Thứ Tư, 1 tháng 7, 2015

Đường xấu xí, 8km/hai trạm thu phí  

Cập nhật lúc 07:47  

(Tin tức thời sự) - "Chúng ta cũng biết phát triển cầu đường thì phải dựa vào nguồn BOT, nhưng việc thu phí gần nhau quá sẽ gây bức xúc cho người dân".

Đó là khẳng định của ông Tô Văn Hiệp - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hàng hóa đường bộ TP.Đà Nẵng với Đất Việt, ngày 22/6.
Đường hỏng đã có kế hoạch sửa chữa
Theo phản ánh của một số người dân, tuyến quốc lộ 1 dài hơn 8 km đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước qua địa phận TP Đà Nẵng được đầu tư theo hình thức BOT. Suốt thời gian dài, đoạn đường này bị xuống cấp, lún sụt, hư hỏng nhưng không được tu sửa.
Cụ thể, theo ông Nguyễn Quảng (trú xã Hòa Phước, huyện Hòa Vang, Đà Nẵng) cho biết: “Từ đầu năm đến nay đoạn đường này đã lún, nổi sóng lưng trâu, đi lại rất sợ”.
Còn anh Nguyễn Ngọc Tuấn (tài xế xe tải) cho biết thêm: “Đoạn đường dẫn hai bên lên cầu Đỏ lún rất nặng, cánh tài xế đến gần đoạn này thường đi chậm và không dám chuyển làn hoặc vượt. Bức xúc nhất là khi xe qua tuyến đường này chúng tôi phải mua vé qua hai trạm thu phí”.
Ông Tô Văn Hiệp cho biết: "Tất cả trục đường đó đang nằm trong kế hoạch sửa chữa, các hội viên trong Hiệp hội cũng chưa có phản ánh nào về chất lượng tuyến đường, vì đã có kế hoạch sửa chữa".
Trước thông tin, một số lái xe cho rằng, đoạn từ Miếu Bông tới cầu Đỏ hư hỏng nặng nề nhất, theo ông Hiệp, đoạn đường đó rất tốt.
Trong khi đó, ông Đỗ Huy Thành - Phó cục trưởng Cục Quản lý đường bộ III cho rằng: “Chúng tôi cũng thường xuyên đôn đốc, gửi văn bản yêu cầu công ty sửa chữa, sắp tới sẽ tiến hành cào bóc làm lại. Hiện họ đang lập dự án để sửa chữa đoạn này”.

Chuyen hi huu: 8km/hai tram thu phi ma duong van xau
Quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước có nhiều đoạn xuống cấp. 

Còn ông Thân Hóa - Chủ tịch HĐQT Công ty CP xây dựng công trình 545 cho biết tuyến quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước được đưa vào sử dụng 6 năm. Hiện tượng sụt lún là do xe trọng tải lớn chạy nhiều, thời tiết nắng nóng nên cũng góp phần làm hư hỏng đường. Theo ông Hóa, hằng năm đơn vị đều tiến hành duy tu, sửa chữa tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước.
“Do mấy ngày nay đơn vị đang gấp rút làm tuyến quốc lộ 1 cho Quảng Nam để kịp khánh thành nên chưa sửa chữa đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước”, ông Hóa nói.
8km/hai trạm thu phí
Điều đáng nói, tuyến quốc lộ 1 đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước dài khoảng 8,2 km do Công ty CP xây dựng công trình 545 làm chủ đầu tư bằng hình thức BOT. Thế nhưng, hiện nay công ty này lại đặt trạm thu phí hoàn vốn tại địa điểm cách tuyến đường Hòa Cầm - Hòa Phước hơn 25km, không liên quan đến tuyến đường đã xây.
Chính việc đặt trạm không đúng chỗ này đã “lùa” tất cả xe xuất phát từ trung tâm TP Đà Nẵng và các tỉnh Tây nguyên đi theo quốc lộ 14 đổ về quốc lộ 1 ra hướng miền Bắc phải vào trạm thu phí, trong khi các xe này hoàn toàn không đi qua đoạn Hòa Cầm - Hòa Phước.
Về việc này, ông Tô Văn Hiệp đã lên tiếng bức xúc: "Nguyên tắc của một dự án BOT là chủ đầu tư bỏ tiền ra thì có quyền thu hồi vốn theo quy định của Nhà nước đối với xe nào lưu thông trên tuyến đường họ đầu tư. Đằng này làm đường một đằng, đặt trạm một nẻo để gom tất cả phương tiện không đi qua dự án của họ vào trạm thu phí”.
Hơn nữa, theo ông Hiệp, khi công ty đặt trạm thu phí sai chỗ, dẫn tới, khoảng cách giữa các trạm đã thu hẹp lại. Mặt khác, hình thành lên hai trạm thu phí nghiễm nhiên tại hai đầu của hầm đèo Hải Vân, trạm thu phí Bắc Hải Vân và Nam Hải Vân.
Bởi vì, trước đó, đã có trạm thu phí Bắc Hải Vân với mục đích hoàn vốn đầu tư BOT của đường hầm Hải Vân. Bây giờ thêm trạm thu phí Nam Hải Vân, đường hầm Hải Vân tự nhiên có một bên thu xe chạy ra, một bên thu xe chạy vào.
"Đến nay, trạm thu phí Bắc Hải Vân đã dừng thu, còn trạm thu phí Nam Hải Vân thì vẫn tiếp tục thu phí bởi vì họ cho rằng đây là trạm thu phí để hoàn vốn BOT cho đoạn đường Hòa Cầm - Hòa Phước chứ không phải hoàn vốn cho đèo Hải Vân", Chủ tịch Hiệp hội vận tải ô tô Đà Nẵng cho hay.
Theo ông Hiệp lý giải, quy định khoảng cách giữa các trạm là phải 70km thì mới có thể đặt 1 trạm thu phí. Nhưng hiện nay, đoạn đường qua đèo Hải Vân chỉ có 8km đã tồn tại 2 trạm thu phí.
Ông Hiệp cho biết thêm: "Trạm thu phí này đã thu phí 6 năm và đáng lẽ đã phải dừng nhưng do chưa hoàn được vốn nên tiếp tục thu thêm thời gian".
Chính vì thế, theo ông Hiệp, Hiệp Hội ô tô VN đại diện tại Đà Nẵng, Hiệp hội vận tải hàng hóa đường bộ, Hiệp Hội taxi cũng đã lên tiếng, Bộ GTVT cũng đã nói rõ không một tỉnh nào, trạm nào thu phí mà không xin phép Bộ GTVT và đã được giải trình cụ thể.
"Sau khi đó, Bộ GTVT thấy phản ánh của người dân là đúng, nên theo thông tin tôi được biết thì Bộ cũng đã cam kết 1/7/2015 sẽ dừng thu phí", ông Hiệp nhấn mạnh.
Tuy nhiên, theo ông Hiệp thì chúng ta ai cũng biết phát triển cầu đường thì phải dựa vào nguồn BOT, nhưng việc thu phí gần nhau quá như vậy gây ra một vài ý kiến trong cộng đồng.
Ông cho hay: "Chúng tôi sẽ chờ đợi chỉ đạo cụ thể của Bộ GTVT trong thời gian tới".
(Theo Đất Việt) Bảo Hân

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét