Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016

Lãnh đạo cáo ốm, Vinachem xin lùi thời gian thanh tra

 Cập nhật lúc 07:10

 

Theo kế hoạch, Bộ Công Thương sẽ thực hiện thanh tra tại Vinachem và nhà máy Đạm Ninh Bình. Tuy nhiên, do lãnh đạo cáo ốm, kế hoạch thanh tra "nhạy cảm" này đã được lùi ngày.
 

Bộ Công Thương có kế hoạch thanh tra tại Vinachem và nhà máy Đạm Ninh Bình. 
Bộ Công Thương có kế hoạch thanh tra tại Vinachem và nhà máy Đạm Ninh Bình.

Theo nguồn tin của Dân trí, theo kế hoạch, trong 2 ngày 18/10/2016 và 21/10/2016, đoàn Thanh tra Bộ Công Thương sẽ có buổi làm việc vớiTập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) và Ban Quản lý dự án nhà máy Đạm Ninh Bình.
Tuy nhiên, sau khi Bộ Công Thương thông báo 1 ngày, ngày 14/10, Vinachem đã có công văn gửi Bộ cho biết, hiện nay, ông Chu Văn Tuấn - Phó Tổng giám đốc Tập đoàn, Giám đốc Ban Quản lý dự án, Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH MTV Đạm Ninh Bình đang điều trị bệnh tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, dự kiến đến hết ngày 21/10 mới ra viện.
Vì vậy, Vinachem đã đề nghị Thanh tra Bộ Công Thương tổ chức 2 buổi làm việc nói trên vào thời gian từ ngày 24-29/10/2016.
Được biết, nội dung chính của cuộc thanh tra sẽ tập trung vào thanh tra hoạt động sản xuất - kinh doanh của Vinachem và Đạm Ninh Bình.
Đáng chú ý, trước đó, một số công dân lấy danh là cán bộ, công nhân viên của Tập đoàn Hoá chất đã có đơn gửi Thủ tướng Chính phủ kiến nghị kiểm tra, xem xét việc bổ nhiệm, sử dụng cán bộ không minh bạch, không đúng quy trình, có biểu hiện chạy chức chạy quyền tại Tập đoàn này.
Đơn kiến nghị gửi lên Thủ tướng có đầy đủ chữ kí của người làm đơn và nêu cụ thể 5 trường hợp lãnh đạo Tập đoàn bổ nhiệm người thân của mình giữ những vị trí quan trọng trong Tập đoàn và tại các đơn vị thành viên như Đạm Ninh Bình, Đạm Hà Bắc, CTCP Xà phòng Hà Nội…
Về vấn đề này, Văn phòng Chính phủ đã chuyển đơn kiến nghị tới Bộ Công Thương để chỉ đạo kiểm tra, xem xét, giải quyết theo đúng quy định của pháp luật và đề nghị thông báo cho Văn phòng Chính phủ biết kết quả giải quyết.
Về hoạt động sản xuất - kinh doanh, theo báo cáo của Vinachem, 6 tháng đầu năm 2016, tình hình sản xuất kinh doanh của các đơn vị thuộc Vinachem gặp rất nhiều khó khăn về tiêu thụ sản phẩm. Nhu cầu thị trường trong và ngoài nước đối với sản phẩm phân bón, săm lốp ôtô xuống rất thấp. Theo đó, sản lượng sản xuất, tiêu thụ, doanh thu, lợi nhuận của hầu hết các sản phẩm phân bón, săm lốp ôtô giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2015 đã ảnh hưởng lớn đến doanh thu, lợi nhuận của các doanh nghiệp thuộc Tập đoàn.
Vì vậy các chỉ tiêu cơ bản đạt được trong quý II và 6 tháng đầu năm 2016 của toàn Tập đoàn đều giảm so với cùng kỳ năm 2015, cụ thể: giá trị sản xuất công nghiệp tính theo giá thực tế quý II ước đạt 10.379 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng ước đạt 20.918 tỷ đồng, giảm 10,1%. Doanh thu quý II ước đạt 12.069 tỷ đồng, lũy kế 6 tháng ước đạt 21.521 tỷ đồng, giảm 7,4%.
Nhóm sản phẩm có giá trị sản xuất công nghiệp giảm mạnh là nhóm phân bón và thuốc bảo vệ thực vật, giảm 18,7%. Doanh thu của nhóm ngành hàng này cũng giảm 12,0% so với cùng kỳ năm 2015.
Riêng đối với dự án Nhà máy đạm Ninh Bình với vốn đầu tư lên tới 12.000 tỷ đồng, nhà máy này chính thức hoạt động cách đây 4 năm và hiện đang gặp nhiều khó khăn trong sản xuất kinh doanh, gặp sự cố và phải dừng sản xuất từ cuối tháng 3/2016.
Theo báo cáo của Vinachem, tổng mức lỗ tới nay đã lên tới trên 2.700 tỷ đồng, vượt vốn điều lệ. Trong năm 2015, dù đã được Chính phủ và các Bộ, ngành có một số cơ chế, chính sách hỗ trợ như cho giãn khấu hao, điều chỉnh một phần lãi suất vay vốn đầu tư, giảm giá than… nhưng công ty vẫn thua lỗ 906 tỷ đồng (năm 2013), 738 tỷ đồng (năm 2014), 592 tỷ đồng (năm 2015) và 456,9 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2016.
Hồi tháng 6 từng có thông tin, Bộ Công Thương có kế hoạch thanh tra nhà máy Đạm Ninh Bình trong tháng 6 nhưng cho tới nay chưa có thông tin về kết quả thanh tra này.
Tại thời điểm đó, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh chỉ đạo: “Thanh tra Nhà máy đạm Ninh Bình là một vấn đề nóng và liên quan đến tình hình sản xuất kinh doanh của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam. Hiện nhà máy này đang rất khó khăn về công nghệ sản xuất đạm từ thanh cũng như tiêu thụ sản phẩm”.
Bộ trưởng cũng đề nghị Cục Hoá chất phối hợp với Tập đoàn hoá chất Việt Nam đánh giá lại hiệu quả của hai nhà máy đạm là đạm Ninh Bình và đạm Hà Bắc để tính toán và dự báo kế hoạch sản xuất kinh doanh trong thời gian tới.
“Thanh tra Bộ cần nhanh chóng triển khai với Tập đoàn Hóa chất kiểm tra nhà máy đạm Ninh Bình để sớm có kết luận và đưa ra định hướng. Qua đó, Bộ sẽ chỉ đạo phương hướng và giải quyết dứt điểm khâu đầu tư vào dự án cũng như phát triển các nhà máy đạm”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
(Theo Dân trí) Phương Dung

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét