Thứ Tư, 22 tháng 7, 2015

Thiếu sòng phẳng

 

Cập nhật lúc 08:19     

 Theo tính toán, mỗi lít xăng đang lãi gần 1.400 đồng nhưng chỉ giảm 260 đồng/lít cho xăng A92 và 425 đồng cho xăng E5. Tính tỷ lệ, mức giảm cho xăng A92 chỉ bằng 1/5 mức lãi, còn với xăng E5 tỷ lệ tương tự là 1/3. Không phải lãi nhiều giảm ít mà giảm quá ít. Lãi nhiều thì vào túi doanh nghiệp còn giảm ít, đương nhiên người dân chịu thiệt thòi. 

Thực ra, đến giờ phút này nói về sự thiếu sòng phẳng của giá xăng dầu hầu hết người dân, doanh nghiệp (DN) đều chán ngán. Bởi trước đây, sự thiếu sòng phẳng, thiếu minh bạch trong việc tăng, giảm giá xăng bị đổ hết cho "chu kỳ tính giá cơ sở" bình quân 30 ngày. Họ luôn lý giải rằng, với chu kỳ này khi giá xăng dầu thế giới xuống, DN trong nước vẫn đang tiêu thụ xăng mua ở lúc giá cao nên giá xăng trong nước mới ngược chiều với giá thế giới. Nhưng đáng xấu hổ là khi giá xăng thế giới tăng, chẳng DN nào đưa cái "chu kỳ tính giá" nói trên ra để giữ giá hoặc giảm giá mà luôn vội vã tăng theo. Đến cuối năm ngoái, để giá xăng dầu tiệm cận với diễn biễn giá xăng dầu thế giới, chu kỳ tính giá, vốn được cho là nguyên nhân của sự thiếu minh bạch giá xăng, đã được điều chỉnh xuống còn 15 ngày. Ấy vậy mà tình hình cũng chẳng khá hơn là bao. Như nói trên, lãi vẫn dồn vào DN đầu mối kinh doanh xăng dầu còn gánh nặng thì đổ lên đầu người dân, lên nền sản xuất đang đối mặt với nhiều khó khăn. Đặc biệt, trong bối cảnh hàng hóa trong nước đang phải cạnh tranh quyết liệt với hàng ngoại nhập tràn vào nội địa theo lộ trình mở cửa hội nhập, sự thiếu sòng phẳng của xăng dầu đã kéo lùi sức cạnh tranh của hàng Việt. 
Vậy thì cuối cùng, lỗi chẳng phải ở cái "chu kỳ tính giá cơ sở" như ngành xăng dầu vẫn "đổ" lâu nay. Lỗi thực chất là ở cơ chế bộ ngành chủ quản đã bị lên án rất nhiều nhưng vẫn tồn tại. Bộ Công Thương vừa quản lý DN đầu mối, vừa "cầm trịch" giá xăng dầu nên trong mọi trường hợp chúng ta không khó để nhận ra bộ này luôn điều hành có lợi cho DN của mình. Cứ nghe lý lẽ của Bộ Công Thương về chuyện lãi nhiều giảm ít lần này sẽ thấy, việc điều hành giá xăng dầu hết sức bất công với người tiêu dùng. Cụ thể, theo bộ này, lý do giá xăng chỉ giảm 260 đồng vì Bộ đã ngừng chi sử dụng Quỹ bình ổn giá xăng dầu với tất cả các mặt hàng xăng. Ô hay, Quỹ bình ổn giá xăng dầu là do người dân đóng góp, tại sao không tiếp tục chi để giảm mạnh cho họ mà lại "khóa van" để giảm cho có như vậy? Với kiểu điều hành "vừa đá bóng, vừa thổi còi" này, không nhanh chóng bỏ cơ chế bộ ngành chủ quản, không thể có sự công bằng cho người dân. Đặc biệt là Bộ Công Thương, nơi đang quản lý nhiều ngành thiết yếu như xăng, điện. Nên nhớ, với điện, bộ này chưa bao giờ từ chối yêu cầu tăng giá điện của Tập đoàn điện lực VN.
Kinh doanh xăng dầu vẫn thuộc độc quyền của DN nhà nước, lại được Bộ chủ quản chống lưng nên người dân và cả nền kinh tế vẫn luôn phải chịu sự bất công. Đó chính là cội nguồn của sự thiếu minh bạch, thiếu sòng phẳng của giá xăng dầu đã tồn tại quá lâu và tiếc rằng vẫn chưa muốn và chưa được giải quyết.
(Theo Thanh niên) Nguyên Khanh
Người dân có quyền nghi ngờ doanh nghiệp XD đang được sự bảo trợ của “ai đó” trong cơ quan công quyền. Một doanh nghiệp Nhà nước chi phối nhưng lại đặt lợi ích doanh nghiệp lên số 1, lợi ích Nhà nước thứ 2 và lợi ích người dân thứ 3!
Thương Giang

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét