Huyện Bù Gia
Mập, tỉnh Bình Phước:
Chỉ thời gian ngắn, 3 đoàn với 22 đợt thanh tra, khiến học sinh và giáo viên nhà trường hoang mang
Cập nhật lúc
10:13
Năm học 2016 -
2017 khởi động được hơn tháng, nhưng thầy trò Trường Tiểu học Hoàng Diệu vẫn
như ngồi trên chảo lửa, bởi phải hứng chịu 22 đợt thanh tra của 3 đoàn cán bộ
cấp huyện, chỉ từ một lá đơn vu vơ…
Do nghiệp vụ non kém?!
Trường Tiểu học Hoàng Diệu, xã biên giới Phú Nghĩa, huyện Bù Gia Mập, tỉnh
Bình Phước thành lập ngày 10/8/2010, trên cơ sở tách từ một điểm trường của
Trường Tiểu học Kim Đồng. Ban đầu, trường chỉ có hơn 200 học sinh. Năm học
này, trường có 355 học sinh, nhưng có tới 71% là con em dân tộc ít người và
học sinh thuộc diện khó khăn, được miễn giảm các khoản thu xã hội hóa. Theo
bà Nguyễn Thị Thúy, Thủ quỹ nhà trường, nếu Hội cha mẹ học sinh vận động đóng
góp mỗi em 50.000 đồng/năm, trừ đi các đối tượng miễm giảm, nhà trường chỉ
thu được gần 17 triệu đồng. Số tiền này không đủ mua một bộ bàn ghế. Thế
nhưng, mấy năm nay, các đối tượng xấu phối hợp với một số giáo viên bị kỉ luật,
bất mãn chuyên viết đơn thư nặc danh, tố cáo sai sự thật về công tác thu, chi
của nhà trường.
Gần đây, ông Nguyễn Hường, cán bộ thư viện cùng vợ là bà Mai Thị Ái, thuộc
diện bị kỉ luật, liên tiếp viết đơn “tố Hiệu trưởng” gửi các cơ quan quản lí
trong huyện, nên chỉ trong một thời gian ngắn, nhà trường hứng chịu tới 3
đoàn thanh, kiểm tra với 22 đợt cán bộ huyện về trường làm việc, khiến các
hoạt động chuyên môn bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, cả 3 đoàn không tìm thấy dấu
hiệu sai phạm, hoặc tham nhũng nào. Nhưng, khiến không khí nhà trường vô cùng
ảm đạm, giáo viên nghi kị, cảnh giác lẫn nhau. Phụ huynh, học sinh ngao ngán…
Cụ thể: Ngày 18/9/2015, Đoàn xác minh đơn kiến nghị trường Tiểu học Hoàng
Diệu, do ông Phan Tấn Lãm, Phó Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện làm Trưởng
đoàn đã về trường. Sau 2 tháng xác minh, thay vì phải ban hành quyết định
giải quyết đơn khiếu nại, tố cáo của công dân theo Luật định, thì Phòng Giáo
dục và Đào tạo lại ban hành Thông báo số 40/TB-PGDĐT ngày 12/11/2015, về việc
thông báo kết quả xác minh đơn của ông Nguyễn Hường… do ông Dương Viết Hải,
Trưởng phòng kí. Văn bản này thể hiện sai từ thể thức đến nội dung. Trong đó,
thứ tự số trang không có từ trang 1, mà bắt đầu từ trang 5, nhưng trang cuối
không có!? Mặt khác, văn bản có 8 nội dung, thì 5 nội dung không kết luận.
Những nội dung còn lại kết luận hết sức chung chung. Chưa nói tại phần cuối
văn bản, lãnh đạo Sở yêu cầu: “Anh Hường, cô Ái góp ý cần tế nhị đi vào vấn
đề trọng tâm hơn!? Cuối cùng, bỗng dưng ông Trưởng Phòng “phán” như một quan
tòa rằng: “Nguyên đơn, bị đơn chấp hành nghiêm túc nội quy cơ quan, Điều lệ
nhà trường…”. Nhiều người tỏ ra bất bình với cách dùng từ tại văn bản của
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện như vậy. Do đó, ngày 15/4/2016, Tỉnh ủy Bình
Phước có Công văn số 300-CV/TU gửi Thường trực Huyện ủy Bù Gia Mập, chỉ đạo
làm rõ một số thông tin báo chí nêu những sai sót của Phòng Giáo dục và Đào
tạo huyện.
Ngày 24/2/2016, lại có một đoàn mới (Đoàn thanh tra 278) của UBND huyện với 7
thành viên, do ông Tô Văn Ngãi, Phó Chánh Thanh tra huyện làm Trưởng đoàn về
trường, quyết tâm tìm ra những sai phạm của nhà trường. Không hiểu đoàn làm
việc như thế nào, các nội dung thanh tra đều bị nhà trường phản đối, không
chấp nhận, đành quay về huyện bố trí lại lực lượng.
Ngày 28/4/2016, Đoàn thanh tra nói trên lại về trường công bố lại Quyết định
thanh tra số 278/QĐ-UBND ngày 5/2/2016 của Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập.
Khác với lần trước, lần này đoàn có cả lịch làm việc và đề cương thanh tra.
Đoàn yêu cầu nhà trường phải cung cấp tới 37 loại hồ sơ bản gốc, để làm việc,
trong đó nhiều hồ sơ không liên quan đến nội dung đơn khiếu nại, khiến nhiều
giáo viên lại phản đối.
Do trục trặc kĩ thuật, ngày 29/4/2016, Đoàn thanh tra lại trở lại trường công
bố Thông báo số 08 và Quyết định bổ sung số 570 (bổ sung thêm thành viên cho
Quyết định số 278 trước đó). Thấy không ổn, Đoàn lại thông báo gia hạn thêm
lần 2 cho chắc chắn. Buổi chiều cùng ngày (29/4/2016), Đoàn lại về trường
công bố Thông báo số 09 về lịch làm việc, nâng số lần thay đổi thông báo lên
tới 3 lần. Để khách quan, nhà trường cử ông Vũ Giáp Lịch, Phó Hiệu trưởng làm
việc với Đoàn về trường hợp: Bà Mai Thị Ái không được xếp loại gì, do hồ sơ
giáo án vi phạm các quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo; thực hiện giờ, ngày
công không bảo đảm. Tương tự, ông Hường (chồng bà Ái) thực hiện ngày, giờ
công không bảo đảm, chưa tập trung vào công việc, nên nhà trường không xếp
loại thi đua. Không hiểu sao, Đoàn không có nhận xét gì về hai người này?
Trong suốt thời gian truy tìm sai phạm của nhà trường, Đoàn chỉ tìm thấy
khuyết điểm của người khiếu nại, không tìm thấy sai phạm nào của nhà trường
trong 37 loại giấy tờ mà Đoàn đã yêu cầu.
Cuối cùng, ngày 4/5/2016, Đoàn cũng phải lập biên bản làm việc với nhà
trường. Trong biên bản, ông Tô Văn Ngãi, Trưởng đoàn thừa nhận: “Nội dung đơn
khiếu nại không rõ ràng, nên Đoàn thanh tra phải về xác minh nhiều lần…”.
Chưa hết, Đoàn còn nhận thấy: Trong đơn khiếu nại, ông Hường bịa ra những cái
tên như Phạm Thị Thiềm, Nguyễn Ngọc Châu là thành viên Hội cha mẹ học sinh;
Nguyễn Văn Huy, là Trưởng thôn thôn Bù Gia Phúc, nhưng thực tế không phải như
vậy, nên Đoàn lại ra về trong im ắng… Điều này giải thích vì sao trong báo
cáo tổng kết ngành, các thành viên trong Đoàn 278 phải viết kiểm điểm.
Cứu vớt thể diện?
Ngày 28/7/2016, UBND huyện Bù Gia Mập lại ban hành Quyết định số
1.263/QĐ-UBND, về việc thành lập Đoàn thanh tra xác minh làm rõ một số nội
dung tồn đọng tại Trường Tiểu học Hoàng Diệu, với 9 thành viên mới do ông
Nguyễn Hữu Hóa, Chánh Thanh tra huyện làm Trưởng đoàn. Khác với Đoàn 278,
thành viên Đoàn 1.263 có cả Công an huyện. Theo bà Nguyễn Thị Mai Hiền, Văn
thư nhà trường, khi Đoàn 1.263 của huyện về thông qua quyết định, giáo viên
phát hiện căn cứ pháp lí của Quyết định số 1.263 sai và cùng “ồ lên”. Vậy là,
ngày 9/8/2016, Chủ tịch UBND huyện Bù Gia Mập lại phải ban hành Quyết định số
1.312/QĐ-UBND, đính chính và sửa lại căn cứ pháp lí của Quyết định số 1.263
trước đó.
Chưa hết, ngày 26/9 và 27/9, Trưởng đoàn thanh tra số 1.263 Nguyễn Hữu Hóa
lại thay đổi Thông báo số 34, về việc tập hợp hồ sơ, bằng Thông báo số 36,
khiến giáo viên, Chủ tịch Công đoàn Mai Văn Thành và các giáo viên khác “quay
như chong chóng”, không biết đâu mà lần. Bởi vậy, ông Thành cùng một số thành
viên trong nhà trường không hợp tác cung cấp hồ sơ và làm việc với Đoàn thanh
tra số 1.263, khiến tình hình thanh tra nhà trường càng thêm rối rắm. Vì,
đoàn thanh tra trước (278) không đưa ra kết luận nào trong số 37 hồ sơ mà nhà
trường đã cung cấp, nên lần này, một số giáo viên, Thủ quỹ, Văn thư, Kế toán
nghi ngờ tính trung thực của Đoàn, họ bất hợp tác, không cung cấp hồ sơ cho
Đoàn. Buộc lòng, Chủ tịch UBND huyện phải ban hành tới 2 văn bản: số 2.536 và
số 2.679, tạm đình chỉ công tác và gia hạn tạm đình chỉ công tác với Hiệu
trưởng Bùi Thị Phương Minh, để Đoàn thanh tra làm việc. Tuy nhiên, một số
giáo viên vẫn “cứng đầu” không chịu hợp tác cung cấp hồ sơ, nên mới có chuyện
ngày 6/10/2016, một số thành viên trong Đoàn thanh tra 1.263 phải đập khóa,
cậy tủ lấy tài liệu để thanh tra.
Chưa biết đúng - sai, kết cục về đâu, nhưng dư luận hết sức quan ngại, một
trường tiểu học chỉ vẻn vẹn 355 học sinh, chủ yếu con em đồng bào dân tộc
thiểu số nghèo, ở vùng biên giới xa xôi hẻo lánh. Nếu thu đúng, thu đủ mỗi
học sinh 50.000 đồng, cũng chỉ có gần 20 triệu đồng tiền quỹ Hội cha mẹ học
sinh. Chuyện quản lí thất thoát bao nhiêu chưa thấy. Tại sao người ta không
lo đầu tư cơ sở vật chất, chăm lo cho các thầy, cô giáo nơi biên cương, mà
chỉ lo cho những chuyện không đâu? 3 đoàn, với 22 đợt thanh tra, chỉ từ lá
đơn không trung thực của một người bị xử lí kỉ luật.
(Theo Báo Người cao tuổi) Đông Dương
|
Thứ Năm, 20 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét