Bổ nhiệm “thăng thiên”, tài năng… xuất chúng và
cái “hàm” thầy địa lý!
Cập nhật lúc
07:48
Phải
nói rằng, trong lịch sử thăng tiến của cán bộ, công chức Việt Nam đã từng có
những pha vượt cấp khá ngoạn mục nhưng đạt tới 4 lần trong một năm thì quả là
hiếm, rất hiếm. Người đạt được kỉ lục này hẳn là một tài năng xuất chúng,
thậm chí là bậc… thiên tài. Thế nhưng nó đã xảy ra đối với ông Vũ Quang Hải,
25 tuổi, con trai cựu Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng.
(Minh họa: Ngọc Diệp)
Con đường thăng tiến của ông Vũ Quang Hải một lần nữa lại “nóng”
lên khi ngày 30/9, Phó Thủ tướng Trương Hoà Bình lần thứ hai có văn bản yêu
cầu Bộ Công Thương kiểm tra, làm rõ căn cứ pháp lý, điều kiện, tiêu chuẩn,
trình tự, thủ tục liên quan tới việc tuyển dụng, bổ nhiệm hàm vụ phó, bổ
nhiệm các chức vụ lãnh đạo, người quản lý doanh nghiệp đối với ông Hải.
Chỉ trong vòng hơn một năm ở Bộ Công Thương do người cha Vũ Huy
Hoàng làm Bộ trưởng, “ông con” Vũ Quang Hải đã thăng tiến 4 lần. Đó là chức
danh Kiểm soát viên của một tập đoàn kinh tế lớn (Vinataba), chức danh Phó Vụ
trưởng, chức danh thành viên HĐQT kiêm Phó Tổng giám đốc Sabeco. “Đây là một
kỷ lục về tốc độ thăng chức?", theo bình luận của Hiệp hội các nhà đầu
tư tài chính tại Việt Nam (VAFI).
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời VAFI, Bộ Công thương cho rằng
việc bổ nhiệm này là “đúng qui định” và việc bổ nhiệm “hàm” Phó Vụ trưởng cho
ông Hải là “để tạo điều kiện và vị thế cần thiết cho các cán bộ được cử làm
Kiểm soát viên (KSV) hoàn thành tốt nhiệm vụ tại các tập đoàn, tổng công ty,
đồng thời nâng cao trách nhiệm của KSV… Các KSV này chỉ mang hàm Phó Vụ
trưởng, không hưởng phụ cấp chức vụ và cũng không tham gia điều hành với tư
cách Phó Vụ trưởng tại bất cứ đơn vị nào của Bộ”.
Bình luận về việc này trên Dân trí, TS Nguyễn Đình Cung, Viện
trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM), Bộ Kế hoạch và Đầu
tư bảo đó là qui trình… “trơ trẽn”!
"Qua đọc trên báo chí về nội dung Bộ Công Thương gửi VAFI
khẳng định việc bổ nhiệm ông Vũ Quang Hải ở Sabeco là đúng quy trình hay đúng
quy định, tôi chỉ có thể nói đó là sự trơ trẽn. Không còn gì để nói".
Ông Cung nói.
Mà ơ, hay nhỉ. Cái “hàm” té ra chỉ để “tạo điều kiện và vị thế
cần thiết” để hoàn thành tốt nhiệm vụ, tức là nếu thiếu cái “hàm” đó thì
nhiệm vụ sẽ không hoặc hoàn thành nhưng… không tốt?
Nhớ lại cách đây gần một năm (11/2015), ông Nguyễn Thái Bình khi
đó là Bộ trưởng Bộ Nội vụ đã phân trần với Quốc hội, rằng: “Chúng tôi cũng đã
báo cáo, tính đến thời điểm hiện nay các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà
nước chưa có văn bản nào quy định về cấp "hàm" đối với một số cơ
quan tổ chức, đơn vị và đối với một số đối tượng là cán bộ, công chức, viên
chức”.
Lạ! Nước mình nhiều sự rất lạ. Một việc làm mà cụ thể ở đây là
một chức danh không được qui định trong bất cứ một văn bản nào tức là một
chức danh “ma”, “trái pháp luật”, một dạng “hàng giả”, “hàng không rõ nguồn
gốc, xuất xứ” nhưng nó vẫn tồn tại mà tồn tại từ lâu, rất lâu.
Chợt nhớ câu ca dao về cái “hàm” của thầy địa lý, rằng “Hòn đất
mà biết nói năng – Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn”. Ui cha, cái “hàm” của
thầy địa lý thì ngoài “răng” còn có “lợi”.
Chẳng biết nhiều “hàm”, dân - nước có được “lợi” hay lắm “hàm”
thì nhiều “răng” mà nhiều “răng” thì “nhai khỏe”, lỡ đâu lại "ăn của dân
không từ một thứ gì của dân” thì lo lắm.
(Theo Dân trí) Bùi
Hoàng Tám
|
Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét