Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

 07:26

Tàu lặn 100 triệu ‘nổi’ lên 130 tỉ


TAND TP.HCM đã tống đạt quyết định đưa vụ án tham nhũng tại Công ty cho thuê tài chính II do Vũ Quốc Hảo chủ mưu ra xét xử sơ thẩm từ ngày 6 đến 20.11. Vụ án này đã thu hút sự quan tâm của dư luận từ giai đoạn điều tra, đặc biệt là với thủ đoạn nâng khống giá trị thiết bị tàu lặn lên đến 1.300 lần.

Tàu lặn 100 triệu ‘thổi’ lên 130 tỉ
Minh họa: DAD
Năm 2006, Vũ Quốc Hảo được bổ nhiệm làm Tổng giám đốc Công ty cho thuê tài chính II (ALCII thuộc Agribank). Sau đó lên nắm chức Chủ tịch Hội đồng quản trị nhưng vẫn kiêm Tổng giám đốc. Theo cơ quan điều tra, từ vị thế này, Hảo đã tự tung tự tác.
Liên minh “ma quỷ”
Đặng Văn Hai, chủ một loạt các doanh nghiệp như Công ty TNHH Quang Vinh, Công ty Sài Gòn Phú Hải Cường, Công ty Tân Thế Giới, Công ty Sao Mai, Công ty Hải Hà, Công ty Hải Cường và DNTN Ngọc Bích từ 2007 đã là khách hàng “ruột” của ALCII và thân tín với Hảo. Người thứ hai là Trần Văn Khanh (Tổng giám đốc Công ty Phúc Long). Khanh thành lập 8 công ty, trực tiếp làm giám đốc 2 công ty Phúc Long và Phúc Minh Long. Khanh huy động vốn từ ALCII cho các dự án của Phúc Long, mặc dù ALCII hoàn toàn không có chức năng cho vay. Trong khi đó, Hoàng Ngọc Tuấn (Công ty Phúc Long) là em kết nghĩa với Hảo, giúp Hảo huy động vốn. Bộ ba này gắn bó mật thiết suốt thời gian dài. Khi Hảo duyệt cho Hai vay tiền thông qua các hợp đồng khống, Hai trích ra chia cho Tuấn và Khanh...
Khi ALCII lâm cảnh thua lỗ, nợ xấu lớn, để đối phó với đoàn thanh tra, Hảo đề ra chính sách huy động vốn từ các tổ chức tín dụng thưởng phí hoa hồng cao; đồng thời chỉ đạo nhân viên dưới quyền ưu ái các hợp đồng cho thuê tài chính núp bóng cho vay của nhóm công ty thân tín.
Giữa tháng 2.2009, Hảo gọi điện thoại cho Lê Văn Phong, Phạm Minh Tuấn và Khương Minh Hiệp (Tổng giám đốc Công ty Đại Phú Gia) cho biết ALCII đang gặp khó khăn về tài chính, nợ xấu quá nhiều và nhờ 3 giám đốc này ký hợp đồng thuê tài chính và bên cung ứng là Công ty Quang Vinh của Hai để hoàn tất về mặt thủ tục. Phong và Tuấn là chỗ thân tín còn Hiệp thì đang xin ALCII đầu tư vốn thuê tàu nên đã gật đầu giúp. Kết quả là Hảo ký 3 hợp đồng khống với các công ty của Phong, Tuấn, Hiệp và Hai để rút hơn 263 tỉ đồng. Trong đó hơn 229 tỉ đồng được sử dụng để trả nợ xấu cho gần 30 doanh nghiệp…
Bán tài sản cho thuê lấy tiền chia nhau
Đầu năm 2007, Hai gặp ông Nguyễn Tiến Là (chủ DNTN Hồng Hoàng) hỏi mua xe cẩu lớn. Ông Là chào hàng xe cẩu trục bánh xích hiệu Hitachi Sumitomo xuất xứ Nhật Bản, nhập khẩu từ Singapore giá  hơn 2 triệu USD. Sau khi Hai đặt cọc, Là tiến hành nhập khẩu chiếc xe trên và cung cấp cho Hai bản sao bộ chứng từ nhập khẩu chiếc xe. 7 tháng sau, Hai không thanh toán tiền mua xe buộc lòng Là phải bán chiếc xe trên cho một doanh nghiệp ở Hồng Kông để lấy tiền trả nợ ngân hàng. Nhưng có bộ chứng từ này, Hai đã tẩy xóa nội dung nâng giá xe cẩu lên 5 triệu USD, điền tên DNTN Ngọc Bích vào thay cho Công ty Hồng Hoàng và bàn với Hảo là có xe cẩu bánh xích nhập về trả chậm bán cho ALCII để tái thuê. Hảo đồng ý, Hai được giải ngân 93 tỉ đồng. Phi vụ này đã làm thiệt hại cho nhà nước hơn 60 tỉ đồng.
Đến cuối năm 2007, thông qua hợp đồng cung ứng tàu biển cho ALCII, Hảo quen biết với Lê Đoàn Tám (Giám đốc Công ty TNHH đóng tàu Đại Dương, Hải Phòng). Hảo nhiều lần vay tiền của Tám. Trong đó có 2 lần Hảo vay của Tám 60 tỉ đồng để đầu tư vào dự án căn hộ ở tỉnh Bình Dương (của Lê Văn Phong, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Hàm Rồng) và mua đất tại Q.7 (TP.HCM). Ngoài ra, Hảo còn thỏa thuận với ông Tô Phước Vĩnh (Giám đốc Công ty TNHH Tô Châu) bán mảnh đất trạm dừng chân ở Cái Bè (Tiền Giang) với giá 79 tỉ đồng cho công ty sân sau của gia đình Hảo là Cát Long Hải. Cuối 2008, Tám nhiều lần yêu cầu Hảo thanh toán nợ và lãi tổng cộng là 75 tỉ đồng. Để có tiền trả nợ, Hảo hợp đồng mua bán khống với Hai, giải ngân trót lọt 120 tỉ đồng.
Trong một phi vụ khác, DNTN Anh Phương (cũng của Lê Văn Phong) ký 7 hợp đồng thuê tài chính với ALCII, trong đó có 3 hợp đồng chưa tất toán với giá trị trên 37 tỉ đồng. Ngày 5.4.2006, ALCII ra quyết định thu hồi toàn bộ số tài sản của 3 hợp đồng này do hư hỏng không hoạt động được. ALCII giao cho Anh Phương 22 xe ô tô để sửa chữa. Nhưng sau đó Hảo đã đồng ý đem bán sạch lô xe này lấy tiền chia nhau.
 Thổi giá tàu lặn
Năm 2003, Hảo chỉ đạo thành lập công ty sân sau mang tên Cát Long Hải, phân công Phạm Minh Tuấn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị, Vũ Đức Hòa làm Giám đốc.
Với mục đích để làm chủ sở hữu gần 89.500 m2 đất trạm dừng chân Miền Tây tại Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và có tiền thanh toán nợ xấu cho các công ty sân sau của mình, Hảo đã bàn bạc, thống nhất với Phạm Minh Tuấn thực hiện việc hợp pháp hóa nguồn gốc thiết bị lặn Tinro 2 là tài sản do một doanh nhân người Nhật giao cho Công ty Cát Long Hải sử dụng. Theo chỉ đạo của Hảo, thiết bị lặn này được vận chuyển ra Hải Phòng và cố tình để hải quan bắt giữ, tịch thu, bán đấu giá và mua lại với giá khoảng 100 triệu đồng.
 Sau khi hợp pháp hóa được nguồn gốc, Hảo chỉ đạo nhân viên Công ty Cát Long Hải thông qua Hoàng Lộc, Tổng giám đốc Công ty Vivaco, để thẩm định, nâng giá thiết bị tàu lặn lên 130 tỉ đồng (nâng giá lên đến 1.300 lần). Sau đó, Hảo chỉ đạo các bộ phận nghiệp vụ căn cứ vào kết quả thẩm định giả này, lập hồ sơ cho thuê tài chính, lập hồ sơ mua, bán tàu Tinro 2 với giá 130 tỉ đồng để giải ngân số tiền 130 tỉ đồng, lãi suất khoảng 1,17%/tháng, thời hạn 60 tháng.
Đến nay, Công ty Cát Long Hải vẫn nợ ALCII 130 tỉ đồng tiền gốc và không có khả năng thanh toán.
Cơ quan tố tụng cho biết, từ giữa năm 2009 Agribank đã phát hiện, do thực hiện việc kinh doanh, huy động vốn trái nguyên tắc, ALCII bị mất cân đối vốn khoảng 7.000 tỉ đồng. Tiếp đó, Kiểm toán Nhà nước cũng xác định năm 2009 ALCII lỗ tới 3.000 tỉ đồng, chưa kể nếu phải trích lập dự phòng rủi ro các khoản đầu tư tài sản cho thuê thì khoản lỗ sẽ tăng thêm hơn 1.260 tỉ đồng. Vào tháng 4.2011, cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước bước đầu cũng xác định ALCII thiệt hại trên 1.800 tỉ đồng.
(Theo Thanh niên) Lê Nga

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét