Có gì phải ngại ‘chuyện nhạy cảm’?
Cập nhật lúc 14:48
Nếu minh bạch những thông tin
bị coi là "nhạy cảm" mà mang lại niềm tin, lợi ích chung, thì Đảng
chỉ tăng thêm uy tín trước đảng viên và nhân dân, cớ gì chúng ta lại ngại?
Trong một bài viết mới
đây trên Tuần Việt Nam, TS. Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó trưởng ban
Tuyên giáo Trung ương, nhìn nhận: "Phải khuyến khích công luận
lên tiếng phê phán, phản đối những việc sai trái (kể cả của lãnh đạo) để tăng
sức đề kháng của cơ thể xã hội. Ở đâu và khi nào mà công luận bị hạn chế,
ngăn cản thì ở đó và lúc ấy cơ thể xã hội đang giảm sức đề kháng (đến một lúc
bệnh nặng dần, trở thành liệt kháng - đó chính là căn bệnh HIV chết người).”
Theo ông: “Trong một xã hội tiến bộ, việc minh bạch thông tin có vị trí rất
quan trọng, mọi người dân đều có quyền tiếp cận thông tin, không ai được bưng
bít thông tin, giống như “ánh sáng ban ngày” thay cho “đêm tối”, để cái xấu,
cái ác không còn nơi ẩn nấp, phải lộ rõ nguyên hình. Lâu nay ở Việt Nam ta
còn rất nhiều việc chưa được minh bạch, kể cả việc nhỏ và việc lớn, kể cả
những chủ trương, quyết định và những vụ việc tiêu cực, tham nhũng, sai
lầm..."
Bài
viết gợi lên trong tôi nhiều suy nghĩ.
Nhiều
người trong chúng ta hôm nay hẳn khó hình dung được rằng, khoảng 25 năm
trước, có những điều bị xem là "cấm kỵ" không được đưa lên báo nếu
chưa xin ý kiến cấp trên. Ví dụ, khoảng đầu những năm 1990, có một vụ việc
gọi là "nhạy cảm" ở một tỉnh nọ, có liên quan đến ông bí thư tỉnh
uỷ. Khi ấy, đại thể là với những gì "nhạy cảm" nếu có liên quan đến
lãnh đạo từ cấp chủ tịch, bí thư tỉnh và tương đương trở lên, các báo cần
phải xin ý kiến cấp trên trước khi đăng, dù hồi đó không có chỉ thị nào của
Ban Bí thư, hay nghị định nào của Chính phủ ban hành đề cập đâu là "vùng
cấm" đối với báo chí.
Đến
nay, với không khí cởi mở, dân chủ hơn trong đường lối đổi mới của Đảng, có
những chuyện tưởng như "không thể" của ngày nào đã dần trở nên bình
thường và "có thể".
Ví
như chuyện ông Trịnh Xuân Thanh, nguyên Phó Chủ tịch tỉnh Hậu Giang, dùng xe
Lexus cá nhân rồi gắn biển xe công (biển xanh) để đi lại khiến dư luận bất
bình, bàn tán và trở thành tâm điểm chú ý của cả nước. Rồi từ chuyện này mà
vỡ lở ra đủ chuyện trong quá khứ, từ chuyện làm ăn thua lỗ khi ông ta lãnh
đạo doanh nghiệp, đến chuyện chạy tội để rồi tiếp đó là chạy chức... dần dần
hé lộ.
“Vấn
nạn” dùng xe xe công như xe tư, lãng phí vốn đã được cảnh báo từ lâu. Nhưng
dường như sau những vụ việc như thế này, người dân chứng kiến nhiều hành động
cụ thể, quyết tâm hơn, chẳng hạn quyết định khoán kinh phí sử dụng xe công
của Bộ Tài chính.
Rồi
chuyện tỉnh nọ tỉnh kia đưa người thân của lãnh đạo vào diện quy hoạch và đã
được bổ nhiệm theo lối có vẻ" gia đình", dù là "đúng quy
trình" đi nữa nhưng thiếu "nhạy cảm" nên đã bị báo chí
vào cuộc.
Sau
những vụ việc ầm ĩ này, có lẽ Đảng, Nhà nước cũng sẽ sớm nghiên cứu, đề ra
các quy định bổ nhiệm cán bộ chặt chẽ hơn, để có quy chế rõ ràng đối với
trường hợp lãnh đạo muốn bổ nhiệm người thân.
Vậy mới thấy, với những vụ việc lâu nay được coi là "nhạy cảm" ấy, nếu chúng ta cứ bưng bít không cho công khai trên mặt báo để dân biết, dân giám sát... đâu hẳn đã là điều tốt cho Đảng, cho chế độ? Sự công khai sẽ giúp Đảng, Nhà nước hạn chế, ngăn ngừa những dấu hiệu thiếu minh bạch trong đời sống xã hội.
Chẳng
hạn, ở một Đại hội Đảng bộ thành phố, có nhân vật bị trượt cấp uỷ, nhưng thật
khó hiểu khi người này lại được giới thiệu lên Đại hội cấp cao hơn và đã
trúng cử ở cấp đó; rồi có người đã trượt ở đại hội Đảng bộ thành nọ, nhưng
vài tháng sau lại được chỉ định tham gia chính cấp uỷ đó thì làm sao đảng
viên và dư luận xã hội lại không... ngơ ngác! Sự "ngơ ngác" này chỉ
có thể giải tỏa khi được các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm giải đáp cho
thoả đáng xem cách làm tổ chức kiểu này có chuẩn không, có dấu hiệu lợi
ích nhóm không?
Nói như TS Vũ Ngọc Hoàng trong bài viết: "Không minh bạch mới làm mất lòng tin. Ai cũng có quyền nghi ngờ cả. Và người lãnh đạo tốt cũng mang tiếng lây. Không dám minh bạch vì sợ mất lòng tin thì đó là thứ lòng tin bị đánh lừa, lòng tin nhầm lẫn".
Vì thế, suy nghĩ sâu xa, nếu
chúng ta minh bạch những thông tin bị coi là "nhạy cảm" kia, mà
mang lại lợi ích cho cái chung, mang lại niềm tin cho nhân dân thì Đảng chỉ
tăng thêm uy tín trước mọi đảng viên và nhân dân, cớ gì chúng ta lại ngại?
(Theo TuanVietNam) Quốc Phong
|
Chủ Nhật, 2 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét