Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2016

Áp lực trả nợ công sẽ rất lớn

Cập nhật lúc 09:25  
Mục tiêu tăng trưởng GDP 6,7% của năm 2016 dự báo là rất khó khăn.
Áp lực trả nợ công sẽ rất lớn
 Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh đã nhận định như vậy khi trình bày báo cáo thẩm tra về tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017 của Chính phủ, tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 2 Quốc hội khóa XIV sáng 20-10.
Sẽ tạo ra áp lực lạm phát
Trình bày báo cáo “Tình hình kinh tế-xã hội năm 2016 và nhiệm vụ năm 2017” sáng cùng ngày, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho hay để đạt mục tiêu tăng trưởng 2016 là 6,7% và kế hoạch cả năm đề ra sẽ phải nỗ lực rất lớn. Dự báo mức tăng trưởng năm 2016 vào khoảng 6,3%-6,5%.
Về vấn đề này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh, khi trình bày báo cáo thẩm tra báo cáo của Chính phủ cho rằng việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng sẽ làm giảm số GDP tuyệt đối (dự kiến từ 5,1 triệu tỉ đồng xuống khoảng 4,6 triệu tỉ đồng, thậm chí xuống 4,1 triệu tỉ đồng), dẫn đến tăng tỉ lệ bội chi và nợ công so với GDP cao hơn mức đề ra, gây áp lực trả nợ lớn...
“Dự báo kết quả ước thực hiện GDP 2016 tăng 6,3%-6,5% cũng chỉ là kỳ vọng và sẽ rất khó để đạt được. Chưa kể, nếu việc kiểm soát hiệu quả không tốt, việc gia tăng giải ngân tín dụng và ngân sách trong những tháng cuối năm sẽ tạo áp lực lạm phát trong thời gian tới” - ông Thanh nói.
 Áp lực trả nợ công sẽ rất lớn - ảnh 1
Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, việc không đạt chỉ tiêu tăng trưởng GDP năm 2016 sẽ gây ra áp lực trả nợ công rất lớn. Ảnh: QH
Nói không với dự án ô nhiễm
Về hạn chế, yếu kém của tình hình kinh tế-xã hội, Thủ tướng nhận định tình trạng ô nhiễm môi trường đang diễn ra ở nhiều nơi, chất lượng môi trường bị xuống cấp, chậm được cải thiện. Đặc biệt là công tác nắm tình hình, phát hiện, xử lý vi phạm về môi trường chưa kịp thời. Đánh giá tác động môi trường đối với nhiều dự án đầu tư còn hình thức; kiểm tra, giám sát việc thực thi còn yếu.
Theo đó, Thủ tướng nhấn mạnh nhiệm vụ về kinh tế-xã hội đề ra trong năm 2017 của Chính phủ sẽ kiên quyết nói không với dự án gây ô nhiễm. “Kiểm soát chặt chẽ việc đánh giá tác động môi trường, kiên quyết không cấp phép đối với các dự án gây ô nhiễm. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra và kiểm soát bảo đảm việc tuân thủ quy định về quản lý, sử dụng tài nguyên, bảo vệ môi trường; xử lý nghiêm, kịp thời các vi phạm” - Thủ tướng nhấn mạnh.
Bên cạnh đó Chính phủ cũng đề ra quyết tâm ngăn chặn tình trạng khai thác trái phép các loại tài nguyên, khoáng sản. Quyết liệt triển khai các biện pháp bảo vệ môi trường như xây dựng các trạm quan trắc môi trường, tài nguyên nước và tài nguyên, môi trường biển. Đồng thời tập trung xử lý ô nhiễm, nhất là tại các làng nghề, khu, cụm công nghiệp, khu kinh tế, khu dân cư tập trung ở nông thôn, các lưu vực sông, hồ, vùng ven biển, cơ sở sản xuất có nguy cơ gây ô nhiễm nặng…
Cần hơn 10 triệu tỉ đồng để tái cơ cấu kinh tế
Đó là số tiền để thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong năm năm tới được Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Dương Chí Dũng đưa ra khi trình bày đề án tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2016-2020 tại phiên làm việc của Quốc hội vào chiều cùng ngày. Cụ thể, nguồn lực dự kiến để tái cơ cấu nền kinh tế mà đề án đưa ra hơn 10 triệu tỉ đồng theo giá thực tế. Theo ông Dũng, trong số ít trường hợp có khả năng sử dụng một số nguồn lực nhà nước nhất định để thực hiện các nhiệm vụ tái cơ cấu kinh tế, đặc biệt là việc tái cơ cấu các tổ chức tín dụng và xử lý nợ xấu.
6,7% là mức tăng trưởng GDP mà Chính phủ đề ra trong kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2017. Tỉ lệ bội chi ngân sách nhà nước so với GDP không quá 3,5%; tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 31,5% GDP.
(Theo Pháp luật TP HCM) TRỌNG PHÚ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét