Không ai
được xuyên tạc lịch sử dân tộc ! (*)
Cập nhật lúc 20:29
LTS - Nhân kỷ niệm 40
năm Ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước (1975 - 2015), từ nước Mỹ,
tác giả Thu Tứ (Đoàn Thế Phúc) đã gửi tới Báo Nhân Dân bài viết này. Bài viết
không chỉ thể hiện thái độ khách quan của tác giả trước một số sự kiện trọng
đại của đất nước trong thế kỷ 20, mà còn là suy tư nghiêm túc, là điều tâm
huyết của ông đối với tương lai dân tộc. Được sự đồng ý của tác giả, trong
hai số báo ra ngày 31-3 và 3-4, chúng tôi khái quát và trích đăng bài viết
giới thiệu với bạn đọc.
Trong phần đầu bài viết, tác giả Thu Tứ
bàn về ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam trong sự nghiệp giành lại nền
độc lập dân tộc từ tay thực dân Pháp. Ông cho rằng: "May cho đất nước,
bất chấp hoàn cảnh cực kỳ đen tối, một đảng phái khác vẫn tích cực hoạt động,
bắt rễ sâu trong lòng quảng đại nhân dân, kiên trì chờ đợi ngày phất cao một
ngọn cờ máu khác. Khi cuộc trường kỳ kháng chiến do Đảng Cộng sản Việt Nam
lãnh đạo bắt đầu ngày 19-12-1946, phương tiện chiến tranh của ta vẫn thua sút
địch hết sức nghiêm trọng"; đặc biệt ông khẳng định: "Do một hoàn
cảnh lịch sử rất đặc biệt, trong lòng dân tộc đã nảy sinh đến năm thành phần
gây trở ngại cho nỗ lực kháng chiến. Năm thành phần này không tồn tại trong
bất cứ cuộc chống ngoại xâm nào sau Ngô Quyền". Theo ông, năm thành phần
đó gồm: những người Việt Nam hợp tác với giặc, giúp giặc đàn áp kháng chiến
và cai trị thuộc địa; một số người Việt Nam bám theo giặc vì quyền lợi
riêng..., nhiều người giàu cũng yêu nước, nhưng điển hình yêu đời sống vật
chất thoải mái của mình hơn; những người Việt Nam không thiết tha với kháng
chiến hoặc vì ý thức quốc gia bị lung lay hoặc vì không cảm thấy hiện diện áp
bức của giặc hoặc cả hai; những người Việt Nam không thiết tha với kháng
chiến vì nghĩ văn hóa của giặc ưu việt; những người Việt Nam chống cộng. Và
ông cho rằng: "Tóm lại, đối lập với Đảng Cộng sản Việt Nam được đại
đa số nhân dân ủng hộ là một thiểu số phức tạp, trong đó không phải ai cũng
xấu. Nhưng rất nhiều cá nhân đã lấy chiêu bài chống cộng để che đậy cái động
cơ thực đằng sau thái độ hững hờ với kháng chiến hay hành động hợp tác với
giặc của mình. Thực ra, cái chiêu bài ấy có giá trị gì đâu, vì nó đặt việc
chống một chủ nghĩa lên trên việc chống ngoại xâm!".
Trong khi khái quát và phân tích các vấn
đề theo ông là yếu tố thuận lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, tác
giả nhấn mạnh vấn đề: "dân tộc Việt Nam đã vừa có lãnh đạo chính trị
ngoại lệ, vừa có chỉ huy quân sự đặc biệt tài năng. Chủ tịch Hồ Chí Minh và
Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ lâu được quốc tế công nhận là chính trị gia và
tướng lĩnh xuất sắc bậc nhất trong lịch sử thế giới. Đào Duy Anh trong hồi ký
viết cuối đời khi nhìn lại giai đoạn lịch sử đất nước cực kỳ khó khăn đã gọi
Hồ Chủ tịch là "người lãnh tụ thiên tài" (Đào Duy Anh, Nhớ nghĩ
chiều hôm, NXB Trẻ, TP Hồ Chí Minh năm 1989). Người lãnh tụ ấy đã vận dụng
Chủ nghĩa cộng sản mà tổ chức đông đảo nhân dân thành lực lượng hết sức lợi
hại trong một cuộc kháng chiến trường kỳ, toàn quốc, toàn diện, có phối hợp
chặt chẽ, khác hẳn tất cả những cuộc khởi nghĩa trước nó". Sau đó, với
tiêu đề Một ngày lịch sử như thơ, tác giả mô tả niềm tự hào, kiêu hãnh của
toàn dân Việt Nam
trong ngày giải phóng Thủ đô (10-10-1954), và ông viết tiếp:
Làm nốt công việc còn lại
Chiến thắng Điện Biên Phủ của lực lượng
kháng chiến Việt Nam
đã buộc đế quốc cổ điển Pháp phải chấp nhận mất một thuộc địa béo bở, sau khi
đã tổn thất rất nặng nề. Nó phải ngậm đắng nuốt cay mà về nước, nhưng trước
khi rút nó lại giúp đế quốc ý thức hệ Mỹ thực hiện một trò ma. Trò ma diễn
tiến như sau: Hiệp định Giơ-ne-vơ quy định sẽ có tổng tuyển cử nhưng ở miền
nam, ngụy quyền "Quốc gia Việt Nam" - tay sai Pháp, lấy cớ không ký
Hiệp định để từ chối hợp tác tổ chức tuyển cử, đồng thời tuyên bố "lập
quốc" trên nửa nước từ vĩ tuyến 17 trở vào, rồi tổ chức bầu cử gian lận
trên lãnh thổ cái gọi là "Việt Nam cộng hòa" để "hợp pháp
hóa" chính phủ Ngô Đình Diệm. Tại sao lại thay "Quốc gia Việt
Nam" bằng "Việt Nam cộng hòa", thay Bảo Đại bằng Ngô Đình
Diệm? Bởi cả tên "nước" lẫn tên người đều quá tai tiếng. Ai cũng
biết "Quốc gia Việt Nam"
chỉ là sản phẩm từ mưu mô của Pháp để lại dùng người Việt đánh người Việt y
như trước kia, là bình mới đựng thứ rượu cũ rích vốn chứa trong cái nước An
Nam chịu làm "con đế quốc". Còn Bảo Đại thì đầy tai tiếng, vì hết
làm vua bù nhìn đến làm quốc trưởng bù nhìn của hai "nước" không có
thực ấy. Vừa chào đời, chính phủ Ngô Đình Diệm được thế lực đẻ ra nó và đồng
minh lập tức công nhận. Sinh xong rồi dưỡng: Mỹ viện trợ toàn diện, Pháp
chuyển giao vũ khí. Nó tức thì ra tay tận diệt tất cả mọi chống đối, biến
miền nam thành một tiền đồn của khối tư bản theo đúng kế hoạch của Mỹ. Nó
khoe khoang "miền nam tự do", nhưng thử hỏi không có Đảng Cộng sản
lãnh đạo nhân dân đánh đuổi Pháp thì trên toàn lãnh thổ của nước Việt Nam có
một tấc đất tự do nào hay không? Vậy nhưng thành tựu bao nhiêu người hy sinh
anh dũng mới đạt được, lại bị một thiểu số theo giặc lợi dụng để giành cai
trị nửa nước.
Ngay từ đầu, khi ký Hiệp định Giơ-ne-vơ,
Nhà nước Việt Nam
đã biết dã tâm của địch. Nếu đủ sức, sau Điện Biên Phủ ta đã tiếp tục đánh
cho đến khi quân Pháp xô nhau xuống tàu về thẳng, chứ đâu nói chuyện với họ,
và phải chấp nhận một số điều kiện của họ. Nhưng tương quan lực lượng, nhất
là trong tình hình siêu cường Mỹ lăm le can thiệp, không cho phép làm thế. Lãnh
đạo ta đành phải miễn cưỡng chấp nhận tạm ngừng nỗ lực chiến tranh ở đây, chờ
thời cơ thuận lợi hơn mới bắt tay làm nốt phần công việc còn lại là thống
nhất đất nước.
Thời cơ không phải đợi lâu. Chẳng những
không hề đại biểu cho toàn thể nhân dân miền nam, chính phủ Ngô Đình Diệm
thậm chí cũng không đại biểu cho gần trọn cái "tiểu quần chúng" ở
miền nam (trong đó có những kẻ vốn ở miền bắc sau Giơ-ne-vơ đã vội vã di cư
vào nam). Vì chỉ nắm được một phần của "tiểu quần chúng" mà chính
phủ Ngô Đình Diệm bị phe nhóm khác lật đổ. Đảo chính rồi lại đảo chính, liên
miên, mãi mới tạm ổn định nhưng chính quyền Sài Gòn vẫn chỉ là đại biểu của
một thiểu số, đã thế lại nổi tiếng tham nhũng! Bản chất rất không xứng đáng
của nó, cùng với tinh thần hy sinh cao độ của những người quyết tâm thống
nhất đất nước, là lý do khiến "Việt Nam cộng hòa" không thể tồn tại
lâu bất kể trời bom, biển đô-la và rất nhiều máu lính Mỹ mà chính phủ Mỹ đã
đầu tư qua mấy đời tổng thống!
Trong tác phẩm Cuộc chiến tranh thực sự
xuất bản năm 1980 với nội dung là tình hình địa chính trị đương thời, khi
nhắc đến chiến tranh Việt Nam, cố Tổng thống Mỹ Richard Nixon (Ri-chác
Ních-xơn) đã dùng khái niệm "những quốc gia non trẻ". Quốc gia non
trẻ nào?! Ở khu vực ấy chỉ có một quốc gia lâu đời hơn chính nước Mỹ, bị Mỹ ỷ
mạnh xông vào cắt ra làm hai, dựng lên một chính quyền thiểu số cai trị cái
gọi là "quốc gia"! Năm 1997, khi Đại tướng Võ Nguyên Giáp và nguyên
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Mỹ McNamara (Mắc Na-ma-ra) gặp nhau, Đại tướng nói
với Mắc Na-ma-ra rằng: "Các ông thua vì (...) không hiểu gì về văn hóa
Việt Nam" (theo Trần Ngọc Thêm trong bài Đánh giá của Đại tướng về vai
trò của văn hóa Việt vô cùng đúng đăng trên trang vanhoahoc.edu.vn). Sự dốt
nát về lịch sử, văn hóa của một vùng đất khác trên thế giới đã làm một siêu
cường phải đại bại dưới tay một nước nhỏ yếu.
Tại sao phải làm việc ấy ?
Chính quyền miền nam có nguồn gốc ô nhục
là cái ngụy quyền làm tay sai cho Pháp trong thời dân tộc Việt Nam đánh
Pháp. Nó lại bản thân bất xứng. Thế là đã quá đủ lý do khiến nó phải thôi tồn
tại. Nhưng thực ra trước tiên, trên tất cả, là cái đòi hỏi rằng đất nước phải
thống nhất. Dân tộc Việt Nam
suốt bao nhiêu thế hệ hy sinh xương máu mới mở được nước đến chừng này, không
phải là để cho nước bị chia hai! Chỉ có một dân tộc Việt Nam, một đất nước Việt Nam. Gọi hành
động thống nhất là "xâm lược" là có vấn đề cơ bản về ý thức quốc
gia dân tộc!
Đi mà hỏi người Pháp, người Mỹ xem họ có
chịu để cho nước Pháp, nước Mỹ bị chia hai hay không! Đi mà hỏi nếu đất nước
họ bị chia hai, khi một bên có cơ hội làm được cái việc thống nhất thì có nên
cố hết sức làm hay không! Bị chia lâu ngày sẽ rất khó nhập lại làm một. Thời
Trịnh - Nguyễn hai chúa nhưng chỉ một vua, hai Đàng nhưng chỉ một nước, vậy
mà Đàng ngoài - Đàng trong cũng đã sinh dị biệt không nhỏ. Huống chi sau
1954, bắc - nam mỗi miền một chính thể. Phải thống nhất trước khi thống nhất
không còn có thể thực hiện được. Trò chuyện với vài bạn trẻ nhân dịp về nước
ăn Tết Ầt Mùi mới đây, có bạn đã hỏi chúng tôi không biết người Hàn Quốc với
người Triều Tiên là một hay hai dân tộc! Nghe rồi nghĩ đến chuyện đất nước
mình mà thấy dân tộc Việt Nam
thật đã hết sức may mắn...
(Còn nữa)
(*) Đầu đề là của Báo Nhân Dân
(Theo Báo Nhân Dân) THU TỨ
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét