Vì sao đại biểu hỏi
thẳng, bộ trưởng trả lời loanh quanh?
Cập nhật lúc 16:41
TT
- Phần trả lời chất vấn của các bộ trưởng tại kỳ họp Quốc hội lần này đã để
lại dư âm không tốt, dư luận cho rằng chất lượng trả lời chất vấn ngày càng
đi xuống.
GS NGUYỄN MINH THUYẾT (nguyên
phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng
của Quốc hội):
Hoạt động chất vấn sẽ mất sức hút
Là một cử tri theo dõi các phiên chất
vấn vừa qua ở Quốc hội, cá nhân tôi thấy rất không hài lòng, nói nôm na theo
ngôn ngữ bình dân thì các bộ trưởng trả lời rất chán. Tôi thấy các đại biểu
Quốc hội đã nêu rất nhiều câu hỏi nóng hổi, bức xúc của cuộc sống. Đó là
những câu hỏi mà chính người dân muốn đặt ra cho các vị bộ trưởng, các thành
viên Chính phủ. Nhiều vị đại biểu Quốc hội đã nắm rất chắc vấn đề, chuẩn bị
kỹ nội dung, đặt ra nhiều chất vấn sắc sảo. Nhưng đáng buồn là hầu hết bộ
trưởng đều phúc đáp như đang trả lời cho những người không biết gì, cứ nói
lấy được mà thôi.
Trước Quốc hội không thể nói cho qua
chuyện
Ông bộ trưởng Bộ Tài chính thì rất chậm
rãi, nói những chuyện ai cũng biết rồi, nhưng có những nội dung quan trọng
lại trả lời không đúng. Ví dụ như vấn đề nợ công, ông bộ trưởng đáp rằng vẫn
an toàn, nhưng sau đó chính chủ tịch Quốc hội khẳng định nợ công đã đe dọa an
ninh tài chính quốc gia. Tôi nghĩ bộ trưởng đứng trước Quốc hội không thể nói
không đúng, không thể né vấn đề, bởi đại biểu Quốc hội là đại diện cho dân
quyết định nhiều vấn đề hệ trọng của quốc gia, người ta cần biết sự thật. Bộ
trưởng không thể nói với đại biểu Quốc hội theo kiểu “đánh trâu qua rào”
được.
Với ông bộ trưởng Bộ Giáo dục - đào
tạo, điều đại biểu và cử tri mong muốn là nếu bộ trưởng sai, hoặc là thuộc
cấp sai thì trước Quốc hội, bộ trưởng nên mạnh dạn nhận sai. Đằng này ông lại
nói con số 34.000 tỉ đồng là của chuyên viên cấp vụ, rồi anh em bị khớp nên
nói thế. Ông quên mất rằng cách đây vài năm Bộ Giáo dục - đào tạo từng đưa ra
một dự án 70.000 tỉ đồng, dư luận từng ầm ĩ. Thế thì đây là một nửa của
70.000 tỉ đồng, vì chưa có kinh phí phần cơ sở vật chất trường học mà thôi.
Đấy chắc chắn không phải là con số từ trên trời rơi xuống. Hơn nữa, sau khi
trình bày tại Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ còn tổ chức họp báo để giải thích
con số này. Vậy thì làm gì có chuyện đó là con số ngẫu hứng của ai đó đưa ra.
Bộ trưởng không nên giải thích trước Quốc hội giống như nói cho qua chuyện
với học sinh lớp 1, lớp 2 như thế.
Đến bộ trưởng Bộ Tư pháp thì đại biểu
hỏi rất rõ là có cài cắm lợi ích nhóm trong việc xây dựng, ban hành văn bản
quy phạm pháp luật không? Nhưng bộ trưởng lại trả lời rằng chưa có vấn đề gì
đặt ra. Trả lời như vậy rất khó chấp nhận, và ngay sau đó đại biểu đã nói
rằng vậy những chuyện cài đặt bộ máy, rồi quỹ này quỹ nọ là cái gì? Thực tế
nó đầy ra đấy, đại biểu Quốc hội lịch sự hỏi như vậy chứ không phải người ta
không biết. Vì vậy, bộ trưởng không nên trả lời loanh quanh.
Còn tổng thanh tra Chính phủ khi đại
biểu chất vấn về chuyện tài sản của quan chức, thì ông ấy luôn lấy Ban Bí thư
ra làm mộc đỡ.
Thú thật là tôi thất vọng bởi cách trả
lời vòng vo, loanh quanh của các bộ trưởng tại kỳ họp này. Thậm chí có những
vị không hiểu được câu hỏi của đại biểu Quốc hội, cho dù chủ tịch Quốc hội đã
phải nhắc và giải thích lại. Các bộ trưởng cũng thiếu sự thẳng thắn, thậm chí
có những vấn đề đã trả lời không trung thực, không nhìn nhận đúng khuyết điểm
của mình. “Câu giờ” cũng là đặc điểm chung trong cách trả lời của các vị bộ
trưởng.
Có sự nương nhẹ, ưu ái
Để khắc phục tình trạng này, trước hết
là ở cách chọn người trả lời chất vấn. Phiên chất vấn phải diễn ra với những
người đứng trên bục trả lời là những vị bộ trưởng mà lĩnh vực họ quản lý đang
là điểm nóng, cử tri đang đòi hỏi họ phải giải trình. Nhìn về tổng thể kỳ họp
này, người dân không hài lòng vì có những bộ trưởng đáng lẽ phải trả lời chất
vấn vì lĩnh vực quản lý của vị bộ trưởng ấy đang có quá nhiều vấn đề bức xúc,
nhưng vị bộ trưởng ấy lại “trốn” trả lời chất vấn. Tôi lấy ví dụ như Bộ Y tế,
bao nhiêu chuyện nước sôi lửa bỏng như vậy, hơn một trăm trẻ em chết vì bệnh
sởi, rất nhiều câu hỏi được đặt ra đòi hỏi người đứng đầu Bộ Y tế phải trả
lời trước Quốc hội. Không thể có chuyện một dịch sởi làm chết nhiều người như
vậy mà không ai bị làm sao cả, tất cả đều bình an vô sự.
Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến có trả
lời ghép với phần của bộ trưởng Bộ Tài chính về giá thuốc, nhưng tôi nghĩ trả
lời như vậy cũng không đạt yêu cầu. Trên thực tế người dân thấy giá thuốc lên
cao, trong khi Luật dược đặt ra trách nhiệm quản lý nhà nước về giá thuốc
thuộc Bộ Y tế, nhưng qua trả lời thì không thấy ai chịu trách nhiệm về vấn đề
này cả. Sự sắp xếp người ra trả lời chất vấn trước Quốc hội của Ủy ban Thường
vụ Quốc hội và Chính phủ chưa thật sự chuẩn, vẫn có một sự nương nhẹ, ưu ái
cho ai đó.
Theo tôi, để đi đến cùng một vấn đề sau
phiên chất vấn, Quốc hội phải ban hành nghị quyết và nghị quyết ấy phải xác
định rõ trách nhiệm, giải pháp được Quốc hội yêu cầu chứ không phụ thuộc vào
ý chí của người trả lời chất vấn. Một số nghị quyết ban hành sau các phiên
chất vấn trước đây vẫn nặng tính tường thuật phiên chất vấn là chính mà thiếu
đi sức sống, sức đột phá của nó. Một nghị quyết đảm bảo tính khả thi là nghị
quyết phải đánh giá được bộ trưởng ấy, ngành ấy có những vấn đề gì, trách
nhiệm thuộc về ai, giải pháp thế nào, lời hứa của bộ trưởng ra sao, thời điểm
nào phải thực hiện... Làm được như vậy mới đẩy được hoạt động chất vấn đến
gần cái đích đặt ra.
|
Chủ Nhật, 15 tháng 6, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét