BÀI HỌC TỪ VỤ CHUYỂN
GIÁ, TRỐN THUẾ CỦA METRO
Cập nhật lúc 14:19
Hệ thống siêu thị Metro có "thành tích" 11 năm liên tục
kê khai lỗ. Mới đây, Tổng cục Thuế đã công bố kết quả thanh tra doanh
nghiệp này, truy thu thuế lên đến 507 tỉ đồng.
Hơn tám tháng kể từ
khi báo chí rầm rộ thông tin Công ty TNHH Metro Cash & Carry VN (siêu thị
Metro) được bán cho một tập đoàn Thái Lan với giá 870 triệu USD, Tổng cục
Thuế đã công bố kết quả thanh tra doanh nghiệp (DN) này với số điều chỉnh
giảm lỗ, giảm khấu trừ và truy thu thuế lên đến 507 tỉ đồng.
Trước đó trong 12 năm
hoạt động tại VN, hệ thống siêu thị này có "thành tích"11 năm ròng
liên tục kê khai lỗ.
Thật ra chuyện DN có
vốn đầu tư nước ngoài (FDI) kê khai lỗ, có dấu hiệu chuyển giá không phải đến
bây giờ mới được đặt ra. Bốn năm trước Cục Thuế TP.HCM đã có thống kê 460 DN
FDI lỗ quá vốn chủ sở hữu.
Phụ lục về số liệu
quyết toán thuế của những DN có rủi ro cao trên địa bàn TP.HCM có tên của
nhiều tập đoàn lớn, trong đó có Coca-Cola và Metro Cash & Carry.
Tuy nhiên mãi đến gần
đây sau thương vụ chuyển nhượng đình đám Metro Cash & Carry mới bị “sờ
gáy”, còn Coca-Cola đã nằm trong tầm ngắm nhưng đến nay cơ quan thuế vẫn chưa
tiến hành thanh tra.
Vì sao đã nhận diện
được nhưng đến nay quá ít DN FDI có dấu hiệu chuyển giá bị cơ quan thuế “sờ
gáy”? Một chuyên gia có nhiều năm kinh nghiệm về thanh tra chuyển giá nói với
khuôn khổ pháp luật hiện nay, cơ quan thuế gặp nhiều hạn chế. Thông tư 66 về
chống chuyển giá hiện nay cho phép cơ quan thuế so sánh giá giữa các DN cùng
ngành nghề nhưng khi vận dụng lại gặp nhiều bất cập.
Dẫn câu chuyện từ
thực tế, vị chuyên gia này cho biết trong những dịp ra nước ngoài ông đã tham
khảo nhiều mặt hàng dệt may, da giày do VN sản xuất bán tại nước ngoài và
thấy rằng giá gia công mà các DN FDI kê khai với cơ quan thuế thấp hơn rất
nhiều so với thực tế.
Tuy nhiên khi về nước
vị này đặt vấn đề với một số DN gia công đề nghị cung cấp giá để cơ quan thuế
làm cơ sở đấu tranh với các DN kê khai lỗ nhưng nhiều DN từ chối. Cũng có
trường hợp DN chịu cung cấp nhưng thông tin còn hạn chế và không đủ căn cứ
pháp lý khi sử dụng. Chưa kể khó có sự tương đồng hoàn toàn của hàng hóa dịch
vụ nên khó so sánh.
DN cũng nhiều mưu mẹo
để đối phó. Vị chuyên gia này kể từng thanh tra một DN sản xuất nước giải
khát, ban đầu cứ nghĩ là sản xuất rất phức tạp nhưng thực chất rất đơn giản,
nguyên liệu chỉ gồm nước, hương liệu, đường, gas.
Không thể tin một DN
kinh doanh nước giải khát mà lỗ, đặc biệt với một DN đang thống lĩnh thị phần
đồ uống tại VN. Tuy nhiên câu chuyện lỗ đã kéo dài hàng chục năm mà bí quyết
lỗ nằm ở hương liệu là do công ty mẹ sản xuất nên không ai biết giá. Tổng cục
Thuế từng có ý định mua thông tin từ nước ngoài nhưng thị trường nước ngoài
cũng không có.
Theo vị chuyên gia
này, để chống chuyển giá hiệu quả hơn, thay vì yêu cầu so sánh giá như hướng
dẫn tại thông tư 66, nên xây dựng tỉ lệ lãi trên từng ngành nghề làm cơ sở
cho cơ quan thuế áp tỉ lệ này nếu DN kê khai mức lãi thấp hơn tỉ lệ lãi bình
quân hoặc lỗ, đồng thời phải được đưa vào luật. Việc này nhiều nước đã làm và
đã phát huy hiệu quả.
Ngoài ra cũng cần lấp
các lỗ hổng hiện nay, đó là phí bản quyền, thương hiệu, quảng cáo tiếp thị...
Một chuyên gia của Cục Thuế TP.HCM kể nhiều DN làm video clip tại nước ngoài
kê khai chi phí lên đến vài triệu USD.
Đáng nói là tất cả
khâu sản xuất hoàn toàn ở nước ngoài và do DN quảng cáo nước ngoài thực hiện,
chỉ lồng tiếng Việt rồi chiếu trên truyền hình. Như vậy DN VN không hưởng
được gì và cơ quan thuế cũng không biết giá thật là bao nhiêu.
Cũng theo vị chuyên
gia này, việc chuyển giá không chỉ diễn ra ở VN mà còn xảy ra phổ biến ngay ở
những nước phát triển. Đằng sau câu chuyện chuyển giá là những lợi ích không
chỉ của DN mà còn của quốc gia nơi DN thực hiện chuyển giá đặt trụ sở chính.
Điều này được “nhìn”
thấy qua những thương vụ mà DN chuyển lợi nhuận về những nước mà thuế suất
còn cao hơn VN vì đằng sau đó là hàng loạt ưu đãi mà DN được hưởng, trong đó
có việc được tài trợ lại.
Chống chuyển giá là
chuyện khó, nhưng không có nghĩa là không làm hoặc e ngại. Sau Metro, sắp tới
cơ quan thuế tuyên bố sẽ tiếp tục vào cuộc thanh tra những tên tuổi lớn mà dư
luận đã đặt nghi vấn thời gian qua, đồng thời công bố kết quả thanh tra cho
công luận được biết nhằm tăng tính răn đe.
Nếu không, DN khác hoàn toàn có thể học theo cách của siêu
thị Metro, liên tục kê khai lỗ sau đó bán giá khủng rồi rút khỏi VN gây bất
bình đẳng trong cạnh tranh với các DN khác, đồng thời làm thất thu thuế.
(Theo
Tuổi Trẻ) ÁNH HỒNG
|
Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét