Thứ Hai, 6 tháng 2, 2017

Dự án Nhà máy nước thải Yên Sở chênh lệch ngàn tỉ

Cập nhật lúc 14:29
   
Chênh lệch chi phí sau khi kiểm toán lên tới hơn 147 triệu USD và hơn 20 tỉ đồng.
Kiểm toán Nhà nước (KTNN) vừa có báo cáo kết quả kiểm toán hoạt động xây dựng và quản lý, sử dụng vốn đầu tư dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở.
Dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở được thực hiện theo phương thức BT, nhà đầu tư là Tập đoàn Gamuda Berhad (Malaysia), tổ chức thực hiện thông qua doanh nghiệp dự án là Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam. Tập đoàn Gamuda Berhad vừa là nhà đầu tư trong hợp đồng BT, vừa là chủ đầu tư khi thực hiện dự án.
Chênh lệch hàng trăm triệu USD
Báo cáo KTNN cho thấy các khoản chi phí đầu tư tại dự án Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở chênh lệch sau khi kiểm toán lên tới hơn 147 triệu USD và hơn 20 tỉ đồng. Trong đó, chi phí xây dựng chênh lệch gần 45 triệu USD. Nguyên nhân là do việc tính sai khối lượng quyết toán ở một số công việc và sai đơn giá nguyên vật liệu.
Một số khoản chi phí “có vấn đề” khác là: Một số hạng mục không đủ điều kiện xác định (chênh lệch hơn 6,3 triệu USD); chi phí điều chỉnh đơn giá nhân công chưa có cơ sở (hơn 1,3 triệu USD); chi phí thiết bị chênh lệch (gần 33,7 triệu USD); chi phí quản lý dự án (tăng hơn 11,1 triệu USD)…
KTNN kiến nghị Gamuda Berhad giảm giá trị quyết toán dự án thành hơn 61,9 triệu USD, trong đó yêu cầu nộp trả UBND TP Hà Nội hơn 22,1 triệu USD (tương đương 484,2 tỉ đồng). Ngoài ra, giảm số tiền được UBND TP thanh toán so với giá trị quyết toán nhà đầu tư lập 39,8 triệu USD (tương đương 872 tỉ đồng).
KTNN đề nghị UBND TP Hà Nội yêu cầu Gamuda Berhad nộp trả ngân sách nhà nước số tiền chênh lệch giữa giá trị quyết toán hợp đồng BT với số tiền sử dụng đất phải nộp lên tới hơn 22,1 triệu USD (như đã nói trên) hoặc thu hồi diện tích đất có giá trị tiền sử dụng đất tương ứng hoặc cả hai hình thức. “Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan liên quan có trách nhiệm đôn đốc thu nộp số tiền trên để tránh thất thoát ngân sách, tài sản công” - KTNN kiến nghị.
Dự án Nhà máy nước thải Yên Sở chênh lệch ngàn tỉ
Một góc Nhà máy xử lý nước thải Yên Sở. Ảnh: CTV
KTNN cũng đề nghị UBND TP chỉ đạo kiểm tra, kết luận các nội dung kiến nghị xử lý tài chính khác số tiền hơn 86,8 triệu USD để quyết toán và thanh lý hợp đồng với nhà đầu tư theo đúng quy định, tránh thất thoát ngân sách, tài sản công.
Đồng thời yêu cầu nhà đầu tư nộp trả ngân sách đối với các trường hợp UBND TP không chấp nhận quyết toán cho dự án. Trong đó gồm khoản tiền 6,77 triệu USD của năm hồ Yên Sở không có trong quyết định đầu tư, thi công trước khi có phê duyệt dự án.
Đề nghị xử lý nghiêm cá nhân, đơn vị liên quan
Theo KTNN, dù Gamuda Berhad thực hiện các dự án cơ bản theo đúng quy định nhưng việc thực hiện báo cáo tiến độ chưa đảm bảo thời gian, việc lắp đặt thay đổi các thiết bị so với danh mục thiết bị đã được quy định của hợp đồng BT chưa được chấp thuận bằng văn bản. Dự án được thực hiện trước khi có quyết định phê duyệt dự án (thi công tháng 1-2009, đến tháng 3-2010 mới có quyết định phê duyệt)...
Bên cạnh đó, tổng mức đầu tư được lập và phê duyệt chưa đảm bảo theo quy định, làm tăng vốn của dự án. Mặc dù thực hiện trước khi phê duyệt nhưng thực tế dự án được hoàn thành và bàn giao cho UBND TP vẫn bị chậm so với thời gian ký kết hơn 17 tháng.
Để xảy ra những sai sót nghiêm trọng như trên, KTNN đã đặt vấn đề xử lý trách nhiệm với hàng loạt cá nhân, đơn vị liên quan. Theo đó, KTNN đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan làm rõ trách nhiệm cá nhân, tập thể tại Sở TN&MT TP Hà Nội cùng Công ty TNHH Gamuda Land Việt Nam trong việc không kịp thời quyết toán hợp đồng BT, chậm thu hồi số tiền nộp ngân sách 22,1 triệu USD.
Đặc biệt, KTNN đề nghị UBND TP chỉ đạo các cơ quan chức năng kiểm tra, xác minh, làm rõ và xử lý theo đúng quy định của pháp luật đối với các cá nhân, đơn vị của sở này trong việc tham mưu cho UBND TP chấp thuận ký hợp đồng BT, khiến TP phải tự bỏ chi phí để vận hành dự kiến 450 tỉ đồng.
Dự án này ban đầu là một hạng mục của Công viên Yên Sở, được đầu tư bằng 100% vốn nước ngoài của Tập đoàn Gamuda Berhad. Sau đó được tách riêng ra đầu tư theo hình thức BT giữa UBND TP Hà Nội và Tập đoàn Gamuda Berhad.
(Theo Pháp luật TP HCM) TUYẾN PHAN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét