Thứ Sáu, 27 tháng 6, 2014

Nhiều chiêu lách luật, biến tướng sau áp trần giá sữa
Cập nhật lúc 14:11                 


Những chiêu lách luật, “mê hồn trận” về giá sữa vẫn khiến người tiêu dùng chịu thiệt. Ảnh: Hải Nguyễn
Chỉ sau chưa đầy 1 tuần, kể từ 21.6, quy định bắt buộc các cửa hàng, đại lý kinh doanh sữa phải áp dụng giá trần bán lẻ mặt hàng sữa bột cho trẻ dưới 6 tuổi, người tiêu dùng vẫn như lạc vào “mê hồn trận” của các loại giá với đủ các chủng loại nhãn sữa khác nhau. Theo phản ảnh của người tiêu dùng, không ít hãng sữa vẫn áp dụng nhiều chiêu nhằm lách quy định giá trần, như thay đổi trọng lượng sữa, biến tướng mẫu mã, tên gọi, tăng độ tuổi của trẻ... thực tế thì giá vẫn như cũ.
Giảm thì ít...
Theo chân người đi mua sữa, PV Báo Lao Động đã ghi nhận được tại thị trường Hà Nội trong các ngày 25-26.6, phần lớn các cửa hàng, đại lý và siêu thị đều đã đồng loạt giảm giá bán mặt hàng sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi. Thậm chí, có đại lý bán giá thấp hơn vài chục nghìn đồng so với giá bán lẻ tối đa mà Bộ Tài chính quy định. Cụ thể, sữa Abbott Grow 1 (loại 900gr) giá bán thực tế tới tay người dùng hiện chỉ còn 340.200 đồng/hộp, rẻ hơn giá khuyến nghị tới 14.000 đồng/hộp. Dòng sữa Friso Gold 1 (loại 900gr) giá bán lẻ tối đa theo quy định là 466.000 đồng/hộp, còn giá bán loại này tại hệ thống siêu thị OceanMart hiện là 456.900 đồng/hộp. Khảo sát thị trường TPHCM cho thấy, giá bán lẻ nhiều mặt hàng sữa đã giảm từ 5.000 - 100.000 đồng/hộp. Đây là một tín hiệu lạc quan đối với người tiêu dùng (NTD) vì mặt hàng sữa lâu nay chỉ thấy tăng giá, nay bị buộc áp giá trần nên đồng loạt giảm.
Tuy nhiên, vẫn có nhiều loại sữa không giảm. Nutifood được đánh giá là nhãn sữa bình dân, phù hợp túi tiền người tiêu dùng, nhưng nếu so với những sản phẩm được áp giá trần thì không cạnh tranh hơn. Sữa Nuti IQ 1-3 tuổi (900gr) có giá bán 196.900 đồng, loại 900gr cho trẻ từ 6-12 tháng có giá 330.900 đồng/hộp. Sữa Meiji Gold (loại 900gr) có mức giá dao động trong khoảng 450.000 đồng/hộp, cụ thể Meiji 1: 455.000 đồng/hộp, Meiji Gold 3: 410.000 đồng/hộp... Theo nhiều chủ đại lý bán lẻ và siêu thị thì sữa nằm trong danh sách áp giá trần hiện bán chạy hơn những loại sữa khác. Tại thị trường TPHCM, người tiêu dùng bức xúc khi sữa Optimum cũng là một sản phẩm dành cho trẻ em dưới 6 tuổi của Vinamilk, nhưng lại không giảm giá theo quy định áp giá trần của Bộ Tài chính. Theo ông Mai Hoài Anh – GĐ điều hành kinh doanh, CTCP sữa Việt Nam Vinamilk - thì sữa Optimum là một sản phẩm chức năng nên không nằm trong danh mục áp giá trần của Bộ Tài chính, tuy nhiên Vinamilk cũng đã đăng ký giá bán buôn mới cho sản phẩm này. Theo đó, giá trước đây của sản phẩm Optimum là 380.699 đồng, còn giá mới là 375.652 đồng, giảm đi chứ không hề tăng lên.
... “Mê hồn trận” lách luật
Để đối phó với việc phải giảm giá sữa theo quy định, một số NTD cho biết: Hiện trên thị trường đã xuất hiện một số sản phẩm sữa ghi là sữa dành cho trẻ từ 1-10 tuổi. Với việc gia tăng độ tuổi cho người sử dụng, các sản phẩm như thế này, các hãng sữa sẽ không phải áp dụng giá bán buôn, bán lẻ tối đa. Mặt khác, cái khó của NTD hiện nay là không biết được sản phẩm sữa bột nào đã áp giá trần. Bởi hiện trên thị trường, các cửa hàng vẫn bày bán khá nhiều loại sữa ngoại nhập dưới dạng “hàng xách tay”. Các mặt hàng này giá bán hầu như không được quản lý dù vẫn là sữa dành cho trẻ em dưới 6 tuổi.
Đã vậy, vẫn có những mặt hàng sữa đang niêm yết giá bán hiện tại vẫn là giá cách đây 4 tháng, như sữa Priso Gold vẫn còn mức giá được niêm yết từ ngày 25.2.2014 (456.900 đồng), bởi giá này vẫn thấp hơn giá trần bán lẻ cho phép theo quy định của Bộ Tài chính.
Một mặt áp dụng giá trần theo quy định, một mặt các doanh nghiệp vẫn “lách luật” để tìm cách thu lợi nhuận cao hơn. Sau ngày áp trần giá sữa, hãng Mead Johnson đã góp mặt thêm dòng sản phẩm mới “3600 Brain Plus”: Enfamil A+ 3600 Brain Plus, Enfa Grow A+ 3600 Brain Plus với giá bán lẻ cao hơn loại thường từ 80.000 - 100.000 đồng/hộp. Và sau khi dòng sữa mới được ra mắt thì sữa thường đã trở nên “hiếm hoi” tại các đại lý và các siêu thị bán lẻ. Khi được hỏi, một nhân viên của cửa hàng bán lẻ trên phố Lãn Ông quảng cáo: “Giờ cửa hàng chỉ còn bán loại Enfamil và Enfa Grow loại mới thôi, mà cũng chẳng còn mấy hàng bán loại cũ nữa. Loại này vừa thơm vừa bổ, uống tốt hơn loại cũ nhiều”. Còn theo chị Thủy Phương (khu đô thị mới Phú Mỹ Hưng, quận 7) cho biết: “Gần đây, tôi thấy sữa Pediasure của Abbott loại hộp 900gr được thay bằng loại hộp mới có trọng lượng 850gr. Giá bán lẻ của loại hộp 850gr này là 565.000 đồng/hộp. Là NTD, tôi không biết giá bán này có đúng với giá bán lẻ tối đa công bố không. Hộp sữa giảm đi 50gr nhưng giá bán chỉ thấp hơn loại hộp 900gr trước đây 5.000 đồng. Như vậy là mức giảm vẫn chưa tương xứng so với trọng lượng sữa giảm đi”.
Theo quy định, các doanh nghiệp có sản phẩm sữa đang lưu thông trên thị trường không thuộc danh mục 25 sản phẩm sữa áp giá trần cũng sẽ phải xác định giá bán tối đa căn cứ vào tương quan về trọng lượng, quy cách đóng gói, thông tin chất lượng với 25 sản phẩm thuộc danh mục. Từ đó đưa ra giá bán lẻ hợp lý trên thị trường. Vậy nhưng tới nay, gần như chỉ có các sản phẩm sữa nằm trong danh mục giảm giá bán lẻ, còn lại hàng trăm mặt hàng sữa nhập dành cho trẻ em dưới 6 tuổi vẫn được doanh nghiệp "làm ngơ" và neo giá bán ở mức cao, ví dụ như: Sản phẩm sữa Organic của Bellamy’s loại 900gr có giá khá cao, khoảng 720.500 đồng/hộp, nhãn sữa Humana Expert 800gr có giá dao động từ 483.800 - 493.800 đồng/hộp; các sản phẩm Goatamil, Goatlac của nhãn sữa Dairygoat có giá khá cao khoảng 597.900 – 585.900 đồng/hộp. Vậy thì quy định áp trần bán lẻ giá sữa thật sự đã có tác dụng?

Trao đổi với PV Báo Lao Động, ông Nguyễn Anh Tuấn - Cục trưởng Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính) - cho biết, cho đến ngày 25.6, cục đã cử các đoàn kiểm tra đến các địa phương để kiểm tra việc áp trần giá sữa. Nếu phát hiện các sản phẩm sữa không thực hiện đúng quy định, kết quả kiểm tra sẽ được báo cáo Bộ Tài chính để xử lý.   Q.T
(Theo Lao động) M.THOA - Thùy Linh - Hoàng Hà

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét