Thứ Hai, 27 tháng 4, 2015

Bỗng dưng nhặt được hơn 1 tỉ đồng: 

Người đàn bà bí ẩn

Cập nhật lúc 20:34

Chị Hồng cho biết, một phụ nữ từng tìm đến tận nhà gặp chị để "thuyết phục, chứng minh" số tiền 5 triệu yen Nhật (hơn 1 tỉ đồng) mà chị nhặt được cách đây 1 năm là của chồng mình gửi về từ Nhật.

Bỗng dưng nhặt được hơn 1 tỉ đồng: Người đàn bà bí ẩn - ảnh 1
Công việc vất vả hằng ngày của “tỉ phú ve chai” - Ảnh: Lam Ngọc
Chủ nhân của 5 triệu yen?
Chiều 27.4, trao đổi với Thanh Niên Online, chị Huỳnh Thị Ánh Hồng (36 tuổi, quê Quảng Ngãi) cho biết ngày 14.4, một phụ nữ đã tìm đến tận nhà gặp chị để thuyết phục, chứng minh số tiền 5 triệu yen Nhật mà chị Hồng nhặt được cách đây 1 năm là của chồng mình gửi từ Nhật về.



Nếu chị ấy chứng minh được mình thực sự là chủ nhân của 5 triệu yen Nhật trong thùng loa đó thì tôi sẵn sàng trả. Nhưng nếu người này không phải là chủ nhân của số tiền trên thì 1 xu cũng không thể lấy được


Chị Huỳnh Thị Ánh Hồng

Theo dự kiến, ngày mai 28.4, nếu không có ai chứng minh được số tiền trên là của mình, cơ quan chức năng sẽ hoàn tất thủ tục trao số tiền này cho vợ chồng chị Hồng. Tuy nhiên, sáng nay 27.4, Công an quận Tân Bình (TP.HCM) đã thông báo với chị Hồng tạm hoãn thời gian giao trả số tiền để xác minh lá đơn của một phụ nữ (ngụ Hóc Môn, TP.HCM) cho rằng số tiền đó là của chồng đi làm ở Nhật gửi về.
Liên quan đến chi tiết này, theo chị Hồng, từng có một phụ nữ lạ mặt tìm đến nhà gặp chị Hồng, đề nghị chị dành thời gian đi gặp anh họ của người này để chứng minh số tiền là của chồng người này ở Nhật gửi về.
Theo phụ nữ trên, khi gửi về, chồng chị này bỏ tiền trong máy nghe đài, do không biết trong đó có tiền nên người nhà đem đi bán ve chai.
Chị Hồng cho biết mình không đồng ý gặp mà đề nghị phụ nữ này đến Công an quận Tân Bình để làm việc.
“Nếu chị ấy chứng minh được mình thực sự là chủ nhân của 5 triệu yen Nhật trong thùng loa đó thì tôi sẵn sàng trả. Nhưng nếu người này không phải là chủ nhân của số tiền trên thì 1 xu cũng không thể lấy được”, chị Hồng nói.
Chị Hồng thắc mắc: “Tại sao 1 năm qua các phương tiện truyền thông, cơ quan chức năng đã đưa tin xem ai là chủ nhân thực sự để hoàn tất thủ tục trao trả thì họ không tìm đến. Đến khi chúng tôi sắp được nhận lại số tiền này thì họ lại xuất hiện?”.
Như Thanh Niên Online đã thông tin, cuối năm 2013, trong lúc đi mua ve chai trên đường Trần Văn Quang (thuộc phường 10, quận Tân Bình), chị Hồng mua được một thùng sắt hình vuông bên trong có một hộp gỗ đựng 5 triệu yen Nhật (tương đương hơn 1 tỉ đồng). Sau đó, Công an quận Tân Bình tiếp nhận số tiền 5 triệu yen, rồi làm thủ tục gửi vào Kho bạc Nhà nước.
Phải chứng minh tiền gửi về hợp pháp
Liên quan đến tình huống bất ngờ phát sinh ở "phút 89", luật sư Nguyễn Đức Chánh (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng trước hết, ngườ tự nhận là chủ nhân của 5 triệu yen phải chứng minh số tiền này là hợp pháp.
Luật sư Chánh nhận định luật dân sự quy định sau một năm kể từ ngày tài sản được phát hiện nếu không có người đến nhận thì số tiền này sẽ thuộc về người phát hiện. Như vậy, sau ngày 28.4 nếu có người gửi đơn yêu cầu sẽ không được chấp nhận, cho dù có cơ sở để chứng minh số tiền đó của họ. Trong trường hợp này, đơn yêu cầu của phụ nữ kia gửi đến cơ quan công an trong thời hạn (trước ngày 28.4) nên được công an thụ lý xem xét là đúng theo quy định. Cơ quan công an phải tiến hành xác minh xem người này có thật sự là chủ của số tiền này hay không. Việc làm này phải mất thời gian nên công an hoãn thời gian trao tiền cho chị Hồng để xác minh là đúng.
Cũng theo luật sư Chánh, người nộp đơn yêu cầu muốn nhận tài sản phải chứng minh số tiền trên là thuộc sở hữu hợp pháp của chị. Trong đơn, phụ nữ này cho rằng số tiền trên do chồng chị ở Nhật gửi về thì chị phải chứng minh được nguồn gốc cũng như phương thức gửi tiền về. Nếu gửi qua ngân hàng phải có chứng từ của ngân hàng, nếu gửi bằng các phương thức khác cũng phải có đầy đủ chứng từ hợp pháp.
Một vấn đề mà luật sư Chánh lưu ý đó là nếu xác định đây là ngoại tệ gửi từ nước ngoài về thì nhất định phải được gửi theo con đường hợp pháp. Tức là phải thông qua ngân hàng, hoặc nếu gửi bằng đường khác cũng phải được khai báo với cơ quan chức năng.
Chuyển tiền bất hợp pháp có thể bị xử lý hình sự
"Mọi cách thức chuyển tiền từ nước ngoài về Việt Nam bất hợp pháp đều không được công nhận, thậm chí còn có thể bị xử lý hình sự", luật sư Chánh khẳng định.
Theo luật sư Chánh, nếu vận chuyển bất hợp pháp số tiền lớn như vậy qua biên giới thì người chuyển tiền có thể bị khởi tố theo Điều 154 Bộ luật Hình sự về tội "vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới".
Nhiều chuyên gia đã đặt nghi vấn về việc yêu cầu của người phụ nữ kia, bởi nếu số tiền kia thật sự của chị thì tại sao mãi đến thời điểm này chị mới gửi đơn yêu cầu. Số tiền cả tỉ đồng chứ đâu phải ít. Hơn nữa, tiền yen Nhật vốn không được sử dụng phổ biến tại Việt Nam, nếu gửi về thì thông thường người ta sẽ chuyển đổi sang tiền Việt hoặc USD. Để nguyên tiền yen Nhật rồi bỏ vào máy nghe đài là điều không bình thường.
Cũng có người đặt giả thiết nếu có người cố ý gian dối, nộp đơn sai sự thật để nhận tiền thì có bị xử lý gì không, luật sư Chánh cho rằng hiện nay pháp luật chưa có quy định xử lý nếu người gửi đơn yêu cầu không có cơ sở chứng minh. Thậm chí nếu người gửi đơn yêu cầu có hành vi gian dối cũng rất khó xác định.
"Trường hợp này, nếu bà Hồng chứng minh được bà đã thực sự bị thiệt hại do chậm nhận tiền lẽ mà ra được nhận sớm hơn thì có thể khởi kiện yêu cầu người phụ nữ kia bồi thường. Tuy nhiên, để chứng minh được thiệt hại trong trường hợp này không đơn giản", luật sư Chánh nói. 
(Theo Thanh Niên) Hải Nam - Ngọc Lê

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét