Thứ Bảy, 4 tháng 7, 2015

Vải ế, nông sản dư, xin thôi lấy tình thương xã hội!

 Cập nhật lúc 08:33   

Thông tin thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải thiều khiến giá vải tại “vựa chính” Bắc Giang rớt giá kỷ lục, người dân lo ngại. Trang mạng xã hội đã xuất hiện những chia sẻ, hô hào mua vải ế. Tuy nhiên, một lần nữa, truyền thông cần nhìn nhận lại bản chất câu chuyện vải ế, hàng nông sản dư thừa…
 
Thông tin thương lái Trung Quốc bất ngờ ngừng mua vải thiều khiến giá vải tại “vựa chính” Bắc Giang rớt giá kỷ lục, giá đang từ cao nhất khoảng 23.000 đồng/kg, thấp nhất là 6.000 đồng/kg (ngày 1/7), giảm xuống còn từ 3.000 - 15.000 đồng/kg (ngày 2/7). Nhiều hộ trồng vải tại tỉnh Bắc Giang đang khá lo lắng vì chưa tiêu thụ hết vải vụ này.
 
Một điều đáng suy nghĩ khi ông Lê Bá Thành, Phó chủ tịch UBND huyện Lục Ngạn xác nhận việc thương lái Trung Quốc rút về nước sớm hơn dự kiến, đó là do vùng trồng vải Quảng Châu đang vào chính vụ thu hoạch. Mặt khác, thị trường tiêu thụ vải lớn nhất của Việt Nam là Phúc Kiến và Tứ Xuyên đang rơi vào cao điểm nắng nóng khiến nhu cầu tiêu thụ vải giảm đáng kể. Do đó, thương lái Trung Quốc về nước để ưu tiên giải quyết thị trường nội địa.
Sau khi có thông tin trên, đại diện Bộ Công Thương cho biết sẽ cho kiểm tra ngay thông tin việc thương lái Trung Quốc ồ ạt rút về nước sớm hơn dự kiến để có biện pháp hỗ trợ tiêu thụ tại nội địa cho lượng vải cuối vụ của bà con nông dân.
Cũng ngay sau đó, lặp lại câu chuyện dưa hấu, hành tím ế, trên mạng xã hội đã xuất hiện những lời chia sẻ, kêu gọi mua ủng hộ vải thiều cho bà con nông dân.
 Ảnh minh họa
  Bài toán "được mùa mất giá" hàng nông sản Việt đến nay vẫn chưa có lời giải. Ảnh minh họa
 
Còn nhớ, mới mùa vải năm ngoái thôi, vải cũng ế và tại cuộc họp báo Chính phủ (tháng 6/2014), lãnh đạo Bộ Công Thương đã kêu gọi 90 triệu dân Việt ăn vải để “không có chuyện nông dân ế vải”.
 
Ủng hộ riết rồi cũng phải suy nghĩ, liệu cách làm này có phải là lâu dài? Trách nhiệm nhà quản lý với câu chuyện thị trường nông sản này như thế nào? Trách nhiệm của truyền thông ra sao?... Đó là những câu hỏi mà không chỉ đã được đặt ra một lần.
 
Hàng nông sản cũng có những đặc thù như phụ thuộc vào mùa vụ, bảo quản,… Do đó, ngay như cách tiếp cận thị trường cũng cần phải “đặc thù”. Tuy nhiên, tới giờ, tại sao câu chuyện ế vải, ế dưa, ế hành... vẫn chưa có lời giải?
 
Tiến sĩ Vũ Đình Ánh từng chia sẻ về câu chuyện tiêu thụ hàng nông sản, như dưa, hành tím “được mùa mất giá”, bằng cách nhìn nhận đúng đắn theo quy luật thị trường. Việt Nam là nước có lượng xuất khẩu nông sản khá lớn, nhưng hàng chục năm nay chưa giải được bài toán “được mùa mất giá”. Theo TS Vũ Đình Ánh, nguyên tắc tối thượng trong tiếp cận thị trường, đó là “ Đừng sản xuất cái gì mà chúng ta có thể làm, mà hãy làm cái gì mà thị trường cần”.
 
Nhìn lại thị trường quả vải, có thể thấy lâu nay việc thu mua và tiêu thụ vải phụ thuộc phần lớn vào thị trường và thương lái Trung Quốc. Và việc bị thương lái ép giá thường xảy ra như cơm bữa với bà con trồng vải. Nhắc tới tiêu thụ vải, người dân trồng vải nào cũng chỉ mong bán hết với giá hời; mong quả vải tới được nhiều nước xa hơn người láng giềng Trung Quốc.
 
Chật vật tìm đầu ra cho hàng nông sản Việt, mới đây, Bộ Công Thương chính thức công bố tin vui, quả vải Việt đã được xuất khẩu sang một số thị trường lớn như Úc, Mỹ (khoảng 5 tấn… và kỳ vọng sẽ xuất tiếp sang thị trường khác như EU... bên cạnh các thị trường đã xuất trước đó như Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, Singapore...
Tuy nhiên, Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cũng phải thừa nhận, riêng năm 2015, quả vải đi các thị trường Mỹ, Úc sẽ không có đột biến. Và việc tiêu thụ vải trên dưới 200.000 tấn của cả nước hiện nay sẽ vẫn phải trông chờ vào thị trường nội địa và xuất khẩu Trung Quốc (60% tiêu thụ nội địa và 40% là Trung Quốc).

Rõ ràng, khi quả vải chưa thể có thị trường khác để tiêu thụ, thì “người láng giềng” lâu nay vẫn “ép giá” bà con nông dân vẫn là đầu mối “cần”. Và câu chuyện thị trường lại một lần nữa phải bàn sâu. Giao thương với một “thương lái” lắm “kế hiểm” nhưng lại rất sòng phẳng “thuận mua vừa bán”, thì chính sách của nhà quản lý ở đây cần làm gì? Đối phó như thế nào? Trang bị những thông tin gì cho người dân?... tất cả dường như chưa rõ ràng, vẫn “mất bò mới lo làm chuồng”, vẫn chạy theo “thành tích”.
 Ảnh minh họa
  Kêu gọi lòng yêu nước, ủng hộ mua hàng nông sản trong nước bị "ế", người dân chỉ có thể bán được hàng ngày hôm nay, nhưng còn ngày mai, và tương lai vẫn lờ mờ. Ảnh minh họa

Trở lại với những vụ “giải cứu” dưa, hành ế mùa trước, rất đáng ghi nhận việc vào cuộc của cộng đồng. Chuyển động 24h của Truyền hình Việt Nam cũng đã phát khá nhiều tới việc ủng hộ mua nông sản ế này. Việc kêu gọi những tấm lòng yêu nước, mua vải, dưa, hành ủng hộ bà con nông dân đều là những cách tích cực giúp tiêu thụ hàng nông sản trong nước.
Tuy nhiên, với trách nhiệm của những người làm truyền thông, hãy cần có cách nhìn khác để thay đổi bản chất của câu chuyện này, thay vì hô hào, nhân danh lòng yêu nước, để rồi người dân chỉ có thể bán được hàng ngày hôm nay, nhưng còn ngày mai, và tương lai vẫn lờ mờ.
Nếu truyền thông không đúng hướng, vô hình chung có thể đang làm phá vỡ cấu thành tự nhiên của thị trường từ những người sản xuất đến các khâu phân phối; Khiến việc thương lái ngừng mua, nông sản ùn tắc ở cửa khẩu....rất có thể sẽ còn diễn ra.
Bên cạnh đó, có thể dẫn tới việc phá vỡ khâu kiểm soát chất lượng và làm méo mó giá trị sản phẩm, như câu chuyện bên này đường, dân đổ xô mua ủng hộ dưa “ế”, (mặc dù chất lượng kém, đáng là điều cần bàn ở câu chuyện khác), còn bên kia đường, thương nhân thở dài vì dưa bán với giá cao hơn, với mối hàng lâu nay họ vẫn “xuôi ngược” ra thị trường. Hay thị trường hành tím loạn giá khi các kênh “giải cứu” nhảy vào thị trường.
Câu chuyện tiêu thụ vải, dưa, hành hay các mặt hàng nông sản khác tại thị trường nội địa không phải là bằng “tình thương xã hội”, tiêu thụ bằng lấy nước mắt thương hại, mà cần để cho những mặt hàng này của Việt Nam đi vào đúng quy luật của thị trường. Các nhà quản lý phải có chính sách khuyến khích, điều tiết được, tính toán được thị trường này, sau đó mới đến người dân sản xuất hay doanh nghiệp thu mua, kinh doanh.
Theo VnMedia

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét