Tái diễn tình
trạng bán nhà trên giấy, thu chênh tiền tỷ
Cập nhật lúc 19:50
Gần đây, trên thị
trường bất động sản đã xuất hiện nhiều dự án bất động sản chưa đủ điều kiện
hoặc vừa xây dựng xong phần móng, nhưng chủ đầu tư đã “hét” giá bán rất cao,
và khách hàng phải chịu nộp khoản “tiền chênh” từ 100-500 triệu đồng.
Đầu tháng 4/2015, dự án Handico Lê Văn
Lương mới chính thức mở bán sau khi đáp ứng đủ điều kiện pháp lý (hoàn thành
xong phần móng). Dự án có quy mô 25 tầng, cùng cấp 336 căn hộ (có 2 loại căn
hộ 65m2 và 99m2).
Nhưng từ trước đó vài tuần, nhân viên
môi giới của sàn Hoàng Vương, cho biết sàn này là đơn vị phân phối độc quyền
căn hộ tại dự án Handico Lê Văn Lương. Khách hàng có thể đặt chỗ, và sát thời
điểm mở bán, sẽ đặt cọc tiền (khoảng 100 triệu đồng/căn) để mua căn hộ tại
đây.
“Giá bán gốc vào hợp đồng là 26,5 triệu
đồng/m2, nhưng khách hàng phải trả tiền phí tư vấn cho sàn, tùy căn hộ, tùy
tầng” – Nhân viên môi giới báo giá, và cung cấp cả bảng giá bán căn hộ. Theo
đó, các căn hộ đẹp (căn góc) có giá bán lên tới 32,5 triệu đồng/m2, căn hộ
khác có giá bán từ 31,2 triệu đồng/m2 trở lên...
Càng gần thời điểm mở bán, một trang
website (handirescotower.vn) cũng chào bán căn hộ tại dự án này, nhưng mức
giá bán còn “sốc” hơn. Cụ thể, đơn giá vào hợp đồng (tính theo thông thủy) là
từ 31-32,5 triệu đồng/m2. Nhưng, tiền phí tư vấn bán hàng lên tới 300-600
triệu đồng/m2 và phải nộp ngay khi kí hợp đồng (!?). Chỉ cần bán vài căn hộ,
sàn có thể thu tiền phí tư vấn hàng tỷ đồng.
Xoay quanh dự án này, có khá nhiều trang
mạng tung ra các thông tin mở bán, chào mời đặt cọc, kí hợp đồng trực tiếp từ
chủ đầu tư – Tổng công ty Handico. Tuy nhiên, trên website chính thức của
Handico lại chưa có thông tin mở bán dự án này vào cùng thời điểm các sàn
tung tin “đã mở bán”?
Hơn thế, giá bán liên tục bị đẩy cao
cùng với khoảng tiền chênh lớn khiến một số khách hàng quan tâm, có nhu cầu
mua nhà ở thực cảm thấy hoang mang! Vì họ không thể mua được nhà mới đúng mức
giá gốc của chủ đầu tư, và cũng không biết khi nào dự án đủ điều kiện mở bán.
Áp lực huy động vốn gấp!
Một dự án khác cũng đang khiến khách
hàng “choáng váng” vì không thể mua được nhà giá gốc, phải chi tiền chênh
lớn, đó là dự án CT4 (gần BigC Thăng Long, Hà Nội), do Công ty CP Vimeco làm
chủ đầu tư. Dự án có quy mô 39 tầng, với 400 căn hộ chung cư cao cấp. Tổng
mức đầu tư là 1.226 tỷ đồng, giảm một nửa so với mức vốn dự kiến hồi năm 2011.
Ban đầu, Vimeco dự kiến sẽ thi công phần
móng vào Quý I/2012, với số vốn dự kiến 310 tỷ đồng. Khi ấy, công ty dự kiến
phát hành thêm cổ phần tăng vốn khoảng 130 tỷ đồng để có tiền thi công dự án.
Tuy nhiên, kế hoạch phát hành tăng vốn không thực hiện được và dự án đã nằm
“bất động” suốt mấy năm liền.
Năm 2014, Vimeco đã tăng vốn lên 100 tỷ
đồng và khởi động lại dự án CT4. Chỉ sau thời gian ngắn triển khai thi công
phần móng, đến tháng 3/2015, Vimeco đã bắt đầu làm thị trường, xúc tiến huy
động vốn từ việc bán căn hộ dự án CT4.
Hiện, dự án CT4 chưa đủ điều kiện bán
hàng, nhưng chủ đầu tư được phép huy động vốn tối đa là 20% tổng số căn hộ,
tương ứng 80 căn.
Nhân viên môi giới bất động sản đã rao
bán các “suất ngoại giao” với giá bán dao động từ 27,5-28,5 triệu đồng/m2.
Tuy nhiên, khách hàng phải nộp tiền chênh ngoài từ 350 -500 triệu đồng mỗi
căn hộ và chỉ kí hợp đồng góp vốn. Điều kiện đi kèm hợp đồng góp vốn là quyền
mua 1 căn hộ, nhưng không biết rõ loại căn hộ, diện tích, giá bán cụ thể…
Trong khi đó, tình hình vay nợ của
Vimeco trong năm 2013-2014 lại gia tăng rất nhanh. Tổng nợ phải trả đến cuối
năm 2014 đã lên tới 834 tỷ đồng, gấp 12,3 lần vốn điều lệ (tại ngày
31/12/2014).
Trong đó, Vimeco chủ yếu vay nợ ngân
hàng ngắn hạn và dài hạn, tổng dư nợ lên tới 281 tỷ đồng. Khoản vay có tài
sản bảo đảm là phương tiện, máy móc, nhà xưởng, hợp đồng tiền gửi, quyền đòi
nợ… hoặc không có tài sản thế chấp.
Hơn thế, hai năm qua, tổng tiền nợ gốc
vay mà Vimeco đã phải chi trả lên tới 981 tỷ đồng. Áp lực trả nợ vay lớn và
nguồn vốn đầu tư hạn chế, liệu Vimeco sẽ cân đối nguồn vốn ra sao để triển
khai dự án CT4 vẫn còn bỏ ngỏ. Trong khi đó, số tiền huy động từ khách hàng
mua nhà cũng hạn chế vì bị khống chế số lượng căn hộ được phép bán.
Ngoài hai dự án này, theo tìm hiểu, một
số dự án cũng đã huy động vốn trước khi hoàn thành phần móng theo dạng “hợp
đồng hợp tác kinh doanh”, hoặc “hợp đồng góp vốn”.
(Theo
VnMedia)
|
Thứ Ba, 21 tháng 4, 2015
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét