Thứ Tư, 4 tháng 6, 2014

Trung Quốc thừa nhận đâm thủng tàu Việt Nam

Cập nhật lúc 08:13
TP - Báo South China Morning Post của Hong Kong hôm qua dẫn nguồn từ kênh quân sự thuộc Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc khẳng định, các tàu Trung Quốc đã đâm chìm tàu Việt Nam ở gần vị trí giàn khoan Hải Dương 981.

Tàu Trung Quốc ngang ngược dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Vietnam+
Tàu Trung Quốc ngang ngược dùng vòi rồng tấn công tàu cảnh sát biển Việt Nam. Ảnh: Vietnam+

Theo Đài Phát thanh Quốc gia của Trung Quốc, vụ đâm va đầu tiên xảy ra vào khoảng 12h30 hôm Chủ nhật, khi một tàu hải cảnh của Trung Quốc phun nước vào một tàu kiểm ngư của Việt Nam trong 5 phút, rồi tàu Việt Nam mang số 635 rời đi.
Hai tàu khác của Trung Quốc đã chặn các tàu hỗ trợ của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam đang đến để giúp đỡ tàu bị tấn công.
Khoảng 5h chiều hôm đó, một tàu của lực lượng cảnh sát biển Việt Nam mang số hiệu CSB-2016 bị tàu Trung Quốc mang số hiệu 46015 va vào, khiến tàu Việt Nam bị 4 lỗ thủng bên mạn phải và bị nghiêng, nhiều thiết bị như ống khí bị hỏng, Đài Phát thanh Trung Quốc nói.
Nhật Bản khẩn trương giải thích lại Hiến pháp
Chính phủ Nhật Bản hôm qua đệ trình lên liên minh đảng cầm quyền những điều kiện mà Nhật Bản được phép mở rộng vai trò của Lực lượng Phòng vệ (SDF) nhằm trợ giúp các đồng minh an ninh.
Chính phủ Nhật Bản nói rằng, SDF có thể trợ giúp các đồng minh khi đáp ứng đủ 4 điều kiện rõ ràng về đối tượng sẽ giúp đỡ, giúp đỡ như thế nào, ở đâu và hình thức gì. Nếu các đề xuất này được chấp nhận, Nhật Bản sẽ cung cấp đồ tiếp tế và dịch vụ cho các đồng minh tham chiến.
Chính phủ Nhật Bản hôm qua cũng hoàn tất việc giải thích 15 bối cảnh cụ thể của những mối đe dọa an ninh mà Nhật Bản có thể mở rộng chiến dịch của SDF. Hai đảng cầm quyền của Nhật Bản sẽ bàn bạc để quyết định những cách lý giải đó trong tuần này.
Thủ tướng Shinzo Abe hối thúc hai đảng LDP và New Komeito sớm đồng ý nhằm dỡ bỏ lệnh cấm thực hiện quyền phòng vệ tập thể hoặc bảo vệ đồng minh bị tấn công bằng cách giải thích lại Hiến pháp.
Phát biểu tại lễ khai mạc Hội nghị bàn tròn Châu Á - Thái Bình Dương lần thứ 28 khai mạc tại Manila hôm 1/6, Thủ tướng Malaysia Najib Razak khẳng định, luật pháp phải được đặt trên hết trong giải quyết các vấn đề trên biển Đông. Ông Razak nói: “Chúng ta phải kiên định với nguyên tắc không sử dụng vũ lực và giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình”.
Ông Najib tuyên bố, Malaysia cam kết mạnh mẽ với tuyên bố chung gần đây của các bộ trưởng quốc phòng châu Á về hợp tác quân sự vì một cộng đồng châu Á hòa bình và thịnh vượng.
Thủ tướng Malaysia nêu rõ, đây là bước đi quan trọng để đẩy mạnh trụ cột an ninh - chính trị của Cộng đồng ASEAN. Ông Najib nhấn mạnh, chỉ có đảm bảo hòa bình thì khu vực này mới có thể thu hút đầu tư, khuyến khích đổi mới và tạo việc làm cho người dân.
Philippines hôm qua nói rằng, họ đã đạt được “tiến bộ quan trọng” trong vấn đề tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc. Chánh Văn phòng Tổng thống Philippines Herminio Coloma Jr. nói rằng, chính phủ nước này nhận thấy những phát biểu gần đây của quan chức Mỹ, Úc và Nhật Bản “khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng pháp quyền là yếu tố then chốt cho ổn định khu vực”.
“Chúng tôi được khuyến khích bởi những phát biểu của các đồng minh và nhiều nước khác khẳng định tầm quan trọng của việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình, đó chính xác là cách thức hành động mà chúng tôi lựa chọn”, ông Coloma phát biểu trong cuộc họp báo trên truyền hình.
Ông Coloma nhấn mạnh ý nghĩa của việc “hầu hết các nước thành viên ASEAN” cùng bày tỏ ủng hộ giải pháp hòa bình cho các tranh chấp lãnh thổ, và các ngoại trưởng ASEAN đưa ra tuyên bố chung kêu gọi các nước kiềm chế. “Có thời điểm tình thế không được như thế này, mọi việc đã thay đổi”, ông Coloma nói.
Philippines trước đó bảo vệ phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel hồi cuối tuần qua rằng, Trung Quốc đang gây bất ổn ở khu vực tranh chấp. Bộ trưởng Quốc phòng Úc David Johnston chia sẻ quan điểm này của quan chức Mỹ.
Hạ nghị sĩ Mỹ ủng hộ lập trường của Việt Nam về biển Đông
Bộ Ngoại giao Việt Nam cho biết, sáng 3/6 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng tiếp Hạ nghị sĩ Mỹ John Kline.
Ông Kline và các thành viên trong đoàn khẳng định, Nghị viện Mỹ quan tâm sát sao, chia sẻ với Việt Nam và bày tỏ quan ngại sâu sắc trước những hành động khiêu khích của Trung Quốc đối với Việt Nam, đồng thời ủng hộ quan điểm và lập trường của Việt Nam trong việc đấu tranh bảo vệ chủ quyền.
Ông John Kline, thành viên đảng Cộng hòa, Chủ tịch Ủy ban Giáo dục và Lao động, thành viên Ủy ban Quân vụ, cũng bày tỏ mong muốn các bên sớm có giải pháp giải quyết tình hình hiện nay bằng con đường ngoại giao, hòa bình trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.

Chiều 3/6, tàu CSB-2016 cập cảng Đà Nẵng để sửa chữa 4 lỗ thủng do bị tàu Trung Quốc đâm. Lỗ 1 dài 40cm, rộng chừng 7cm, cách vạch mớn nước 50cm, lỗ thủng 2 dài 4cm, rộng 6cm, cách vạch mớn nước 40cm, lỗ 3 rách rộng 5cm, rộng 7cm, cách vạch mớn nước 50cm, lỗ 4 dài 35 cm, rộng 3cm, cách mớn nước 1 m. Chiều 1/6, tàu Trung Quốc số hiệu 46105 áp sát, xịt vòi rồng và đâm va liên tục vào tàu CSB-2016.
(Theo Tiền phong) Nguyễn Huy
 (South China Morning Post, The Star, Philstar)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét