Thứ Tư, 22 tháng 4, 2015

Không để ‘chặn quốc lộ’ thành tiền lệ
Cập nhật lúc 07:37

Người dân sẽ không kéo ra đường chặn xe nếu có một diễn đàn đối thoại mở đường tháo gỡ các bế tắc.
Công tác truyền thông kém
Qua việc hàng trăm người dân chặn xe cho thấy sự yếu kém do không lường được lòng dân, như chuyện chặt cây ở Hà Nội. Thứ hai, khi đối thoại với người dân lại chậm trễ chứng tỏ công tác truyền thông kém. Thứ ba là trách nhiệm trước dân và trách nhiệm giải trình trước dân yếu.
Trước những sự việc cấp bách thì cần đối thoại để cho dân thấy chính quyền có trách nhiệm, sẵn sàng lắng nghe và chia sẻ bức xúc, nỗi khổ của họ. Điều này sẽ làm người dân thấy được chính quyền không trốn tránh và cảm thấy an tâm hơn.
Một phương diện nữa, pháp luật hiện còn nhiều khe hở. Nếu có những chế tài nghiêm minh thì người quyết định vận hành Nhà máy Vĩnh Tân II sẽ bị xử lý, thậm chí bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Ngoài ra cũng cần nhắc đến những cam kết, lời hứa của chính quyền với người dân. Nước ngoài có nguyên tắc bảo vệ niềm tin. Theo đó, khi đối thoại, lãnh đạo chỉ bằng lời nói vẫn có giá trị như một văn bản hành chính.
Tôi không khuyến khích hành động của người dân. Sẽ không có việc kéo ra đường nếu có diễn đàn đối thoại mở đường tháo gỡ các bế tắc của người dân.
TS VÕ TRÍ HẢO, khoa Luật Trường ĐH Kinh tế TP.HCM


Người dân mang cá, tôm chết ra QL 1 chặn xe vào chiều 20-4. Ảnh: Cẩm Anh

 Xin lỗi để “hạ hỏa” và phải quyết đoán
Người dân có quyền phản đối chính sách gây tổn hại quyền lợi của họ và việc phản ứng đúng luật cần được tạo điều kiện. Nhiều trường hợp dân đề nghị bình thường nhưng không được giải quyết. Họ đã chọn gây chú ý ở những điểm nóng nhằm được để mắt. Trong các tình huống này, người dân dễ bị tác động theo tâm lý đám đông rồi có hành động quá khích.
Một khi sự việc xảy ra, chính quyền phải kịp thời đối thoại, giải thích cho dân hiểu. Quan trọng hơn, nếu người dân phản ứng đúng thì phải xin lỗi và đưa ra giải pháp xử lý tức thời. Như ở TP Cam Ranh đã tạm đình chỉ ngay công việc gây ô nhiễm, nếu không, để dân phản ứng tăng lên sẽ khó giải quyết. Trong cách giải quyết, nói như Bác Hồ là phải thật thà, tôn trọng dân. Khi giải quyết, người lãnh đạo phải hiểu tại sao dân bức xúc, có chính đáng hay không, về mặt tâm lý phải đứng về dân để hạ hỏa đã. Phải có quyết đoán ngay, sau đó đúng hay sai sẽ giải quyết. Lúc đó mà không thấu hiểu dân, không đứng về lợi ích chính đáng của dân thì khác gì đổ thêm dầu vào lửa.
Để xảy ra những vụ dân phải chặn xe là hậu quả của chính sách chưa sát thực tế, buông lỏng giám sát làm cho dân “tức nước vỡ bờ”. Trong bài giảng ở trường Đảng về xử lý tình huống các điểm nóng, đối thoại là một trong những kỹ năng cần đào tạo cho cán bộ bây giờ. Lãnh đạo đối thoại, quyết định được thì dân ủng hộ thôi. Rồi sau đó phải giải quyết đến nơi đến chốn, đề ra những chính sách, chủ trương hợp lòng dân và không để tiếp tục xảy ra nữa.
TS HỒ BÁ THÂM, nguyên chuyên viên cao cấp Viện Nghiên cứu 
Phát triển TP.HCM
Rút kinh nghiệm để dân chặn xe
Sắp tới, không riêng huyện Tuy Phong mà nhiều đơn vị liên quan của tỉnh sẽ có buổi rút kinh nghiệm xung quanh vụ người dân chặn xe phản ứng Nhà máy Vĩnh Tân II gây ô nhiễm. Việc quan trọng hiện nay là đôn đốc nhà máy khắc phục ô nhiễm.
Vụ việc này người dân đã phản ánh, chúng tôi đã vận động, đối thoại. Trong lúc nhà máy đang khắc phục thì bất ngờ có gió mạnh khiến tro xỉ phát tán gây ô nhiễm.
Ông NGUYỄN HOÀI ANH, Bí thư Huyện ủy Tuy Phong
Người dân chặn đường là sai
Đối với những dự án lớn ở Cam Ranh, chúng tôi đều xây dựng đề án tuyên truyền chặt chẽ; tổ chức đối thoại với người dân. Các phản ánh, bức xúc của dân đều được giải quyết ban đầu từ cấp phường, xã. Nếu dân vẫn chưa đồng ý thì lãnh đạo UBND TP phải tổ chức đối thoại ngay… Hai dự án nạo vét luồng lạch tại đầm Thủy Triều, qua xem xét đều đầy đủ thủ tục pháp lý. Việc người dân đổ ra chặn đường là sai, đã được UBND TP Cam Ranh giải quyết kịp thời.
Ông NGUYỄN KHẮC TOÀN, Bí thư Thành ủy Cam Ranh
Nên miễn phạt
Hành vi của người dân chặn xe có thể xem là chuyện “tức nước vỡ bờ” nhưng họ tụ tập chặn xe là vi phạm.
Cụ thể, theo Nghị định 167/2013, hành vi gây rối trật tự công cộng sẽ bị phạt từ 500.000 đến 1 triệu đồng. Ai đó kích động, lôi kéo người khác gây rối thì có thể bị phạt đến 3 triệu đồng (Điều 5). Một số người gây thiệt hại về tài sản của người thi hành công vụ; chống người thi hành công vụ thì bị phạt 3-5 triệu đồng (Điều 20). Ngoài ra người gây rối trật tự công cộng gây hậu quả nghiêm trọng có thể bị truy cứu hình sự theo Điều 245 Bộ luật Hình sự. Theo đó, Nghị quyết 20/2003 của Hội đồng Thẩm phán nêu hành vi gây cản trở, ách tắc giao thông đến dưới hai giờ hoặc đã bị phạt hành chính (về lỗi gây rối trật tự công cộng) hoặc bị kết án tội này và chưa xóa án tích sẽ bị phạt 1-10 triệu đồng, cải tạo không giam giữ hai năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến hai năm.
Quy định của pháp luật là vậy nhưng cũng cần tìm hiểu nguyên nhân dẫn đến các hành vi nhất thời trên, đồng thời xem xét trách nhiệm của cơ quan chức năng địa phương và các doanh nghiệp. Người dân khiếu nại, đề nghị giải quyết nhiều lần nhưng ô nhiễm vẫn tiếp diễn có thể xem là cơ quan chức năng thiếu trách nhiệm. Các doanh nghiệp vi phạm pháp luật nghiêm trọng kéo dài, trực tiếp xâm hại đến quyền lợi của người dân.
Vì vậy cơ quan chức năng nên miễn xử phạt người dân. Việc cần làm hiện nay là tập trung xử lý rốt ráo các hành vi xâm hại môi trường sống và buộc bồi thường thiệt hại cho dân. Có như vậy mới giải quyết tận gốc vấn đề.
Luật sư HÀ HẢI, Đoàn Luật sư TP.HCM
Hai vụ chặn xe ở quốc lộ
- Chiều 20-4, hàng trăm người dân mang nhiều cá, tôm chết ra quốc lộ 1A đoạn qua TP Cam Ranh (Khánh Hòa) chặn xe để phản đối việc nạo vét luồng lạch khiến tôm, cá họ nuôi trên bè chết sạch.
Sau đó lãnh đạo TP Cam Ranh có mặt tuyên bố tạm dừng nạo vét ngay lập tức và yêu cầu người dân trả lại mặt đường, tham gia đối thoại.
Chiều 21-4, ông Nguyễn Ngọc Sơn, Phó Chủ tịch UBND TP Cam Ranh, cho biết TP đã họp khẩn tìm giải pháp giải quyết bức xúc. Hôm nay (22-4), TP sẽ lấy mẫu tôm, cá, nước đi kiểm định. Nếu cá, tôm chết do việc nạo vét thì TP sẽ buộc đơn vị thi công bồi thường thỏa đáng.
- Trước đó, chiều tối 14-4, người dân xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong (Bình Thuận) mang bàn ghế ra quốc lộ 1A đoạn trước Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân II chặn xe phản ứng. Quốc lộ 1A ùn tắc khoảng 10 km. Lãnh đạo tỉnh Bình Thuận thuyết phục và đến gần 3 giờ sáng hôm sau dân mới trả lại đường. Nhưng vài giờ sau, người dân lại ùa ra “tái chiếm”, làm quốc lộ kẹt hơn 50 km và người dân còn đập phá tài sản… Ước tính thiệt hại trong vụ này lên đến hàng chục tỉ đồng.

NHÓM PHÓNG VIÊN PL TPHCM

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét