Hội chứng nhà kính:
Chặn gió đón nắng nóng
Cập nhật lúc 08:23
Trong khi tòa
nhà hành chính dáng vẻ hiện đại lắp đầy kính 2.000 tỉ đồng của Đà Nẵng đã và
đang vất vả trong nắng nóng, thiếu "khí tươi" thì những công trình,
ngôi nhà toàn kính vẫn tiếp tục mọc lên...
Việc lạm dụng kính trong thiết kế, xây dựng có
thể xem là một đổi mới táo bạo trong thiết kế, thi công so với kiểu
nhà truyền thống ở Việt Nam, nhất là miền Nam, bao gồm cả nhà xưa
của ông bà ta cho đến nhà kiểu Pháp trước năm 1954, kiểu Sài
Gòn trước năm 1975.
Dù kiểu dáng khác nhau hoàn toàn nhưng không ai có thể phủ
nhận những ngôi nhà truyền thống rất mát và nắng chỉ vừa đủ, bởi nó
tuân thủ một nguyên tắc thiết kế, thi công truyền thống ở Việt Nam,
nhất là miền Nam: gió vô được mà nắng vô không được.
Cụ thể nhà Việt Nam mái dài, tường không bao giờ đưa ra
ngoài (nên khó thấm dột). Nhà kiểu Pháp nhiều lớp tường ngoài, tường trong
dày (giữa là hành lang đi lại), cửa số lá sách. Nhà kiểu Sài Gòn, như
dinh Độc Lập, Thư viện quốc gia... chẳng hạn, dùng lam dày đặc chắn
nắng nhưng không chắn gió.
Trong khi đó, những năm gần đây, khi hàng loạt công
trình cao tầng ốp kính nhìn rất sang trọng đang phải trả giá về chi
phí vận hành hệ thống điều hòa, bảo quản thì vẫn có những tòa
nhà mới, ngôi nhà mới tiếp tục mọc lên kiêu hãnh trong dáng vẻ hiện
đại của kính.
Những công trình toàn kính nắng vô được nhưng gió vô
không được.
Với một vùng đất nhiệt đới gió mùa, điện năng đầu người
thấp như Việt Nam, liệu những công trình lấp lánh kính có
thật sự phù hợp hay không?
Càng nhiều kính càng hiện đại?
Kiến trúc sư (KTS) Lê Công Sĩ đặt vấn đề hiện đang có xu
hướng sử dụng kính với “liều lượng khủng” trong công trình kiến trúc nói
chung, cao ốc nói riêng, trong đó có công trình tòa nhà Bitexco ở TP.HCM và
tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng.
KTS Khương Văn Mười, phó chủ tịch Hội KTS Việt Nam, cho
rằng kính là loại vật liệu mới, tạo dáng cho công trình có đặc tính nhẹ nên
thường được sử dụng cùng với nhôm cho những tòa cao ốc.
Kiến trúc ốp kính ở các tòa cao ốc được sử dụng rất phổ
biến bất kể ở nước nhiệt đới hay ôn đới. Chẳng hạn với hai nước có điều kiện
khí hậu tương tự Việt Nam là Thái Lan và Malaysia, vẫn có nhiều công
trình sử dụng loại vật liệu này.
Kính vì lẽ đó cần được sử
dụng như “lớp áo” thứ hai có thể đóng mở được cùng với lớp áo thứ nhất là hệ
thống lam thông gió, chiếu sáng hoặc các khoảng lùi của ban công... Theo ông Sĩ,
kính tuy tạo nên sự hào nhoáng nhưng là vật liệu vô cùng khó chịu do hấp thu
bức xạ và là một trong nhiều nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.
“Ngày nay đang có quan niệm cho rằng công trình sử dụng
càng nhiều kính thì sẽ càng hiện đại. Hiện đại đến đâu chưa rõ song hậu quả
nhất định của những công trình cao ốc bị bịt kín bằng kính đã và
đang nhanh chóng bộc lộ rõ điểm yếu, điển hình như việc thiếu khí
tươi, nóng bức đã được ghi nhận ở tòa nhà trung tâm hành chính Đà Nẵng” - ông
Sĩ nói.
Vận hành tốn kém
Các chuyên gia đều cho rằng việc quản lý và vận hành tòa
nhà ốp kính rất tốn kém.
Theo KTS Khương Văn Mười, công trình ốp kính có dạng tròn
sẽ hấp thụ ánh nắng nhiều hơn nên việc tính đến giải pháp làm mát chắc chắn
phải có ngay từ khi công trình còn nằm trên bản thiết kế, chứ không thể nói
là sau khi xây xong mới tính giải pháp khắc phục tình trạng thiếu khí tươi,
nóng nực.
Người thiết kế luôn phải tính đến hệ thống làm mát không
khí bên trong, cung cấp khí tươi và xử lý các tình huống cúp điện, phải dự
trù được những tình huống xấu nhất có thể xảy ra để đảm bảo an toàn cho tòa
nhà.
“Một khi quyết định xây công trình ốp kính thì phải rất
cẩn trọng và có tính toán kỹ, không thể nào không nghĩ đến chi phí vận hành
và bảo trì” - KTS Khương Văn Mười nói.
Ngoài vật liệu kính, khi thi công các công trình ốp
kính là những khung nhôm, các mối nối cũng phải được kiểm tra rất kỹ.
Ông Lê Công Sĩ nhìn nhận khí hậu ngày nay đã khác, nhiệt
độ môi trường đã, đang và sẽ tăng lên nhiều, nên tự thân công trình không thể
không sử dụng các giải pháp phụ trợ về chiếu sáng và làm mát như việc sử dụng
kính cho công trình để lấy sáng và sử dụng máy điều hòa.
Về giải pháp chống nóng, gió, mưa, KTS Khương Văn Mười cho
biết cụ thể như sau:
Với gió và mưa, người thiết kế phải có giải pháp đảm bảo
an toàn cho công trình bằng gioăng và silicon kết dính để tránh khe hở.
Với nắng nóng thì có thể tăng cường lam che nắng hoặc phản
quang để ánh nắng không tác động trực tiếp đến bên trong tòa nhà.
(Theo Tuổi trẻ)
VÕ HƯƠNG - MAI CÔNG - AN
NHIÊN - MẠNH KHANG
|
Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét