Thứ Tư, 1 tháng 4, 2015

 Ukraine và những dấu hiệu sụp đổ

Cập nhật lúc 14:51

                

(Quan hệ quốc tế) - Mỹ có thể sẽ quay sang một nhân vật khác khi chính quyền Poroshenko đang mất dần uy tín.

Mầm mống
Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy các lực lượng chính phủ Ukraine đang mất đi sự ủng hộ của dân chúng. Đảng Mặt trận Nhân dân của Thủ tướng Arseny Yatsenyuk trong cuộc bầu cử quốc hội năm ngoái nhận được 22% sự ủng hộ thì nay số người ủng hộ chỉ còn 4%. Trong khi đó, tỷ lệ tin tưởng vào Khối Poroshenko cũng chỉ có 16%.
Tờ báo Pháp Nations Presse bình luận rằng "thời kỳ khó khăn đã tới với chế độ chống dân chủ được hình thành một năm trước nhờ sự trợ giúp của tham nhũng, đảo chính, tội phạm và bạo lực".

Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko
Theo tờ báo Pháp, tại tỉnh Nikolaiev ở miền Nam Ukraine đã xuất hiện nhóm du kích. Hoạt động vũ trang chống lại chế độ "độc tài Kiev" đang gia tăng trên toàn Ukraine. Vụ nổ mới đây ở Odessa tại văn phòng của tổ chức ủng hộ chiến tranh ở Donbass có thể coi là bằng chứng cho phong trào chống lại Kiev.
Về phía chính quyền Kiev, do lo ngại kết quả chiến dịch quân sự tại Donbass, Kiev đã thực thi các nỗ lực thủ tiêu lực lượng dân quân. Điển hình là vụ Nghị sĩ Cộng hòa Nhân dân Donetsk (DPR) tự xưng Roman Voznik bị sát hại. Có thông tin cho rằng vụ việc có bàn tay của Kiev. Trước đó đã có những âm mưu sát hại 2 chỉ huy khác của dân quân li khai.
Các nước phương Tây tuy vẫn hô hào ủng hộ Kiev, song trên thực tế lại đang chuẩn bị cho kịch bản chế độ này bị sụp đổ. Các cuộc tập trận của NATO tại Baltic được đánh giá nằm trong kế hoạch này.
Hiện có thông tin cho rằng Tổng thống đương nhiệm Poroshenko đang đánh mất cả sự ủng hộ từ Mỹ. “Quan thầy” có thể sẽ hướng sang một nhân vật đang nổi khác là Ihor (Igor) Kolomoisky.
Thay ngựa
Kolomoisky vốn là Thống đốc Dnipropetrovsk, tỉnh miền Đông Ukraine giáp ranh với tỉnh Donetsk. Tỷ phú này được cho là đã thâu tóm quá nhiều quyền lực. Chính ông bỏ tiền túi cho một số tiểu đoàn tiền tuyến từng thực thiện những cuộc đọ súng dữ dội nhất trong cuộc chiến với lực lượng li khai ở miền Đông. Theo giới phân tích, những tiểu đoàn này, có cả lực lượng cực hữu, vẫn ngang ngược nằm ngoài sự kiểm soát của chính quyền Ukraine.

Ông Kolomoisky (phải) tại một cuộc gặp Tổng thống Poroshenko ở Kiev
Ông Kolomoisky (phải) tại một cuộc gặp Tổng thống Poroshenko ở Kiev
Ở Dnipropetrovsk, những người ủng hộ ông Kolomoisky quay sang đổ lỗi cho Tổng thống Poroshenko gây tổn hại cho các nỗ lực chiến tranh vì từ chối tuyên bố thiết quân luật - nhằm huy động mọi nỗ lực của Ukraine cho việc chiến thắng cuộc chiến ở miền Đông. Lực lượng ủng hộ tỷ phú Kolomoisky đang tìm cách phá hoại thỏa thuận ngừng bắn vốn đã rất mong manh.
Sự kiện ngày 25/3 Tổng thống Poroshenko sa thải ông Kolomoisky khỏi chức vụ tỉnh trưởng không phải là bất ngờ. Hai nhân vật quyền lực này hoàn toàn bất đồng với nhau và vẫn đấu đá lâu nay.
Ông Kolomoisky không chỉ có được sự trung thành của một số tay súng Ukraine cứng rắn nhất mà còn kiểm soát nhiều đài truyền hình, trong đó có nhà đài phát tiếng Anh “Ukraine Today”. Ông Kolomoisky cũng tài trợ cho nhiều nghị sĩ trong quốc hội Ukraine, trong đó có nhiều nghị sĩ thuộc đảng của Thủ tướng Arseniy Yatsenyuk.
Bản thân ông Yatsenyuk cũng không ít lần công khai chỉ trích Tổng thống Poroshenko, đặc biệt là thỏa thuận ngừng bắn ở miền Đông. Hai nhân vật này còn bất đồng về tốc độ và quy mô tiến hành các cuộc cải tổ chính trị.
Trong khi đó, các nhân vật chủ chốt như Bộ trưởng nội vụ Arsen Avakov và Chủ tịch quốc hội Oleksandr Turchnyvov - người làm tổng thống tạm quyền trước khi ông Poroshenko thắng cử năm ngoái - cũng được xem là thân cận với ông Yatsenyuk.

Quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 18/2/2014
Quảng trường Độc lập ở Kiev ngày 18/2/2014
Trong khi đó, ông Poroshenko là đầu sỏ có quyền lực riêng và là tỉ phú kiểm soát một đài truyền hình, bất chấp lời hứa bán nó sau khi trúng cử hồi năm ngoái. Ông Poroshenko cố gắng “lấy lòng” quân đội khi xuất hiện thường xuyên trong quân phục ở chiến tuyến. Tuy nhiên, ông Poroshenko đang hứng chịu nhiều chỉ trích và bị quy trách nhiệm trong một số thất bại như việc để mất nhà ga đường sắt chiến lược Debaltseve tháng trước.
Giới phân tích đang bàn tán về một “Maidan thứ ba” (Cuộc cách mạng da cam năm 2004 được xem là Maidan lần một). Những đốm lửa vẫn đang âm ỉ và nhiều khả năng sẽ bùng cháy khi những mâu thuẫn nội bộ lên đến đỉnh điểm, cuộc chiến tranh kéo dài gây tâm lý chán nản, hoang mang và những khó khăn kinh tế đẩy người dân vào con đường không lối thoát.
(Theo Đất Việt) An Nhiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét