Tiến
sĩ Ta còn ‘xuất chúng’ hơn cả tiến sĩ Tây!
Cập nhật lúc 20:15
Đấy chẳng phải là những
“thành tựu” đó sao? Đừng ném ánh mắt bi quan vào giới TS nước nhà nữa nhé!
Mới đây, Bộ GD-ĐT vừa ban hành quy định về
khối lượng kiến thức tối thiểu, yêu cầu về năng lực mà người học đạt được sau
khi tốt nghiệp đối với mỗi trình độ đào tạo của giáo dục đại học.
Đối tượng thu hút nhiều chú ý, tất
nhiên là tiến sĩ. Quy định mới yêu cầu tiến sĩ phải có hệ thống kiến thức
chuyên sâu, tiên tiến và toàn diện thuộc lĩnh vực khoa học chuyên ngành; có
tư duy nghiên cứu độc lập, sáng tạo; có tư duy mới trong tổ chức công việc
chuyên môn và nghiên cứu để giải quyết các vấn đề phức tạp phát sinh…
Đồng thời, tiến sĩ phải đưa ra được
những sáng kiến có giá trị; có năng lực lãnh đạo và có tầm ảnh hưởng tới định
hướng phát triển chiến lược của tập thể…
Đọc những quy định này, hẳn nhiều người
sẽ chép miệng “Được vậy thì mừng, nhưng bao giờ cho đến bao giờ?”
Tuy thế, theo người từng trải nghiệm
với tiến sĩ tây, ta đủ cả như người viết đây thấy, thì có lẽ cũng chẳng cần
bi quan hóa đến vậy. Có những điểm, có khi tiến sĩ ta còn đáp ứng vượt cả yêu
cầu, thậm chí, ở một số mặt ta đã để lại phía sau nhiều quốc gia trong khu
vực ý chứ.
Vậy, những “thành tựu” ấy là gì?
Tinh thần “hiếu học”
Có lẽ ít ở đâu mà việc học thạc sĩ,
tiến sĩ đã trở thành một “phong trào” ngày càng “rầm rộ” như ở nước ta, nhất
là trong vòng khoảng 1 thập niên trở lại đây.
Không chỉ giảng viên đại học, cán bộ ở
các viện nghiên cứu, mà cả công chức ở nhiều cơ quan quản lí nhà nước, cơ
quan đoàn thể cũng “hồ hởi” đi học. Không ít vị từ các tỉnh xa xôi, nơi chức
phận chẳng hề đòi hỏi bằng TS cũng nỗ lực “kiếm” bằng được một chỗ ngồi nơi
giảng đường để mưu cầu danh phận như ai.
Có vị hiệu
trưởng 1 trường PTTH, tay thôi dính phấn đã nhiều năm cũng quyết tâm “đầu
tư”, để rồi rạng rỡ chìa tấm bằng sau vài năm, mặc cho thiên hạ băn khoăn
không biết vị này đi học vào lúc nào? Ở ta, anh “lái gỗ” cũng hào hứng học tiến sĩ với mong muốn vô cùng “đáng quý” là
để “rạng danh dòng họ”.
Tinh thần “hiếu học” ấy dễ gì tìm thấy
trên thế gian này?
Tinh thần “vượt khó”
Ở ta, thông thường để có bằng tiến sĩ,
người có bằng đại học phải mất 4 năm trong khi với thạc sĩ, con số này chỉ là
3 năm. Đây là khoảng thời gian ngắn hơn nhiều so với một số nền giáo dục phát
triển, chẳng hạn Mỹ. Ấy vậy mà tuyệt đại đa số NCS vẫn “xuất sắc” hoàn thành
đúng hạn, thậm chí cả “trước hạn”. Có lẽ vì thế mà một cơ quan khoa học
Hàn lâm tầm cỡ còn quyết định khen thưởng cỡ chục tháng lương cho cán bộ của
mình khi họ “làm” được tấm bằng TS… đúng hạn.
Cũng hiếm ở đâu mà quy định muốn vào
học TS phải có 1-2 bài tạp chí chuyên ngành như ở ta. Ngay cả ở Mỹ, kể cả đại
học danh giá cũng chẳng dám đưa ra định mức này, bởi nếu thế thì có lẽ chẳng
tuyển sinh nổi người học. Ấy vậy mà ở xứ mình, chuyện đó dễ như trở bàn tay.
Mà đâu chỉ 2 bài tạp chí, không ít vị có cả sách chuyên khảo in trước khi
nhập trường.
Cũng hiếm ở đâu người ta thành công
“vượt khó” trong nỗ lực “kiếm” tấm bằng hay “vượt qua” kì thi ngoại ngữ
đầu vào như ở nước mình. Có khi chỉ “lỗ mỗ” dăm câu mà vẫn trong tay “tươi
rói” nào bằng, nào điểm đẹp. Nếu chỉ nhìn vào “bằng”, có khi TS xứ mình
“siêu” ngoại ngữ vào hạng hàng đầu thế giới, bởi chẳng khó để tìm người sở
hữu hơn một tấm bằng.
Nghiên cứu sinh ở xứ mình, công bằng mà
nói xứng đáng được coi là những “tài năng rực rỡ”, hiếm đâu sánh được. Không
ít người chưa cần nhập học đã phải hoàn thiện đề cương nghiên cứu chi tiết,
phải làm sáng tỏ nào “tính cấp thiết”, nào “tổng quan tài liệu”, nào “lí
thuyết” rồi “phương pháp” đến “bố cục” chi tiết từng chương mục cho luận án.
Trong khi ngay cả tại các trường Đại học danh tiếng nước ngoài, người học
phải mất vài năm miệt mài, cần mẫn, nhọc nhằn hết khóa này, khóa nọ rồi mới
có thể trình cho hội đồng cái gọi là bản đề cương nghiên cứu ấy.
Nghiên cứu “thần tốc”
Luận án tiến sĩ luôn phải là kết quả
của một nghiên cứu khoa học mang tính hệ thống, khái quát và có đóng góp cụ
thể cho lĩnh vực nào đó. Chính vì thế, thời gian dành cho các thí nghiệm,
thực nghiệm, thực tế, điền dã, thu thập tài liệu, xử lí thông tin, hoàn thiện
mô hình… ở xứ người phải mất hàng năm trời mới có thể hoàn thiện.
Như thế có khi là “lãng phí” thời gian,
bởi ở xứ mình, đa phần NCS hoàn thành những công việc này trong vài tháng,
thậm chí ít hơn. Có vị vì bận rộn vô vàn công việc quản lí, giảng dạy hay
“đánh quả” mà “thần tốc” đưa ra kết quả nghiên cứu chỉ trong vòng 1 tháng để
rồi đường hoàng bảo vệ luận án sớm trước cả năm trời.
Chẳng cần thử nghiệm, chẳng cần kiểm
chứng, chẳng cần so sánh hay đánh giá tính ứng dụng thực tế, đóng góp cụ thể
cho ngành những nghiên cứu này lại nhanh chóng được “đóng” thành sách. Không
ít vị tấm bằng TS chưa kịp ráo mực, sách in đã “ngủ ngon lành” trong kho hay
thư viện mà chưa biết bao giờ sẽ… tỉnh giấc.
Tiến sĩ và nghệ sĩ
Không hiếm tiến sĩ ở nước mình xứng đáng
được phong thêm danh hiệu “nghệ sĩ”. Là bởi họ và những công trình của mình
xuất hiện trước công chúng như những màn “diễn” khéo léo.
Nếu kiên nhẫn đọc rồi so sánh giữa các
luận án cùng ngành, người tự trọng hẳn phải liên tục đứng dậy hay “ngả mũ”
kính chào bởi sự tương đồng đến ngạc nhiên giữa chúng. Này thì ý tưởng, này
thì nội dung, bố cục, rồi thì này cả câu cú, từng dấu chấm, dấu phẩy sao cứ
chằn chặn giống nhau. Ấy thế mà ai cũng khẳng định đó là đóng góp “mới” của
mình cho biển trời khoa học nước nhà.
Biến cái “không phải của mình thành của
mình”, há chẳng phải là một “tài năng” đáng quý hay sao?
Nếu không có việc gì làm, hãy thử tham
dự những buổi bảo vệ luận án TS (nhất là ngành Khoa học Xã hội), bạn sẽ thấy
tính “nghệ sĩ” hiện hữu không chỉ nơi người trình bày mà cả ở không ít TS,
PGS, GS “chính danh” đang ngồi trong hội đồng chấm luận án.
Người nghe cứ nói chuyện riêng, lướt
mạng đọc báo đủ tin tức ca sĩ, diễn viên, NCS cứ cần mẫn đọc, trình bày nội
dung luận án, như thể họ đang nói cho đấng tối cao nơi nào đó xa xăm lắm chứ
chẳng phải cho hội đồng hay người tham dự.
Rồi có những bài “phản biện”, “nhận
xét” từ hội đồng mới “hồn nhiên” và “nhân văn” làm sao. Vị nào cũng khẳng
định luận án có vô vàn điểm mới, có giá trị đóng góp cho cả khoa học và thực
tiễn.
Đấy chẳng phải là những “thành tựu” đó
sao? Đừng ném ánh mắt bi quan vào giới TS nước nhà nữa nhé!
(Theo TuanVietNam) Gia Trí
|
Chủ Nhật, 26 tháng 4, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét