‘Kịch
bản’ giá tái hiện
Cập nhật lúc 08:37
Kịch bản giá
USD đang diễn ra y như với giá
vàng khoảng 1 tháng trước đây nhưng rủi ro còn lớn hơn. Tỷ giá đã
tăng liên tục 2 tuần qua, đặc biệt trong một số phiên, mức tăng rất mạnh, lên
tới 40 - 50 đồng/USD. Điều rủi ro là tỷ giá tăng không dựa trên một can cớ
nào.
Trước nay, tỷ giá chỉ tăng khi nguồn cung không đáp ứng
nổi nhu cầu ngoại tệ. Nhưng ở thời điểm hiện tại, mọi yếu tố đều đang hỗ trợ
rất tốt cho việc ổn định tỷ giá. Cụ thể, nền kinh tế đang lập kỷ lục về xuất siêu
khi 4 tháng đầu năm thặng dư thương mại lên tới trên 2 tỉ USD. Tính đến hết
tháng 5, chúng ta vẫn duy trì tình trạng xuất siêu với giá trị 1,65 tỉ USD;
dự trữ ngoại hối của NHNN cũng đang ở mức kỷ lục với 35 tỉ USD; đầu tư trực
tiếp nước ngoài ở nhiều tỉnh, thành tăng đột biến; lượng kiều hối chuyển về
nước vẫn tăng đều... Nói một cách dễ hiểu thì nền kinh tế đang khá "giàu
có" về ngoại tệ. Trong khi đó "đầu cầu" lại khá bình lặng bởi
các DN chưa rơi vào mùa thanh toán hợp đồng xuất nhập khẩu. Cung mạnh - cầu
yếu, theo quy luật tỷ giá nếu không giảm cũng chỉ có thể đứng yên. Ấy vậy mà
trên thị trường, tin đồn sắp tăng tỷ giá cứ được rỉ tai nhau truyền đi. Trong
tâm lý lo ngại diễn biến căng thẳng ở biển Đông, không ít người đã "sập
bẫy" chiêu kích giá, lao vào mua "đô" với giá cao.
Nếu để ý có thể thấy, diễn biến đồng USD hiện tại không
khác gì với kịch bản giá vàng trước đó. Ngay khi Trung Quốc đặt trái
phép giàn khoan Hải Dương-981 trong vùng biển của VN, trong sự lo lắng, nhiều
người đã tìm đến vàng như một nơi trú ẩn để bảo toàn vốn khiến giá vàng tăng
mạnh, tạo cơ hội cho giới đầu cơ "làm bàn". Đúng như dự báo, vàng nhanh
chóng quay đầu giảm giá, đến phiên hôm qua đã trượt xuống dưới ngưỡng 36
triệu đồng/lượng. Rất nhiều người lao đi mua vàng giá cao trước đó đang đứng
ngồi không yên khi mất cả triệu đồng mỗi lượng chỉ trong một thời gian ngắn.
Trước vàng, hàng loạt nhà đầu tư trong nước cũng đã phải trả giá khi hốt
hoảng bán tháo cổ phiếu với giá rẻ rồi ngậm ngùi nhìn các nhà đầu tư ngoại
"thu hoạch". Trở lại vấn đề tỷ giá đang nóng hiện nay, đặt trường
hợp NHNN bán USD can thiệp thị trường, tỷ giá chắc chắn sẽ giảm mạnh. Những
người "ôm" USD sẽ lỗ nặng. Nhìn lại từ năm 2011, khi NHNN cam kết
giữ ổn định tỷ giá đến nay đã có 4 lần tin đồn tăng tỷ giá được tung ra nhưng
tất cả đều là "tin vịt". Lần thứ 5 này lại càng khó trở thành sự
thật hơn khi nguồn cung ngoại tệ của nền kinh tế đang hết sức dồi dào như
phân tích trên.
Vấn đề căng thẳng ở biển Đông không phải chuyện một sớm
một chiều có thể giải quyết. Vì vậy, đây là lúc cần nhất sự "đồng tâm,
hiệp lực" của tất cả mọi người trên mọi phương diện, mọi lĩnh vực. Không
để những tin đồn thất thiệt làm hoang mang, gây nhiễu thị trường, để NHNN tập
trung triển khai đưa vốn rẻ nhất, nhanh nhất tới các ngư dân đóng thuyền vỏ sắt,
công suất lớn, giúp họ vươn khơi, bám biển và giữ chủ quyền biển đảo cũng là
một cách thể hiện lòng yêu nước.
Các nhà đầu tư nước ngoài bị thiệt hại trong sự cố kẻ xấu
lợi dụng lòng yêu nước của người dân đập phá công ty sau khi được Chính phủ
cam kết bảo đảm môi trường đầu tư đều đã yên tâm hoạt động kinh doanh trở lại.
Không lẽ chúng ta, mỗi người dân lại không đủ kiên định để giữ ổn định thị
trường, trước hết là để bảo vệ tài sản của chính mình, góp phần phát triển
kinh tế, tạo tiềm lực vững chắc cho việc bảo vệ chủ quyền dân tộc?
(Theo
Thanh niên) Nguyên Hằng
|
Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2014
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét