thông.
Đối với những hành vi vi phạm pháp luật, Bộ GTVT sẽ phối hợp với Bộ Công an và các cơ quan, đơn vị xử lý nghiêm.
* Giới vận tải đòi di dời trạm. Việc này có thực hiện được hay không?
- Bộ GTVT đã lấy ý kiến và nhận được sự đồng thuận của HĐND, UBND, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Tiền Giang phương án đặt trạm trên quốc lộ 1 như hiện tại.
Nếu đặt vấn đề di dời trạm về trên tuyến tránh thì chắc chắn hiệu quả tài chính của dự án sẽ bị phá vỡ (do tài xế chọn cho xe chạy trên tuyến quốc lộ 1, không vào tuyến tránh), lúc đó buộc Nhà nước phải mua lại dự án. 
Trong bối cảnh ngân sách nhà nước khó khăn hiện nay thì không thể thực hiện.
Dân không có lựa chọn về đường đi: bất công trong chính  sách BOT - Ảnh 2. 
Tư liệu : Tuấn Phùng - Đồ họa: V.Cường
* Những bất cập của trạm thu phí BOT thời gian qua là gì và phương án xử lý, thưa ông?
- Nổi cộm là mức phí cao, chưa hợp lý và vị trí đặt trạm. Đây là những bất cập của dự án BOT và đã được nhận diện.
Về mức giá dịch vụ (trước đây là phí), hiện đã miễn, giảm cho dân cư ở quanh vùng đặt trạm. Việc này đã giải quyết cơ bản xung đột với người dân địa phương.
Về vị trí đặt trạm, đây là điểm mấu chốt. Kiểu trạm như BOT Cai Lậy - trạm đặt trên đường hiện có nhưng thu cho tuyến tránh - thì hiện cả nước có 8 trạm (xem đồ họa). 
Các trạm này phần lớn do lịch sử để lại, trước đây là trạm thu cho ngân sách nhà nước, khi xây dựng các tuyến tránh, để tiết kiệm chi phí đã giữ lại để hoàn vốn cho tuyến tránh, một số trạm đã hoặc sắp hết thời gian thu (tránh Thanh Hóa, Hà Tĩnh).
Hay thu phí cả trên đường hiện tại và đường xây mới song hành như các tuyến Hòa Lạc - Hòa Bình và cải tạo quốc lộ 6; tuyến Thái Nguyên - Chợ Mới và cải tạo quốc lộ 3... 
Dù thu phí cách nào, đặt trạm ở đâu Bộ GTVT cũng lấy ý kiến địa phương, báo cáo Thủ tướng chấp thuận chủ trương đầu tư. 
Tuy nhiên, thực tế triển khai có việc người dân không có sự lựa chọn (đường đi), đây là bất công trong chính sách.
 Dân không có lựa chọn về đường đi: bất công trong chính  sách BOT - Ảnh 3.
Do xả trạm nên trạm thu phí BOT Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang thông thoáng xe qua lại trưa 1-12 - Ảnh: HẢI TRIỀU
Ông Trần Quang Chiểu (ủy viên thường vụ Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội):
Không thể bắt dân gánh chịu cái Nhà nước làm sai

 1
Ảnh: L.THANH
Vấn đề mà hiện nay người dân bức xúc tại trạm BOT Cai Lậy là do Bộ GTVT, UBND tỉnh Tiền Giang và nhà đầu tư đã làm sai nguyên lý kinh tế. Đó là bắt người dân phải bỏ tiền trả dịch vụ mà họ không sử dụng.
BOT là hàng hóa bình thường, người ta không đi lại bắt trả phí là quá vô lý. Nên việc người dân phản đối là chính đáng.
Do đó, cơ quan quản lý nhà nước là UBND tỉnh Tiền Giang, Bộ GTVT và chủ đầu tư phải ngồi lại với nhau để giải quyết.
Không thể bắt dân phải chịu cái sai của cơ quan quản lý được. Cần phải di dời trạm thu phí dự án này thì mới giải quyết vướng mắc.
Đã nhiều lần tôi đề nghị Nhà nước nên mua lại trạm BOT. Nếu nói không có tiền nên không mua thì không đúng, thực tế có những lúc có tiền nhưng không mua.
(Theo Tuổi trẻ) L.THANH ghi

Biết là sai, là bất công, vậy mà cả hệ thống lại đang nỗ lực bảo vệ sự… bất công! Chính quyền này có còn là của dân, do dân và vì dân?
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét