Lễ hội tai tiếng và chuyện “nhân
tính”
Cập nhật lúc 11:06
Bởi
không phải chỉ sự cướp lộc, không phải chỉ con trâu, mà chính là nhân tính
người Việt ở một số lễ hội tai tiếng đã bị … giẫm đạp, bị treo cổ tàn bạo
không thương tiếc.
Cứ
đến tháng Giêng, sau Tết Âm lịch hàng năm, như đến hẹn lại lên, các lễ hội mùa Xuân mới của nước
Việt lại tưng bừng diễn ra.
“Nổi tiếng” thành tai tiếng
Nước Việt có
thể coi là đất nước của lễ hội. Theo thống kê của Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ Văn
hóa- Thể thao và Du lịch), có tới 7.966 lễ hội được tổ chức mỗi năm, trong đó
có 7.039 lễ hội dân gian, 544 lễ hội tôn giáo, 322 lễ hội lịch sử cách mạng.
Tính trung bình một ngày ở Việt Nam có khoảng 21 lễ hội (VietNamNet, ngày
10/3/2015).
Đã nói lễ hội,
là nói đến những nghi lễ, tập tục văn hóa dân gian của cộng đồng hướng tới
những mục đích tốt đẹp, cầu cho mưa thuận gió hòa, vụ mùa bội thu, con người
sống bình an, hạnh phúc. Phải khẳng định rằng, với ý nghĩa là những sinh hoạt
cộng đồng mang bản sắc văn hóa xứ sở, quốc gia, lễ hội cần được gìn giữ và
được sàng lọc bởi thời gian và thời cuộc lịch sử, để luôn mang sắc xuân: Sinh
sôi, nảy nở những điều nhân bản, xã hội thái hòa… Có không ít những lễ hội
xuân như thế. Như lễ hội “Trâu bò rơm rạ” ở làng Đồng Vệ, xã Đại Đồng, huyện
Vĩnh Tường (tỉnh Vĩnh Phúc), hội thi thổi cơm ở làng Thị Cấm, Xuân Phương, Từ
Liêm, (Hà Nội)…
Thế
nhưng khi có IT, cũng phải nói rằng, xã hội lâu nay có phần bất ngờ và thất
vọng trước những hình ảnh phản cảm của một số lễ hội. Và sự phản cảm đó cũng
cứ … đến lại lại lên, cho dù trước đó nó bị phê phán đủ
đầy.
Như
hiện tượng cướp lộc đền Gióng ngày 06 Tết mới đây chẳng hạn. Năm trước,
cướp lộc đền Gióng đã khiến cả xã hội bất bình. Năm nay, cứ như điệp khúc. Khi kiệu hoa tre vừa rước vào đền Trình, hàng chục, rồi hàng trăm,
hàng nghìn thanh niên hò hét, băng tường lao vào cướp lộc bất chấp lực lượng
an ninh được ban tổ chức lễ hội bố trí dày đặc (VietNamNet ngày 02/2).
Cướp hoa tre,
trầu cau của lễ hội để “lấy may” vốn được coi là một hành vi bình thường của
lễ hội này trong quá khứ. Thế nhưng, không thể phủ nhận, cái tâm lý cầu may
“lộc thánh, lộc thần, lộc Phật” trong cộng đồng xã hội người Việt ở thời kim
tiền, thực dụng và trục lợi bất cứ cái gì có thể, tự lúc nào đã trở thành
một… ý chí và hành vi bạo liệt, bất chấp có thể gây tổn thương cho đồng loại,
bất chấp cái hành vi đó rất không đẹp, “phản văn hóa”. Chẳng thế mà họ sẵn
sàng trèo lên đầu lên cổ nhau chỉ để cướp được lộc. Thậm chí, có những kẻ bỏ
cả cướp lộc để “choảng” nhau, trả thù…trong lễ hội. Chẳng thế mà một vị tu
hành tại lễ hội chùa Hương, đã đứng trên cao ban ơn phát lộc (dây chỉ đỏ có
hình Đức Phật), khiến các khách viếng thăm chen chúc xô bồ, giẫm đạp nhau,
thành một hiện tượng hết sức phản cảm- nơi lễ hội vốn phải được trân trọng
một cách linh thiêng.
Cũng chẳng phải
chỉ có đền Gióng. Năm trước, là “Hỗn loạn cướp lộc chùa Phúc Khánh sau lễ cầu
an”(VietNamNet, ngày 21/2/2016), “Lễ khai ấn đền Trần: Trèo cả lên ban
thờ để cướp lộc” (Dân trí, ngày 22/2/2016), rồi “Đổ máu tại hội cướp phết
Hiền Quan (Phú Thọ)”, (Dân trí, ngày 21/2/2016).
Vậy
nhưng một quan chức quản lý văn hóa đương thời lúc đó, đã bênh vực một cách
khôi hài khiến cả xã hội thấy… đỏ mặt: Đây là cướp có văn hóa, cướp trong tục lệ.
Vấn đề ở đây là cướp với sự nỗ lực của cá nhân mới có được chứ không phải tự
nhiên mà lộc thánh đến với mình.
Người viết bài
bỗng nhớ tới không khí các ngôi chùa ở Lào, xứ sở Phật giáo được coi là quốc
đạo, trong lành, yên tĩnh. Khách thập phương vô cùng cung kính, trước không
khí trang nghiêm, u tịch đầy tinh thần hướng thiện.
Cũng chẳng đâu
xa, ngay Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế thị trường rất phát triển, thì
các lễ hội như trong bài viết “Nhìn người Nhật tổ chức lễ hội mà thèm
(VietNamNet, ngày 05/2) vẫn là nơi tâm hồn con người như được thanh lọc khỏi
những tham sân si, những hỉ nộ ái ố đời thường, bắt đầu bằng những hành vi
văn hóa, tôn trọng không khí linh thiêng của lễ hội. Bởi cách tổ chức, bởi
quan niệm. Nhưng nền tảng của tâm thế cộng đồng đó, chắc chắn vẫn là một nếp
sống văn hóa, văn minh luôn thường trực, một nếp cư xử tôn trọng luật pháp
chung của xã hội, bất kể cá nhân đó là ai.
Người
viết bài chú ý đến ý kiến của GS Ngô Đức Thịnh, nguyên Viện trưởng Viện
Nghiên cứu văn hóa dân gian Việt Nam: Muốn lễ hội tốt hơn thì trước
hết cần phải giải quyết được vấn đề “trục lợi hóa lễ hội” đang dần trở thành
một xu hướng của lễ hội hiện nay (Tuổi trẻ, ngày 02/2).
Nhưng giải
quyết vấn đề “trục lợi hóa lễ hội” thế nào đây trong một xã hội tham nhũng,
lợi ích nhóm còn là… vấn nạn? Các địa phương không ít nơi coi đây là dịp để
kiếm tiền. Mà lòng người dân thì vẫn còn dựa vào thần thánh để “cầu may”?
Vậy ở những lễ
hội tai tiếng vừa qua, “cướp có văn hóa”, hay người Việt đang “cướp” văn hóa?
“Treo cổ”… nhân tính
Thế nhưng, hiện
tượng cướp lộc lấy may ở các lễ hội đó, dẫu đáng buồn, cũng không thấy kinh
hoàng, đáng sợ bằng một lễ hội năm trước đây từng bị cư dân mạng đưa lên, xôn
xao bàn luận và bất bình. Đó là lễ hội treo cổ trâu đến chết để tế Mẫu ở Đông
Cuông (huyện Văn Yên- Yên Bái).
Người viết bài
này đã không đủ can đảm xem hình ảnh con trâu- nạn nhân của lễ hội. Trong
lòng thấy vô cùng đau đớn. Chỉ muốn khóc cho số phận con vật hiền lành, có
ích, bị đày đọa, bạo hành đến chết nhân danh lễ tế thần linh. Không hiểu
những người trực tiếp làm việc độc ác này có bị ám ảnh bởi việc làm của họ
không, khi ra tay thản nhiên hành hạ và bạc đãi một giống loài thân thiết,
thậm chí nuôi sống họ, gia đình họ, con cháu họ nhiều đời?
Dư luận xã hội
trước những vụ án giết người tàn bạo, thường lý giải do giáo dục nhà trường,
gia đình, xã hội lỏng lẻo. Nhưng khi tổ chức một lễ hội hành hạ một con vật
tội nghiệp trước thanh thiên bạch nhật, có những người trẻ tuổi, những trẻ em
lứa tuổi học đường thản nhiên đứng xem, có bao giờ những người lớn nghĩ, có một
khoảng cách mong manh liên kết những ấn tượng tâm lý từ kinh hoàng, tò mò
hiếu kỳ đến sự thản nhiên trước tội ác là rất gần?
Không có gì xót
đau, đáng ngượng hơn lời nói thẳng của nhà văn hóa Bùi Trọng Hiền: Chúng ta
đang sống ở thời đại văn minh nêu cao giá trị nhân văn, bác ái thì ở Việt
Nam, dường như đang đi ngược lại thế giới. Chúng ta là những con người văn
minh bị ném ngược lại thời kỳ trung cổ với những nghi lễ sát sinh, cổ tục.
Điều này cho thấy, nhận thức không chỉ từ người dân, người đi lễ mà ngay ở
các địa phương cũng đang bị sai lệch (Dân Việt, ngày 06/2)
Được biết mới
đây, trước sự bất bình của dư luận xã hội, ông Nguyễn Thái Bình- Chánh Văn
phòng Bộ VHTTDL cho biết: Bộ này đã quán triệt tới từng địa phương, Sở VHTTDL
các tỉnh, các lễ hội phải chấp hành nghiêm Thông tư 15/2015 của Bộ quy định:
“Không tổ chức các lễ hội có nội dung kích động bạo lực, truyền bá các hành
vi tội ác; mô tả cảnh đâm chém, đấm đá, đánh đập tàn bạo; mô tả cảnh rùng
rợn, kinh dị; mô tả cảnh thỏa mãn, khoái trá của kẻ gây tội ác; mô tả các
hành động tội ác khác…”
Và cái hay, mới
đây, bà Phạm Thị Thanh Trà, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Yên Bái, khẳng
định tỉnh đã chỉ đạo và tuyên truyền người dân khu vực đền Đông Cuông, huyện
Văn Yên không tổ chức nghi thức treo cổ trâu đến chết (Tuổi trẻ, ngày 06/2).
Rõ ràng, sức
mạnh của dư luận xã hội đã góp phần điều chỉnh thiết thực những hành vi phản
văn hóa ở ngay các lễ hội văn hóa cộng đồng.
Chỉ
không biết các địa phương vốn “say” các lễ hội bạo lực sẽ suy nghĩ và hành
động thế nào Xin hãy đợi ở thì .. ngày mai.
Bởi không phải
chỉ sự cướp lộc, không phải chỉ con trâu, mà chính là nhân tính người Việt ở
một số lễ hội tai tiếng đã bị … giẫm đạp, bị treo cổ tàn bạo không thương
tiếc.
(Theo
TuanVietNam) Kỳ Duyên
|
Thứ Sáu, 10 tháng 2, 2017
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét