Thứ Sáu, 22 tháng 11, 2013

15:01

 Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM):

“Đuổi” bệnh nhân ung thư sang dịch vụ


TT - Nhiều người nghèo ý thức mua bảo hiểm y tế để được chữa trị khi mắc bệnh hiểm nghèo. Thế nhưng khi họ mắc phải bệnh ung thư, cầm thẻ bảo hiểm y tế đến Bệnh viện Ung bướu (TP.HCM) thì bị buộc phải lựa chọn: hoặc khám dịch vụ hoặc chờ... không biết đến bao giờ.

 
Bệnh nhân chờ đăng ký uống iôt phóng xạ tại khoa y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu TP.HCM - Ảnh cắt từ clip quay ngày 25-10                                   
Sáng 18-10, hàng chục người chen nhau đăng ký tại khu vực siêu âm Bệnh viện Ung bướu. Vừa thoát ra khỏi đám đông, ông N.N.T. (52 tuổi, quê Bình Thuận, bị ung thư vòm họng) cho biết ông phải đi từ tối hôm trước vào TP.HCM nhưng đến gần 10g sáng mới đến lượt đăng ký siêu âm.
“Nhân viên bệnh viện nói nếu siêu âm dịch vụ thì chiều nay được làm. Còn dùng thẻ BHYT phải chờ ba ngày nữa. Do không đủ tiền siêu âm dịch vụ và những xét nghiệm khác nên tôi đành phải chờ. Nhưng ở lại đây ba ngày tới tôi không biết ngủ ở đâu” - ông T. thở dài.
“Có bỏ bảo hiểm hay không?”
Nhiều ngày có mặt tại Bệnh viện Ung bướu, chúng tôi chứng kiến nhiều bệnh nhân nghèo phải ứa nước mắt, chấp nhận bỏ BHYT, chi nhiều tiền để dùng đủ loại dịch vụ.
Sáng 4-11, tại quầy hướng dẫn siêu âm, hễ bệnh nhân nào đưa sổ khám bệnh BHYT ra thì hai nhân viên nữ liền tỏ vẻ khó chịu. Nhận sổ khám từ anh Thành (43 tuổi, quê Trà Vinh), nhân viên tên C. cau mày: “Làm ngoài giờ hay trong giờ? Trong giờ phải chờ lịch hẹn, ngoài giờ làm sớm hơn. Chọn loại nào?”.
Anh Thành hỏi làm trong giờ sao phải chờ. Nhân viên này lớn giọng: “Người ta đăng ký siêu âm BHYT mấy ngày nay mà chưa tới lượt. Làm bảo hiểm thì chiều mai. Còn làm dịch vụ thì được làm trong hôm nay hoặc 6g ngày mai. Chọn giờ nào? Có bỏ bảo hiểm hay không?”.
Anh Thành suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Thôi cô cho tôi làm dịch vụ, chứ chờ đến ngày mai thì tối nay ngủ ở đâu”. Nhân viên này yêu cầu anh Thành ký vào một tờ giấy với nội dung tự nguyện chuyển sang dùng dịch vụ...
Chưa hết, nhân viên khu siêu âm còn thông báo cho bệnh nhân nếu siêu âm BHYT thì... ba ngày sau mới có kết quả, còn siêu âm dịch vụ chỉ 15 phút lấy kết quả nên không ít người ở tỉnh khác đành bỏ BHYT qua khám dịch vụ.
Theo quan sát của chúng tôi, trong hai giờ (từ 8g-10g ngày 4-11), 50 bệnh nhân đăng ký siêu âm thì có đến 36 người có BHYT phải chuyển sang dịch vụ. Trong khi đó tại khu vực này, lượng bệnh nhân siêu âm trong giờ hành chính khá thưa thớt, không hề quá tải như lý do nhân viên đưa ra.
Dùng thẻ BHYT, 1 tháng sau mới có thuốc!
"Trong một tuần, bệnh viện siêu âm trong giờ hành chính (không có dịch vụ - PV) khoảng 3.600 lượt, còn dịch vụ ngoài giờ dưới 1.000 lượt. Chỉ khi nào lượt siêu âm dịch vụ tăng đột biến mới có thể nghi ngờ nhân viên cố tình đẩy bệnh nhân qua dịch vụ"
Bác sĩ ĐẶNG HUY QUỐC THỊNH 
(phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu)
Sáng 28-10, hơn chục bệnh nhân đang điều trị tại khoa y học hạt nhân Bệnh viện Ung bướu vây quanh bàn quầy hướng dẫn để làm thủ tục đều được thông báo phải chờ một tháng sau mới được uống thuốc iôt phóng xạ!
Trong số đó có chị T.T.L.H. (ngụ Q.12, bị ung thư tuyến giáp) với khuôn mặt xanh xao, chui đầu hẳn vào ô kính để đăng ký uống thuốc iôt phóng xạ và xạ hình toàn thân.
“Đúng 13g30 ngày 25-11 chị đến đây sẽ được uống thuốc. Còn nếu không chờ được thì chuyển sang dịch vụ, đóng liền 4 triệu đồng sẽ được xạ hình toàn thân ngay và năm ngày sau sẽ được uống thuốc” - một nhân viên nói lạnh lùng.
Đắn đo một hồi, chị H. quyết định uống thuốc dịch vụ, còn xạ hình sẽ làm BHYT thì nhân viên này tắc lưỡi, giọng bực dọc: “Không, rắc rối lắm. Cái dịch vụ, cái bảo hiểm lôi thôi lắm. Người ta đăng ký một loạt như vậy, chị làm nửa vời sẽ nhầm. Người làm quyết toán cũng nhầm. Đây là quy định chung của bệnh viện”.
Nói xong, nhân viên này bỏ đi lên lầu. Chị H. lật đật chạy theo năn nỉ cho được xạ hình toàn thân theo diện BHYT nhưng không được nên đến quầy dịch vụ đóng trọn 4 triệu đồng!
Thiệt thòi cho bệnh nhân
Đó là thừa nhận của bác sĩ Đặng Huy Quốc Thịnh - phó giám đốc Bệnh viện Ung bướu - về việc bệnh nhân phải bỏ BHYT sang khám dịch vụ.
Theo ông Thịnh, nguyên nhân dẫn đến tình cảnh này của bệnh nhân là do bệnh viện quá tải! “Bệnh viện có sáu máy siêu âm nhưng không đáp ứng được nhu cầu của bệnh nhân nên nhiều trường hợp làm không kịp trong ngày, phải hẹn sang ngày khác. Bệnh nhân nào không thể chờ thì có thể tự nguyện dùng dịch vụ ngoài giờ. Tất nhiên khi dùng dịch vụ thì bệnh nhân sẽ thiệt thòi vì đóng tiền nhiều hơn” - ông Thịnh nói.
 
Nhân viên khoa y học hạt nhân thông báo với bệnh nhân: dùng bảo hiểm y tế thì một tháng sau mới được uống thuốc iôt phóng xạ 131 - Ảnh: M.MẪN (cắt từ clip)
Bác sĩ Thịnh cũng thừa nhận có việc một số bệnh nhân đã tới thời điểm phải điều trị bằng iôt phóng xạ nhưng phải chờ đợi vì có khi nơi cung cấp không sản xuất kịp mẻ thuốc iôt phóng xạ hoặc do trục trặc trong vận chuyển.
“Cũng có lúc có thuốc nhưng do bệnh nhân quá đông nên phải sắp xếp lịch uống thuốc, thời gian có thể kéo dài cả tháng. Vì thế có không ít bệnh nhân phải chuyển sang dùng dịch vụ với giá cao” - ông Thịnh nói.
Ông Thịnh giải thích thêm rằng dù dùng dịch vụ nhưng bệnh nhân có thẻ BHYT vẫn được thanh toán theo chế độ này, chỉ phải đóng thêm khoản tiền chênh lệch giữa giá dịch vụ và giá do cơ quan bảo hiểm thanh toán.
Cũng theo bác sĩ Thịnh, không chỉ riêng khoa y học hạt nhân, nhiều khoa khác bệnh viện cũng phải hẹn vì người bệnh quá đông.
“Bệnh nhân nào có điều kiện thì tự nguyện chuyển qua dùng dịch vụ chứ không ai ép cả. Nhân viên nào mới cầm sổ đã gợi ý cho bệnh nhân dùng bảo hiểm hay dịch vụ là làm sai quy định của bệnh viện. Tôi sẽ làm việc lại với các khoa. Nếu có tình trạng trên sẽ nghiêm khắc xử lý” - bác sĩ Thịnh nói.
Trả lời câu hỏi của chúng tôi: “Lãnh đạo bệnh viện có đau lòng, bức xúc trước tình cảnh nhiều bệnh nhân BHYT phải đóng thêm tiền dịch vụ mới được khám chữa bệnh sớm?”, bác sĩ Lê Hoàng Minh - giám đốc Bệnh viện Ung bướu TP - nói: “Chúng tôi rất chia sẻ với những vất vả của bệnh nhân khi phải chờ đợi quá lâu. Bệnh viện rất mong rút ngắn được thời gian chờ đợi siêu âm cho bệnh nhân nhưng lực không có, tiền cũng không có. Cả bệnh viện chỉ có bốn máy siêu âm đang hoạt động tốt (hai máy kia thường bị trục trặc) trong khi số lượng bệnh nhân chờ siêu âm quá lớn...”.
Theo bác sĩ Minh, để giảm thời gian chờ đợi của bệnh nhân, bệnh viện tổ chức khám, siêu âm dịch vụ ngày ba ca (6g-7g30, 12g-13g và sau 16g) và làm cả thứ bảy, chủ nhật.
Thay vì thời gian này cán bộ, nhân viên bệnh viện được nghỉ ngơi về nhà, làm phòng mạch nhưng vẫn đồng ý làm thêm để phục vụ người bệnh, làm hết sức để cứu chữa bệnh nhân, với thù lao rất thấp so với làm phòng mạch hoặc hợp tác làm thêm với cơ sở tư nhân (tiền dịch vụ thu được phải đóng thuế, khấu hao máy móc, bổ sung kinh phí hoạt động bệnh viện 75%, phần còn lại là thù lao làm thêm cho cán bộ, nhân viên - PV).
(Theo Tuổi trẻ) MINH MẪN - THANH HÀ

Giá khám và điều trị BHYT và dịch vụ tại Bệnh viện Ung bướu TP
(Đơn vị: đồng)
*Theo Bệnh viện Ung bướu TP, nếu những mục khám chữa bệnh có giá dưới 175.000 đồng thì cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán 100%. Trường hợp những mục khám chữa bệnh có giá trên 175.000 đồng thì bệnh nhân được cơ quan bảo hiểm xã hội thanh toán tùy theo họ là đối tượng nào.

Không đồng tình đẩy bệnh nhân BHYT qua dịch vụ
“Bảo hiểm xã hội TP.HCM có biết bệnh nhân BHYT đến Bệnh viện Ung bướu TP phải đóng thêm tiền dịch vụ mới được siêu âm trong ngày và được uống đồng vị phóng xạ sớm? Trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội TP trong việc bảo vệ quyền lợi của người tham gia BHYT thế nào?”.
Trả lời câu hỏi này của chúng tôi, bà Lưu Thị Thanh Huyền - phó giám đốc Bảo hiểm xã hội TP - nói: “Dù hết sức chia sẻ với sự quá tải của Bệnh viện Ung bướu, nhưng chúng tôi không thể nào đồng tình với việc đẩy bệnh nhân BHYT sang dịch vụ để bệnh nhân phải đóng thêm tiền chênh lệch”.
Theo bà Huyền, ai cũng biết bệnh nhân ung thư phải tốn kém rất nhiều chi phí, không phải chỉ tiền điều trị bệnh mà còn cả tiền đi lại, ăn ở. Do vậy, bà Huyền cho rằng dù có khó khăn, quá tải, bệnh viện cũng không nên thu thêm dịch vụ mà nên triển khai siêu âm BHYT rộng rãi hơn nữa. Trường hợp người bệnh tự nguyện khám, chữa bệnh dịch vụ thì cũng nên minh bạch và giải thích rõ ràng với bệnh nhân. Nếu bệnh nhân không đồng ý dùng dịch vụ thì bệnh viện có thể chuyển bệnh nhân đến bệnh viện khác có điều kiện phục vụ người bệnh.
“Chúng tôi sẽ làm việc với bệnh viện để tìm hiểu vì sao bệnh nhân BHYT không có đồng vị phóng xạ để uống, bị vướng ở chỗ nào. Nếu bệnh viện thiếu máy siêu âm, có thể chuyển bệnh nhân BHYT đến bệnh viện xung quanh vì không chỉ có Bệnh viện Ung bướu mới có thể phát hiện và theo dõi được di căn ung thư” - bà Huyền nói.
L.TH.H.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét