Chủ tịch TKV lần đầu hé lộ
nguyên nhân nằm kho 12 triệu tấn “vàng đen”
Cập nhật lúc 14:43
Sau nhiều ý kiến được
cho là không “thuận chiều” với quan điểm của ngành Than về nguyên nhân dẫn
tới việc than “múc” lên không bán được, gây tồn đọng hơn 11 triệu tấn, mới
đây, Chủ tịch Hội đồng thành viên Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt
Nam (TKV) Lê Minh Chuẩn đã chính thức lên tiếng phản hồi vấn đề này.
Chủ tịch Tập
đoàn TKV Lê Minh Chuẩn: “Tôi đã có 2 năm ướt áo trong hầm lò nên tường tận về
than”
Trước đó, trong một bài
trả lời phỏng vấn đăng trên PLVN, một cựu quan chức của TKV đã thẳng thắn chỉ
ra nhiều tồn tại mà theo vị này chính là nguyên nhân dẫn tới việc hàng
chục triệu tấn “vàng đen” đang bị tồn kho, cụ thể là: “Quản lý Nhà nước về
sản phẩm than bị buông lỏng”, ngành Than chỉ biết “sản xuất ra cái mình có”,
thậm chí vị này còn chỉ trích “than tồn đọng như hiện nay còn do gian lận”...
Tồn kho theo... định mức
Nhà nước giao
Xung quanh vấn đề nói
trên, trao đổi với PLVN, người đứng đầu Tập đoàn TKV khẳng định: “Ngành Than
lúc nào cũng có lượng than tồn kho dự trữ để đảm bảo an toàn năng lượng Quốc
gia. Đấy là định mức tồn kho, được Nhà nước giao, và ngành Than phải đảm bảo
được định mức an toàn.”.
Cũng theo ông Chuẩn, định
mức tồn kho của ngành Than là từ 8 - 9 triệu tấn. Định mức này có thể thay
đổi theo từng thời kỳ - mùa mưa thì tăng lên, mùa khô thì giảm xuống. Tính
đến tháng 7 năm nay, số than tồn kho là khoảng 11,2 triệu tấn. Còn con
số 12 triệu tấn là tính chung cả lượng tồn kho của Tổng Công ty Đông Bắc (Bộ
Quốc phòng). Công ty này hiện tồn khoảng 700 ngàn tấn.
“Than tồn kho có hai loại
đó là than sạch và than bán thành phẩm, tức là than chưa được làm sạch, chưa
được chế biến. Than bán thành phẩm chiếm gần 2 triệu tấn trong tổng số tồn
kho gần 12 triệu tấn của ngành Than. Như vậy, lượng than tồn kho hiện nay cao
hơn mức than tồn kho định mức gần 4 triệu tấn. Và trong 4 triệu tấn này, thì
khoảng một nửa là than bán thành phẩm.”, ông Lê Minh Chuẩn giải thích.
Nhưng thưa
ông, theo dư luận trong đó có ý kiến của những người được cho là có hiểu biết
về lĩnh vực than và khoáng sản thì lại nói rằng “than tồn kho chủ yếu là than
xấu, không bán được nên mới tồn”?
- Dư luận nói vậy là chưa
chính xác, chưa hiểu về bản chất của than tồn. Tôi xin nói lại, trong than
tồn kho của TKV có than cám tiêu chuẩn và than cục tiêu chuẩn. Đây là
những loại than sẵn sàng cho nhu cầu của thị trường.
Hơn nữa, về chuyên ngành,
người ta không nói là than xấu hay than tốt mà nói chuẩn xác phải là than có
nhiệt năng thấp hay nhiệt năng cao.
Than dùng cho nhiệt điện
trong kho của TKV có những loại nhiệt năng từ 5.800 đến nhiệt năng
6.200. Thậm chí, có loại than có lượng nhiệt năng khoảng 4.800 đến 5.000.
Tạo việc làm cho lao động
nước ngoài?
Như ông vừa nói,
thì nhưng giải thích xung quanh việc tồn than nói trên là chưa chính xác,
chưa thực sự tường tận về ngành Than? Vậy, theo ông đâu là nguyên nhân chính
gây tồn đọng một lúc tới 12 triệu tấn khiến dư luận và công luận quan tâm bàn
luận nhiều trong thời gian qua?
- Nguyên nhân rất cơ bản
đó là sự điều hành về năng lượng ở tầm Quốc gia đang chưa đúng với quy hoạch.
Ví dụ, theo đúng quy hoạch, thì năm nay Việt Nam chỉ nhập 1,5 triệu tấn than.
Ở một số nước khác thì lại đang muốn xuất khẩu than với số lượng lớn để cứu
ngành công nghiệp mỏ của họ.
Trong khi đó, chúng ta
lại cho phép rất nhiều nhà nhập khẩu than về trong nước (khoảng gần 50
đầu mối được phép nhập). Theo tôi biết, trong 9 tháng đầu năm nay, con số
nhập khẩu than là khoảng 10 triệu tấn - vượt xa so với con số quy hoạch nói
trên.
Nhu cầu tiêu thụ than chỉ
tăng lên khoảng 10 đến 15%, nhưng lượng than nhập về quá lớn. Kế hoạch của
ngành năm nay được sản xuất 39 triệu tấn than nguyên khai, nhưng nếu đã có kế
hoạch cho nhập khẩu như đã nói ở trên, thì trong điều hành, Nhà nước phải có
biện pháp chỉ đạo ngành Than giảm xuống mới phải, nhưng thực tế thì lại không
làm điều này.
Theo tôi, Nhà nước phải
điều hành giữa sản xuất than trong nước và nhập khẩu như thế nào đó cho nó
hài hòa, cân đối.
Năm nay, TKV được giao
sản xuất 39 triệu tấn, vì thế toàn ngành chúng tôi phải đầu tư con người và
kỹ thuật để làm ra chừng ấy sản phẩm, nhưng lại cho nhập khẩu than về ồ ạt
như thế khiến than trong nước không bán được.
Không những thế, sự bất
cập này còn gián tiếp tạo công ăn việc làm cho lao động nước khác trong khi
để công nhân mình “đói”, không có việc làm...
Lợi nhuận thấp vì phải
“cõng” thuế, phí
Những gì ông
vừa đề cập liệu có phải là nguyên nhân chính?
- Còn nữa. Nguyên nhân
tiếp theo là ở chỗ Nhà nước nhập khẩu than nhưng lại không khống chế số lượng
nhập. Như vừa nói, hiện nay đang có khoảng gần 50 đầu mối nhập khẩu than, với
số lượng không khống chế.
Chúng tôi ủng hộ ngành
Than hoạt động theo thị trường, nhưng khi ngành Than trong nước sản xuất ra
thì Nhà nước lại áp đặt, chỉ cho xuất với số lượng vừa phải. Đó là nghịch lý!
Cấm TKV xuất khẩu để phục vụ cho nhu cầu trong nước thì phải giảm nhập khẩu
mới đúng chứ?
Nguyên nhân thứ ba, lượng
than lộ thiên không còn nhiều, phải đào sâu xuống lòng đất mới có than, từ đó
chi phí đầu tư tăng lên. Chi phí an toàn mỏ, khí hậu, môi trường cho chính
bản thân ngành Than cũng phải tăng lên. Dù vậy, ngành Than vẫn cố gắng giảm
giá thành xuống thấp.
Cụ thể, 9 tháng đầu năm
nay, giá than giảm được 1,5% so với cùng kỳ năm trước. Nhà nước biết những
khó khăn này để điều chỉnh chính sách thuế, phí, nhưng Nhà nước lại không
làm; ngược lại còn tăng một số phí.
Hiện nay, riêng thuế, phí
và VAT, mỗi tấn than trong nước phải “gánh” 25% trong giá thành. 20 đến 30%
là chi phí khai thác; 17% chi phí bảo hiểm xã hộ và trả tiền lương; chi phí
khác chiếm 3 đến 4%... Như vậy, thì lợi nhuận còn lại không nhiều.
Cụ thể, ở Việt Nam, than
hầm lò bị đánh thuế 12%, than lộ thiên 14%, trong khi đó ở các nước xung
quanh như ở Indonesia chỉ đánh thuế từ 7 đến 10% mà thôi.
Cảm ơn ông!
Không thể
bao cấp cho than trong nước
Một chuyên gia trong lĩnh
vực than từng nhận định, khó khăn của ngành này là có thật, nhưng do chính
sách “tăng phí tài nguyên môi trường” thì chỉ là phần nhỏ. Khó khăn lớn nhất
là do chi phí khai thác hiện nay đang tăng lên nhanh, trong khi chất lượng
than lại giảm đi rất nhanh.
Thực tế mà ngành Than
đang phải đối mặt hiện nay là giá thành than sản xuất trong nước đã cao hơn
giá than nhập khẩu. Trong khi sức mua (nhiệt điện, xi măng, phân bón, vật
liệu xây dựng…) không hề tăng, và Nhà nước cũng không thể bao cấp cho ngành
Than thông qua điều tiết giá.
(Theo Pháp luật VN) Võ Tuấn - Minh Hữu
|
Thứ Ba, 18 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét