Thứ Ba, 12 tháng 12, 2017

Đặc thù đâu phải “đặc thu”?

Cập nhật lúc 14:18  

Nếu tràn lan ồ ạt chuyện nay tăng thuế, mai tăng phí, ngày kia tăng phạt..., TPHCM sẽ trở thành một “sa mạc” bởi doanh nghiệp, đầu tư, dịch vụ sẽ “chạy” hết sang hàng xóm khi mà “đồng tiền có chân”- từ dùng của TS Huỳnh Thế Du.

TS Huỳnh Thế Du phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Dân trí
TS Huỳnh Thế Du phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: Dân trí

Đã có rất nhiều cảnh báo được đưa ra ngay trong chính cuộc họp của UBND TPHCM triển khai “cơ chế đặc thù”.
TS Đại học Fulbright, ông Vũ Thành Tự Anh đã nhắc tới nguyên tắc “Không hối tiếc”. Nguyên tắc ấy nói rằng áp dụng công cụ thuế phí, thực hiện đã không dễ, rút lại càng khó hơn.
Trong khi đang muốn đẩy du lịch thành một mũi nhọn như một điểm đến hấp dẫn, trong khi muốn du khách tiêu nhiều tiền hơn thì TP lại bắt đầu bằng việc tăng thuế phí đối với một số mặt hàng phục vụ du khách.
Trong khi muốn trở thành “đất lành” cho đầu tư thì TP lại muốn tiền, ngay và luôn khi tăng thuế nhập khẩu ô tô hay thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xăng dầu. Chính Cục trưởng Cục Thuế, TPHCM Trần Ngọc Tâm cũng băn khoăn rằng: “Xăng dầu ảnh hưởng môi trường nhưng việc tăng thuế cũng sẽ tác động đến sản xuất, làm tăng chi phí đầu vào”.
Lẽ rất đơn giản là khi TP tăng thu thì lợi nhuận doanh nghiệp sẽ giảm. Điều đó có “tạo ra sinh khí mới” khi TP có “cơ chế đặc thù” hay biến TP trở thành một “vùng cao” về mặt bằng chi phí, một “sa mạc” về ưu thế cạnh tranh..., và các DN sẽ chạy bằng hết hoặc sẽ tìm mọi cách né thuế phí?
Cơ chế đặc thù, bản chất là giao quyền lớn hơn nhằm tăng ngân sách đầu tư, giải quyết các yếu kém bị ràng buộc bởi cơ chế cũ, là tăng thu nhập để giữ chân người tài...
Nhưng đặc thù không thể và không nên bắt đầu hoặc chỉ loay hoay câu chuyện tăng thu. Sự cẩn trọng là hết sức cần thiết và mỗi một chính sách tăng thu, đều phải có đánh giá tác động, đều phải được cân nhắc thiệt hơn, và phải tính cả đến sức chịu đựng của người dân nữa.
Chính sách tăng thuế phí như con dao hai lưỡi, TS Vũ Thành Tự Anh so sánh.
Nhiều loại thuế phí có tác động tích cực nhưng kèm nhiều tác động tiêu cực, TS Trần Du Lịch cảnh báo.
Cơ chế đặc thù được ví như một “cú hích”.
Thuế xăng dầu hiện đã có khoảng 8.000 đồng thuế bảo vệ môi trường. Mức xử phạt vi phạm giao thông hiện cũng đã tính toán như một biện pháp kinh tế mạnh để giảm vi phạm. Nhưng giờ, với cơ chế đặc thù, TP lại muốn tăng nữa thuế xăng dầu của riêng TP để... bảo vệ môi trường cho riêng TP, hay tăng thêm mức xử phạt - để giảm vi phạm giao thông..., e là hơi khó nghe, hơi khó phục. Bởi nếu đồng tiền có chân thì dân cũng có mắt.
(Theo Lao động) Đào Tuấn
Tựa của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét