Thứ Ba, 14 tháng 2, 2017

Thứ trưởng Công Thương nắm tài sản lớn: Người dân mừng nếu..
Cập nhật lúc 14:31  
(Tin tức thời sự) - Người dân sẽ rất mừng nếu lãnh đạo có tài sản lớn và minh bạch bởi lẽ họ càng thêm tin tưởng các vị làm việc chí công, vô tư.
Phải chứng minh nguồn gốc tài sản
Dư luận đang quan tâm nhiều đến khối tài sản lớn của Thứ trưởng Bộ Công Thương Hồ Thị Kim Thoa và các thành viên trong gia đình. Dù Bộ Công Thương đã lên tiếng khẳng định khối tài sản khổng lồ của bà Thoa là chính đáng nhưng nhiều người vẫn bày tỏ lăn tăn.
Trao đổi với báo chí, ĐBQH Lê Thanh Vân, Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính Ngân sách của QH cho rằng, để trả lời công luận, Bộ Công Thương và bản thân bà Thoa phải chứng minh và công khai nguồn gốc tài sản đó.
Đưa ra quan điểm của mình, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri, Viện phó phụ trách Viện Xã hội học và Khoa học quản lý, nguyên là Viện trưởng Viện Khoa học hành chính, Trưởng khoa Quản lý hành chính, Học viện hành chính Quốc gia khẳng định, hoàn toàn đồng ý với những kiến nghị trên.
Theo PGS.TS Tri, pháp luật không cấm Đảng viên, cán bộ công chức nhà nước làm giàu, hoạt động kinh doanh buôn bán nếu như việc này tuân thủ đúng các quy định. Việc này nên khuyến khích và nhân ra rộng rãi trong các Bộ, ngành, cơ quan. Tuy nhiên điều cần làm rõ và để dư luận không nghi ngờ đó là chứng minh nguồn gốc tài sản và công khai, minh bạch thông tin.
 Thu truong Cong Thuong nam tai san lon: Nguoi dan mung neu..
Các chuyên gia khẳng định, việc công khai và làm rõ nguồn gốc số tài sản bà Thoa đang nắm giữ là rất quan trọng
“Trường hợp như của bà Hồ Thị Kim Thoa dư luận đang quan tâm đến số tài sản lớn tại doanh nghiệp. Chúng ta cần phải làm rõ để công khai trước dư luận. Nếu cứ để  âm ỉ mãi thì người dân sẽ mất niềm tin vào chính quyền và các vị lãnh đạo”, ông Tri khẳng định.
Vị chuyên gia đánh giá, thời gian qua Bộ Công Thương và bản thân Thứ trưởng Thoa đều chưa thật sự sốt sắng làm rõ những băn khoăn này của dư luận. Theo ông Tri, có nhiều lý do dẫn đến sự chần chừ, chậm trễ này.
“Có thể ở một mức độ nào đó, những người lãnh đạo không muốn đơn vị do mình quản lý bị bung bét, bị dư luận để ý. Vì vậy trong chừng mực nào đó họ phải cố gắng để che chắn hợp lý. Nhưng rõ ràng dư luận xã hội và báo chí phản ánh thì cần phải làm rõ. Đây chính là cuộc đấu tranh hết sức quyết liệt. Thực tế chống tham nhũng, chống sự bất bình đẳng, chống lợi dụng chức quyền để vơ vét lợi ích cá nhân chúng ta đã có chủ trương, nghị quyết cả.
Nhưng vấn đề là làm như thế nào và làm đến đâu thì phải phụ thuộc rất lớn vào quyết tâm chính trị của các nhà lãnh đạo”, ông Tri nhấn mạnh.
Đặc biệt, theo đánh giá của ông Tri, không chỉ riêng đối với Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, mà thời gian vừa qua, dư luận luôn bày tỏ nghi ngờ về tính xác thực, công khai, minh bạch trong tài sản của các quan chức nhà nước khi báo chí nêu ra các hiện tượng. .
“Đối với người có chức, có quyền từ cấp Thứ trưởng trở lên và ở những vị trí động đến vấn đề lợi ích kinh tế thì chuyện công khai, minh bạch tài sản càng rõ ràng lại càng tốt. Thực tế do cơ chế xin cho nên nhiều đơn vị, chủ đầu tư dự án sẵn sàng lợi dụng, tìm mọi cách để đạt được mục tiêu của mình.
Trong điều kiện về kinh tế, lương bổng của quan chức thấp chúng ta để quá lâu rồi thì việc này cũng khó kiểm soát. Chúng ta không tập trung giải quyết những vấn đề đó thì sẽ giống như ung nhọt lâu ngày bung ra. Cho nên quan chức thường rất ngại trong chuyện công khai tài sản”, ông Tri dẫn chứng.
Cùng đưa quan điểm, ông Phan Thái Bình  - ĐBQH tỉnh Quảng Nam  cho rằng về nguyên tắc, tài sản của cán bộ, công chức có trị giá trên 50 triệu đồng thì phải tiến hành công khai, minh bạch.
“Chúng ta đã có quy định về kê khai tài sản và công khai tài sản. Vấn đề này cụ thể trong trường hợp của bà Thoa phải xem tài sản đã kê khai chính xác hay không và nguồn gốc tài sản đó như thế nào. Nếu chưa kê khai thì không đúng các quy định của pháp luật.
Theo tôi nếu như cán bộ viên chức làm giàu một cách chính đáng, có nguồn gốc rõ ràng thì việc công khai không sao cả. Chỉ có những người giàu lên một cách nhanh chóng và không chứng minh được thì người ta mới ngại. Người ta ngại vì kê khai không chỉ rõ được nguồn gốc, tính xác thực của tài sản đó.
Hơn nữa, vấn đề kê khai tài sản thì cá nhân kê khai và gửi đến cơ quan quản lý nhà nước và gửi đến các cơ quan quản lý về Đảng viên theo hướng dẫn của Thanh tra chính phủ”, ông Bình nêu quan điểm.
Dân mừng khi cán bộ làm giàu chính đáng
Tiếp tục chia sẻ ý kiến, Đại biểu Phan Thái Bình khẳng định, người dân sẽ rất mừng nếu các vị lãnh đạo có tài sản lớn và minh bạch bởi lẽ họ càng thêm tin tưởng các vị cầm cân nảy mực làm việc chí công, vô tư chứ không phải lo làm giàu cho bản thân và gia đình.
Đặc biệt, với trường hợp của Thứ trưởng Thoa, theo ông, Bộ Công Thương và những người liên quan cần nhanh chóng chứng minh được nguồn gốc số tài sản Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa đang sở hữu không có gì khuất tất hay không.
Ông Bình cho rằng, chúng ta có quy định cụ thể, rõ ràng về kê khai, công khai tài sản của các lãnh đạo nên không có gì khó khăn khi thực hiện việc trên.
“Thứ nhất cần làm rõ Thứ trưởng Thoa đã kê khai chưa? Nếu chưa thì vì sao chưa kê khai theo quy định, phát sinh nguồn tài sản từ khi nào?
Thực tế hàng năm chúng ta đều có kê khai. Kiểm tra việc này không khó. Trước khi bà Thoa được bổ nhiệm đều có kê khai và từ khi bổ nhiệm đều có kê khai và công khai tài sản. Nếu có tài sản phát sinh thì cần phải công khai và chứng minh được nguồn gốc phát sinh. Chúng ta cứ thực hiện đúng theo quy định thôi.
Không phải từ trường hợp của bà Thoa mới đặt ra vấn đề kê khai và công khai tài sản. Chúng ta đã quy định rất rõ những người thuộc diện đối tượng phải kê khai và công khai tài sản. Những trường hợp nào thuộc diện kê khai thì phải kê khai, còn công khai đến đâu thì đều có quy định cả. Có thể công khai trong cấp ủy, tại nơi làm việc hay cơ quan nào đó. Nếu như phát hiện việc kê khai của lãnh đạo Bộ Công Thương không trung thực thì những tổ chức, cơ quan có thẩm quyền có quyền thẩm tra, xác minh để làm rõ việc này”, ông Bình khẳng định.
Bổ sung thêm ý kiến của ông Bình, PGS.TS Nguyễn Hữu Tri thừa nhận, từ trước đến nay việc kê khai tài sản của cán bộ, công chức nhà nước vẫn được thực hiện. Tuy nhiên chúng ta làm rất hời hợt và hình thức. 
Theo ông Tri, hàng năm các đơn vị đều phát cho Đảng viên, phát cho cán bộ bản kê khai tài sản. Trong bản kiểm điểm cũng có ghi chuyện kê khai tài sản. Thế nhưng việc này làm xong chỉ mang tính chất lưu giữ ở tổ chức hoặc lưu giữ ở bộ phận quản lý. Do đó chưa giải quyết được vấn đề cũng như chưa xác minh được một cách chính xác khối tài sản cán bộ, viên chức nắm giữ.
“Chúng ta vẫn đang làm giật gấu vá vai, chưa có gì bài bản, cụ thể cả. Khi nào dư luận xã hội lên tiếng thì những người có trách nhiệm mới đi làm, tập trung vào thông tin đó. Họ chỉ tập trung vào một số hiện tượng được dư luận phản ánh. Do cơ chế, luật pháp của chúng ta còn nhiều chưa rõ ràng nên không giải quyết được một cách cơ bản, triệt để”, ông Tri nhấn mạnh.
Từ trường hợp của bà Hồ Thị Kim Thoa, vị chuyên gia đề nghị, Bộ Công Thương nên công khai minh bạch tài sản của các vị lãnh đạo Bộ khác để rộng đường dư luận.
“Tuy nhiên, một việc khác tôi nghĩ chúng ta cũng cần làm đó là cải cách tiền lương cho cán bộ công chức, lãnh đạo Bộ ngành. Với thu nhập và mức sống như thế thì làm sao họ có thể làm việc được. Trung Quốc từ năm 2004 đã tiến hành cải tiến tiền lương và hiện nay lương của cán bộ, lãnh đạo đã rất khá. Tiền lương phải được nâng lên, xứng đáng với công sức họ bỏ ra thì chúng ta mới có cơ chế ràng buộc làm việc và tạo nên sự cạnh tranh được”, ông Tri nêu quan điểm.
(Theo Đất Việt) Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét