7 lần vỡ đường ống
nước - Vinaconex né trách nhiệm đến cùng
Cập nhật lúc 10:06
Với vai trò là chủ đầu tư dự án đường
ống nước sông Đà, VINACONEX thực sự có trách nhiệm đến đâu khi đường ống nước
liên tục bị vỡ khiến hàng chục nghìn hộ dân sống khốn khổ trong cảnh mất nước?
Tiền tỷ trôi ra sông, trách nhiệm chỉ
vài dòng
Hệ thống cấp nước sạch sông Đà – Hà
Nội (VINACONEX) là một phần quan trọng của Dự án Hệ thống cấp nước chuỗi đô thị
Sơn Tây – Hòa Lạc – Xuân Mai – Miếu Môn – Hà Nội – Hà Đông do Tổng Công ty CP
Xuất nhập khẩu và Xây dựng Việt Nam (VINACONEX) làm chủ đầu tư.
Dự án được chia làm 2 giai đoạn với
công suất lên đến 600.000m3/ngày đêm. Năm 2008 đã hoàn thiện giai đoạn 1 và đưa
vào sử dụng. Được đầu tư tới hơn 1.500 tỷ đồng, sau khi được đóng mác “vàng”
chất lượng xây dựng Việt Nam (năm 2010), đến nay đường ống dẫn qua Đại lộ Thăng
Long liên tiếp bị vỡ tới 7 lần.
Sau 6 lần xảy ra sự cố khi câu hỏi về
nguyên nhân và trách nhiệm vẫn còn treo lơ lửng thì đêm ngày 17/6 đường ống
nước sông Đà tiếp tục vỡ lần thứ 7 lại đẩy hàng chục nghìn hộ dân vào cảnh mất
nước ít nhất trong 12 tiếng. Ngay sau đó, ngày 18/7, Bộ Xây dựng đã có ý kiến
chính thức về nguyên nhân và phân định trách nhiệm cụ thể đối với các bên liên
quan.
Về việc phân định trách nhiệm, Bộ Xây
dựng đã nêu lên trách nhiệm của đơn vị tổng thầu thiết kế, nhà sản xuất ống
composite cốt sợi thủy tinh, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát
thi công xây dựng và cuối cùng là chủ đầu tư – VINACONEX.
Trong thông báo của Bộ Xây dựng chỉ
ra rằng: “Đối với Chủ đầu tư, Ban quản lý dự án, Tổng Công ty CP Xuất nhập khẩu
và Xây dựng Việt Nam đã mạnh dạn, cố gắng và đi đầu trong việc áp dụng lần đầu
tiên ống composite cốt sợi thủy tinh trong cho tuyến ống truyền tải nước, tuy
nhiên chịu trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”. Vậy là sau
khi để ống sông Đà vỡ 7 lần, trách nhiệm của chủ đầu tư chỉ gói gọn “chịu trách
nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng”.
Theo ông Nguyễn Văn Tốn – Tổng Giám
đốc Công ty CP Nước sạch Vinaconex, mỗi lần sửa chữa khắc phục đường ống dẫn
nước sạch sông Đà bị vỡ, tốn kém tùy vào từng trường hợp cụ thể. Tuy chưa có
con số thống kê chính xác nhưng số tiền sửa chữa mỗi lần ít nhất cũng hơn 1 tỷ
đồng. Như vậy, sau 7 xảy ra sự cố, đường ống tiếp tục ngốn thêm đến cả chục tỷ
đồng.
Một công trình có giá trị 1.500 tỷ
đồng mà sau khi đi vào sử dụng được 6 năm đã phải đổ vào cả 10 tỷ đồng để sửa
chữa thì vấn đề trách nhiệm cũng cần được chỉ ra rõ ràng chứ không chỉ “chịu
trách nhiệm trong công tác tổ chức quản lý chất lượng” là xong.
Sự “mạnh dạn”, “cố gắng”, “đi đầu”
của VINACONEX?!
Như thông báo kết luận của Bộ Xây
dựng, trách nhiệm của đơn vị tổng thầu thiết kế là thiếu kinh nghiệm trong việc
lựa chọn các tiêu chuẩn áp dụng trong thiết kế tuyến ống nước sử dụng vật liệu
ống composite cốt sợi thủy tinh. Không đưa ra đầy đủ các yêu cầu kỹ thuật trong
quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống. Một đơn vị tổng thầu thiết kế thiếu
kinh nghiệm tại sao vẫn được VINACONEX lựa chọn?
Đơn vị tổng thầu không đưa ra đầy đủ
các yêu cầu kỹ thuật trong quá trình sản xuất, thi công, lắp đặt tuyến ống tại
sao vẫn còn được tham gia thực hiện dự án? Hay khi thực hiện chủ đầu tư
VINACONEX không biết, phải đợi đến khi có sự cố, Bộ Xây dựng vào cuộc việc này
mới được “vỡ lẽ”? Vấn đề này không thể không có trách nhiệm của chủ đầu tư.
Đối với các nhà thầu thi công xây
dựng phải chịu trách nhiệm trong công tác thi công để một số dị vật như đá khối
lớn, bê tông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh ống; thiếu tấm đan dàn tải tại
một số hầm chui dân sinh; để ống chịu tác động bất lợi trong quá trình vận
chuyển, cẩu dựng, lắp đặt. Gắn liền với trách nhiệm của các nhà thầu thi công
là trách nhiệm của nhà thầu giám sát thi công xây dựng đã “không giám sát chặt
chẽ, thiếu trách nhiệm đã để xảy ra các thiếu sót”.
Nhưng nói đi thì cũng phải nói lại,
khi nhà thầu thi công để thiếu tấm đan dàn tải tại một số hầm chui dân sinh, đá
khối lớn, bê tông lẫn vào lớp vật liệu cát đắp quanh nhà thầu giám sát thi công
có thể bị “qua mặt” nhưng thực sự VINACONEX cũng không biết gì? Một công trình
quan trọng của thủ đô với mức đầu tư 1.500 tỷ đồng, VINACONEX không thể giao
phó hoàn toàn, tin tưởng tuyệt đối cho nhà thầu giám sát thi công. Ông lớn
VINACONEX có lẽ thừa hiểu nguyên tắc này trong việc thực hiện dự án, thi công
xây dựng.
Còn đối với nhà sản xuất ống
composite cốt sợi thủy tinh đã lựa chọn công nghệ và kiểm soát quá trình gia
công chế tạo chưa chặt chẽ nên chất lượng ống không đồng đều, bong rộp, tách
lớp tại một số vị trí. Không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý minh chứng cho
độ bền dài hạn của ống theo tiêu hạn.
Hiểu về trách nhiệm của nhà sản xuất
ống composite dư luận đặt ra câu hỏi không có các thí nghiệm về chỉ tiêu cơ lý
minh chứng cho độ bền dài hạn của ống theo tiêu chuẩn tại sao chủ đầu tư vẫn
lựa chọn. Việc lựa chọn này có thực sự là “mạnh dạn”, “cố gắng” và “đi đầu”?
Với vai trò là chủ đầu tư VINACONEX
là người có tiếng nói và đưa ra quyết định sau cùng về việc chọn lựa đơn vị
tổng thầu thiết kế, các nhà thầu thi công xây dựng, nhà thầu giám sát đến nhà
sản xuất ống composite. Là người có quyền lựa chọn, trách nhiệm của VINACONEX
cũng gắn với trách nhiệm của các đơn vị thực hiện dự án.
Đối với những sự cố xảy ra trên đường
ống nước sông Đà rõ ràng là đã có tổn thất và thiệt hại nên việc phân định
trách nhiệm của các chủ thể có liên quan là cần thiết và việc phân định trách nhiệm
thì không thể cào bằng.
Không phải ngẫu nhiên có ta chọn ra
người “đứng mũi chịu sào”. Trở thành “người đứng mũi” hơn ai hết VINACONEX thừa
hiểu trách nhiệm của chính mình.
Bộ Xây dựng có khẳng định rằng về
trách nhiệm các bên sẽ tiếp tục được xác định cụ thể và dư luận hy vọng trách
nhiệm sẽ thực sự được xác định cụ thể rõ ràng. Sau những sự cố trên liệu
VINACONEX có thực sự tiếp tục “gánh vác” được xứ mệnh người “đứng mũi chịu sào”
để tiếp tục triển khai đầu tư xây dựng tuyến ống truyền dẫn cấp nước sạch giai
đoạn II?
(Theo Vietnamnet) Hồng Khanh
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét