Đường ngàn tỉ vá chằng vá đụp
Cập nhật lúc 07:34
Đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, đưa vào sử dụng không bao lâu
nhưng một số tuyến quốc lộ đã xuống cấp trầm trọng, các đơn vị thi công chỉ
khắc phục bằng cách chắp vá tạm thời
Quốc lộ 19 là con đường huyết mạch nối
các tỉnh phía Bắc Tây Nguyên với vùng duyên hải miền Trung. Mỗi ngày, trên
tuyến đường này có hàng ngàn lượt xe vận tải hàng hóa, hành khách lưu thông.
Tuy nhiên, mới thông xe được 9 tháng, Quốc lộ 19 đã hư hỏng rất nhiều đoạn.
Chỉ giỏi... thu phí
Dự án nâng cấp Quốc lộ 19 đi qua tỉnh
Gia Lai và Bình Định dài 56,7 km do Tổng Công ty 36 (Bộ Quốc phòng) làm chủ
đầu tư với số vốn hơn 2.000 tỉ đồng theo hình thức BOT (xây dựng - kinh doanh
- chuyển giao). Ngày 22-12-2013, dự án được khởi công, đến ngày 31-12-2015
hoàn thành. Từ ngày 1-6-2016, chủ đầu tư đã bắt đầu thu phí 2 trạm tại Gia
Lai và Bình Định.
Riêng đoạn Quốc lộ 19 qua tỉnh Gia Lai
có chiều dài 23,3 km do liên danh Công ty Hoàng Nhi - Hoàng Sơn - Sông Hồng
thi công. Đưa vào sử dụng chẳng bao lâu, tuyến đường này đã bong tróc nhiều
điểm, mặt đường bị vỡ, tạo nhiều hang hốc. Thế nhưng, đơn vị thi công chỉ cho
dặm vá tạm thời, thậm chí trét bằng xi măng. Chỉ một đoạn qua các xã Ayun,
Đăk TaLey, H’Ra (huyện Mang Yang) đã có hàng trăm điểm phải dặm vá như vậy. Ở
nhiều nơi, điểm dặm vá mới đè cả lên điểm dặm vá cũ trông rất nhếch nhác. Lớp
nhựa đường bị bóng tróc rất dòn và rời rạc có thể bóp vỡ gãy bằng tay.
Tuyến Quốc lộ
1 qua TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam mới được nâng cấp, mở rộng đã bị lún nặng
Ảnh: TRẦN THƯỜNG
Một người dân ngụ tại xã Đắk TaLey cho
biết khi vừa thi công xong, đường tương đối phẳng nhưng chỉ sau vài tháng thì
bề mặt xuất hiện nhiều điểm bong tróc. Thêm vài trận mưa lớn, hàng loạt đoạn
lộ lên đá dăm lởm chởm, mặt đường bị hỏng ngày càng nhiều.
“Tôi không biết do thi công có vấn đề
hay do thời tiết mà đường hỏng nhiều như vậy. Cứ đà này thì chỉ một thời gian
nữa, đường này hỏng hết” - người dân này lo ngại. Ông Trần Văn Giang, một tài
xế xe tải thường xuyên chạy tuyến Bình Định - Kon Tum, than phiền: “Đường chỉ
hơn 57 km, xuống cấp quá nhanh mà phải đóng tiền qua 2 trạm thu phí”.
Cùng số phận là đoạn Quốc lộ 1 dài 30
km qua các huyện Bố Trạch, Quảng Trạch và thị xã Ba Đồn (tỉnh Quảng Bình).
Đoạn đường này do Công ty CP TASCO Quảng Bình làm chủ đầu tư với số vốn hơn
2.000 tỉ đồng, đưa vào sử dụng chưa được bao lâu thì đã bị sụt lún nhiều
điểm. Nặng nề nhất là đoạn qua phường Quảng Thuận và Quảng Thọ, thị xã Ba
Đồn. Bằng mắt thường có thể nhìn rất rõ những “sống trâu” do vệt hằn của bánh
xe lưu lại. Nhiều đoạn bị lún sâu 3-5 cm, rất nguy hiểm cho người đi xe máy.
Ông M.V.Nh, một người dân ngụ phường
Quảng Thuận, cho biết đơn vị thi công nhiều lần cạo lớp nhựa bị lún để trải
lớp khác nhưng sau một thời gian thì tiếp tục lún. Điều đáng nói là con đường
này vừa thông xe vào tháng 6-2015, xây dựng theo hình thức BOT. Đường thì kém
chất lượng nhưng được đầu tư đến 66 tỉ đồng/km. Trạm thu phí đã được xây dựng
hoành tráng, thu tiền đều đặn từng ngày, thời gian thu phí lên đến 22 năm.
Đúng quy trình, kỹ thuật (!?)
Với tiêu chuẩn là quốc lộ nên số tiền
đầu tư cho các đoạn đường như trên rất lớn. Thế nhưng, những gì đang diễn ra
cho thấy chất lượng các con đường không hề tỉ lệ thuận với số tiền bỏ ra.
Mới khánh thành hơn 1 năm nhưng tuyến
Quốc lộ 1 đoạn qua địa phận tỉnh Quảng Nam cũng bị hư hỏng gây bất an cho
người lưu thông. Điển hình, đoạn qua xã Bình Phục, huyện Thăng Bình dài
khoảng 30 km, tổng mức đầu tư 1.486 tỉ đồng do Công ty CP Xây dựng công trình
545 làm chủ đầu tư đã xuất hiện nhiều vệt cắt kéo dài, mặt nhựa đường bị
khoét sâu, bong tróc loang lổ, tạo thành nhiều ổ gà.
Trong khi đó, đoạn qua các huyện Phú Ninh,
Núi Thành và TP Tam Kỳ ở tỉnh Quảng Nam dài 27,7 km có tổng kinh phí hơn
1.600 tỉ đồng do Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 5 (Cienco 5) làm
chủ đầu tư cũng có nhiều đoạn hư hỏng nghiêm trọng. Các đoạn qua xã Tam Anh
Nam, thị trấn Núi Thành (huyện Núi Thành) xuất hiện nhiều đường rách như bị
cày xới chạy song song kéo dài hàng trăm mét. Mặt đường không còn kết dính,
bị tróc ra nhiều đoạn dài.
Cách không xa những đoạn đường đang hư
hỏng trên, Quốc lộ 1 đoạn từ huyện Phong Điền đến ngã ba La Sơn, tỉnh
Thừa Thiên - Huế do Công ty TNHH Trùng Phương làm chủ đầu tư được
khánh thành thông xe vừa đúng 1 năm cũng bị lún nghiêm trọng. Hư hỏng nặng
nhất là đoạn qua xã Phong An, huyện Phong Điền.
Dù thực tế như vậy nhưng ông Trần Văn Thịnh,
Phó Tổng Giám đốc Công ty TNHH Trùng Phương, vẫn khăng khăng công ty
thường xuyên kiểm tra, duy tu mặt đường. Theo ông Thịnh, công ty đã cào
bóc, trải lại mặt đường bằng nhựa polymer khoảng 17.000 m2 đối với
những vị trí lún trên 2 cm. Những diện tích lún còn lại do chưa tới
1 cm nên chỉ cào phẳng mặt đường nhằm bảo đảm an toàn giao thông.
Còn ông Nguyễn Đỗ Tấn, Phó Ban
Quản lý dự án đoạn đường Phong Điền - La Sơn thuộc Công ty TNHH Trùng
Phương, biện hộ: “Trong quá trình thi công, chúng tôi chấp hành đúng
yêu cầu kỹ thuật của Bộ GTVT, cũng mời nhiều chuyên gia, giáo sư
đầu ngành tới nghiên cứu nhưng vẫn xuất hiện vết hằn lún”.
Đơn vị thi công phải bỏ tiền khắc phục
Đối với Quốc
lộ 19, ông Vương Chí Thiện, Phó Giám đốc Công ty TNHH BOT 36.71 (thuộc Tổng
Công ty 36), cho biết riêng đoạn qua huyện Đắk Pơ chuẩn bị được sửa chữa. Các
đoạn hư hỏng khác đã được xử lý, khắc phục xong. Do đang trong thời gian bảo
hành 4 năm nên các đơn vị thi công phải bỏ tiền ra khắc phục. “Độ dày lớp
thảm nhựa đã được các đơn vị kiểm định, nghiệm thu. Khi thi công cũng được
giám sát chặt chẽ, đúng quy trình” - ông nói.
Tuy nhiên,
giám đốc một doanh nghiệp từng tham gia thi công đoạn đường này cho biết có
thể do nhiều đơn vị cùng làm nhưng vật liệu không đồng nhất, không bảo đảm
chất lượng nên mới xảy ra tình trạng hư hỏng như vậy.
Sửa chữa nhiều điểm trên đường Hồ Chí Minh
Tuyến đường
Hồ Chí Minh đoạn qua xã Chư H’Drong, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai mới sử dụng hơn
1 năm cũng xuất hiện một số điểm hư hỏng. Mặt đường này đoạn qua trung tâm
huyện Ea H’leo, tỉnh Đắk Lắk cũng bị rạn nứt ở nhiều điểm. Do việc sửa chữa
chắp vá nên mặt đường rất gồ ghề. Còn đoạn qua phía Bắc TP Buôn Ma Thuột hiện
vẫn có nhiều vị trí nứt lún.
Đường Hồ Chí Minh đoạn qua tỉnh Gia Lai bị hư hỏng nhiều điểmẢnh:
HOÀNG THANH
Tại đoạn
đường Hồ Chí Minh qua tỉnh Đắk Nông, cuối tháng 8-2016, Công ty CP BOT Đức
Long Đắk Nông đã phải bóc tách phần trên, sau đó cho lu lèn lại nền và trải
thảm mới một đoạn dài qua địa bàn xã Nhân Cơ, thị trấn Kiến Đức, huyện Đắk
R’Lấp và thị xã Gia Nghĩa do bị bong tróc, sụt lún.
Ông Nguyễn
Danh Tiến, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đường bộ III.5 (Cục Quản lý đường
bộ III - Tổng cục Đường bộ Việt Nam), cho biết đơn vị này phát hiện đường bị
hư nên đã có công văn gửi Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh yêu cầu nhà
thầu sửa chữa, khắc phục.
Theo một cán
bộ Ban Quản lý dự án đường Hồ Chí Minh, hiện nay, con đường này vẫn trong
thời gian bảo hành nên khi phát hiện hư hỏng, đơn vị đã buộc nhà thầu khắc
phục, sửa chữa. Mặc dù các nhà thầu đã cố gắng làm giảm chênh lệch giữa mặt
đường cũ và mới nhưng con đường sẽ không được bằng phẳng như trước.
Nhóm phóng viên Báo Người lao động
|
Thứ Bảy, 1 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét