Thứ Hai, 1 tháng 5, 2017

Sự việc ông Đinh La Thăng là cảnh báo cho nhiều lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước

Cập nhật lúc 13:58   
              

Theo chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành, Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần giao Chính phủ làm rõ sai phạm và xử lý theo quy định pháp luật.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã công bố thông tin một số vi phạm của Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015, trong đó đề cập cụ thể tới trách nhiệm của ông Đinh La Thăng trong thời gian giữ cương vị Chủ tịch Hội đồng Thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
Ở góc nhìn chuyên gia kinh tế, ông Bùi Kiến Thành cho rằng những vi phạm của cá nhân ông Đinh La Thăng và dàn lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra rất rõ.
Điều người dân chờ đợi là cách xử lý, thời điểm xử lý và khắc phục hậu quả được thực hiện như thế nào?
 
Ông Đinh La Thăng trong một lần trả lời báo chí bên lề kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XIII. ảnh: NQ.

Doanh nghiệp nhà nước yếu kém là do nhân sự
Theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương, trong giai đoạn 2009 - 2015 Ban Thường vụ Đảng ủy Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam đã thiếu trách nhiệm trong lãnh đạo, chỉ đạo, buông lỏng công tác kiểm tra, giám sát, quản lý tổ chức đảng, đảng viên…
Ủy ban kiểm tra đặc biệt nhấn mạnh ông Đinh La Thăng chịu trách nhiệm người đứng đầu về các vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Đảng ủy, Hội đồng Thành viên Tập đoàn Tập đoàn trong giai đoạn 2009 – 2011.
Trong đó vi phạm của ông Thăng được khái quát qua những vụ việc như: Ký ban hành Nghị quyết 233/NQ-ĐU, ngày 17/3/2009 của Đảng uỷ Tập đoàn có nội dung không phù hợp với quy định pháp luật để Hội đồng Thành viên, Ban Tổng Giám đốc Tập đoàn và các tổng công ty thành viên quyết định chỉ định nhiều gói thầu trái pháp luật;
 
Ủy ban Kiểm tra Trung ương kết luận việc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam bị thiệt hại nghiêm trọng do góp vốn vào Oceanbank. ảnh nguồn Oceabank.

Vi phạm Quy chế làm việc Hội đồng quản trị Tập đoàn trong việc ký thỏa thuận tham gia góp vốn tại Văn bản số 6934, ngày 18/09/2008 giữa đồng chí Đinh La Thăng, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn và Chủ tịch Hội đồng Quản trị Oceanbank (có nội dung: Tập đoàn tham gia góp vốn 20% trở lên; cử cán bộ tham gia quản trị, điều hành; đề nghị các đơn vị thành viên sử dụng dịch vụ của Oceanbank) trước khi Hội đồng Quản trị Tập đoàn họp thống nhất nội dung trên.
Chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với công trình, dự án do Tập đoàn chỉ định cho Tổng công ty cổ phần Xây lắp Dầu khí Việt Nam thực hiện và chấp thuận cho Tổng công ty cổ phần Dịch vụ Kỹ thuật Dầu khí (PTSC) được miễn bảo lãnh thực hiện hợp đồng đối với Hợp đồng thiết kế, mua sắm, xây dựng (EPC) Nhà máy Nhiên liệu sinh học Dung Quất, vi phạm Luật Đấu thầu năm 2005.
Thiếu kiểm tra, giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án ở thời kỳ Đồng chí làm lãnh đạo Tập đoàn, dẫn đến hiệu quả đầu tư thấp điển hình như Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi Polyeste Đình Vũ và các dự án nhiên liệu sinh học.
Với một loạt các vấn đề nêu trên, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng xem xét, thi hành kỷ luật đối với đồng chí Đinh La Thăng theo thẩm quyền.
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành nhận định: “Những vi phạm của ông Đinh La Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 xuất phát từ sự lạm dụng chức vụ quyền hạn và không tuân thủ quy định của pháp luật trong điều hành, quản lý kinh tế”.
 
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành - ảnh H.Lực.

Ông Thành cho biết, ở vị trí lãnh đạo ông Đinh La Thăng phải hiểu những quy định pháp luật về việc nhiệm vụ, quyền hạn của chức vụ  hủ tịch hội đồng thành viên Tập đoàn Dầu khí Việt Nam.
“Vấn đề là anh biết những quy định của pháp luật nhưng vì sao gây nên hậu quả nghiêm trọng”, ông Thành nói.
Đánh giá hoạt động điều hành doanh nghiệp nhà nước hiện nay, chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành cho rằng, doanh nghiệp nhà nước nhận được sự ưu tiên từ vốn, công nghệ đến mặt bằng để sản xuất, kinh doanh.
Tuy nhiên hiệu quả hoạt động của không ít doanh nghiệp nhà nước khá thấp, vì vậy Chính phủ liên tục chỉ đạo quyết liệt đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, tránh thiệt hại cho nhà nước.
Theo báo cáo của Bộ Tài chính, đến hết năm 2015, cả nước có 652 doanh nghiệp do nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, 230 doanh nghiệp nhà nước có cổ phần. 
Chỉ tính các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ, có tổng tài sản hơn 3 triệu tỷ đồng (tăng 1% so với năm 2014), trong đó vốn chủ sở hữu hơn 1,376 triệu tỷ đồng (tăng 8%). 
Tuy vậy, tổng doanh thu của các doanh nghiệp chỉ đạt hơn 1,588 triệu tỷ đồng (tương đương năm 2014).
“Hiệu quả hoạt động doanh nghiệp nhà nước kém do chất lượng đội ngũ nhân sự, mà chất lượng nhân sự kém do khâu thi tuyển chưa chọn được người tài”, ông Thành đánh giá.
Xử lý trách nhiệm công khai, minh bạch
Chuyên gia kinh tế Bùi Kiến Thành đánh giá, kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ướng đối với sai phạm của ông Đinh La Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam giai đoạn 2009 – 2015 cho thấy quyết tâm của Đảng, Chính phủ trong đấu tranh phòng chống tham nhũng.
Tuy nhiên theo ông Thành đây mới là kết luận kiểm tra từ phía Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
“Ủy ban Kiểm tra Trung ương cần giao Chính phủ thanh tra, kiểm tra đối với sai phạm của ông Thăng và lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí Việt Nam vì đây doanh nghiệp nhà nước do Chính phủ quản lý.
Trên cơ sở vi phạm mới đề xuất phương án xử lý trách nhiệm, công bố thông tin rộng rãi để tránh dư luận không tốt”, ông Thành cho biết.
Theo ông Thành, căn cứ vào kết luận cuối cùng xử lý vi phạm, cần đặt ra vấn đề yêu cầu cá nhân vi phạm phải bồi thường, khắc phụ hậu quả gây ra.
“Tóm lại chúng ta có hệ thống luật pháp cơ bản, mọi người phải tuân thủ pháp luật. Vi phạm ra sao cứ dựa theo pháp luật và xử, không né tránh, không có vùng cấm”, ông Thành nói.
Theo thông tin từ Bộ Công Thương,  Dự án Nhà máy đầu tư sản xuất sơ xợi polyester Đình Vũ có 3 phương án được xem xét:
Phương án 1: Khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn. Phương án này được thực hiện theo hai kịch bản: Hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc tự vận hành sản xuất kinh doanh.

Phương án 2: PVTex chuyển nhượng công ty.
Phương án 3: Phá sản công ty theo luật định.
Trên cơ sở cân nhắc kỹ lưỡng các yếu tố: tình hình thực tế, tính pháp lý, tính khả thi… đề xuất xem xét, lựa chọn phương án 1: Khởi động lại nhà máy, tái cơ cấu, cổ phần hóa, thoái vốn theo phương thức hợp tác với đối tác nước ngoài để sản xuất kinh doanh xơ PSF trong 2 năm và sau đó thoái vốn hoặc phương án 2: PVTex chuyển nhượng công ty.
(Theo Giáo dục VN) Mai Anh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét