Thứ Ba, 4 tháng 10, 2016

 Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương:
"Hành vi của Cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh là thiếu văn hóa, có biểu hiện côn đồ”
Cập nhật lúc 09:49

Thiếu tướng Trần Thế Quân - Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an) cho rằng, Công an Hà Nội xử phạt trên 14 triệu đồng đối với phóng viên Trần Quang Thế, báo Tuổi trẻ (TP HCM) là cứng nhắc.

 Thiếu tướng Trần Thế Quân.
Thiếu tướng Trần Thế Quân.

Xử phạt là cứng nhắc
Theo thiếu tướng Trần Thế Quân: Do không nghiên cứu và nắm hồ sơ chi tiết nên không dám khẳng định sự việc giữa Công an Hà Nội và phóng viên Quang Thế, báo Tuổi Trẻ TPHCM, ai đúng ai sai. Tuy nhiên, dư luận đang rất quan tâm đến vấn đề tác nghiệp, và cụ thể là chụp ảnh trên cầu Nhật Tân của phóng viên Quang Thế có vi phạm điều nào hay không nên tôi xin nêu một số điểm lưu ý như sau: Nếu phóng viên Quang Thế vào hiện trường vụ án có thể là được đặt biển, được căng dây hoặc không. Việc này cũng tuỳ từng chỗ, khu vực rừng rộng hay bãi đất rộng thì cũng không thể căng dây, cắm cọc được.
Trong những trường hợp như thế, công an có thể dùng người để xác định khu vực phạm vi hiện trường. Một số người vẫn nhầm giữa hiện trường và hoạt động nghiệp vụ trên hiện trường, tức là điều tra trên hiện trường. Danh mục bí mật trong công an nhân dân và các quy định về pháp luật bảo vệ bí mật nhà nước thì hoạt động điều tra vụ án thuộc danh mục bí mật nhà nước trong công an nhân dân. 
Còn hoạt động của phóng viên có thể đến hiện trường, cụ thể là trong trường hợp này, phóng viên Quang Thế đã vào trong khu vực mà công an xác lập chưa thì chưa rõ nhưng đã có người đứng đó cảnh báo rồi mà cố xông vào bên trong thì vẫn vi phạm. Đấy là giả thuyết đưa ra chứ cũng chưa rõ vì tôi chưa biết cụ thể là như thế nào, phải tuỳ thuộc vào hồ sơ thể hiện. Tôi cũng không biết anh Thế có biết thông báo này hay không.
Tuy nhiên, việc Công an TP Hà Nội xử phạt phóng viên là việc làm cứng nhắc. Theo thiếu tướng Trần Thế Quân, đối với việc vi phạm lần đầu thì nhắc nhở, vi phạm tiếp theo thì tuyên truyền rồi mới tiến tới xử phạt. “Tôi không trực tiếp đến hiện trường, không trực tiếp tiếp cận hồ sơ vụ việc, nhưng ở trường hợp này không nên xử phạt phóng viên Quang Thế”, thiếu tướng Quân nói. 
Theo Phó cục trưởng Cục Pháp chế và Cải cách hành chính tư pháp (Bộ Công an), đối với các vụ án, phóng viên vẫn có quyền tác nghiệp chụp ảnh, quay video clip hiện trường nhưng không được xâm phạm vào khu vực đã được phong tỏa. Khu vực phong tỏa có thể là căng dây, cắm biến cảnh báo hoặc lực lượng chức năng cảnh báo... Phóng viên đứng phía ngoài khu vực phong toả vẫn có quyền sử dụng các thiết bị kỹ thuật, như máy ảnh có ống kính tele, máy quay zoom lại… để tiếp cận hiện trường.
 Vụ phóng viên bị xử phạt hơn 14 triệu đồng: Bộ Công an nói gì? - ảnh 1
Ông Nguyễn Sỹ Cương. Ảnh: Như Ý.

“Không phải muốn làm gì thì làm”
Trao đổi với phóng viên Tiền Phong, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cho rằng: “Pháp luật đã có những quy định rõ ràng, không phải anh là công an thì muốn làm gì thì làm”. 
Bí mật nhà nước cần phải được cảnh báo bằng biển báo, căng dây, phải có thông tin để người ta tránh, anh bảo “cột mốc di động là di động kiểu gì” mà người dân không nhận biết được. Cột mốc di động cách hiện trường là bao nhiêu mét? Anh nói cột mốc di động, anh chạy từ hiện trường về tới nhà thì người ta phải tránh hết ra hay sao, đại biểu Nguyễn Sỹ Cương lập luận.
Theo quy định tại Quyết định 160/2004 ngày 6/9/2004 của Thủ tướng Chính phủ về việc xác định khu vực cấm, địa điểm cấm: “Các khu vực, địa điểm được xác định là khu vực cấm phải cắm biển “khu vực cấm” ,“địa điểm cấm…”. 
Tại Điều 13, Nghị định 33/2002/NĐ-CP ngày 28/3/2002 của Chính phủ hướng dẫn rất rõ về khu vực, địa điểm thuộc phạm vi bí mật nhà nước như sau: “Những khu vực, địa điểm được xác định thuộc phạm vi bí mật nhà nước phải đánh số, đặt bí số, bí danh, ký hiệu mật hoặc cắm biển cấm và thực hiện đầy đủ chế độ quản lý, bảo mật theo quy định của nghị định này”.
Như vậy, những địa điểm, khu vực không có biển cấm, bí số như hiện trường vụ việc không thể thuộc bí mật nhà nước. Ngoài ra, theo quy định tại điều 9 Luật Báo chí 2016 quy định, các trường hợp cấm phóng viên, nhà báo tác nghiệp cũng không quy định cấm việc chụp ảnh và đưa tin về vụ án.
 Khi sự việc xảy ra, phóng viên tác nghiệp có những người ngăn cản không xưng là công an, nên phóng viên nói rằng đó là những đối tượng lạ mặt. Hơn nữa, nếu nói rằng phóng viên vi phạm hành chính thì các lỗi vi phạm ấy có được lập biên bản ngay tại hiện trường không? Căn cứ vào đâu để ra quyết định xử lý vi phạm hành chính? Nếu không đảm bảo những yếu tố như vậy thì việc xử lý vi phạm hành chính là trái luật, đại biểu Cương nói.
Là người đã xem hình ảnh, clip báo chí đăng tải, ông Cương cho rằng, ở khu vực đó không có dấu hiệu cho thấy có cảnh báo, cảnh giới bảo vệ hiện trường để người dân, phóng viên biết được. Nếu cơ quan chức năng không có cảnh báo, cảnh giới về hiện trường thì lấy căn cứ nào để nói rằng phóng viên vi phạm, đại biểu Cương đặt câu hỏi? 
Hình ảnh một cảnh sát hình sự hành hung  phóng viên được Công an Hà Nội kết luận là “gạt tay trúng vào má” đó không phù hợp với văn hóa, và chắc chắn cũng không phù hợp với các quy tắc ứng xử của ngành công an. Nếu Công an Hà Nội vẫn quyết định giữ kết quả giải quyết như vậy thì tôi chắc chắn là dư luận không đồng tình, ông Cương nói.
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Sỹ Cương nhấn mạnh: “Hình ảnh, clip đã quá rõ ràng, không thể tin một cái gạt tay làm phóng viên chảy máu mồm. Hành vi của Cảnh sát Hình sự Công an huyện Đông Anh là thiếu văn hóa, có biểu hiện côn đồ”.

(Theo Tiền phong) Minh Đức
Tựa đề của Kinh Bắc

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét