Thứ Sáu, 15 tháng 12, 2017

Bất ngờ bị công an dẫn đi giám định tâm thần

Cập nhật lúc 08:54      
           
Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM phối hợp công an, chính quyền địa phương đến nhà bà Hiền, yêu cầu dẫn giải bà đi giám định tâm thần nhưng bị người nhà cũng như người giám hộ của bà là luật sư Nguyễn Trọng Hào phản đối.

Cơ quan điều tra đến nhà bà Hiền thực hiện quyết định áp giải nhưng bị gia đình bà Hiền phản đối /// Ảnh: Trích từ clip do ông Tâm cung cấp
Cơ quan điều tra đến nhà bà Hiền thực hiện quyết định áp giải nhưng bị gia đình bà Hiền phản đối ẢNH: TRÍCH TỪ CLIP DO ÔNG TÂM CUNG CẤP

Hai ngày qua, trên mạng xã hội Facebook chia sẻ clip gia đình ông Lê Xuân Tâm (ngụ Q.7, TP.HCM) kêu cứu về việc công an bất ngờ đến gia đình để dẫn giải mẹ ông là bà Trần Thị Mỹ Hiền đi giám định tâm thần.
Quyết định dẫn giải do đại tá Nguyễn Minh Thông, Phó thủ trưởng Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM, ký ngày 27.11.2017, nêu: “Căn cứ quyết định khởi tố vụ án hình sự ngày 19.7.2017; quyết định ngày 25.9.2017 về việc trưng cầu giám định pháp y tâm thần của Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM…, xét thấy cần thiết cho việc tổ chức giám định tâm thần, dẫn giải bà Trần Thị Mỹ Hiền đến Trung tâm pháp y tâm thần khu vực TP.HCM để thực hiện việc giám định tâm thần”.
Thực hiện quyết định trên, ngày 28.11, điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an TP phối hợp công an, chính quyền địa phương đến nhà bà Hiền, yêu cầu dẫn giải bà đi giám định tâm thần nhưng bị người nhà cũng như người giám hộ của bà là luật sư Nguyễn Trọng Hào phản đối, việc dẫn giải bị tạm hoãn.
Dẫn giải người làm chứng đi giám định ?
Phản ánh với Thanh Niên, ông Tâm nói gia đình rất muốn biết mẹ ông có liên quan gì đến vụ án hình sự được viện dẫn trong quyết định dẫn giải. “Quyết định dẫn giải viện dẫn điều 134 bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS), quy định về việc dẫn giải người làm chứng. Tức cơ quan điều tra chỉ xem mẹ tôi là người làm chứng. Điều 134 quy định chỉ áp dụng dẫn giải người làm chứng khi “người làm chứng đã được cơ quan điều tra, Viện kiểm sát triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố thì cơ quan đã triệu tập người làm chứng có thể ra quyết định dẫn giải”. Tuy nhiên, gia đình chúng tôi chưa bao giờ nhận được một giấy triệu tập nào có liên quan”, ông Tâm nhấn mạnh và cho rằng nếu có việc phải giám định tâm thần, ông và gia đình sẵn sàng đưa mẹ lên cơ quan điều tra hoặc Trung tâm giám định pháp y để giám định, chứ không phải để cơ quan điều tra dùng đến biện pháp dẫn giải, huy động lực lượng gần 20 người.
“Sau khi dẫn giải không thành, ngày 29.11.2017, Cơ quan CSĐT có giấy triệu tập chính thức mời tôi lên làm việc nhưng lại ghi giấy triệu tập lần thứ 3, trong khi lần 1, lần 2 chúng tôi không nhận được”, ông Tâm phản ánh.
Về vụ việc này, trả lời PV Thanh Niên, một lãnh đạo Văn phòng CSĐT Công an TP.HCM nói: “Thông tin đang phát tán trên mạng không chính xác, không đúng sự thật. Cơ quan CSĐT thực hiện đúng quy trình của ngành. Do vụ án đang trong quá trình điều tra nên Cơ quan CSĐT chưa thể cung cấp thông tin, nếu vụ việc được điều tra hoàn tất sẽ cung cấp cho báo chí”.
Cần xem lại quyết định dẫn giải
Theo ông Phạm Công Hùng, nguyên Thẩm phán TAND tối cao, cơ quan điều tra chỉ được dẫn giải người làm chứng trong trường hợp người này đã được cơ quan điều tra triệu tập nhưng cố ý không đến mà không có lý do chính đáng và việc họ vắng mặt gây trở ngại cho việc điều tra, truy tố. “Do gia đình bà Hiền khiếu nại trước ngày bị công an thi hành quyết định dẫn giải, gia đình không hề nhận được quyết định triệu tập bà Hiền hay người giám hộ của bà Hiền lên làm việc, lấy lời khai nên việc ra quyết định dẫn giải là không phù hợp. Cơ quan điều tra phải có căn cứ xác định đã gửi giấy triệu tập nhưng bà Hiền không chấp hành”, ông Hùng nói.
Ngoài ra, ông Hùng phân tích: “Nguyên tắc nghiêm ngặt của BLTTHS là chỉ cho phép làm những gì luật quy định. Trong khi đó, BLTTHS chỉ quy định điều kiện, thủ tục áp giải nhân chứng lên làm việc, lấy lời khai; quy định về trường hợp trưng cầu giám định tâm thần người làm chứng, không có quy định nào về việc dẫn giải nhân chứng đi thực hiện giám định tâm thần nên quyết định này cũng cần phải xem lại”.
Nguyên Phó chánh tòa hình sự TAND TP.HCM Vũ Phi Long cũng nhận định việc dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần là không đúng quy định tố tụng, xâm phạm quyền con người, quyền công dân của người làm chứng. “Người làm chứng chỉ là người biết được những tình tiết liên quan đến vụ án. Trong quá trình giải quyết một vụ án hình sự, nếu cơ quan điều tra cho rằng bà Hiền có dấu hiệu tâm thần thì phải thuyết phục chứ không phải dẫn giải vì luật không quy định được phép dẫn giải người làm chứng đi giám định tâm thần”, ông Long nói.

Nhân chứng trong vụ trộm tiền tỉ ?
Theo thông tin từ gia đình cũng như người giám hộ bà Hiền, có thể bà Hiền là nhân chứng trong vụ án trộm cắp tài sản xảy ra năm 2016. Cụ thể, chiều 16.6.2016, công chứng viên Nguyễn Quang Thành (Văn phòng công chứng Q.10) đến gia đình bà Hiền để làm thủ tục công chứng mua bán một mảnh đất tại H.Bình Chánh (TP.HCM) với giá 4 tỉ đồng. Tại đây, người mua đất là ông D.T.H trả trước cho bà Hiền 3,5 tỉ đồng. Đến 21 giờ cùng ngày, người nhà bà Hiền thấy ông Thành cầm bọc ni lông vội vã đi ra từ nhà bà Hiền nên cho người kiểm tra két sắt và phát hiện mất 2,5 tỉ đồng. Sau đó, ông Thành đã khai nhận và giao nộp toàn bộ tiền lấy trộm. Hiện vụ án này vẫn chưa được giải quyết xong.
(Theo Thanh niên) Phan Thương - Nguyên Bảo - Công Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét