Thứ Hai, 9 tháng 6, 2014

Hành động của Trung Quốc mang bản chất kẻ đi xâm lược

Cập nhật lúc 08:21

TP - Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân, Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình, nguyên ủy viên T.Ư Đảng, nguyên Chính ủy Quân chủng Hải quân có cuộc trao đổi với Tiền Phong, về bản chất hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển nước ta của Trung Quốc, cũng như tư tưởng bá quyền nước lớn và ý đồ độc chiếm biển Đông của quốc gia này.

Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cho rằng nếu chúng ta không đấu tranh quyết liệt hơn, thì không chỉ xuất hiện một giàn khoan 981
 
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình cho rằng nếu chúng ta không đấu tranh quyết liệt hơn, thì không chỉ xuất hiện một giàn khoan 981

Ông đánh giá như thế nào về hành động đưa giàn khoan trái phép vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam của Trung Quốc?
Mặc dù Trung Quốc chưa sử dụng ồ ạt quân đội cùng lực lượng binh khí kỹ thuật để tiến hành như một cuộc chiến tranh xâm lược nhưng hành động đưa giàn khoan Hải Dương 981 vào thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam một cách trái phép, với sự hộ tống của nhiều tàu quân sự, máy bay thì tôi khẳng định đây là hành động mang bản chất của kẻ đi xâm lược.
Mưu đồ của Trung Quốc trong sự việc này là gì?
Đây là bước đi nhằm thực hiện cho âm mưu hiện thực hóa cái gọi là đường 9 đoạn (đường lưỡi bò). Đây cũng là chủ trương, ý đồ chiến lược lâu dài, nhất quán của nhiều thế hệ lãnh đạo của Trung Quốc nhằm độc chiếm biển Đông và họ đang từng bước thực hiện âm mưu này.

 
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình

Theo tôi, họ đưa giàn khoan vào vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam không chỉ đơn thuần là mục đích kinh tế. Mặc dù Trung Quốc có nhu cầu rất lớn về dầu khí nhưng đây không phải là mục đích chính mà là để thăm dò phản ứng, thái độ đấu tranh của lãnh đạo và nhân dân Việt Nam cũng như phản ứng của ASEAN và cộng đồng quốc tế, dần biến nơi này thành khu vực có tranh chấp, nhằm chứng minh và hợp thức hóa luận điểm sai trái của họ về đường 9 đoạn.
Nếu ta không nắm được bản chất sự việc và không đấu tranh liên tục, mạnh mẽ hơn và quyết liệt hơn, thì không chỉ xuất hiện một giàn khoan Hải Dương 981 mà sẽ có thêm nhiều giàn khoan trái phép tương tự trên vùng biển của ta.
Nhiều học giả cho rằng Trung Quốc vẫn chỉ là “hổ giấy”. Ông nghĩ sao về điều này?
Chúng ta phải thừa nhận là thập kỷ vừa qua, nền kinh tế của Trung Quốc đã có những bước phát triển nhanh, mạnh. Đi đôi với phát triển kinh tế là sự đầu tư cho quốc phòng an ninh, đặc biệt là lĩnh vực quân sự. Những năm gần đây, Trung Quốc luôn chú ý phát triển quân sự, trong đó ưu tiên cho phát triển hải quân. Sở dĩ như vậy vì họ luôn có tư tưởng, ý đồ độc chiếm biển Đông.
Hiện nay, biển được coi là chiến lược phát triển của mọi quốc gia, không chỉ về kinh tế mà còn là vấn đề địa chính trị, quân sự. Tuy nhiên, điều đó cũng không có nghĩa là sức mạnh kinh tế, quân sự và lĩnh vực hải quân của Trung Quốc đã là “đáng sợ” và vô địch thế giới. Đồng thời, những vấn đề nội tại của Trung Quốc hiện nay cũng đang chỉ ra nhiều điểm yếu của họ.
Như tôi đã nói ở trên, những hành động vừa qua của Trung Quốc ở khu vực biển Đông, với những động thái nhằm vào Việt Nam, Philippines, Nhật Bản là để “nắn gân” chúng ta và các nước, đồng thời là “phép thử” thái độ một số nước với đồng minh của họ, ví dụ như thái độ của Mỹ đối với Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Đây còn là hành động nhằm biểu dương lực lượng, khoe sức mạnh quân sự của Trung Quốc. Nếu chúng ta không nắm được bản chất của vấn đề, thì sẽ nhụt chí, rơi vào bẫy của họ, khi đó Trung Quốc sẽ lấn tới để thực hiện ý đồ mà họ đặt ra.
Xâu chuỗi các sự kiện Trung Quốc cưỡng chiếm Hoàng Sa năm 1974, xâm lược tuyến biên giới phía bắc năm 1979, đánh chiếm một số điểm đảo ở Trường Sa năm 1988 và gần đây là các hành vi gây hấn, xâm phạm vùng biển thuộc chủ quyền Việt Nam, ông đánh giá như thế nào về ý đồ của Trung Quốc đối với Việt Nam?
Từ trước đến nay, Trung Quốc luôn thể hiện tư tưởng bá quyền nước lớn, luôn muốn đè bẹp, bắt nạt và thu phục các nước xung quanh họ. Điều này đã được thế giới biết đến và nói đến.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc luôn thể hiện điều này, từ các triều đại phong kiến và cho đến bây giờ càng được họ bộc lộ rõ hơn. Việc Trung Quốc gây ra “sự kiện giàn khoan Hải Dương 981” vào thời điểm này đã được họ tính toán và chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho mưu đồ cốt lõi nhằm độc chiếm biển Đông. Tuy nhiên, chúng ta cần nhớ rằng, trong lịch sử hàng nghìn năm của dân tộc ta, từ các cuộc đấu tranh giành quyền tự chủ thời phong kiến của ông cha ta cho đến các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ để giành độc lập dân tộc, cũng như trong các cuộc chiến tranh chống xâm lấn, bành trướng sau này, chưa bao giờ chúng ta có ưu thế về vũ khí trang bị so với đối phương. Nhưng Việt Nam đều kết thúc các cuộc chiến đó thắng lợi.
Ngoài sự chính nghĩa và chủ trương đấu tranh hòa bình cùng sự ủng hộ của các quốc gia tiến bộ trên thế giới trước sự kiện giàn khoan Hải Dương 981, chúng ta cần có thêm yếu tố nào để có thể bảo vệ vững chắc chủ quyền quốc gia, dân tộc?
Đó là sự đoàn kết thống nhất một lòng từ trên xuống dưới của toàn dân tộc, từ lãnh đạo đến người dân, từ quân đội đến nhân dân, từ đồng bào trong nước đến kiều bào ở nước ngoài.
Hiện nay, chúng ta cần tiếp tục làm cho mọi người dân Việt Nam hiểu sâu sắc về vấn đề chủ quyền thiêng liêng và kiến thức về biển đảo, về luật pháp quốc tế liên quan đến chủ quyền biển đảo của chúng ta. Đặc biệt là cần có một chương trình giáo dục bài bản, lâu dài cho thế hệ con cháu chúng ta về những vấn đề này.
Bởi nếu Trung Quốc rút giàn khoan về thì cũng không có nghĩa là sự việc sẽ dừng lại ở đó, vì chúng ta cần xác định mục tiêu của Trung Quốc ở biển Đông là vấn đề lâu dài. Lịch sử và thiên nhiên đã đặt vị trí địa lý của chúng ta và Trung Quốc ở cạnh nhau, nên các thế hệ con cháu chúng ta sẽ phải ghi nhớ điều này để luôn luôn bảo vệ và giữ vững chủ quyền.
Mặt khác, bằng nhiều kênh tuyên truyền, ngoại giao, chúng ta cũng cần làm cho nhân dân Trung Quốc hiểu rằng chúng ta yêu hòa bình, không muốn chiến tranh, vì nếu nhân dân Trung Quốc bị lãnh đạo của họ bưng bít thông tin, tuyên truyền sai lệch dẫn đến hiểu sai bản chất sự việc thì họ sẽ bị kích động về chủ nghĩa dân tộc.
Tăng cường sức mạnh quân sự có phải là giải pháp tối ưu của chúng ta ở thời điểm này?
Trong tình hình thế giới hiện nay và để bảo vệ chủ quyền của đất nước, tôi cho rằng việc tăng cường sức mạnh quân sự là quan trọng. Dân tộc ta yêu chuộng hòa bình, luôn sẵn tinh thần hòa hiếu nhưng về mặt quân sự, chúng ta phải luôn sẵn sàng và chuẩn bị mọi phương án. Đất nước chúng ta luôn bị kẻ thù nhòm ngó và chú ý.
Trong sự việc vừa qua, bên cạnh những sự ủng hộ tích cực của quốc tế, chúng ta cũng cần tỉnh táo, đề phòng mọi sự kích động để tránh những đụng độ không cần thiết.
Xin cảm ơn ông!
Phó Đô đốc Nguyễn Văn Tình sinh năm 1945, quê ở vùng biển Giao Thủy, Nam Định. Trưởng thành từ lực lượng đặc công nước tinh nhuệ, ông có những trận đánh để đời ở Cửa Việt, Đông Hà (Quảng Trị) trong chiến tranh chống Mỹ.
Ông từng giữ nhiều vị trí quan trọng như Đoàn trưởng Đoàn Đặc công Hải quân 126, Phó Tư lệnh Binh chủng Đặc công, Bí thư Đảng ủy - Chính ủy Quân chủng Hải quân, Ủy viên T.Ư Đảng khóa IX, Ủy viên Quân ủy T.Ư. Ông được phong Anh hùng LLVTND năm 1969, thụ phong quân hàm Chuẩn Đô đốc và Phó Đô đốc vào các năm 2001 và 2004.
(Theo Tiền phong)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét