Thứ Hai, 25 tháng 11, 2013

14:36

 Điều hành chính sách tiền tệ:

Chớ ngủ quên trên chiến thắng bước đầu
(PetroTimes) - Chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong thời gian qua đã phát huy hiệu quả, tuy nhiên, không thể chủ quan trước những thách thức có thể đe dọa đến mục tiêu đã được đặt ra. Mới đây, NHNN đã tổ chức buổi tọa đàm “Nhìn lại điều hành chính sách của NHNN 2011-2013, những kết quả và thách thức” nhằm đánh giá về khó khăn, thách thức đối với nền tài chính tiền tệ trong khủng hoảng kinh tế.
Kết quả lớn…
Xung quanh câu chuyện về chính sách đấu thầu vàng của NHNN, có ý kiến cho rằng: Nhà nước độc quyền đấu thầu khiến nhiều doanh nghiệp kinh doanh vàng không còn đất sống. Tuy nhiên, PGS.TS Tô Kim Ngọc - Phó giám đốc Học viện Ngân hàng khẳng định: Tại thời điểm đó, việc đóng cửa trạng thái vàng và liên tục đấu thầu vàng là giải pháp đúng của Chính phủ.
Theo vị này, tại tam giác tiền tệ (dự trữ ngoại hối; cung tiền; tỷ giá và thanh khoản) của các ngân hàng thương mại (NHTM) đã thấy rõ những căng thẳng về ngân sách. Vì vậy, NHNN phải tập trung giải quyết những vấn đề tồn đọng này là điều không phải bàn cãi.
Với nhiều nỗ lực và quyết liệt về chính sách, đến thời điểm hiện tại, tín dụng trong hệ thống ngân hàng đã được cải thiện, tăng trưởng đạt mức không quá thấp; tỷ giá, ngoại hối ổn định; lạm phát, nợ xấu kỳ vọng được kiểm soát... Tuy nhiên, hiện có khoảng 90% hợp đồng tiền gửi có thời hạn dưới 1 năm. Điều này cho thấy nguồn vốn của hệ thống ngân hàng mới chỉ đạt ở mức ngắn hạn và trung hạn. Thanh khoản và vấn đề về nợ xấu, tái cấu trúc vẫn còn nhiều vướng mắc.
 
Chính sách tiền tệ tuy đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn chưa qua hết thách thức
“Vai trò của NHNN đã phủ đầy các lĩnh vực, nhưng nếu không biết cách quản lý thì một số vai trò sẽ không phát huy tác dụng”, bà Ngọc nói.
Theo Phó giám đốc Học viện Ngân hàng, nhiều bất cập sẽ không được giải quyết nếu NHNN vẫn áp dụng chính sách tài khóa cũ, nhất là đối với vấn đề nợ công.
“Công ty Quản lý tài sản của các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC) được thành lập để xử lý nợ xấu. Nhưng thực tế, VAMC vốn ít, không có hỗ trợ từ ngân sách, không có nguồn vốn bên ngoài nên dù nó có thể phát hành trái phiếu đặc biệt, nhưng vấn đề là Chính phủ sẽ dùng nguồn ngân sách nào để mua trái phiếu?”, bà Ngọc băn khoăn.
Chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa nhận định, để đánh giá đúng vai trò của NHNN, chúng ta phải nhìn lại thời điểm khủng hoảng trước đó của ngành tài chính tiền tệ. Năm 2011, tỷ lệ nợ xấu nhiều, lãi suất tăng cao, thị trường bất động sản giảm mạnh, doanh nghiệp cũng vay mạnh, Nhà nước đã dùng khoảng 5 tỉ USD để mua vàng, dùng vàng như một phương tiện kinh doanh. Đến năm 2013, qua nhiều chính sách về chấm dứt đôla hóa và vàng hóa, thị trường ngoại hối đã được ổn định, tình trạng vàng hóa được chấm dứt, lạm phát của hệ thống ngân hàng đã ở mức chấp nhận được, khoảng 6-7%. Tỷ giá hối đoái VND được đánh giá là ổn định nhất trong khu vực nên Việt Nam vẫn là môi trường kinh doanh thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài…
Một trong những thành quả trong việc điều hành chính sách tiền tệ được Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết, đó là: mức chênh lệch lãi suất đã được thu hẹp đáng kể. Lãi suất cho vay phổ biến đối với 5 lĩnh vực ưu tiên (nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao) ở mức 7-9%/năm.
Bên cạnh đó, lãi suất cho vay trong lĩnh vực sản xuất kinh doanh khác ở các khối NHTM Nhà nước là 9-10,5%/năm; mức lãi suất cho vay cùng lĩnh vực này ở khối NHTM cổ phần chỉ nhỉnh hơn với lãi suất 9,5-11,5%/năm, thậm chí 6,5-7%/năm với doanh nghiệp làm ăn tốt.
Cũng về vấn đề này, nhiều chuyên gia đánh giá, ngân hàng đã bớt “ăn lãi” hơn nhiều so với trước đây. Ông Trương Văn Phước, Phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia cho rằng: Sau khi trừ chi phí hành chính, trả lương cho nhân viên, chi phí quản lý và một số chi phí khác thì ngân hàng chỉ lãi khoảng 1,8%/năm, lãi của hệ thống ngân hàng thực tế không lớn như nhiều người nghĩ.
Theo TS Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright, nếu như năm 2011, thanh khoản của các ngân hàng gặp khó khăn thì đến nay đã được cải thiện đáng kể.
“Mức lãi suất tuyệt đối trên thị trường liên ngân hàng đã giảm xuống, những đợt căng thẳng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng và cuộc chạy đua lãi suất huy động giữa các ngân hàng đã không còn nữa. Đồng thời việc chênh lệch lãi suất cao nhất và thấp nhất khi huy động tiền gửi của dân cư đã giảm xuống đáng kể. Điều này chứng tỏ thanh khoản của hệ thống tín dụng đã ổn định”, ông Thành nói.
Thách thức không nhỏ
Tuy đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng thị trường tiền tệ vẫn luôn xuất hiện những thách thức lớn. Các chuyên gia kinh tế lên tiếng, để khôi phục đà tăng trưởng từ mức 5% - mức đáy, lên 8% là rất khó khăn. Hàng loạt chính sách hỗ trợ đều phải thông qua đầu mối là NHNN. Nếu NHNN đi chệch hướng “một chút”, nguy cơ lạm phát sẽ bùng nổ. Hệ thống liên ngân hàng đang chịu sự chênh lệch lãi suất đầu vào và đầu ra, mặc dù lãi suất tiền gửi giảm không nhiều, nhưng lãi suất cho vay giảm mạnh sẽ làm mất thanh khoản trong hệ thống…
Nhận định về thách thức của thị trường tài chính, ông Trương Văn Phước cho rằng: dù đã đạt được một số kết quả tốt, song chúng ta không nên quá vui mừng vì chiến thắng. Bởi “con ngựa bất kham” khủng hoảng tài chính chưa bao giờ có ý thức dừng lại.
“Chúng ta luôn bàn về quá khứ rất hay, nhưng không có hoạch định cụ thể cho tương lai. Với thực tế lợi nhuận của các NHTM thấp, cổ đông điêu đứng, vốn mất, nếu tiến hành tái cấu trúc, mỗi NHTM sẽ có 1.000-2.000 người có nguy cơ bị đẩy ra đường. Vì vậy, ngoài quan tâm đến tái cơ cấu, chúng ta cần quan tâm đến tái cấp vốn cho các NHTM”, ông Phước gợi ý. “Bên cạnh đó, NHNN cần tiến tới gỡ bỏ vàng, tiếp tục chính sách chống đôla hóa. Với bước đi tỷ giá, chỉ cần tính sai một bước là đổ vỡ”.
Đại diện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, TS Đào Lê Minh cho biết, 2 năm qua, chính sách tỷ giá đã góp phần giúp cán cân vãng lai từ thâm hụt tiến tới thặng dư, với khoảng 5 tỉ USD, tương đương khoảng 2% GDP vào cuối quý II/2013. Tỷ giá và thị trường ngoại hối ổn định hạn chế tác động tới lạm phát, làm tăng dự trữ ngoại hối, củng cố niềm tin vào tiền đồng...
“Tuy nhiên, cũng cần phải nhìn nhận một hạn chế, đó là mục tiêu đảm bảo cân bằng nội - ngoại chưa đạt, dù tỷ lệ lạm phát giảm nhưng diễn biến tỷ giá chưa thực sự phản ánh được sự ổn định của đồng nội tệ. Xu hướng tỷ giá tăng, sức ép giảm giá đồng Việt Nam lớn sẽ gây bất ổn thị trường ngoại hối và làm suy giảm dòng vốn đầu tư nước ngoài nói chung và dòng vốn đầu tư gián tiếp trên thị trường chứng khoán nói riêng. Bên cạnh đó, việc chưa hoàn thiện chính sách tỷ giá còn được phản ánh ở việc duy trì chế độ tỷ giá neo USD với biên độ hẹp trong một thời gian dài, trong điều kiện dự trữ ngoại hối mỏng, thị trường ngoại hối chưa phát triển và thiếu công cụ phòng ngừa rủi ro tỷ giá, lãi suất chưa thực sự khách quan và chính sách tỷ giá còn dựa nhiều vào công cụ phá giá nội tệ”, TS Minh nhận định.
Nhận định thách thức trong thời gian tới của NHNN còn rất lớn, Phó thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết: Mục tiêu trước mắt là phải kiên định chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát ở mức 7%. NHNN phải đặt mục tiêu đồng bộ và nhất quán trong điều hành và sử dụng các công cụ của mình; kiến nghị Chính phủ phát triển đồng bộ thị trường chứng khoán, bất động sản, thị trường mua bán nợ, thế chấp, tín chấp… nhằm khôi phục và phát triển kinh tế.
(Theo Petrotimes) Thảo Nguyên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét