Thứ Tư, 25 tháng 6, 2014

Những điều ẩn giấu của 'tảng băng' Nhật Bản

Cập nhật lúc 08:17                  
Còn vô vàn những điều thú vị ẩn giấu trong cộng đồng hơn 127 triệu con người này mà sách báo ít đề cập đến.
LTS: Tuần Việt Nam trân trọng giới thiệu loạt bài Những điều ít biết về Nhật Bản của tác giả Tuấn Nhật, người từng có một số năm sinh sống, công tác tại đất nước Mặt trời mọc.
Nói đến Nhật Bản người ta thường nghĩ ngay tới một cường quốc kinh tế có ảnh hưởng sâu rộng trên toàn thế giới với những phát minh lớn và những thương hiệu nổi tiếng như Toyota, Honda, Suzuki, Ajinomoto...
Nói tới người Nhật Bản người ta thường nghĩ tới những con người thông minh, cần cù đã tạo ra bước nhảy vọt trong những thập niên 70-80 của thế kỷ 20 khiến cả thế giới phải nhìn nhận lại về châu Á. Nói tới văn hoá Nhật Bản người ta thường nghĩ ngay tới Trà Đạo, nghệ thuật cắm hoa Ikebana đặc sắc... Thế nhưng, tất cả những cái đó chỉ là phần nổi của một "tảng băng trôi". Còn vô vàn những điều thú vị ẩn giấu trong cộng đồng hơn 127 triệu con người này. Những điều đó ít được sách báo đề cập mà phải có một thời gian dài thâm nhập, chiêm nghiệm mới có thế khám phá.
 Nhật Bản, mặt trời mọc, hoa anh đào, Tokyo, tiết kiệm, cường quốc, tỷ phú, giàu có, đại gia
Thủ đô Tokyo Nhật Bản. Ảnh: Telegraph
Người Nhật có quan điểm triết học khác lạ
Theo triết học Phương Đông, con người thường hướng tới "Chân, Thiện, Mỹ". Nhưng, người Nhật Bản lại có quan điểm "Ích, Thiện, Mỹ", theo đó, chỉ những gì có ích cho con người mới được coi là "Chân". Từ quan điểm này, tất cả mọi thứ được sáng tạo ra hoặc được ứng dụng đều nhằm mục tiêu phục vụ lợi ích của con người. Chúng ta có thể so sánh để chứng minh điều này qua những vật dụng thông thường.
Ví dụ chiếc ô tô chẳng hạn. Những chiếc xe do người Mỹ, người Đức, người Nga... chế tạo ra phần lớn đều to rộng, bề thế, động cơ khoẻ và tốn nhiều nhiên liệu. Trong khi đó, những chiếc xe do người Nhật làm ra nhỏ gọn, xinh xắn, tiết kiệm nhiên liệu (có loại chỉ hết chưa đến 3 lít xăng/100km), được tận dụng cả những góc nhỏ nhất để sử dụng một cách có ích, chẳng hạn góc này làm gạt tàn thuốc lá, góc kia là chỗ để chai lọ, sách báo... Thậm chí tấm che nắng ở kính trước cũng được tận dụng làm nơi để kính, gương soi, thậm chí cả dao cạo râu.
Người Nhật còn phát minh ra những thứ mà không mấy ai nghĩ tới, ví dụ như máy cắt phong bì. Thay vì phải dùng dao, kéo, chỉ cần đưa phong bì vào máy, xoẹt một cái là xong. Hoặc giả như những khoá thắt dây buộc bằng nhựa vô cùng tiện lợi cho việc đóng gói đồ đạc thì dường như chỉ có thể tìm thấy ở Nhật Bản. Tất cả những thứ có ích đều là "Chân"
Người Nhật có quan điểm khác lạ về tiết kiệm
Ai cũng biết người Nhật vô cùng tiết kiệm. Từ ăn mặc, công việc đến việc vui chơi giải trí đều mang màu sắc "tiết kiệm triệt để". Khi ăn tại các nhà hàng hoặc khi ăn liên hoan, người Nhật sẵn sàng gói mang về những đồ ăn thừa còn sót lại cho dù chỉ là một mẩu bánh mỳ chứ không bao giờ chịu vứt đi, phung phí khi còn sử dụng được.
Chính từ quan điểm này mà Nhật là một trong những nước đầu tiên trên thế giới tái chế tất cả các loại rác thải để tạo ra các sản phẩm mới phục vụ con người. Hiện nay, một loạt các chế phẩm từ plastic, vải vóc, nguyên vật liệu xây dựng, nhiên liệu... đang rất quen thuộc với người tiêu dùng đều là những đồ được tái chế qua công nghệ Nhật Bản.
Mới đây người Nhật còn đưa ra một công nghệ có thể biến một tờ báo cũ thành một loại chất đốt hiệu suất cao dùng để nấu ăn và sưởi ấm. Đáng chú ý nhất là loại bể phốt liên hoàn có thể tận dụng ngay chất thải sinh hoạt trong gia đình để tạo ra khí biogas phục vụ nấu ăn, sưởi ấm và làm phân vi sinh dùng cho trồng trọt.
Tuy nhiên, đây chỉ là bề nổi của tinh thần tiết kiệm Nhật Bản. Thực tế, người Nhật coi tiết kiệm quá không phải là điều tốt. Đây là điểm khác lạ. Lý giải điều này, người ta cho rằng nếu cứ dùng mãi một thứ đồ ví dụ như quần áo, đồ điện tử... thì sẽ dẫn tới nhu cầu xã hội giảm, các ngành sản xuất sẽ không thể phát triển, kinh tế của cả cộng đồng suy thoái. Do đó, có tiết kiệm thì cũng "vừa vừa thôi".
Bên cạnh đó, tiết kiệm còn phải được hiểu từ khía cạnh "tiết kiệm cái gì" chứ không phải chỉ là tiết kiệm vật chất đơn thuần. Trong những thứ cần tiết kiệm, người Nhật tiết kiệm nhất là thời gian. Để tiết kiệm thời gian, người ta đã nghĩ ra một loạt phương tiện, trong đó nổi tiếng toàn thế giới là tàu cao tốc Shinkansen. Hiện nay, tốc độ của loại tàu này đã lên tới trên 500km/h. Nếu có nó, thời gian từ Hà Nội vào thành phố Hồ Chí Minh sẽ được tiết kiệm khoảnh 80% so với hiện nay.
Ngoài thời gian, tiết kiệm, công sức, chất xám cũng được coi là "gốc của tiết kiệm". Người Nhật có thể bỏ ra một số tiền rất lớn mua các phát minh khoa học để ứng dụng ngay vào thực tế phục vụ con người ngay cả khi chỉ còn một thời gian ngắn nữa chính người Nhật cũng có thể đưa một phát minh tương tự. Đó là để nhằm tiết kiệm hơn nữa thời gian, công sức và tiền bạc. Theo quan điểm của người Nhật đó mới mà tiết kiệm thực sự, là "Chân Tiết kiệm".
 Nhật Bản, mặt trời mọc, hoa anh đào, Tokyo, tiết kiệm, cường quốc, tỷ phú, giàu có, đại gia
Hoa anh đào Nhật Bản
Người Nhật có quan điểm khác lạ về sự giàu có
Trong tiếng Nhật, giàu có là "kanemochi" có nghĩa là có tiền. Có thể hiểu cứ có nhiều tiền tức là giàu có.
Tuy nhiên, đây chỉ là nghĩa của một từ vựng có nguồn gốc từ lâu đời. Còn hiện nay, quan điểm này đã thay đổi. Bởi vì, giàu có được hiểu là giàu có về nhiều thứ: thời gian, tiền bạc, cuộc sống tinh thần... Nếu chỉ có nhiều tiền thôi chưa chắc đã được coi là giàu có. Người Nhật còn cho rằng có nhiều đồ đạc chưa chắc đã tốt, vì có nhiều đồ không dùng đến sẽ thành rác. Mà khi vứt rác đi phải trả tiền, thậm chí rất nhiều tiền. Ví dụ khi bạn muốn vứt  bỏ một chiếc tủ lạnh phải trả khoảng 4.000 Yên (tương đương 750.000 VNĐ).
Ở Việt Nam thời bao cấp, người ta thường tự giễu cái nghèo của mình bằng câu: "Ta đây tỷ phú thời gian". Tuy nhiên, đây lại là ước mơ của nhiều người Nhật hiện nay. Một triệu phú Nhật Bản đã phải thốt lên rằng: "có giàu mấy, cũng không thể ăn hết 2kg thịt bò một bữa, lái một lúc 2 chiếc ô tô, đi một lúc hai đôi giày hàng hiệu... vậy thì nhiều tiền quá làm gì khi không có thời gian tận hưởng cuộc sống hữu hạn".
Người Nhật Bản luôn mong ước có một cuộc sống "tự do, tự tại". Cụm từ này đã trở thành một khẩu hiệu, một phương châm sống, một mục tiêu cần hướng tới của đông đảo người dân Phù Tang. Thậm chí, cụm từ này còn là đề tài của các cuộc thi thư pháp, thi hùng biện tại Nhật Bản. Tuy nhiên, số người đạt được mục tiêu này quả thật là ít ỏi. Đa số người Nhật Bản vẫn thầm mơ ước được làm "tỷ phú thời gian".
Người Nhật không hề thư nhàn
Trái với suy nghĩ là người dân những nước phát triển có một một cuộc sống sung sướng, người Nhật Bản rất vất vả để bươn chải trong công việc, sinh hoạt. Người ta thường nói Nhật Bản có nhịp sống nhanh, nhưng thực ra phải nói là sự tất bật mới đúng.
Thời gian biểu của một người Nhật làm công ăn lương (tiếng Nhật là Shya-in) thông thường như sau: sáng 7h30 dậy, vệ sinh cá nhân, ăn sáng tại nhà hoặc chuẩn bị đồ ăn mang  theo để ăn trên đường đi cho kịp thời gian. 8h15 đến 8h30 ra ga tàu hoặc bến xe buýt để đi làm (đại đa số người Nhật ở các đô thị dùng phương tiện giao thông công cộng để đi làm). Khoảng 9h~9h15 đến công sở (giờ làm việc ở Nhật Bản thường bắt đầu từ 9h~9h30 tuỳ từng cơ quan và người Nhật thường phải đến sớm 15 phút để chuẩn bị công việc). Nghỉ trưa vào khoảng 1h với bữa ăn nhẹ để tiếp tục làm việc vào lúc 1h30.
Do khối lượng công việc ngày một lớn nên người Nhật thường phải làm thêm giờ có khi đến tận đêm khuya. Theo luật định, ngày làm việc tại Nhật Bản chỉ kéo dài 6 tiếng, tuần làm việc 5 ngày. Thế nhưng trên thực tế, một Shya-in của Nhật Bản phải làm trung bình tối thiểu 8~9 tiếng/ngày mới có thể hoàn thành công việc.
Vấn đề kỷ luật lao động cũng vô cùng khe khắt. Nếu đến tham quan một cơ sở sản suất bạn sẽ thấy hiếm có người đứng dậy giữa chừng để giải lao hút thuốc hay uống nước, đi vệ sinh. Có một chuyện thật như đùa là có những ông bố không biết mặt con. Bởi vì, ông bố về nhà muộn khi các con đã đi ngủ, còn sáng ra khi ông thức dậy thì bọn trẻ đã đi học hết. Thứ 7, Chủ nhật ông bố lại phải làm thêm giờ nên không có thời gian gặp mặt con. Cha con chỉ còn biết nhau qua... ảnh.
Thậm chí, nhiều đàn ông Nhật Bản không muốn hoặc không dám về nhà sớm, thậm chí ngay cả khi đã làm xong việc chỉ bởi vì sợ vợ con, hàng xóm, bạn bè coi là loại nhàn rỗi, vô công dồi nghề, vô tích sự. Dường như bận rộn, vất vả đã trở thành tiêu chí đánh giá sự hữu dụng của đàn ông, còn nếu ngược lại, có lẽ ai cũng thấy mình vô dụng vậy.
Lao động như vậy cho nên lương của người Nhật khá cao, trung bình vào khoảng 3000 USD/tháng. Tuy nhiên, chi phí cũng rất đắt đỏ. Mức lương đó cũng chỉ đủ để nuôi sống gia đình, bản thân mà không dôi dư được bao nhiêu.
Áp lực công việc, áp lực cuộc sống luôn đè nặng tâm lý. Chính vì vậy, số người tự sát tại Nhật Bản hàng năm liên tục tăng cao, có năm lên tới hơn 30.000 người, vượt xa con số tử vong của các cuộc chiến đẫm máu hiện nay. Ngoài ra, số người chết trên bàn làm việc (tiếng Nhật là Karohshi) cũng ở mức kỷ lục (trung bình khoảng 350 người/năm). Nhân nói chuyện tự sát và chết trên bàn làm việc, cũng chỉ có tại Nhật Bản mới có lối tự sát bằng cách... làm việc cho tới chết.
Chính cuộc sống vất vả như vậy là một trong những nguyên nhân khiến hứng thú trong sinh hoạt vợ chồng của người Nhật Bản không cao. Theo một kết quả điều tra xã hội học năm 2007, trung bình người Nhật chỉ có nhu cầu quan hệ vợ chồng khoảng trên dưới 80 lần/năm.
Do đó, Nhật Bản đang phải đối mặt với việc xã hội lão hoá, giảm dân số tự nhiên - một vấn đề nghiêm trọng khiến Chính phủ Nhật Bản phải lập hẳn một bộ để phụ trách, đối phó. Bắt đầu từ năm 2005, dân số Nhật Bản đã giảm tự nhiên 10.000 người/năm.
Chuyện học hành của thanh thiếu niên Nhật Bản cũng rất vất vả. Để thi vào những trường tốt, các em cũng phải học thêm đủ thứ. Nếu chứng kiến cuộc sống của một người Nhật Bản từ khi sinh ra, lớn lên, đi học rồi đi làm, chắc chắn sẽ có nhiều người nghĩ "thôi thì cứ nghèo nghèo một chút ở Việt Nam vẫn... còn hơn".
 (Theo TuanVietNamnet) Tuấn Nhật

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét