Thứ Năm, 2 tháng 2, 2017

Châu Âu đáp trả tuyên bố khiêu khích của Tổng thống Mỹ Donald Trump

Cập nhật lúc 15:10

 

VOV.VN - Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk cáo buộc chính quyền của Tổng thống Mỹ Trump là “mối đe dọa” với EU như Nga, Trung Quốc và Hồi giáo cực đoan.

Lãnh đạo châu Âu liên tiếp đáp trả
Bức thư của Chủ tịch Hội đồng châu Âu được gửi đi để chuẩn bị cho cuộc thảo thuận chung về tương lai Liên minh châu Âu sau khi Anh rời đi, cũng như việc Mỹ có vị Tân Tổng thống mới có nhiều quan điểm ngược lại với châu Âu.
 chau au dap tra tuyen bo khieu khich cua tong thong my donald trump hinh 1
Ông Donald Tusk (phải) đã có những lời lẽ rất gay gắt nhằm vào Tổng thống Mỹ Donald Trump. Ảnh: Reuters
Tuyên bố của ông Donald Tusk, Chủ tịch Hội đồng châu Âu được coi là câu trả lời tiếp theo của các nhà lãnh đạo châu Âu đối với tân Tổng thống Mỹ. Có nghĩa là, sau nhiều tháng trời chờ đợi trong bất an thời điểm ông Donald Trump chính thức trở thành Tổng thống Mỹ, các nhà lãnh đạo châu Âu giờ đây không còn giữ kiên nhẫn và im lặng được nữa trước các bình luận đầy tính khiêu khích của ông Donald Trump nhằm vào Liên minh châu Âu.
Đây là một động thái cho thấy tình hình đang thực sự rất khó lường và tiềm ẩn những nguy cơ rủi ro nghiêm trọng đối với mối quan hệ đồng minh chiến lược tưởng chừng như không thể rạn nứt giữa Mỹ với các nước châu Âu.
Bằng cách lên tiếng đáp trả các bình luận của ông Donald Trump, các lãnh đạo châu Âu như ông Tusk hay trước đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel, Tổng thống Pháp Francois Hollande… đang đặt vấn đề là phải chăng ông Donald Trump đang từng bước vứt bỏ di sản 70 năm của chính sách ngoại giao của Mỹ kể từ sau Thế chiến II, trong đó luôn coi các đồng minh châu Âu có vị trí quan trọng bậc nhất.
Rõ ràng, châu Âu đang ngày càng thấy không thoải mái với các hành động và phát ngôn của ông Donald Trump, người mà giờ đây đã chính thức ngồi vào vị trí lãnh đạo của cường quốc số 1 thế giới.
Câu hỏi về chính sách của Mỹ với NATO
Trong động thái mới đây, Mỹ vẫn triển khai hàng nghìn binh sĩ và vũ khí hạng nặng tới Ba Lan và các nước vùng Ban-tích như 1 phần trong cam kết chiến lược quân sự của Mỹ cho châu Âu nhằm đối phó với Nga.
Tuy nhiên, rất nhiều động thái của Mỹ trong việc điều chuyển binh lực sang châu Âu thời gian qua là xuất phát từ các quyết định trước đó dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, hay chính xác hơn là từ các quyết định từ Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Warsaw vào tháng 7/2016. Và càng đến gần cuối nhiệm kỳ của mình thì cựu Tổng thống Barack Obama càng thúc đẩy việc này nhanh hơn nhằm trấn an các đồng minh NATO ở châu Âu trước sự bất định trong quyết sách của ông Donald Trump.
Vì thế, các động thái chuyển quân và binh bị của NATO sang Đông Âu thời gian qua chưa có nhiều dấu ấn của chính quyền mới của ông Donald Trump vì ông Trump mới ngồi vào ghế Tổng thống Mỹ được hơn 10 ngày và tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, James Mattis đang được giao một ưu tiên khác là lên chiến lược mới chống lại các nhóm khủng bố như IS.
Ngoài ra, cũng cần nói thêm rằng trong cuộc điện đàm với Thủ tướng Đức, Angela Merkel cách đây vài ngày, chính tân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng tái khẳng định rằng NATO có vai trò quan trọng và không thể thiếu. Điều này thoạt nghe có vẻ mâu thuẫn với các tuyên bố trước đó của ông Trump về việc NATO lạc hậu… nhưng thực ra có thể hiểu được.
Nhiều nhà phân tích đều cho rằng mục tiêu của ông Trump khi công kích sự lỗi thời của NATO là muốn gây sức ép buộc Liên minh quân sự này cải tổ, cụ thể là việc phải phân chia lại trách nhiệm đóng góp. Nước Mỹ dưới thời ông Trump muốn các thành viên khác phải đóng góp tài chính và nhân lực nhiều hơn chứ không muốn nước Mỹ phải gánh đến hơn 70% ngân sách hoạt động của NATO như hiện nay.
Về sâu xa, việc từ bỏ NATO không phải là đơn giản và cũng không chắc đã bảo đảm được lợi ích quốc gia của Mỹ nên khi mới lên nắm quyền chưa lâu, rất ít có khả năng ông Donald Trump động chạm đến chủ đề vô cùng quan trọng và nhạy cảm này bởi lẽ sự tồn tại của NATO là một trong những thành tố quan trọng nhất tạo nên trật tự thế giới hiện nay mà trong đó Mỹ vẫn giữ vai trò chủ đạo.
Châu Âu không có nhiều không gian hành động
Châu Âu không có nhiều không gian hành động trong lúc này bởi tình hình nội trị của châu Âu hiện tại cũng đang vô cùng phức tạp. Trước mắt châu Âu có 3 sự kiện rất quan trọng trong nội khối cần phải xử lý hiệu quả: khởi động Brexit vào cuối tháng 3, bầu cử Tổng thống ở Pháp tháng 4 và bầu cử lập pháp ở Đức tháng 9.
Cả 3 sự kiện này đều tiềm ẩn những rủi ro và thách thức có thể gây bùng nổ các mâu thuẫn hiện nay ở châu Âu. Với Brexit là lo ngại về sự đối đầu không khoan nhượng giữa châu Âu với nước Anh khiến cả hai đều tổn thất. Với bầu cử Tổng thống Pháp là mối lo sự trỗi dậy của các đảng cực hữu và các ứng cử viên dân tuý, đặc biệt là bà Marine Le Pen của đảng cực hữu Mặt trận quốc gia, người có những tư tưởng và phát ngôn không khác gì ông Donald Trump.
Với bầu cử Đức là nguy cơ bà Angela Merkel có thể thất bại. Bà Merkel hiện được coi như là lãnh đạo tối cao của châu Âu và là người duy nhất đủ sức kiểm soát được tình hình và đề ra một đường lối ứng phó cứng rắn với các sức ép đến từ ông Donald Trump ở bên kia Đại Tây Dương hay từ ông Vladimir Putin từ phía Đông.
Nếu có các biến động lớn ở 3 sự kiện quan trọng này thì nguy cơ châu Âu tan rã, không thể đoàn kết thành một khối là cực kỳ lớn và khi đó thì mạnh nước nào nước đó sẽ phải tìm cách thực thi các chính sách đối ngoại riêng để bảo vệ lợi ích quốc gia của mình.
Vì thế, điều mà các lãnh đạo châu Âu đang cố gắng kêu gọi hiện nay là thắt chặt sự đoàn kết nội khối và thận trọng chờ đợi các thay đổi chính sách từ Washington để từ đó đưa ra phản ứng.
Sự căng thẳng bao trùm quan hệ Mỹ- châu Âu
Trên thực tế thì quan hệ Mỹ-châu Âu hiện nay đã căng thẳng rồi. Có thể nói là chưa khi nào kể từ sau Thế chiến II, mối quan hệ đồng minh chiến lược xuyên Đại Tây Dương lại đứng trước các diễn biến bất định như hiện nay. Lần gần nhất Mỹ và châu Âu khúc mắc lớn là trong cuộc chiến Iraq năm 2003 khi 2 cường quốc châu Âu là Đức và Pháp công khai phản đối Mỹ.
Nhưng hiện tại thì sự căng thẳng và bất an đang bao trùm lên toàn bộ các thành viên khi tân Tổng thống Mỹ Donald Trump có những phát biểu rất ác cảm với Liên minh châu Âu, như ca ngợi Brexit, dự đoán sẽ có nhiều nước bỏ EU, công kích NATO, công kích cá nhân Thủ tướng Đức Angela Merkel. Mới đây thì ông Navarro, chiến lược gia được bổ nhiệm vào vị trí đứng đầu Hội đồng thương mại Mỹ còn chỉ trích nước Đức thao túng tiền tệ, là đồng euro, để có lợi cho xuất khẩu.
Những công kích này là điều rất hiếm thấy và sự căng thẳng đã không còn có thể che giấu bằng các động thái ngoại giao nữa khi chúng ta chứng kiến lần lược các lãnh đạo cấp cao của châu Âu, như bà Merkel, ông Hollande và gần nhất là ông Donald Tusk lên tiếng đáp trả ông Donald Trump.
Những gì sẽ diễn ra trong thời gian tới sẽ là rất khó lường./.
Thùy Vân/VOV-Paris

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét