Đường lún, nứt: Bộ GTVT... đẩy lỗi về phía người dân?
Cập nhật lúc 08:24
(Tin tức thời sự) - "Hiện
nay, theo Bộ GTVT thì khẳng định do hai lỗi, lỗi thứ nhất và quan trọng nhất là do
xe quá tải, lỗi thứ hai là do thi công..."
Theo PGS.TS Phạm Xuân Mai - Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa
TP. Hồ Chí Minh, với quan điểm như vậy, dường như Bộ GTVT đang cố tình đẩy
trách nhiệm về phía người dân tham gia giao thông.
Nói xe quá tải là nguyên nhân lún, nứt là không chính xác
PV:- Gần đây, nhiều tuyến đường cao tốc như quốc lộ 18 (Uông Bí -
Hạ Long), quốc lộ 3 mới (Hà Nội - Thái Nguyên) dù được đầu tư hàng nghìn tỷ nhưng vừa
khánh thành đưa vào sử dụng được vài ngày đã xuất hiện tình trạng lún, nứt
nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, hàng loạt các tuyến cao tốc đã được đưa vào sử dụng
thời gian dài cũng đang có những dấu hiệu xuống cấp như TPHCM – Đông Tây, Thủ Thiêm
– Đại lộ Đông Tây. Đường mới, đường cũ đều bị xuống cấp, theo ông, nguyên do
dẫn đến hiện tượng đường xuống cấp này là vì đâu?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Theo tôi nguyên nhân thứ nhất,
là do chất lượng thiết kế đường cao tốc không chuẩn, không đạt yêu cầu, khảo
sát thiết kế cũng sơ sài. Giả sử như yêu cầu thiết kế cần bao nhiêu lớp, mỗi
lớp dùng loại vật liệu gì, kích cỡ, độ dày, độ bền…, thông thường thiết kế này
không làm được theo quy chuẩn đó, thậm chí còn thiết kế sơ sài.
Thứ hai, là do thi công ẩu, dùng vật liệu có chất lượng không chuẩn hoặc
thi công không đúng với thiết kế. Thứ ba, thay đổi khối lượng thi
công, sử dụng số lượng vật liệu không đúng, đáng lẽ là 10 khối thì giảm xuống
còn 5 khối….
Cuối cùng là khâu kiểm tra giám sát, thi công, thử nghiệm con đường
đó còn kém. Hầu như giám sát thi công buông lỏng, trước và sau khi làm xong
không hầu như có thử nghiệm nào, mà như thế cho chạy luôn, vậy thử hỏi tại sao không
lún, không nứt mặt đường?
PGS.TS Phạm Xuân Mai -
Khoa Kỹ thuật giao thông Trường ĐH Bách khoa TP. Hồ Chí Minh
|
Tuy nhiên, hiện nay, theo Bộ GTVT thì khẳng định do hai lỗi, lỗi
thứ nhất và quan trọng nhất là do xe quá tải, lỗi thứ hai là do thi
công. Dường như Bộ GTVT đang cố tình đẩy trách nhiệm về phía người dân
tham gia giao thông.
Thế nhưng, tôi khẳng định, xe quá tải chỉ là nguyên nhân phụ và nó
cũng chỉ là một phần nguyên nhân. Bởi vì, khi thiết kế một con đường phải đảm
bảo độ an toàn rất cao, xe quá tải chỉ có thể chở vượt tải khoảng 1,5-2 lần,
còn độ an toàn của con đường phải 3 - 4,5 lần, nên cho dù có quá tải, cũng chưa
thể lún hay nứt được mà phải trải qua thời gian sử dụng khá lâu.
Tuyến đường Sài Gòn – Biên Hòa và Xa lộ Đại Hàn ở Sài Gòn cũ do Mỹ
và Hàn Quốc xây dựng sau 50 năm sử dụng vẫn chưa bị lún cho dù có xe quá tải là
điều minh chứng thực tế nhất
Vì vậy, nói xe quá tải ảnh hưởng chính đến sự lún và xuống cấp các
tuyến đường cao tốc là chưa chính xác mà phải nói chất lượng thiết kế thi công
kém mới là nguyên nhân chính.
PV: - Để tìm rõ nguyên nhân cũng như khắc phục tình trạng này Bộ
GTVT đã thành lập Tổ nghiên cứu các giải pháp khắc phục hiện tượng hằn lún vệt
bánh xe. Nhưng trong khi giám sát công trình các cơ quan kiểm tra vẫn kết luận
tất cả đều minh bạch. Nếu như vậy thì tổ điều tra lún, hằn bánh xe theo ông có
tác dụng gì không?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Rõ ràng nếu như vậy, tổ kiểm tra
đó hoàn toàn không có tác dụng. Vì khi đường cao tốc hàng loạt bị lún, nứt như
vậy mà bảo là tất cả đều tốt, đều đúng quy trình, đều minh bạch thì dư luận
hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn đã có sự bắt tay giữa các đơn vị có liên quan?
Đường hư mà bảo đúng quy trình là không ai hiểu được.
Phải nói
rằng là trách nhiệm của tổ kiểm tra chưa hoàn thành. Nếu minh bạch, quy trình
đúng thì làm sao mà hư hỏng, xuống cấp được, mà nếu có hư hỏng thì tổ kiểm tra
phải công bố do đơn vị nào, khâu nào, phía nào, rõ ràng chứ không được công bố
chung chung giống như kiểu: "Tất cả quy trình đúng hết, mà con đường vẫn
hư".
Trách nhiệm lớn thuộc Bộ GTVT, Tổng cục đường bộ
PV: - Trên thực tế hiện nay, có một số tuyến đường, đặc biệt đường
làm từ thời Mỹ không gặp tình trạng lún, nút, nhìn vào đó chúng ta có thể suy ra
điều gì về việc thi công các công trình giao thông hiện nay không?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Đúng là như vậy,như đã nói ở trên như
tuyến xa lộ Sài Gòn - Biên Hòa, xa lộ Đại Hàn là những xa lộ thiết kế thi công
trong những năm 60, cách đây 50 năm nhưng vẫn không bị lún mặc dù xe quá tải
chạy qua nhiều chứ không ít.
Như vậy, chứng tỏ là họ làm khâu thi công, đến giám sát, thử nghiệm
rất tốt, đáng lẽ phải mang những con đường như vậy ra làm mẫu.
Hàng loạt tuyến đường cao tốc bị
lún
|
Vậy trách nhiệm thuộc ai, đó chính là thuộc về người thiết kế,
người chủ thi công và cơ quan giám sát, nhưng trách nhiệm lớn nhất là Bộ GTVT
và Tổng cục đường bộ. Những đơn vị ấy là đơn vị quản lý các chủ đầu tư, nếu để
xảy ra tình trạng xuống cấp thì phải đền bù, tự sửa chữa, chứ không phải lấy kinh phí nhà nước ra
để sửa chữa lại.
Bên cạnh đó, để minh bạch như các nước vẫn làm, chủ đầu tư cần gắn
biển quy hoạch thiết kế đường ở khu vực thi công, vẽ rõ con đường đó mặt cắt
ngang như thế nào, có bao nhiêu lớp dùng những vật liệu gì, độ dày bao nhiêu… để
người dân biết và kiểm tra, ngoài ra, cũng cần công bố cho người tham gia giao
thông biết con đường đó tuổi thọ bao nhiêu năm.
Trên thực tế hiện nay thì tất cả các tuyến đường đang thi công đều
không công bố những điều này, chỉ mập mờ thi công mà không ai biết. Thiết nghĩ,
phải công bố rõ ràng trước khi thi công để dân biết và dân kiểm tra.
PV: - Nếu vậy, việc Bộ GTVT kết luận các công trình đều minh bạch
cần phải nhìn nhận lại như thế nào? Nhiệm vụ của tổ điều tra lún, hằn này phải thực
hiện ra sao, cần điều tra đường hay điều tra thi công, điều tra người điều tra
lợi ích nhóm, thưa ông?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Theo tôi nên dùng Tổ điều tra độc lập,
tức là không nằm trong ngành GTVT, gồm các chuyên gia độc lập, trong đó có cả người dân,
ĐBQH và nhiều người khác tham gia, như thế mới được coi là minh bạch.
Bình thường ở các nước trên thế giới họ kiểm tra rất gắt gao, nhưng
ở chúng ta thường là người trong ngành còn cả nể, rồi quen biết và những lợi
ích nhóm đi kèm…, chính vì vậy Bộ GTVT nên lập tổ kiểm tra độc lập mời các
chuyên gia giao thông như đã nói.
Lãng quên tính bền vững
PV: - Hiện nay, người tham gia giao thông đang phải đóng rất nhiều
loại phí như quỹ bảo trì đường bộ, phí BOT, có nghĩa là người dân đang sử dụng đường
xá như một dịch vụ, cho nên nếu đường xấu thì dĩ nhiên không được thu phí là
đúng đắn.
Nhưng câu hỏi đặt ra ở đây là đã đóng quỹ bảo trì cả năm rồi vậy
quyền lợi người đi đường sẽ được bảo vệ sao, đúng không, thưa ông?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Nếu đường vừa thi công xong mà xuống cấp
thì dĩ nhiên không được thu phí, trái lại nếu có người dân tham gia giao thông
đi qua đoạn đường xuống cấp đó bị tai nạn, chết người, hư xe… thì đơn vị chủ
thi công còn phải đền bù cho họ.
Nếu chủ đầu tư không đền bù, trong trường hợp này người dân có thể
kiện, vì họ đã đóng các loại phí để làm đường và bảo trì đường. Có thể thông
qua một tổ chức dân cử để kiện tổ chức thi công đó, kiện dân sự, đó là quyền họ
có được.
PV: - Ông đánh giá như thế nào về hiệu quả của các biện pháp bảo vệ
đường của Bộ GTVT thời gian qua, vướng mắc đang nằm ở đâu mà đường thì vẫn xuống
cấp, dân thì vẫn phải đóng tiền?
PGS.TS Phạm Xuân Mai: - Hiện nay, Bộ GTVT mới chỉ đang thực hiện
một giải pháp là bắt buộc tất cả các loại xe giảm tải trọng theo tải trọng mặt
đường để bảo vệ đường, chứ không nghĩ đến chuyện nâng cấp cầu đường lên để bảo
vệ mặt đường.
Bộ GTVT
cần làm ngay việc quan trọng hơn là phải rà soát lại toàn bộ các công trình thi
công, phải sửa chữa, nâng cấp lại các cầu đường và phạt các đơn vị thi công
sai, phải yêu cầu chủ thi công hoàn trả lại con đường có chất lượng như họ đăng
ký trong hợp đồng BOT.
Thời gian tới, thứ nhất, Bộ cần phải khảo sát thiết
kế và thi công theo đúng chuẩn chất lượng của tiêu chuẩn giao thông đường bộ,
làm đúng như thế thì đường không bao giờ hư, ít nhất tuổi thọ tuyến đường cũng
phải 30-40 năm, nó cũng như tuổi thọ một căn nhà. Thứ hai, có quy
trình minh bạch để kiểm tra các thi công, các đơn vị thi công cầu đường đảm bảo
sau khi thi công là đúng với thiết kế yêu cầu.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận, thời gian qua, Bộ GTVT đã vào cuộc
kiên quyết với việc siết chặt xe quá tải để hạn chế tình trạng này nhưng những
biện pháp này lại đi sâu quá chi tiết vào công việc thiết kế chế tạo linh kiện ô tô của
nhà sản xuất, dẫm chân lên công việc của Bộ Công Thương về thiết kế chế tạo xe
và thực ra không một nước nào làm như vậy cả.
Đây mới chỉ là các biện pháp tạm thời, nên chưa có hiệu quả rõ rệt
trong khi lại bỏ quên việc quan trọng và có tính bền vững hơn là kiểm tra chất
lượng và nâng cấp cầu đường, phải làm và kiểm tra chặt chẽ, đừng để vừa sửa
chữa, nâng cấp xong lại tiếp tục hư hỏng như mặt đường cầu Thăng Long là một ví
dụ, rất nhiều tỷ đồng để sửa chữa, rồi đâu vẫn hoàn đó.
- Xin cảm ơn PGS.TS đã chia sẻ!
(Theo Đất Việt) Thanh Huyền thực
hiện
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét